Feb 23, 2011

Nổi mày đay (3 bài)

Bài 1. Mề đay



BS Mai Thu Ðường (Bệnh viện Da Liễu, TPHCM)

Mề đay (MÐ) là một phản ứng gây phù tại chỗ và ở ngoài da. MÐ có hình dạng không đều, kích thước cũng khác nhau: Từ sẩn đỏ bằng đầu đũa đến nổi to từng mảng đỏ, sưng phù, luôn luôn kèm theo triệu chứng ngứa. MÐ có thể nổi vào buổi sớm sau khi ngủ dậy, nổi lúc chiều tối hoặc có thể cả ngày.

Vị trí thường nổi MÐ là thân mình, mông, đùi hoặc chỗ da bị bó chặt như lưng quần, nịt vú. Có dạng đặc biệt là MÐ nổi dưới da, thường làm phù mí mắt, phù môi, phù trong cổ họng. Loại MÐ này có thể đi kèm mệt, đau bụng, đôi khi gây khó thở, chết người.


Ðặc điểm của MÐ là xuất hiện từng cơn trong vài giờ rồi biến mất. Nếu kéo dài trong vài tuần là MÐ cấp tính, nếu bệnh trên 6 tuần là MÐ mãn tính.

Nguyên nhân:

1. Thực phẩm, thức uống, gia vị: Thức ăn hay bị "đổ thừa" nhất là đồ biển như: sò, nghêu, cua, ghẹ, cá biển. Các loại sôcôla, sữa, bơ, phó mát. Nhóm thực vật là dưa gang, dưa tây, cà chua, trái dâu, kể cả hành, tỏi. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng thức ăn thông thường nhất, "lành nhất" cũng có thể gây bệnh.

2. Các chất phụ gia: Cũng là yếu tố quan trọng. Chúng có thể là chất tự nhiên như các loại men, con giấm hoặc chất hóa học dùng để bảo quản và nhuộm màu thực phẩm.

3. Thuốc men: Có rất nhiều thứ thuốc có thể gây dị ứng và nổi MÐ. Ðáng kể nhất là Penicilline rồi đến Aspirine, Sulfamides; các loại thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc trị đau nhức xương khớp, thuốc ngừa thai và còn nhiều loại khác.

4. Nhiễm trùng: Các ổ nhiễm trùng, nhiễm nấm tiềm tàng thường gây bệnh MÐ mãn tính như viêm xoang, sâu răng, nhiễm trùng đường tiểu, đường hô hấp trên như viêm mũi - họng.

5. Các loại bụi nhà, bụi phấn hoa, bụi lông thú và các loại ky sinh trùng cũng thường là nguyên nhân của MÐ mãn tính.

6. Các yếu tố xúc cảm, thay đổi nhiệt độ, áp lực cọ xát do quần áo chật bó cũng có thể làm nổi MÐ.

Phát hiện nguyên nhân:

Vì có quá nhiều nguyên nhân gây bệnh, người bệnh cần phải thật chú y mới hy vọng giúp thầy thuốc tìm ra nguyên nhân chính gây bệnh để trị tận gốc. Khi có triệu chứng phù môi, sưng mặt hoặc khó thở phải đến cơ quan y tế sớm để được cấp cứu nếu cần. Sau đây là cách phát hiện nguyên nhân trong thực phẩm ở người bị MÐ mãn tính lẫn cấp tính, bằng chế độ ăn loại trừ: Bắt đầu ăn trong 3 tuần chỉ gồm các loại không có chất dị ứng như gạo, khoai tây, cà rốt, các loại đậu, bí, bầu, thịt trừu, thịt bò, cữ rượu. Có thể uống trà, cà phê nhưng không có sữa. Nếu MÐ không xuất hiện thì ta bắt đầu ăn thêm từng món nghi ngờ. Ăn đến món nào thấy MÐ nổi lên thì đó là nguyên nhân gây bệnh phải tránh sau này và cứ như thế tiếp tục.

Bài 2. Đôi điều cần biết về chứng mày đay



Mày đay là một dạng dị ứng với những yếu tố kích thích từ nội giới hoặc ngoại giới mà cơ thể không quen, không chịu được. Đại đa số trường hợp có liên quan tới cơ địa mẫn cảm di truyền (bố mẹ, anh chị em hoặc bản thân bị hen, eczema).

Triệu chứng mày đay khá điển hình. Tổn thương biểu hiện thành từng vết sẩn có đường kính 1-2 cm hoặc thành đám sẩn to, hình dáng bất kỳ, tròn hoặc vằn vèo, ranh giới rõ, gồ lên mặt da, màu đỏ, nắn cộm. Bệnh nhân ngứa dữ dội, càng gãi càng ngứa, tổn thương mọng lên, nổi thêm nhiều đám khác. Vài giờ, vài ngày sau, các sẩn có thể lặn, không để lại di chứng gì trên da. Nhưng bệnh có xu hướng tái phát, rất thất thường, do nhiều yếu tố. Đợt nổi đầu tiên gọi là mày đay cấp; những đợt sau đó 4-8 tuần gọi là mày đay tái phát, mạn tính.

Các yếu tố gây mày đay rất đa dạng: thời tiết nóng, lạnh, ánh sáng, tỳ ép, chà xát, phấn hoa, bụi trong nhà, lông thú, dược phẩm, thức ăn (tôm, cua, mực, nhộng...), chứng táo bón, giun sán, sự suy giảm chức năng thải độc của gan thận.

Để chẩn đoán mày đay, ngoài việc dựa vào triệu chứng lâm sàng, bác sĩ còn cần hỏi tỉ mỉ về tiền sử gia đình, việc dùng thuốc, thức ăn, kể cả điều kiện và môi trường sinh hoạt lao động. Khi cần, phải xét nghiệm thêm về máu.

Đa số trường hợp mày đay là lành tính, chỉ gây ngứa ở mức độ khác nhau và ảnh hưởng ít nhiều đến trạng thái tâm thần kinh, làm bệnh nhân khó chịu, bực bội. Có trường hợp (rất hiếm gặp) mày đay cấp diễn biến theo kiểu sốc phản vệ, gây tím tái, khó thở, sốt cao, nôn mửa, đau quặn bụng, có khi dẫn tới tụt huyết áp, trụy tim mạch, đe dọa tính mạng, phải cấp cứu tích cực mới qua khỏi. Phù Quinck (một thể mày đay đặc biệt ở mặt, làm cả một vùng mặt sưng vù, cộm cứng, ngứa vừa phải) có thể gây phù nề thanh quản, khó thở. Nếu không kịp thời xử trí, chứng này có thể dẫn tới tử vong do suy hô hấp.

Khi bị mày đay, nên đi khám vì để lâu, mày đay sẽ thành mạn tính và khó chữa. Để điều trị các cơn mày đay sơ phát hoặc tái phát, có thể dùng các loại thuốc kháng histamin kèm theo thuốc an thần, hiện có rất nhiều biệt dược như: Phenergan, Peritol, Zyrtec, Claristin... Khi cần, phải dùng cả đến thuốc cocticoit (Prednisolon, Cortancyl), kết hợp kháng sinh. Có trường hợp phải kết hợp tẩy giun sán, giải quyết các ổ nhiễm khuẩn ở tai mũi họng, đại tràng nếu có. Trường hợp phù Quinck nặng hoặc mày đay kiểu sốc phản vệ phải được cấp cứu kịp thời ở bệnh viện. Bệnh nhân không nên tự động dùng thuốc.

Hằng ngày, nên hạn chế rượu, thuốc lá, cà phê, muối vì chúng làm tăng độ nhạy cảm của thần kinh trung ương và ngoại vi, tăng ngứa. Tư tưởng phải thoải mái, an tịnh, tránh quá lo lắng bi quan vì bệnh. Cố gắng chống gãi để không gây thêm tổn thương trên da. Người bị mày đay do lạnh, nên hết sức thận trọng khi đi tắm sông, tắm biển, đề phòng bị chuột rút rất nguy hiểm.

GS Nguyễn Xuân Hiền, Sức Khoẻ & Đời Sống

Bài 3. Nổi mày đay



Tác giả : BS. NGUYỄN THỊ NGỌC MỸ (Bộ môn Da liễu, ĐH. Y Dược - TPHCM)

Mày đay là một phản ứng viêm của da, có cơ chế phức tạp, trong đó có sự can thiệp của chất trung gian hóa học chính là histamin. tuy là một bệnh da phổ biến, rất dễ nhận biết nhưng lại khó phát hiện nguyên nhân dù đã làm đầy đủ các xét nghiệm.

Có nhiều yếu tố gây bệnh (bên trong, bên ngoài cơ thể, cơ địa) và trên một bệnh nhân, nhiều khi không chỉ có một mà gồm nhiều yếu tố cùng kết hợp.

DIỄN TIẾN BỆNH

Cấp tính: Xảy ra đột ngột và biến mất nhanh sau vài giờ hoặc vài ngày, hay gặp ở người trẻ và nguyên nhân thường gặp là do thức ăn hoặc thuốc.

Mạn tính: Kéo dài trên 6 tuần, đa số là tự phát (vô căn), trường hợp này phải dựa vào những nghiên cứu thật công phu, tỉ mỉ mới có thể tìm được nguyên nhân.

Thuốc chống dị ứng chỉ giải quyết được triệu chứng tạm thời. Muốn điều trị hiệu quả thì cái chính là phải tìm cho ra nguyên nhân, đôi khi không mấy dễ dàng.

CÁC DẠNG MÀY ĐAY

1. Mày đay thông thường

Bệnh bắt đầu đột ngột, rầm rộ ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể với những sẩn phù có màu hồng, đặc biệt rất ngứa và có thể hợp lại thành mảng có giới hạn rõ lan rộng khắp người. Sau vài phút hay vài giờ thì lặn mất, không để lại dấu vết. Phát ban có thể lặn ở chỗ này và nổi ở chỗ khác.

2. Phù mạch (còn gọi là phù Quincke).

Nổi ban đột ngột làm sưng to cả một vùng (mí mắt, môi, bộ phận sinh dục ngoài, niêm mạc...), cho cảm giác căng nhiều hơn ngứa, có thể kèm theo nổi mày đay. Nếu phù ở lưỡi, thanh quản, hầu sẽ gây suy hô hấp, phải xử trí cấp cứu.

3. Da vẽ nổi

Còn gọi là mày đay giả. Nếu dùng một vật đầu tù xát nhẹ lên da, vài phút sau trên mặt da sẽ nổi gồ lên một vệt màu hồng. Có thể đi kèm nổi mày đay.

4. Ngoài ra mày đay còn có những dạng khác như sẩn nhỏ, sẩn - mụn nước hay xuất huyết.

Mày đay hay phù Quincke có thể đi kèm với những triệu chứng toàn thân như sốt, đau khớp, rối loạn tiêu hóa, nhức đầu và nặng nhất là trụy tim mạch (sốc phản vệ) cần phải xử trí cấp cứu.

CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY NỔI MÀY ĐAY

1. Mày đay thông thường

a. Thức ăn: Những loại có thể gây dị ứng như sữa, trứng, cá biển, tôm cua, sò, ốc, phô mai, đồ hộp, mắm, tương, chao, sô-cô-la, rượu, bia. Các chất tạo màu thực phẩm và các chất bảo quản thực phẩm.

b. Thuốc: Có thể xảy ra ngay sau khi dùng lần đầu hoặc từ 5-10 ngày sau. Nổi mày đay đơn thuần hay có kèm với sốt, đau khớp, nổi hạch... Các thuốc thường gây dị ứng nổi mày đay là Pennicillin (nguy hiểm nhất), Aspirin, thuốc hạ nhiệt, các chất cản quang có chứa iod (trong chụp X - quang), thuốc ức chế men chuyển (điều trị cao huyết áp, suy tim), thuốc gây mê, huyết thanh, vaccin v.v...

c. Nọc độc: Ong, kiến, sâu bọ...

d. Kháng nguyên hô hấp: Rơm rạ, phấn hoa, bụi nhà, lông vũ, men mốc...

e. Nhiễm:
- Virus (viêm gan siêu vi B, C).
- Vi khuẩn (ở tai, mũi, họng; bộ phận tiêu hóa, răng, miệng, niệu sinh dục).
- Ký sinh trùng đường ruột (giun, sán, giun kim).
- Nấm (candida ở da, nội tạng).

2. Mày đay do tiếp xúc (với chất hữu cơ hay hóa học).

3. Mày đay vật lý

a. Da vẽ nổi.
b. Mày đay do vận động xúc cảm.
c. Mày đay do chèn ép, chấn động.
d. Mày đay do lạnh, nóng, nước, ánh sáng mặt trời.

4. Mày đay hệ thống
a. Bệnh chất tạo keo (luput đỏ...).
b. Viêm mạch.
c. Bệnh nội tiết (tiểu đường, cường giáp).
d. Bệnh ung thư.

5. Mày đay do di truyền

6. Mày đay tự phát (vô căn).

ĐIỀU TRỊ MÀY ĐAY

- Tốt nhất là loại bỏ yếu tố gây bệnh nếu biết.
- Tránh một số thức ăn, một số thuốc có thể gây dị ứng; Tránh các chất kích thích như gia vị, rượu, trà, cà phê...

Trong cơn cấp:

* Ăn nhẹ, giảm muối.

* Trường hợp gây ngứa, khó chịu nhiều, có thể dùng giấm thanh pha trong nước ấm (một phần giấm hai phần nước) để thoa hay tắm.

* Tránh dùng thuốc mỡ kháng histamin (phenergan) thoa vì dễ gây viêm da dị ứng. Mỡ corticoides ít hiệu quả, có thể gây một số tác dụng phụ (nhất là khi thoa trên diện tích quá lớn).

Hiện nay có một số thuốc chống dị ứng (thuốc kháng histamin) thế hệ mới không gây buồn ngủ, có thể sử dụng như:

Tên thuốc Liều dùng / ngày
Loratadine (Clarityne) 10mg x 1 viên.
Cetirizine (zyrtec) 10mg x 1 viên.
Acrivastine (Semprex) 8mg x 3 viên.
Astemizole (Hismanal) 10mg x 1 viên.

Thuốc corticoides (uống hay tiêm) chỉ nên dùng trong điều trị mày đay cấp, nặng, kèm phù thanh quản; Một số trường hợp nổi mày đay do viêm mạch, mày đay do chèn ép không đáp ứng với các thuốc kháng histamin thông thường; Không nên dùng để điều trị mày đay mạn tính tự phát.

Đối với mày đay mãn tính: vì thường có liên quan tới các bệnh lý bên trong nên bệnh nhân cần đến bác sĩ chuyên khoa khám, làm thêm các xét nghiệm cần thiết để tìm đúng nguyên nhân và có cách điều trị thích hợp.

No comments:

Post a Comment