Mar 25, 2011

Hướng dẫn cách xử trí khi động đất

Mặc dù Việt Nam không nằm trong khu vực có nguy cơ thường xuyên xảy ra động đất nhưng với những biến đổi địa chất ở vỏ Trái đất hiện nay, không thể lường trước được thảm họa động đất liệu có thể xảy ra trong tương lai hay không.

Vì vậy, tốt nhất là chúng ta phải biết cách chuẩn bị và tiên liệu mọi thứ, để có thể thoát ra ngoài mà không bị thương tích trầm trọng. Đồng thời, các bậc cha mẹ hãy lưu ý hướng dẫn kỹ năng phòng chống động đất cho con, để trẻ có thể chủ động trong mọi tình huống.

Nên nhớ, những động vật hoang dã và các con vật nuôi thường có những hành vi rất khác thường trước khi xảy ra động đất. Chúng chạy cuống cuồng lồng lộn hay tỏ ra bức bối khó chịu... Vì vậy, khi thấy có hiện tượng bất thường, phải chuẩn bị tinh thần ngay.


Nếu động đất bắt đầu xảy ra bạn cần:

- Giữ bĩnh tĩnh

- Ngay lập tức ngắt cầu dao điện, ngắt bếp gas, khóa van tự động bếp gas.

- Nhẩm trong đầu nguyên tắc “núp - che - giữ”. Thí dụ: Núp dưới một cái bàn hay một vật chắc chắn để che chỡ bản thân. Bảo vệ đôi mắt của bạn bằng cách úp mặt vào cánh tay và cứ giữ như thế cho đến khi an toàn.

- Nếu bạn đang ở trong nhà, hãy cứ ở đó, chui xuống một cái bàn, dùng tay và lưng hơi nâng nó lên và kéo rê tới sát góc tường hoặc cửa ra vào.

- Nếu đang ở trên lầu thì không chạy xuống tầng dưới hoặc lao ra ngoài khi tòa nhà đang rung chuyển, nếu không, bạn có thể bị tường đổ, hoặc các vật dụng đè lên.

- Không được ở trong nhà bếp, đó là nơi nguy hiểm khi có động đất.

- Nếu đang ở trong lớp học hoặc công sở nên núp vào gầm bàn, lấy cặp, túi xách che lên đầu.

- Nếu các bạn đang ở ngoài đường, hãy tránh xa các cao ốc, đường điện cao thế, trụ điện, ống khói... tất cả những thứ có thể ngã đổ lên người. Coi chừng các vật có thể rơi từ trên cao xuống đầu.

- Ở nơi đông người, không nên xô đẩy nhau để chạy, tránh giẫm đạp lên nhau.

- Nếu đang lái xe thì nhanh chóng và cẩn thận lái xe ra khỏi con đường, càng xa càng tốt, rồi dừng lại, ngồi trong xe, chờ cơn chấn động qua đi. Không đỗ xe trên hoặc dưới một cây cầu, dưới một cây cao, dưới đường dây điện, trụ điện, bảng quảng cáo lớn...

- Không sử dụng diêm, bật lửa, thiết bị gas, điện hoặc bất kỳ một trang thiết bị nào cho đến khi bạn biết chắc chắn không có sự rò rỉ khí đốt. Nó có thể là nguyên nhân của một vụ cháy nổ.

- Nếu bị vùi lấp, hãy dùng gạch, đá hoặc bất cứ vật gì phát ra được tiếng động để gõ cho đến khi có người nghe thấy.

Sau khi động đất bạn cần chú ý:

- Nếu đang ở trong nhà, hãy rời khỏi nhà ngay, vì có thể còn những dư chấn.

- Mang thức ăn, nước uống nếu phải di tản, một đôi giày có đế tốt để tránh gây thương tích từ những mảnh vỡ, đinh nhọn, dằm cây... Không mang theo những vật nặng.

- Cấp cứu, di tản các nạn nhân và những người chung quanh, ưu tiên cho trẻ em và những người già yếu, tàn tật.

- Nếu ngửi thấy mùi khí ga, mùi xăng dầu hay mùi các hóa chất, hãy tránh xa khu vực đó ngay.

- Cẩn thận khi mở cửa nhà kho hay tủ đựng đồ, vì có thể đồ đạc sẽ đổ ụp xuống ngay trên đầu của bạn.

- Kiểm tra những vết rạn nứt của căn nhà, đồng thời kiểm tra ống dẫn ga, đường dây điện, ống nước... nếu cần thì chính bạn hay nhờ người khác gia cố hay sửa chữa ngay.

- Lắng nghe tin tức từ radio, truyền hình để biết những thông tin hay những hướng dẫn cần thiết.

Để đối phó với động đất, cần:

Dạy cho thành viên trong gia đình cách đối phó với động đất, hướng dẫn trẻ em cách gọi cảnh sát 113, cứu hỏa 114, cấp cứu 115, cả nhà đều phải biết cách cách tắt khí ga, điện và nước. Luôn thống nhất với gia đình, nhất là trẻ em hai khu vực gia đình dự kiến sẽ tập trung sau khi cơn chấn động qua đi để các thành viên không bị lạc nhau.

- Phân công cụ thể từng người, ai sẽ mang gì khi buộc phải đi sơ tán.

- Định vị được các sở cứu hỏa, sở cảnh sát, trung tâm cấp cứu gần nhất.

Không giống như những cơn bão hay các thiên tai khác, chúng ta không bao giờ biết khi nào thì động đất sẽ xuất hiện. Tốt nhất là các bạn hãy chuẩn bị cho mình và gia đình trước khi tai họa ập đến.

Tác giả : Kim Hải (VTV)
Nguồn: http://vtc.vn/10-281083/quoc-te/tin-tuc/huong-dan-cach-xu-tri-khi-dong-dat.htm

Bổ sung thêm:

1. Một cán bộ Viện Vật lý địa cầu cho biết: Việc đi cầu thang máy khi xảy ra động đất là điều tối kỵ khi có biểu hiện xảy ra thảm họa thiên nhiên.

Khi xảy ra động đất, người dân cần tìm quanh chỗ mình có gầm bàn hay gầm giường thì nên núp dưới đó. Phải đợi cho hết rung thì mới di chuyển tới nơi lánh nạn. Khi có động đất thì gạch đá từ trên trần nhà, mái nhà rớt xuống và nếu chúng ta núp dưới gầm bàn thì tránh khỏi bị thương. Nên lưu ý là khi nhà còn bị rung chuyển thì các đồ vật, đồ đạc sẽ bị lay đổ, do đó không nên di chuyển để tránh bị những thứ này đổ vào người. Khi chúng ta đi ngủ thì phía trên đầu giường không nên để thứ gì để tránh rớt xuống.

Đăc biệt, tuyệt đối không được dùng thang máy vì khi có động đất thì hay kèm theo mất điện và nếu dùng thang máy thì sẽ bị kẹt; Cũng nên tránh xa các khu vực có cửa kính, đèn điện treo. Nghiên cứu cho thấy có khá nhiều người bị thương là do cố ra khỏi tòa nhà cao tầng ngay lập tức hoặc chạy sang các chỗ khác cùng tòa nhà. Hầu hết thương vong liên quan tới động đất do bị tường đổ, các mảnh kính bị vỡ và văng vào người...

2. Ông Đinh Quốc Văn, Phó phòng Quan sát động đất (Viện Vật lý địa cầu) xác nhận, chấn động ở Hà Nội lúc 21h tối 24/3 mạnh cấp 5. Trước đó, lúc 20h, một trận động đất 7 độ richter đã xảy ra tại khu vực biên giới Thái - Lào. Có thể trận động đất này là nguyên nhân gây dư chấn cấp 5 ở Hà Nội và cấp 6 ở Điện Biên.

No comments:

Post a Comment