Jan 21, 2011

Lợi ích chữa bệnh của quả vải thiều

Vải thiều là cây trồng phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là các nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam , In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin. Vải thiều có hương vị đậm đà, không chỉ là loại hoa quả ngon mà có tác dụng chữa bệnh.

Ngăn ngừa quá trình phát triển của các tế bào ung thư:

Theo hai nghiên cứu của các chuyên gia ở Đại học Zhejiang Gon Shang và Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc) cho thấy: Trong quả vải thiều chứa chất flavonoid có tác dụng rất tốt trong việc phòng ngừa nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ. Ngoài flavonoid, trong quả vải còn chứa các loại vitamin C, đây là nguồn dưỡng chất mà cơ thể không thể sản xuất được, có tác dụng giúp cơ thể ngăn ngừa bệnh ung thư, tim mạch. Ngoài ra nó còn tốt cho xương, da và các mô cơ thể giúp ngăn ngừa các chứng bệnh như cảm lạnh, sốt, viêm họng, giảm đau.

Giúp máu tuần hoàn:

Cùi quả vải có chứa nhiều hợp chất hữu ích giúp máu tuần hoàn. Trong phương pháp chữa bệnh cổ truyền của người Trung Quốc có đề cập, nếu ăn vải thường xuyên sẽ giúp máu tuần hoàn tốt, lợi tỳ, tốt cho người bệnh mới ốm dậy, suy nhược. Cùi vải khô là thuốc bổ nguyên khí có lợi cho sức khỏe phụ nữ và nhóm người cao niên. Theo nghiên cứu thì vải có tác dụng hạn chế tắc nghẽn mạch máu, phá hủy tế bào và giảm nguy cơ đột quỵ hơn 50%.

Tác dụng giảm đau:

Để giảm đau người ta dùng hạt quả vải to, bổ đôi, đồ qua nước sôi rồi phơi khô, có tác dụng giảm đau, sưng tinh hoàn, hệ thống thần kinh, dạ dầy, thoát vị bẹn, giảm sưng các tuyến trong cơ thể, lều dùng mỗi ngày 3-6 gam dưới dạng thuốc sắc. Trường hợp tinh hoàn đau có thể dùng hạt vải, vỏ quýt xanh, quả hồi, 3 thứ bằng nhau, sao vàng tán nhỏ, rây bột uống mỗi ngày 8 gam với rượu.

Chữa đau bụng:

Vải là loại quả chứa nhiều chất xơ nên có tác dụng rất tốt cho hệ thống tiêu hóa, hạn chế nguy cơ mắc bệnh táo bón, tiêu chảy. Ngoài ra có thể dùng hạt vải đốt (không cháy thành than) sau đó nghiền pha vào rượu uống (6gam/ngày) hoặc dùng vỏ quả vải, ô mai, ổi, mỗi loại 10 gam sắc uống sẽ có tác dụng chữa tiêu chảy.

Chữa đau răng:

Dùng múi vải giã nát với ô mai tạo thành cao, sau đó đắp lên vùng đau, hoặc giã nát múi vải, bổ sung hồ nếp cán thành cao dán lên mụn nhọt.

Lưu ý:

Vải là loại quả ngọt, dễ ăn, có tác dụng chữa bệnh tốt. Tuy nhiên không nên ăn quá nhiều trong một lúc, có thể gây nóng, rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể, gây hiện tượng dị ứng. Các triệu chứng thường thấy là buồn nôn, mồ hôi ra nhiều, khát, khô miệng, mệt mỏi và ở thể nặng có thể gây nhức đầu, mê man, nhất là trẻ nhỏ và nhóm người mắc bệnh tiểu đường.

Theo Khắc Nam (theo Net/HM), Báo Bắc Giang số 3037(6687), ra ngày 1-6-2010.

No comments:

Post a Comment