Jan 21, 2011

Chảy máu mũi và cách xử trí

Chảy máu mũi (hay chảy máu cam) đứng hàng đầu về tần số gặp trong chảy máu đường hô hấp trên tự phát. Theo y văn thế giới có khoảng 60% dân số chảy máu cam một lần trong đời nhưng trong đó chỉ 6% cần chăm sóc y tế.

Niêm mạc mũi rất dễ chảy máu vì có nhiều mạch máu tập trung và mạng lưới mao mạch cung cấp rất dày. Chảy máu mũi có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp hơn cả là trên 40 tuổi (chiếm 64%), do thành mạch ở độ tuổi này có sức đàn hồi kém. Số bệnh nhân chảy máu mũi trong giai đoạn chuyển mùa hè - thu, đông - xuân tăng lên đáng kể. Bởi lẽ yếu tố thời tiết, khí hậu thay đổi thất thường ảnh hưởng lớn đến một số bệnh toàn thân như tăng huyết áp, tình trạng dị ứng…hoặc rối loạn vận mạch làm tổn thương nứt nẻ niêm mạc hốc mũi gây chảy máu. Chảy máu mũi ít gây ảnh hưởng tới tính mạng nhưng gây nhiều đau đớn và phiền phức khi tiến hành cầm máu mũi.

Về nguyên nhân gây chảy máu mũi, ngoài những nguyên nhân hay gặp như tăng huyết áp, chấn thương, đặc biệt hay gặp ở trẻ em là do ngoáy mũi, viêm nhiễm tại mũi, nhiễm trùng toàn thân (sốt do virut, viêm gan mạn tính, tiểu đường, suy thận…) thì chảy máu mũi không rõ nguyên nhân chiếm tỷ lệ lớn nhất. Đây là loại chảy máu mũi tự nhiên, lượng máu chảy ít, tự cầm, hay tái diễn, thường xảy ra khi gắng sức hoặc đi ngoài trời nắng.

Chính vì thế trước một người chảy máu mũi nên biết cách cầm máu trước, khi ổn định mới tiến hành tìm hiểu nguyên nhân. Tại nhà, nếu chảy máu mũi nhẹ: máu chảy nhỏ giọt ra phía trước của mũi, số lượng ít nên để người bệnh ngồi cúi về trước, dùng ngón cái và ngón trỏ bóp chặt hai cánh mũi trong 10 phút, máu có thể cầm. Ở những nơi có sẵn lá nhọ nồi hay lá chuối non có thể giã nhỏ rồi nhét vào bên mũi chảy máu.

Nếu máu vẫn tiếp tục chảy nhiều ra trước mũi và xuống dưới miệng (phải nhớ rằng luôn luôn đùn ra trước miệng) thì tuyệt đối không được nuốt máu vào bụng tránh chướng bụng và những chất độc do máu phân huỷ tạo thành, cho uống thuốc an thần như seduxen (nếu có). Nếu ở xa trung tâm y tế có thể tự tìm đoạn vải dài, sạch ấn sâu vào trong hốc mũi chảy máu rồi khẩn trương vận chuyển người bệnh đến trung tâm y tế gần nhất để cầm máu và tìm nguyên nhân để điều trị.

Chảy máu mũi rất hay tái phát, do vậy để phòng tránh, bệnh nhân cần thực hiện đúng hướng dẫn của thầy thuốc như: tiếp tục điều trị những viêm nhiễm tại mũi, khám và điều trị theo các chuyên khoa khác đã được xác định là nguyên nhân gây ra chảy máu mũi.

* *
*

Nếu bị chảy máu mũi, bệnh nhân không nên nằm, không được xì mũi mạnh vài giờ sau đó. Đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay nếu hiện tượng này kéo dài 15-20 phút (dù đã được xử lý) hoặc đã ngừng nhưng sau đó xuất hiện trở lại.

Chảy máu mũi là tình trạng chảy máu từ niêm mạc lót trong hốc mũi; nguyên nhân chủ yếu là chấn thương (khi ngoáy hoặc xì mũi mạnh, đụng, đập trực tiếp vào mũi). Hiện tượng này cũng có thể xảy ra khi mũi bị kích thích bởi hóa chất hoặc khi không khí quá khô. Chảy máu mũi tái đi tái lại có thể là triệu chứng của một bệnh lý nào đó như cao huyết áp, uống nhiều aspirin hoặc thuốc chống đông máu, viêm mũi dị ứng, rối loạn đông máu, u trong hốc mũi hoặc viêm xoang.

Cách xử trí:

- Trấn an và động viên bệnh nhân thở qua đường miệng.

- Để bệnh nhân ngồi xuống và cúi đầu nhẹ về phía trước để máu không chảy xuống họng. Không cho nạn nhân ngả đầu ra sau.

- Kiểm tra trong mũi nạn nhân xem có dị vật hay không. Nếu có, phải lấy ra.

- Bóp vào phần mềm của 2 cánh mũi và giữ trong khoảng 5-10 phút, đắp khăn lạnh lên sống mũi.

- Tránh ngoáy mũi hoặc xì mũi mạnh.

- Nếu hiện tượng chảy máu mũi không dừng sau 20 phút, làm lại các bước trên một lần nữa, nếu vẫn không cầm máu thì cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế. Bác sĩ sẽ chèn gạc vào hốc mũi để chặn mạch máu bị vỡ. Có thể cần phải "đốt" (dùng dụng cụ đốt hay hóa chất xử lý chỗ mạch bị vỡ để làm ngưng chảy máu) nếu hiện tượng chảy máu vẫn còn hoặc tái phát.

BS Phạm Thắng, Sức Khỏe & Đời Sống

No comments:

Post a Comment