May 27, 2011

Bà bầu khổ vì trĩ

Có bầu ở tháng thứ 5, chị Hoàn khổ sở vì 2-3 ngày mới đi tiêu được, mà mỗi lần vào toilet là ngồi khóc rưng rức vì đau.

Cùng hoàn cảnh, chị Minh (Hà Đông, Hà Nội) lúc nào cũng bứt rứt khó chịu vì có bũi trĩ sa xuống. Chị từng bị trĩ nhưng đã chữa khỏi, vậy mà khi có bầu đến tháng thứ 6, bệnh tái phát khiến chị đau đớn, khó khăn khi làm mọi việc. Sợ ảnh hưởng đến em bé, chị không dám uống thuốc gì. Gần đây, không thể chịu được nên chị mới đi khám.

Bác sĩ ngoại khoa Bùi Tiến Hưng, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, cho biết, phụ nữ có thai bị trĩ khá phổ biến.



Theo bác sĩ Hưng, bản chất búi trĩ chính là đám rối tĩnh mạch ở vùng hậu môn trực tràng. Tình trạng thai nghén, nhất là thai to cản trợ hệ thống mạch máu, làm ứ trệ tuần hoàn, khiến các búi trĩ càng giãn ra, sa xuống. Vì vậy khi bầu bí, chị em dễ bị trĩ, còn nếu đã mắc từ trước thì quá trình thai nghén cũng khiến bệnh nặng thêm.

Chị em thường thấy ở hậu môn sa ra một khối cứng, ấn đau, ít chảy máu, kéo dài khoảng 5-7 ngày có thể tự hết. Có những người tắc mạch máu nhiều, gây những búi trĩ to như quả táo, thậm chí có người to như một trái súp lơ khiến người bệnh đau dữ dội.

Ngoài lý do trên, khi có thai, phụ nữ ít vận động cũng gây nên tình trạng khí huyết kém lưu thông khiến tăng độ sa giãn búi mạch. Hơn nữa, giai đoạn này, quá trình chuyển hóa năng lượng ở phụ nữ mạnh hơn (để truyền dưỡng chất nuôi con) nên thường sinh nhiệt, gây táo bón, khiến trĩ càng có cơ hội phát ra.

Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y khoa Thái Hà (Hà Nội) cho biết thêm, tình trạng trĩ ở phụ nữ mang thai không thể coi thường. Thường nguyên nhân gây trĩ cho trị em là táo bón. Khi đó, phân chứa nhiều chất độc, không được thải ra ngoài sẽ bị trực tràng hút ngược vào cơ thể, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Bên cạnh đó, theo bà, khi có cơ thai, cơ thể phụ nữ thường giữ lượng nước lớn, cơ nhão ra nhiều. Nếu bị trĩ, khi rặn đẻ có thể làm bệnh nặng thêm, khiến các sản phụ đau đớn và phải đối mặt với nhiều khó khăn sau sinh. Bởi vậy, bác sĩ khuyến cáo, chị em cần hạn chế để xảy ra tình trạng trĩ khi mang thai và nếu bị, cần chữa trị ngay khi mới xuất hiện.

Về cách điều trị trĩ, bác sĩ Bùi Tiến Hưng cho biết, đối với phụ nữ có thai, cần hạn chế mổ bởi nếu phẫu thuật sẽ cần sử dụng nhiều loại thuốc gây hại tới thai nhi. Tốt nhất là điều trị nội khoa, ngâm rửa bên ngoài. Việc sử dụng thuốc cũng cần thận trọng. Có thể điều trị bằng bột ngâm trĩ chống viêm, chống huyết ứ bằng các bài thuốc đông y như: lá móng, hoàng bá, binh lang, phèn phi, hay kha tử + phèn phi; hạt cau+ hoàng bá...

Theo bác sĩ, tốt nhất, chị em có thai cần phòng bệnh ngay từ đầu: Không nên ngồi nhiều, đứng lâu mà cần vận động nhẹ nhàng; Sử dụng các biện pháp chống táo bón (ăn đồ mát, nhiều chất xơ...), tập thói quen đại tiện vào một giờ nhất định, tốt nhất là vào sáng sớm, sau khi ngủ đậy. Chị em cũng có thể tập một bài thể dục đơn giản cho cơ nâng hậu môn để phòng trĩ: Đứng hai chân hình chữ V, kiễng chân nhón gót, ép mông. Bài tập này có thể dùng cho bất kỳ ai, giúp những người bị trĩ độ 1-2 đỡ sa giãn, còn người chưa bị sẽ ít phát sinh. Tuy nhiên, người tập cần kiên trì, mỗi ngày thực hiện vài lần.

Bác sĩ khuyến cáo, khi có các dấu hiệu như búi trĩ bị sa quá mức, đau nhức, đau rát hậu môn, chảy máu vùng này thì chị em cần đi khám để được hướng dẫn cách điều trị thích hợp. Với một số trường hợp bị trĩ kèm các bệnh khác rối loạn tiêu hóa, viêm nhiễm đại trực tràng... thì cần phải chữa tận gốc.

Minh Thùy
Nguồn: http://vnexpress.net/gl/doi-song/2011/05/ba-bau-kho-vi-tri/

No comments:

Post a Comment