Feb 23, 2011

Để không bị loãng xương

Theo Tổ chức Y tế thế giới, nguy cơ gãy xương do loãng xương ở phụ nữ là 30%, ở đàn ông là 17%. Trên 30% bệnh nhân bị nứt xương chậu phải có y tá chăm sóc lâu dài tại nhà. Tại Việt Nam, cứ 3 phụ nữ trên 60 tuổi thì có 1 người bị loãng xương.

20% người gãy cổ xương đùi tử vong

Là một rối loạn bất thường của xương, xảy ra ở bất kỳ xương nào, loãng xương là tình trạng xương giảm trọng lượng, mất khoáng chất, trở nên xốp, giòn và dễ gãy (nhất là tại cổ xương đùi, xương cườm tay). Loãng xương cũng làm còng lưng (đau lưng) do cột sống bị sụp.

Một bác sĩ cho biết, tại một quầy sữa có chứa canxi của một siêu thị ở TPHCM, khi được hỏi về bệnh loãng xương, trong số 20 khách hàng đang chọn sữa hầu hết đều trả lời: “Sử dụng sữa có canxi để phòng bệnh là biện pháp duy nhất”. Tất cả đều không hiểu tác hại của bệnh và cách phòng bệnh.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương là: phái nữ, tuổi cao, vóc người nhỏ bé, tiền căn gia đình có loãng xương và mãn kinh sớm (tự nhiên hoặc do cắt buồng trứng). Giáo sư Trần Ngọc Ân (Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam) cho biết, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ bệnh nhân gãy xương đùi do loãng xương cao nhất thế giới.
Gãy cổ xương đùi thường làm 20% bệnh nhân tử vong trong năm đầu tiên, 50% tàn phế trong những năm tiếp theo. Bệnh loãng xương thường không có triệu chứng cho tới khi bị gãy xương. Một bệnh nhân bị gãy xương, phải chi cho tiền thuốc ít nhất 500.000 đồng/tháng…

Bổ sung calcium mỗi ngày

Xương bị tổn thương do chế độ ăn uống thiếu các dưỡng chất quan trọng như calcium, chất đạm, vitamin D. Theo các bác sĩ dinh dưỡng, trung bình mỗi người Việt Nam tiêu thụ dưới 500mg canxi/ngày- quá ít so với tiêu chuẩn. Thói quen ăn uống của người Việt là ăn quá nhiều thịt đỏ (bò, heo…) và ăn quá ít thịt trắng (tôm, cá, mực …), các loại rau, củ, đậu đỗ và ít uống sữa, khiến mất cân bằng trong khẩu phần dinh dưỡng của bữa ăn.

Để phòng bệnh loãng xương, cần bổ sung calcium theo nhu cầu của từng lứa tuổi. Đối với trẻ em, cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng (buổi sáng) thường xuyên để cơ thể hấp thụ nhiều vitamin D, giúp phát triển chiều cao và cân nặng.

Đối với nữ giới, giai đoạn dậy thì- là thời kỳ xương phát triển ở ngưỡng cao nhất, và những giai đoạn sinh lý đặc biệt như mang thai, cho con bú, mãn kinh … việc bổ sung calcium là hết sức cần thiết. Để dự phòng loãng xương sau mãn kinh, cần có chế độ ăn uống tăng calcium từ tuổi vị thành niên; uống Estrogen thay thế nội tiết buồng trứng khi mãn kinh và thường xuyên tập thể dục...

Về chế độ dinh dưỡng, mỗi người phải biết cân đối thực đơn một cách khoa học. Hầu hết các loại hải sản đều giàu calcium. Đối với các loại thịt, cá có xương nên hầm nhừ để dùng luôn cả xương. Không nên phụ thuộc hoàn toàn vào các loại sữa có bổ sung canxi đang bày bán trên thị trường.

Kết hợp uống sữa có chứa canxi và thực phẩm bổ sung canxi trong khẩu phần ăn mỗi ngày để cân đối dưỡng chất cho cơ thể. Ngoài ra, hiện các bệnh viện lớn đều có máy đo mật độ xương, mỗi người nên tự lập kế hoạch kiểm tra xương định kỳ…

NGỌC LINH

No comments:

Post a Comment