Jan 21, 2011

Gàu và cách trị gàu

Một thống kê gần đây cho thấy, khoảng 70% dân số Việt Nam bị gàu, trong đó chiếm tỷ lệ lớn nhất là những người ở độ tuổi 20-40. Để điều trị, ngoài việc dùng các dược phẩm, hóa mỹ phẩm trị gàu, người bệnh cần có tâm lý thoải mái, giải tỏa được những căng thẳng trong đời sống.

Tác nhân chính gây ra gàu là vi nấm Pityrosporum ovale. Bình thường, loại nấm này vẫn tồn tại trên da đầu nhưng với số lượng ít và không gây hiện tượng gì. Nhưng khi da tróc nhiều, Pityrosporum ovale sẽ sinh sôi nảy nở, dẫn đến gàu và làm ngứa da đầu. Gàu cũng có thể phát sinh do người ta đội mũ quá chật, bị stress, căng thẳng tâm lý, do môi trường sống... Ngoài ra, việc dùng dầu gội đầu, dầu xả, thuốc nhuộm tóc... không phù hợp với cơ địa cũng có thể gây gàu.

Dùng dầu gội trị gàu

Các loại dầu gội đầu trị gàu thường chứa:

- Thuốc trị nấm thuộc nhóm azole (như Kétoconazole), tiêu diệt sự phát triển của các loại vi nấm trên tóc, nhất là Pytirosporum ovale.

- Các chất tiêu sừng như selenium sulfide và pyrithion, dầu cade, acid salicylic, axit trái cây (AHA) hoặc piroctone olamine, có tác dụng ngăn chặn hiện tượng sừng hóa, tróc vảy trên da đầu.

- Các chất bồi dưỡng cho da và tóc.

Xoa dầu gội một cách nhẹ nhàng lên tóc, massage da đầu rồi để 5 phút cho thuốc ngấm. Sau đó, xả kỹ tóc bằng dầu xả vì hiện tượng tróc da đầu có thể tăng lên nếu còn dư lượng dầu gội. Mỗi tuần, chỉ nên gội dầu trị gàu từ 1 đến 2 lần. Việc dùng quá thường xuyên sẽ dẫn đến hiện tượng quá tải, làm bạn ngứa thêm. Ngoài dầu gội, bồ kết cũng là loại thuốc trị gàu hữu hiệu.

Để gàu biến mất, thường phải điều trị như trên trong khoảng một tuần đến một tháng. Trường hợp gàu phát sinh do nguyên nhân biết rõ (như stress) thì thời gian điều trị phải kéo dài vì gàu dễ tái đi tái lại trên một cơ địa thuận lợi.

DS Trương Tất Thọ, NLĐ

No comments:

Post a Comment