Jan 28, 2011

5 lưu ý khi dùng nồi nước xông

Việc xông lá không đúng cách, có thể gây ra những nguy hại đối với sức khỏe.

Xông lá là phương pháp chữa cảm dân gian và được xem như một phương pháp điều trị bệnh hữu hiệu. Việc xông lá không đúng cách, có thể gây ra những nguy hại đối với sức khỏe.

Thường ngày trong nhân dân nhất là những người ở vùng nông thôn, miền núi có thói quen mỗi khi cơ thể mệt mỏi, cảm cúm thường lấy lá nấu nồi nước để xông.

Tác dụng dược lý

Nồi xông giải cảm kết hợp tác dụng vật lý của hơi nước nóng và tác dụng dược lý của các chất bay hơi chứa trong dược thảo kéo theo hơi nước. Hơi nước nóng làm giãn mạch ngoại biên, lượng máu được tăng cường. Kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, đào thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài.

Tinh dầu và các chất bay hơi chứa trong thảo dược được kéo theo hơi nước. Chúng qua niêm mạc mắt, mũi, tai, da, làm thông các ống dẫn mắt, mũi, tai và các xoang, làm giảm stress, kích thích thần kinh, giảm mệt mỏi, ù tai, ngạt mũi, nhức đầu rất hiệu quả.

Trong tất cả các loại cảm như cảm lạnh, ... Theo quan điểm của y học cổ truyền gọi là ngoại cảm phong nhiệt và ngoại cảm phong hàn, dân gian gọi là cảm lạnh hoặc cảm tà thì điều trị bằng phương pháp xông lá rất hiệu quả.

Xông khi nào?

Xông lá có tác dụng làm người bệnh nhanh khỏi, nhưng không phải lúc nào cũng xông được. Chỉ nên điều trị xông lá trong khoảng từ 1- 2 ngày đầu khi nhiễm lạnh. Vì khi người bệnh bị nhiễm khí độc, gió độc đang nằm dưới da nên phương pháp xông sẽ có tác dụng mở lối cho khí độc thoát ra ngoài. Khoảng từ ngày thứ 3 trở lên người cảm lạnh đã bị nhiễm tà khí sâu vào trong lúc đó không nên xông mà phải dùng các phương pháp khác.

Dược liệu xông

Theo quan niệm y học cổ truyền những vị thuốc có sẵn trong thiên nhiên có tác dụng chữa bệnh cảm cúm, chữa cảm mạo giảm đau... Lá tre khoảng 40-50g; kinh giới 40-50g (nếu là hoa thì dùng 10-15g); hoắc hương, tía tô, lá chanh, lá long não, cây cứt lợn mỗi loại 30-40g, tỏi 2-3 củ, địa liền tươi 20-30g, lá xả (hoặc cả cây). Cho dược liệu vào nồi, đổ nước, đun sôi kỹ đến khi có mùi thơm.

Phương pháp xông

Khi đã nấu dược liệu sôi có mùi thơm thì mang vào nhà tắm, dùng vải trùm kín người hoặc đầu, mở hé dần vung nồi dược liệu để bay hơi vào người. Thời gian xông 5-15 phút, khi nào mồ hôi ra đều toàn thân thì dừng xông.

Sau xông hơi thì lau khô bằng khăn ấm, ẩm, rồi lau bằng khăn khô, thay quần áo sạch; sau đó nên ăn 1 bát cháo hành hoặc uống nước ấm hoặc thuốc, nghỉ ngơi, đảm bảo thoáng về mùa hè, ấm về mùa đông...

Đặc biệt, trong lúc xông phải lưu ý tránh nhiệt độ tăng đột ngột. Cần mở nồi xông he hé, từ từ và kiểm soát lượng mồ hôi để tránh tình trạng cơ thể bị mất nước. Khi cơ thể bị mất nước sẽ dẫn đến một loạt những triệu chứng sốc khác mà cơ thể không thể kiểm soát được như trụy tim mạch, tụt huyết áp...

Khuyến cáo của Đông y

Những người bị một số bệnh tuyệt đối không được áp dụng các biện pháp xông như: bệnh huyết áp, tim mạch, mắc bệnh ngoài da, phụ nữ mang thai, những người hay ra mồ hôi, mất máu nhiều, mới ốm dậy thể trạng còn yếu, người cao tuổi, trẻ em, người có biểu hiện tâm thần...
Tuy nhiên, nếu không hiểu rõ tình trạng sức khỏe cũng như tác dụng của việc xông lá, người bệnh có thể phạm một số sai lầm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Không hiếm người phải đi cấp cứu, thậm chí tử vong vì xông lá, xông hơi trong khi cơ thể quá suy nhược, hoặc sau khi uống rượu...

Các chuyên gia Đông y khuyến cáo "Nếu cảm cúm, đau mỏi nên đến các cơ sở uy tín để trị liệu xông hơi bằng lá thuốc và có sự kiểm tra, tư vấn của bác sĩ. Cần làm sạch cơ thể trước khi vào phòng xông, không nên tắm ngay sau khi xông vì lỗ chân lông đang hở nếu gặp lạnh sẽ bít lại không thoát được nước dẫn đến dễ bị cảm, máu huyết lưu thông chậm.
Chỉ nên để nhiệt độ xông cao hơn nhiệt độ cơ thể từ 7 - 8oC và không được quá 30 phút. Trong quá trình xông nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng, bủn rủn... cần ngừng ngay, trường hợp nguy cấp phải đưa tới bệnh viện để cấp cứu".

Theo Sức khỏe và đời sống

No comments:

Post a Comment