May 31, 2011

Bà bầu và sữa đậu nành

Sữa đậu nành có hại cho sức khỏe bà bầu không?
Isoflavone (một chất có trong thành phần của đậu nành) được tìm thấy nhiều trong máu của bé sơ sinh nếu những bé này có mẹ uống nhiều sữa đậu nành trong thời kỳ mang thai - kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản. Nghiên cứu cũng kết luận rằng, những chất này không có liên quan tới bất kỳ một rắc rối sức khoẻ nào của bé. Tuy nhiên, những khuyết tật bẩm sinh ở bé lại có xu hướng gia tăng ở nhóm bà mẹ có chế độ ăn kiêng trong thai kỳ.
Chất isoflavone cũng có thể truyền từ sữa mẹ tới bé trong giai đoạn cho bé bú nếu nhóm bà mẹ này sử dụng sữa đậu nành hàng ngày. Chất này cũng không gây hại cho sự phát triển của bé.
Một vài nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, lượng protein cao trong sữa đậu nành có thể làm giảm khả năng thụ thai. Tiêu thụ một lượng lớn sữa đậu nành mỗi ngày (trên 3 cốc) sẽ làm sụt giảm lượng hormone sinh sản trong cơ thể con người. Đây là kết quả công bố trên tờ Natual Toxins sau khi tiến hành nghiên cứu trên một số lượng lớn động vật. Tuy nhiên, cuộc nghiên cứu cũng kết luận rằng, hiện chưa có tài liệu nào chứng minh, sữa đậu nành hoặc những sản phẩm từ đậu nành có khả năng gây hại cho sức khoẻ con người.

Sữa đậu nành có làm thay đổi giới tính thai nhi?

Mối quan hệ giữa thực phẩm từ đậu nành với giới tính em bé trong bụng đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, trên quy mô lớn. Nhìn chung những loại thực phẩm hàng ngày nạp vào cơ thể người mẹ chỉ là một yếu tố nhỏ, không thể quyết định hoàn toàn đến giới tính thai nhi.
Không có một bằng chứng khoa học nào chứng minh được chuyện thay đổi giới tính sau khi đã thụ thai. Khi tinh trùng mang nhiễm sắc thể XY hoặc XX kết hợp với trứng thì quá trình phân bào được xác định tiếp theo không thể thay đổi.

Dinh dưỡng từ sữa đậu nành

Sữa đậu nành có giá trị dinh dưỡng cao và có tác dụng giảm huyết áp, giảm lượng Cholesterol trong máu, ngăn ngừa khả năng xơ cứng động mạch ở người lớn. Hàm lượng Protein trong sữa đậu rất cao, có tất cả 8 loại Axit gốc Amin cần thiết cho cơ thể, rất tốt cho việc bồi bổ tăng cường sức khoẻ. Axít béo không bão hoà ở trong sữa đậu ngoài tác dụng ngăn không cho mỡ đóng tầng trong cơ thể nó còn có tác dụng làm đẹp da mặt. Vitamin B1 trong sữa đậu có tác dụng chống bệnh phù thũng, kéo lùi thời điểm xuất phát nếp nhăn. Theo y học cổ truyền thì sữa đậu nành có các công năng sau: Thanh nhiệt, thông tràng lợi tiện, bổ hư nhuận táo, …

Các lưu ý khi uống sữa đậu nành

Không được trộn cùng với trứng gà vì chất Anbumin trong lòng trắng của trứng gà rất dễ kết hợp với chất Tripxin trong sữa đậu sẽ gây nên hiện tượng đầy bụng, khó tiêu. Hơn nữa, sự kết hợp này còn làm giảm giá trị dinh dưỡng của đậu nành.
Không được pha với đường đỏ bởi Axít hữu cơ trong đường đỏ có thể kết hợp với Protein trong sữa đậu sẽ sinh ra những chất khó hấp thụ với cơ thể người, còn đường trắng thì không có hiện tượng này.
Nếu tự chế biến, bạn nên đun sôi thật kỹ sữa trước khi sử dụng vì trong sữa đậu có chất Tripxin, nếu không chế biến kỹ khi ăn sẽ rất dễ gây ra đau bụng, buồn nôn, ngộ độc. Nếu mua, bạn nên chọn những nhãn hiệu sữa đậu nành đảm bảo chất lượng, còn hạn sử dụng và không có dấu hiệu sữa bị biến chất, nhiễm khuẩn…
Bạn không nên dự trữ sữa đậu nành trong bình giữ nhiệt hoặc trong tủ lạnh lâu vì nó sẽ bị biến chất, hư hỏng, thậm chí nhiễm khuẩn gây ra hậu quả xấu cho sức khoẻ con người.
Không nên uống quá nhiều dễ dẫn tới hiện tượng đầy hơi, đi ngoài…Vì sữa đậu nành chứa một lượng protein lớn nên nếu sử dụng nhiều bạn sẽ bị đầy bụng. Đảm bảo chắc chắn rằng, lượng protein nạp vào cơ thể qua thực phẩm tương đương với cân nặng của bạn. Ví dụ: Bạn nặng 60kg, tương đương với nhu cầu protein là 60g mỗi ngày. Lưu ý: tổng protein này bao gồm cả lượng thịt, cá… bạn ăn hàng ngày.

Những người không nên uống sữa đậu nành

Viêm dạ dày cấp tính và viêm dạ dày mãn tính không nên dùng các chế phẩm từ đậu tương để tránh kích thích bài tiết dịch vị dạ dày, hoặc gây trướng dạ dày đường ruột. Người viêm dạ dày, chức năng gan suy yếu nên ăn ít protein, sữa đậu nành hay các chế phẩm từ đậu tương chứa nhiều protein, gây áp lực đối với dạ dày đường ruột.

Kết luận

Bạn nên nhớ rằng, một chế độ ăn uống đa dạng và đủ chất sẽ rất có lợi cho sự phát triển của em bé. Bởi vì, bé sẽ được hưởng tất cả những gì bạn nạp vào cơ thể hàng ngày. Cuối cùng, bạn không cần thiết phải kiêng sữa đậu nành trong giai đoạn mang thai hoặc cho con bú. 1-2 cốc sữa đậu nành nhỏ mỗi ngày sẽ không ảnh hưởng đến sức khoẻ của hai mẹ con bạn.

Miu Xinh - Tổng hợp

No comments:

Post a Comment