Jan 21, 2011

Mẹo vặt ngày Tết

1. Để măng khô mau nở và giữ được trong nhiều ngày

Hãy dùng nước vo gạo để ngâm, măng sẽ rất mau nở và khi nấu sẽ chóng nhừ.

Nếu muốn để lâu, cho măng vào nồi nước đun sôi 30 phút, để lửa nhỏ, đun tiếp một lát rồi vớt ra, cắt bỏ những chỗ già, rửa sạch. Dùng nước gạo hoặc nước sôi ngâm ăn dần. Cứ 2-3 ngày thay nước một lần. Lúc này măng sẽ mềm và rất ngon.

2. Giữ lạp xưởng được lâu

Ðể giữ lạp xưởng được lâu, bạn không nên cho vào tủ lạnh. Thay vào đó, bạn hãy chuẩn bị một cái rá hoặc hộp, khay... đặt một cốc rượu trắng vào chính giữa, rồi xếp lạp xưởng xung quanh. Hương rượu tỏa ra sẽ ngăn ruồi, muỗi, kiến rất hiệu quả, nhờ đó lạp xưởng sẽ trong và sau Tết vẫn rất thơm ngon.

3. Bảo quản bánh chưng, bánh tét

Vớt bánh chưng ra sau khi nấu chín, bạn nên rửa lại bằng nước sạch rồi ép bằng vật nặng để bánh ém chặt lại hơn. Cất bánh nơi mát và thoáng gió. Nếu sau vài ngày bánh có hiện tượng lại gạo (bánh cứng) bạn nên luộc, chiên hoặc hấp lại. Làm như thế bánh sẽ mềm trở lại.

4. Làm sao để hoa quả tươi lâu?

Cam, chanh, bưởi: Dùng vôi quét lên đầu cuống.

Dưa chuột: Lấy một cái tô đựng nước, pha chút muối nhạt, cắm phần cuống trái dưa xuống nước ngập độ 1/3 trái dưa, để nơi thoáng mát hoặc ngăn mát của tủ lạnh. Mỗi ngày nhớ thay nước một lần, đảm bảo dưa của bạn sẽ tươi cả tuần.

Táo, chuối, nấm, lê: Sẽ không biến màu nâu, nếu tưới lên một chút nước chanh.

Hồng: Ngâm quả trong nước muối trong khoảng 5 phút (không ngâm lâu vì làm biến đổi chất trong quả). Dùng vải mềm rửa sạch phần núm quả vì đây là nơi vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập vào quả gây hỏng, thối sớm. Lau khô và gói quả thật kín trong túi nilông và cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 150C.

Dưa hấu: Ngâm cả quả vào dung dịch nước muối ăn có nồng độ 15% trong nửa giờ. Lấy ra lau khô vỏ dưa và bỏ vào túi màng polyethyene bảo quản ở nơi mát.

5. Cách giữ lọ hoa tươi lâu

Cho vào lọ cắm một ít nước chè nguội.
Nghiền nát viên aspirin cho vào nửa lít nước, lắc cho tan, cắm hoa vào nước này.

Cho một ít rượu hoặc bia vào bình nước cắm hoa. Chất cồn trong rượu có thể khử trùng, tiêu diệt vi khuẩn trong lọ hoa đồng thời bổ sung một số thành phần dinh dưỡng khác làm hoa tươi lâu.

Đối với một số loại hoa như đào, mai, bạn có thể áp dụng cách đốt gốc.

6. Cách rã đông nhanh

Nếu cần phải rã đông gấp, bạn hãy đưa thực phẩm vào lò vi sóng. Cách này rất tốt vì điện trường cao tần sẽ gây nên nội ma sát trong bản thân thực phẩm, khiến thực phẩm nóng lên, tan đông nhưng không làm vỡ tế bào. Nếu không có lò vi sóng hãy dùng nước lạnh pha thêm tí muối để rã đông cho nhanh.

7. Bí quyết luộc gà cúng

Cứ mỗi lít nước cho vào 20g hành tím đã được nướng sơ, lột vỏ ngoài cùng 1 muỗng cà phê muối. Hành sẽ làm thơm nước luộc gà. Cho gà vào lúc nước nguội để da gà không bị nứt vỡ. Sau đó luộc gà trong nước sôi lăn tăn không sủi bọt.

Để tạo cho gà có màu vàng óng, trông ngon mắt, tránh tình trạng luộc xong da bị sạm, xỉn màu thì khi gà vừa chín tới, bạn vớt ra khỏi nước sôi và ngâm ngay vào thau nước sạch, lạnh. Ngâm đến khi nào thịt gà nguội hẳn mới nhấc ra để giữ màu da không bị sậm xuống. Sau đó, để thịt ráo nước một chút, dùng mỡ gà đã thắng quệt một lớp lên da, da gà sẽ có màu vàng bóng và căng mượt.

8. Khử mùi hôi tủ lạnh

Lấy 500g quýt tươi rửa sạch, lau khô và đặt nhiều nơi trong tủ lạnh.
Cắt chanh thành lát mỏng đặt vào các tầng ở tủ lạnh, mùi hôi sẽ bị hút hết.

Lấy 50g chè ướp hao đựng vào túi vải xô cho vào trong tủ lạnh, mùi hôi cũng sẽ được khử hết.

Lấy ít dấm đựng vào lọ thủy tinh mở nắp đặt trong tủ lạnh, mùi hôi cũng sẽ bay đi.

9. Làm sạch đồ gia dụng

Phích đựng nước dùng lâu cũng thường có cặn bám ruột phích, làm khả năng giữ nhiệt bị giảm. Để tẩy các cặn đó, bạn hãy rót 0,5 lít giấm đã đun nóng vào phích, đậy nắp ngâm một lúc rồi đổ đi, rửa sạch, các cặn bám trong phích sẽ bong ra hết.

Để việc rửa chén trở nên dễ dàng hơn, bạn hãy thêm vài muỗng giấm vào nước rửa chén. Giấm sẽ giúp tẩy sạch dầu mỡ nhanh hơn, đồng thời khiến chén đĩa trông sáng và sạch hơn.

Để rửa sạch những vết dơ của đồ ăn trong lò vi sóng, hãy rải một chút muối lên vết dơ khi nó vừa dính lên lò. Đợi đến khi lò nguội, dùng miếng bọt biển ấm chùi sạch.

Để làm sạch những vết ố trên ly, tách hoặc ấm nước, hãy cho vào một ít giấm và đun sôi. Giữ cho giấm sôi nhẹ khoảng 10 phút rồi rửa sạch lại bằng nước sạch.

10. Khử mùi tanh của cá

Dùng nước muối để rửa hay dùng muối hột xát lên cá hoặc ngâm cá đã làm sạch vào nước lạnh có pha ít giấm, hoặc trộn vào cá một ít hạt tiêu hay lá nguyệt quế. Như thế, khi nấu nướng, cá không còn mùi tanh.

Trước khi rán, bạn cho cá vào ngâm cùng một ít sữa bò, như vậy sẽ làm cá hết mùi tanh và tăng thêm độ tươi.

Sau khi làm sạch cá nước ngọt, bạn cho cá vào ngâm với rượu nếp khoảng 10-15 phút, sau đó tẩm bột để rán, cá sẽ thơm và hết mùi tanh của bùn.

Để khử mùi tanh ở tay sau khi làm cá, bạn chỉ cần dùng một ít kem đánh răng hay rượu trắng để rửa tay.

Ngoài ra, nếu bạn muốn đánh vẩy cá được nhanh, sạch, trước hết, cho cá vào ngâm nước lạnh có pha giấm theo tỉ lệ một lít nước với hai thìa giấm, khoảng hai giờ. Như thế, khi bạn đánh vảy, vảy cá sẽ rơi ra dễ dàng.

11. Giữ cá sống lâu

Nếu chưa kịp cho cá vào nước, có thể lấy một miếng giấy mỏng thấm nước dán vào mắt cá. Làm vậy có thể giúp chúng sống thêm được 3-4 giờ nữa. Một cách hay khác là bạn có thể nhỏ vào miệng cá 3-4 giọt rượu trắng ( cho thêm vài giọt giấm càng tốt), sau đó thả cá vào nước để nơi râm mát.

12. Để uống rượu không bị say, cần chuẩn bị trước khi đi uống rượu:
Ăn lòng trắng trứng gà: Lòng trắng giàu loại protein khiến cồn trong rượu bị kết tủa lại, từ đó giảm bớt lượng cồn hấp thu vào máu. Mặt khác, nó còn giúp tránh hiện tượng bỏng niêm mạc dạ dày do rượu.
Ăn đậu xanh hoặc uống nước vỏ đậu xanh: Đậu xanh là loại thực phẩm có khả năng phân hủy các loại độc tố rất tốt. Theo Đông y, đậu xanh bồi bổ nguyên khí, làm mát gan, giải được nhiều thứ độc.

Uống chút giấm, nước chanh đường hay ăn các loại quả chua: Các axit này có thể giúp trung hòa một số alcohol trong rượu.

13. Xử lý sau khi uống rượu say

Bạn tự mình phục vụ hoặc nếu quá say thì nhờ người nhà áp dụng một số biện pháp đơn giản sau:

Rau cần một nắm rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước cốt, pha chút đường uống từ từ. Nước cốt rau cần không chỉ làm tỉnh rượu mà còn giúp người say không bị đau đầu váng vất sau khi tỉnh.

Lá dong (dùng để gói bánh chưng) 100-200 g, rửa thật sạch, giã nát vắt lấy nước cốt pha đường uống.

Trà búp 5 g, quất khô (có thể dùng mứt quất hoặc quất tươi cũng được) 16 g, thái vụn. Hai thứ hãm với nước sôi uống.

Pha một cốc bột sắn dây có vắt chanh để uống, một lúc sau sẽ tỉnh táo trở lại. Sắn dây cũng giúp cho gan tham gia đào thải độc tố.

Giã nát một ít củ cải trắng, vắt lấy nước cốt, thêm chút đường rồi uống làm nhiều lần.

Ăn các sản phẩm chế từ đậu xanh (khoảng 10-30 g), hoặc giã 5-10 g đậu xanh cả vỏ, pha đường uống.

Giấm ăn 60 g, đường 15 g, gừng 3 lát, giã nát, hòa lẫn với nhau rồi uống.

Chanh tươi một quả, vắt nước cho uống hoặc thái mỏng ăn cả quả càng tốt.

Vỏ quýt phơi khô (để lâu năm càng tốt) 30 g, có thể sao thơm; mơ chua 2 quả, cho vào khỏang 300 ml nước, sắc nhỏ lửa 20-30 phút rồi uống, thêm chút nước gừng hoặc trà gừng thì càng tốt.

Các biện pháp trên chỉ có tác dụng giảm bớt phần nào tác hại của rượu. Điều quan trọng nhất là bạn cần biết làm chủ bản thân để không uống quá nhiều.

14. Thịt đông

Thịt đông nếu nấu đúng cách thì không phải bỏ vào tủ lạnh mới đông. Ngay cả ở miền Nam, thời tiết se lạnh, món thịt đông đã đông cứng. Muốn như thế phải đảm bảo đủ lượng bì trong thịt (khoảng 1/3 so với thịt). Nấu cho bì nhừ ra nhựa thì sẽ tạo phần thạch trong thịt đông và thịt sẽ có độ kết dính tốt. Nấu thịt đông mà thêm một phần thịt gà thì cũng dễ đông hơn.

Có thể thấy rõ khi luộc thịt gà, nước từ thịt gà luộc ra để ngoài trời cũng tự đông lại tương tự thịt đông. Thịt đông khi nấu phải để lửa vừa và thời gian nấu phải dài để thịt ra nhựa , đồng thời nước thịt khi đông lại sẽ trong chứ không đục. Khi luộc thịt xong lần đầu không tận dụng nước luộc thịt đó để nấu thịt đông, vì như thế thịt sẽ không trong. Khi nấu nhớ vớt bọt liên tục, nước thịt đông sẽ trong hơn.

15. Thịt kho tàu

Muốn cho thịt mỡ trong, nhừ mà không nát thì ngay sau khi rửa thịt ể ráo, bạn ướp thịt với đường, xóc cho đều để khoáng 20 phút - 30 phút rồi mới ướp nước mắm và các gia vị khác. Ướp đường trước như thế phần thịt nạc sẽ luôn có màu hồng đẹp mắt, dù có hâm tới, hâm lùi hiều lần, thịt cũng không bị đen. Phần thịt mỡ sẽ trong, nhừ mà vẫn không bị nát, khi ăn sẽ tan ra trong miệng ăn rất ngon.

Tuyệt đối không cho nước màu khi nấu món này. Cũng không dùng nước để hầm thịt mà phải dùng nước dừa tươi, khi kho nước dừa sẽ tạo nước vàng rất đẹp. Còn trứng thì rửa thật sạch, luộc rồi bỏ cả vỏ cho vào nồi kho cùng với thịt, ăn tới đâu lột bỏ vỏ tới đó, lòng trắng không bị cứng và đen vì hâm nhiều lần mà trứng vẫn thấm rất ngon.

16. Giò xào

Làm giò thủ thì khi đổ khuôn, bạn phải ép thật kỹ cho thịt sát vào nhau không có khoảng trống và ra hết mỡ. Nếu không có khuôn, bạn có thể dùng các vật dùng có sẵn trong nhà như lon nhựa đựng nước suối cũ.
Một cách rất hay là bạn dùng cặp lồng, đặt hai sợi ni -lon hoặc sợi lạt đan chéo dưới đáy, lót lá rong hoặc lá chuối lên rồi xúc giò nóng đổ vào. Ép thật chặt, buộc 4 sợi dây lạt lại, để nguội rồi cho vào tủ lạnh. Khi cần ăn thì nắm lấy đầu sợi lạt còn dư tút lên, xắt ra sẽ đẹp như có khuôn.

Hương Quê

No comments:

Post a Comment