Feb 11, 2011

Bệnh lý ở da do tuyến bài tiết

Trên da của chúng ta có hai loại tuyến bài tiết: tuyến bài tiết mồ hôi và tuyến bài tiết chất bã. Nhiệm vụ của tuyến bài tiết là giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể, bài tiết chất bã, bảo vệ da... Tuy nhiên bên cạnh lợi ích đem lại thì ở một số người, chính sự bài tiết này có khi lại gây ra một số bệnh lý ở da.

1. Bệnh da do tuyến mồ hôi

Cấu trúc của tuyến mồ hôi gồm có hai phần:

- Phần cuộn: nằm sâu ở lớp bì của da.

- Phần ống dẫn: đổ ra ngoài da.

Có hai loại tuyến mồ hôi là: tuyến mồ hôi nước và tuyến mồ hôi dầu.

Tuyến mồ hôi nước là loại tuyến có ở khắp nơi trên da, ngoại trừ niêm mạc. Sự hoạt động bài tiết tùy thuộc hệ thần kinh giao cảm và tùy theo nhân chủng, giới, cá thể, khí hậu, quần áo đang mặc... Vai trò của mồ hôi nước là giúp giảm nhiệt độ cơ thể, bài tiết chất độc và giữ pH của da từ 4,5 đến 5,5.

Một số bệnh da do tuyến mồ hôi nước:

- Tăng tiết mồ hôi, chia làm hai loại, tăng tiết toàn thân hoặc đối xứng. Bệnh do nhiều nguyên nhân, do rối loạn điều hòa nhiệt độ như sốt, nhiễm khuẩn (sốt rét, lao), nhiễm độc rượu; do tâm thần kinh, bị cảm xúc mạnh, căng thẳng, tuổi mãn kinh; do béo phì.

Tác hại của sự tăng tiết mồ hôi toàn thân là gây ngứa ngáy, trở ngại cho sinh hoạt lao động, gây nhiễm khuẩn da... Tăng tiết không đối xứng thường do tổn thương thần kinh giao cảm một bên.

Bạn nên tránh để thần kinh bị căng thẳng, không nên lo lắng nhiều. Có thể sử dụng thuốc an thần như Atropin hoặc dùng phương pháp phá hạch thần kinh giao cảm.

- Rôm sảy: Do ứ đọng mồ hôi trong ống bài tiết mồ hôi. Có hai loại rôm. Rôm trong là do tắc phần ngoài của ống dẫn mồ hôi. Triệu chứng thường thấy là nổi nhiều mụn nước dưới lớp sừng của da, thường gặp vùng thân mình, ít khó chịu. Rôm đỏ là do tắc và viêm đoạn ống dẫn bên trong. Biểu hiện là nổi sẩn đỏ cứng ở thân mình, nếp gấp, cổ, mông, nách, mặt, gây ngứa ngáy khó chịu nhất là khi ở trong môi trường nóng nực, ra nhiều mồ hôi.

Tiến triển của bệnh tùy thuộc vào yếu tố môi trường. Nhiều trường hợp có thể nhiễm khuẩn gây chốc nhọt. Sau một thời gian cơ thể có thể thích nghi, bệnh tự khỏi. Để phòng tránh, nên tránh môi trường nóng nực làm ra nhiều mồ hôi, mặc áo quần thoáng mát. Tắm rửa bằng thuốc tím pha loãng màu hồng, Lactacyd BB, nước nấu khổ qua. Tránh chà sát mạnh khi tắm. Nếu ngứa, khó chịu, hãy rắc bột Talc hút bớt mồ hôi, giúp da thoáng mát. Hạn chế chất ngọt.

Tuyến mồ hôi nhờn là loại tuyến tập trung ở vùng nách, hậu môn, vùng sinh dục, ống tai ngoài, quanh rốn. Miệng ống đổ vào phần trên của tuyến bã rồi ra ngoài. Hoạt động mạnh vào tuổi dậy thì, yếu dần ở tuổi già. Mồ hôi tiết ra đặc hơn. Vi khuẩn bên ngoài làm thay đổi tính chất của mồ hôi nhờn.

Một số bệnh da do tuyến mồ hôi nhờn:

- Mồ hôi nặng mùi: Bình thường mồ hôi không có mùi nhưng do một số chất từ bên ngoài đưa vào trong cơ thể sau đó thoát ra ở vùng mồ hôi nhờn, gây ra mùi, ví dụ như: tỏi, sầu riêng, thuốc Arsenic... Một số vi khuẩn cũng có tác động vào chỗ bài tiết mồ hôi nhờn để gây ra mùi cụ thể, nhất là mồ hôi nách, gây ra sự khó chịu cho chính người bị và người xung quanh.

Vì vậy, tốt nhất là sinh hoạt trong môi trường thoáng mát. Mặc quần áo có chất Coton. Vệ sinh da thường xuyên bằng loại xà bông khử khuẩn, Lactacyd BB. Tránh thức ăn tạo mùi như gia vị, tỏi, hành, sầu riêng. Ngoài ra, có thể giảm tiết mồ hôi bằng cách bôi mỹ phẩm vừa có tác dụng giảm tiết mồ hôi, vừa khử mùi hoặc rắc bột phèn chua.

- Bệnh mồ hôi màu gặp ở khoảng 10% người lớn, do vi khuẩn CORYNEBACTERIUM biến đổi mồ hôi nhờn thành màu vàng, xanh lơ, xanh lá cây, thấy rõ khi dính trên vải trắng.

Cách xử trí rất đơn giản, chỉ cần giữ cho da luôn được thoáng mát. Rửa Lactacyd BB giúp làm sạch da và kháng khuẩn.

- Bệnh Fox-Fordyce: Gặp chủ yếu ở phụ nữ sau tuổi dậy thì. Triệu chứng là nổi những sẩn màu ở nách, quanh đầu vú, vùng sinh môn do miệng ống bài tiết bị bít. Bệnh kéo dài rất lâu. Điều trị thường ít kết quả, uống thuốc ngừa thai có khi có hiệu quả.

2. Bệnh da do tuyến bã nhờn

Tuyến bã phân bố gần khắp cơ thể, tập trung nhiều ở mặt, ngực. Tuyến bã cùng các nang lông tạo thành hệ thống nang lông – tuyến bã.

Tuyến bã tiết ra chất nhờn như acid béo, Cholesterol, nước. Sự bài tiết chất bã chịu ảnh hưởng của tuyến nội tiết Androgen, kích thước tuyến bã, thức ăn, tuổi, di truyền.

Chất bã giúp da mềm mại, duy trì độ ẩm. Tuy nhiên khi tạo ra nhiều chất bã thì làn da lúc nào cũng bóng nhờn trông không được đẹp.

Một số bệnh da do tuyến bã nhờn

- Viêm da tuyến bã, là bệnh gây ra do sự gia tăng bài tiết chất bã ở vùng mặt, ngực, giữa lưng. Thường khi bị nhiễm thêm vi nấm có tên: Pityrosporum ovale thì có thể gây ra bệnh viêm da tiết bã. Triệu chứng là nổi mảng đỏ đối xứng ở hai bên má, trán, ngực, có khi gặp ở giữa lưng trên. Đôi khi có vảy, da thường hay bị nhờn, thỉnh thoảng ngứa nhẹ.

Để đối phó, cần giữ da sạch sẽ ở trong môi trường thoáng mát. Rửa bằng dung dịch có chất Ketoconazole, Lactacyd BB. Bôi Ketoconazole. Hạn chế chất béo, chất ngọt, rượu bia.

- Mụn hay còn gọi là trứng cá. Sự hình thành mụn là do hai yếu tố chính: Sự bít kín miệng ống bài tiết chất bã bởi chất sừng ở da được tạo ra một cách bất thường; Sự tăng tiết chất bã. Sự tăng tiết này thường gặp từ tuổi dậy thì do tác động của chất nội tiết tố sinh dục. Khi bị nhiễm trùng bên trong thì sẽ tạo thành mụn bị viêm đỏ. Khi không bị nhiễm trùng thì sẽ tạo thành mụn đầu trắng.

Việc điều trị mụn đòi hỏi sự kiên trì. Trước hết, cần giữ da sạch sẽ, rửa mặt mỗi ngày 4 – 5 lần với nước sạch, lau khô. Có thể dùng thêm sữa rửa mặt dùng cho da nhờn có mụn. Bôi thuốc trị mụn như Erythromycin, Clindamycin Tretinoin... Uống thuốc kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ, nếu cần thiết.

Việt Nam là một nước nhiệt đới, môi trường hay bị ô nhiễm, việc ăn uống và vệ sinh da thường không được chú trọng nên bệnh da do tuyến bài tiết ở da là rất thường gặp. Nếu quan tâm và biết cách phòng ngừa thì sẽ hạn chế được một số bệnh da. Trong chế độ ăn uống cần chú ý tăng hoa quả và nước lọc. Tập thể dục thường xuyên cũng là cách khơi thông các tuyến bài tiết một cách hiệu quả.

BS. Huỳnh Huy Hoàng , Chuyên khoa da liễu TP.HCM

No comments:

Post a Comment