Apr 6, 2011

Những bước cần làm để sinh con khỏe mạnh (2 bài)

Sinh con dị tật là nỗi ám ảnh của nhiều phụ nữ khi mang thai, nhiều người thậm chí phải bỏ con. Tuy nhiên, một số nguyên nhân gây dị tật thai nhi hoàn toàn có thể phòng tránh được, theo khuyến cáo dưới đây.

Dưới đây bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế lao động Thái Hà (Hà Nội) đưa ra lời khuyên về những việc chị em nên làm trước khi có bầu để giảm thiểu nguy cơ bị dị tật ở thai nhi:

1. Trước khi có thai

a) 3 tháng trước khi có thai

- Chị em nên tiêm phòng các bệnh như cúm, rubella, viêm gan B... vì nó có thể ảnh hưởng lên thai nhi hoặc lây nhiễm cho em bé sau khi sinh.

Thai phụ mang thai đặc biệt trong 3 tháng đầu mà bị rubella thì gần như 100% phải đình chỉ thai vì trẻ sinh ra dễ bị mù, điếc, dị tật tim, rối loạn thần kinh. Nhưng nếu giai đoạn mắc ngoài 15, 20 tuần nguy cơ thấp hơn nhiều.

Tương tự khi mẹ bị viêm gan B thì có thể truyền bệnh cho con qua nhau thai, với tỷ 20%, thậm chí đến 90% nếu cơ thể người mẹ xét nghiệm thấy có kháng nguyên HBcAg. Một khi trẻ đã bị viêm gan khi sinh thì 90% là chuyển thành viêm gan mãn tính, chỉ có một số ít hồi phục hoàn toàn.

Vì thế, trước khi quyết định có thai chị em nên đi thử máu để xem liệu cơ thể đã có miễn dịch với bệnh hay chưa. Nếu cơ thể đã có kháng thể viêm gan B và rubella thì không cần thiết phải tiêm ngừa hai loại này. Tuy nhiên cũng cần xem nồng độ kháng thể như thế nào, nếu thì thấp thì nên tiêm phòng nhắc lai. Nếu chưa có thì nên chích ngừa để phòng bệnh.

- Nếu đang sử dụng thuốc tránh thai hoặc đang đặt vòng thì dừng uống thuốc, tháo vòng...

b) 2 tháng trước khi có thai

Bạn nên tẩy giun giai đoạn này vì trong lúc có thai không nên làm việc đó. Các bác sĩ thường khuyên mọi người tẩy giun theo định kỳ 6 tháng hoặc mỗi năm một lần, với phụ nữ thì vào lúc chắc chắn chưa có thai là tốt nhất. Tuy nhiên, có nhiều chị em mang thai rồi mới phát hiện nhiễm giun ở mức cần điều trị vì nếu không sẽ có hại cho cả mẹ và con. Trong trường hợp đó, việc cho thai phụ uống thuốc tẩy giun là cần thiết.

c) 1 tháng trước khi có thai:

- Bắt đầu bổ sung viên sắt và axít folic

Sắt và acid folic giúp tạo ra hemoglobin và hồng cầu để vận chuyển oxy từ mẹ tới thai. Axít folic còn giúp chuyển hóa protein, glucid, lipit và đặc biệt tạo ra axit nucleic là nền tảng di truyền của nhân tế bào.

Khi có thai nhu cầu sắt và axít folic tăng gấp khoảng 3 lần nên ăn uống bình thường không thể cung cấp đủ được. Hơn nữa thiếu axít folic trong 3 tháng đầu của thai nghén thì thai có nguy cơ bị khuyết tật về ống thần kinh.

- Nên làm một số xét nghiệm sau: điện tim đồ, xét nghiệm một số bệnh lây qua đường máu, khám phụ khoa...

Nếu phụ nữ bị viêm nhiễm đường sinh dục trước hoặc trong thời kỳ mang thai sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập, gây viêm màng ối. Nếu không được điều trị, màng ối sẽ càng mỏng hơn, có thể bị vỡ trong bất cứ giai đoạn nào của thời kỳ thai nghén. Màng ối bị vỡ sẽ dẫn đến nguy cơ bị nhiễm trùng ối, nguy hiểm cả cho mẹ và thai nhi. Đặc biệt là vỡ ối non, rất nguy hiểm vì thai thi còn non tháng nên khó cứu sống, nuôi dưỡng.

2. Trong khi có thai

- Khám và siêu âm ít nhất 4 lần

- Xác nhận thai nằm trong buồng tử cung chưa

- Xác nhận có tim thai khi thai được 7 tuần

- Xét nghiệm vi sinh (tìm nấm, vi khuẩn lậu, giang mai...)

- Xét nghiệm nhóm máu

- Xét nghiệm sàng lọc trước sinh (lấy máu) vào tuần thứ 16-18. Hiện hơn 30 tỉnh, thành trên cả nước đã thực hiện đề án sàng lọc trước sinh. Hai đơn vị đầu mối là Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Từ Dũ.

- Siêu âm tìm dị tật của thai vào các tuần 12-22-32

- Tiêm phòng uốn ván vào tháng thứ 6 hoặc tháng thứ 7

Trước khi có thai, chị em nên đến gặp bác sĩ sản khoa để được tư vấn và làm các xét nghiệm cần thiết.

Nam Phương

Mất con vì mẹ thiếu kiến thức phòng bệnh



Kinh nguyệt không đều nên với chị Duyên (27 tuổi, ở Hà Nội) việc có bầu thực sự là phép màu nhưng rồi chị cũng không thể giữ được con. Phát hiện mình bị rubella, chị đã phải quyết định bỏ con khi thai đã được 16 tuần.

Vốn biết mình khó thụ thai nên với chị Duyên, ngày biết tin có bầu thực sự là một ngày trọng đại. Lấy chồng gần hai năm, sau bao tháng ngày chờ mong, đi khám hết chỗ nọ đến chỗ kia, chị mới mang bầu. Thế nhưng niềm vui đó chẳng kéo dài lâu, được hơn 3 tháng thì chị bị sốt, hai ngày sau thì bắt đầu phát ban toàn thân.

Đến khi đi khám thì chị nhận được tin dữ mình bị nhiễm virus rubella. Bệnh ảnh hưởng đến thai và gây dị tật, nhất là trong 3 tháng đầu. Nghe bác sĩ nói mà con tim chị như rụng rời, bao nhiêu hy vọng đều tan biến.

"Không có bầu lại là một chuyện khác, đằng này có rồi mà mình không thể giữ được. Phải bỏ đi đứa con mà bấy lâu nay mình mong ước cũng giống như cắt từng khúc ruột của mình. Nhiều lúc tôi tự nhủ hay là mình cứ đánh liều, cứ sinh con ra biết đâu con lại khỏe mạnh. Nhưng rồi tôi lại sợ sinh nó ra lỡ bị gì mà mình thì không sống cả đời với nó để chăm sóc được", chị Duyên buồn bã chia sẻ.


Chị em cần được trang bị kiến thức một cách đầy đầy đủ trước khi có bầu để tránh sinh con dị tật. Ảnh minh họa: P.N.
Cũng giống như chị Duyên, không ít thai phụ đã phải quyết định phá thai khi phát hiện mình bị rubella trong khi dịch bùng phát mạnh tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc thời gian qua. Nguy cơ trẻ sinh ra bị dị tật khi thai phụ bị nhiễm rubella trong 3 tháng đầu là rất cao, bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Lao động Thái Hà cho biết.

"Trong khi đó, biện pháp phòng hữu hiệu nhất chỉ là tiêm văcxin phòng rubella trước khi mang thai thì nhiều chị em lại quên. Không chỉ với rubella mà còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi mà các bà mẹ đều có thể phòng tránh. Chi phí đó không hề đắt, có khi chỉ bằng một hộp axit folic giá hơn chục nghìn đồng để phòng tránh dị tật ống thần kinh cho trẻ", bác sĩ Dung nói.

Trong một hội nghị khoa học được tổ chức gần đây về giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng, ông Vũ Mạnh Hà, Chủ tịch Hội đồng các dòng họ Việt Nam cho biết, tỷ lệ người bị khuyết tật tại nước đã tăng cao hơn so với những dự báo trước đây. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, tỷ lệ người bị khuyết tật là hơn 7%, khoảng 6 triệu người (trong khi dự báo trước đó chỉ khoảng 6,5%).

"Trong số này, có một tỷ lệ không nhỏ là dị tật, khuyết tật bẩm sinh. Trừ một số di chứng chiến tranh - chất độc màu da cam để lại, còn phần lớn phụ thuộc vào sức khỏe, bệnh tật và ăn uống của người phụ nữ khi mang thai", ông Hà cho biết.

Vì thế, theo các chuyên gia rất cần có một kế hoạch tổng thể tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, hướng dẫn các cặp vợ chồng kiến thức để tránh sinh con dị tật.

Theo đó, cần ghi nhớ trong 3 tháng cuối thai kỳ, thai phụ phải ăn đủ các chất béo không no, đủ đạm, sắt, iốt, kẽm... để giúp cho khối óc của trẻ hình thành tốt nhất. Lý do là các tế bào của trẻ được hình thành chủ yếu từ lúc bào thai 7 tháng cho đến khi trẻ 24 tháng tuổi. Từ đó về sau các tế bào não giảm dần về số lượng.

Bên cạnh đó, ngoài việc chăm sóc về thể lực (mẹ tăng 12 - 14 kg kể từ khi thai nghén) thì việc để người mẹ vui vẻ về tâm trí cũng quan trọng. Lý do là rối nhiễu tâm trí từ mẹ sẽ ảnh hưởng đến thể chất tinh thần của con, một điều mà nhiều người chưa chú ý, ông Hà cho biết.

Đặc biệt, để tránh dị tật cho thai nhi, trước khi mang bầu 3 tháng chị em nên đi tiêm phòng các bệnh như cúm, viêm gan B, rubella... Bắt đầu bổ sung viên sắt và axit folic để phòng tránh dị tật ống thần kinh của thai nhi một tháng trước khi có thai.

Phương Trang
Nguồn: http://vnexpress.net/gl/doi-song/2011/03/nhung-buoc-can-lam-de-sinh-con-khoe-manh/

No comments:

Post a Comment