May 25, 2011

Bệnh sốt xuất huyết (5 bài)

Bài 1. Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết



Bệnh sốt xuất huyết hay còn gọi là sốt dengue hoặc sốt xuất huyết dengue là bệnh nhiễm virut cấp tính do muỗi truyền. Bệnh có những biểu hiện khác nhau tùy mức độ ở nhiễm bệnh của từng người.

Bệnh sốt xuất huyết có ba biểu hiện cụ thể như sau:

1. Bệnh sốt dengue (SD) không có xuất huyết tự phát.

2. Bệnh sốt xuất huyết dengue (SXHD) có những mức độ xuất huyết khác nhau như xuất huyết dưới da, niêm mạc và xuất huyết nội tạng. Xuất huyết dưới da thường gặp là những nốt chấm xuất huyết (petechiae), có thể diễn biến nặng là các ban xuất huyết (purpura), hoặc các bầm máu (ecchymosis), nơi nào trên cơ thể bị va chạm nhiều thì ở đó dễ bị xuất huyết nhiều.

3. Hội chứng sốc dengue và dễ tử vong: khởi đầu của bệnh là sốt đột ngột kéo dài từ 2 - 7 ngày kèm theo mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, đau sau hốc mắt, đau lưng dọc theo các cơ và xương hoặc khớp, buồn nôn, nôn và nổi ban. Dấu hiệu xuất huyết nhẹ nhất là chảy máu cam, ngày có kinh kéo dài ở phụ nữ và dấu hiệu dây thắt dương tính.

Bệnh tiến triển nặng biểu hiện ở xuất huyết dưới da có thể lan rộng toàn thân, xuất huyết nội tạng với triệu chứng nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen, gan to. Có thể dẫn đến hội chứng sốc dengue với biểu hiện: bệnh nhân vật vã li bì, chân tay lạnh, nổi da gà, mạch nhanh, huyết áp hạ... có thể dẫn đến tử vong. Những trường hợp này xét nghiệm thấy bạch cầu, tiểu cầu giảm và hematocrit tăng.

Để tránh nguy cơ bị sốt xuất huyết cần phải ngủ màn, dọn vệ sinh quanh nhà sạch sẽ để không cho muỗi truyền bệnh phát triển. Nếu xuất hiện các biểu hiện bệnh cần đến cơ sở y tế khám và điều trị.

Theo Sức khỏe & Đời sống

Bài 2. Nguyên nhân của sốt xuất huyết và cách phòng ngừa



Sốt xuất huyết (SXH) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng có tên Dengue gây ra. Bệnh do loại muỗi vằn hút máu truyền siêu vi từ người bệnh sang người lành.

Muỗi vằn có nhiều khoanh trắng ở lưng, chân, thường sống trong nhà, đậu ở những chỗ tối như gầm giường, gầm bàn, hốc tủ, quần áo treo trên vách, lu nước..., chích hút máu cả ngày lẫn đêm.

SXH xảy ra quanh năm, nhưng đặc biệt xuất hiện nhiều vào mùa mưa, có khả năng gây thành dịch đe dọa tính mạng con người, đặc biệt là trẻ em. Bệnh có thể trở nặng bất ngờ và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như thuốc phòng ngừa. Trên thực tế, nhiều cộng đồng dân cư vẫn còn coi nhẹ việc phòng và chống dịch bệnh.

Những ai dễ bị sốt xuất huyết?

Trẻ em dễ bị nhất, đặc biệt là lứa tuổi 3-8 tuổi. Ðôi khi người lớn cũng bị. Các dấu hiệu ta phải chú ý đề phòng SXH là:

- Sốt cao 390 - 400C đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày.

- Xuất huyết (chảy máu) dưới nhiều dạng: Chảy máu dưới da, làm lộ trên mặt da những chấm đỏ hay vết bầm. Khi căng da, chấm đỏ không mất.

- Chảy máu cam, chảy máu chân răng. Nôn hoặc đi ngoài ra máu.

- Ðau bụng.

- Sốc là dấu hiệu nặng thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt lúc trẻ đang từ sốt cao chuyển sang hết sốt, có thể xảy ra kể cả khi không thấy rõ dấu hiệu xuất huyết. Các dấu hiệu sốc là trẻ mệt mỏi li bì hoặc vật vã, tay chân lạnh, tiểu ít, có thể kèm theo nôn hoặc đi ngoài ra máu. Phải cho trẻ đi khám bệnh ngay khi thấy những dấu hiệu nghi ngờ bệnh tiến triển nặng.

Nếu trẻ bị nhẹ có thể theo dõi ở nhà, cho trẻ nghỉ ngơi, tránh chạy nhảy, uống nhiều nước hơn bằng nước Orezol, nước cam, nước chanh và cho trẻ ăn nhẹ cháo, súp... Nếu trẻ sốt cao thì hạ sốt bằng Paracetamol và đắp nước ấm thấp hơn nhiệt độ cơ thể 20C.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết

- Cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn. Không ở nơi ẩm thấp, tối tăm để tránh muỗi đốt.

- Ðậy kín các lu, vại, bể chứa nước để không tạo nơi cho muỗi đẻ, hàng tuần cọ rửa bằng bàn chải. Thả cá diệt bọ gậy.

- Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, loại bỏ các vật chứa nước đọng, đổ dầu hôi hoặc pha nhiều muối vào những chỗ nước đọng để triệt nơi sinh sản của muỗi. Dùng thuốc diệt muỗi.

BS. PHẠM THỊ THỤC (Theo Sức khoẻ Đời sống)

Bài 3. Cách chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà



Những ứng xử theo kinh nghiệm dân gian hoặc tuỳ tiện trong chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà có thể dẫn đến những nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.

Hiện bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị nên việc chăm sóc và dinh dưỡng hợp lý tại nhà được coi là phương thức quan trọng nhằm nâng cao kết quả điều trị, giảm nguy cơ diễn tiến nặng, đồng thời giúp trẻ sớm hồi phục.

Dấu hiệu phát hiện trẻ bệnh

Sốt xuất huyết là bệnh sốt gây ra bởi siêu vi trùng Dengue nên có tên gọi đầy đủ là sốt xuất huyết Dengue. Đây là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em, truyền từ người bệnh sang người lành, qua vết đốt của muỗi vằn. Bệnh hay gặp vào mùa mưa, bắt đầu với ba dấu hiệu: sốt đột ngột, sốt cao, sốt liên tục. Kèm theo sốt, nhiều trẻ còn phát ban, đau bụng, ói mửa,… Thể điển hình sau khi bị muỗi đốt từ 2 – 7 ngày, trẻ đột ngột sốt, nhiệt độ cơ thể lên đến 39,5oC hoặc cao hơn 41oC.

Triệu chứng xuất huyết biểu hiện bằng những chấm xuất huyết ở da, dạng nhỏ li ti, khi căng da vẫn còn, thường xảy ra sau khi bắt đầu sốt một vài ngày với nhiều hình thức: nôn ói ra máu, tiêu ra máu, chảy máu cam, chảy máu dưới da,… Cần lưu ý, xuất huyết không phải là dấu hiệu bắt buộc của bệnh, bởi có trẻ tuy mang bệnh này nhưng lại hoàn toàn không có triệu chứng xuất huyết. Và dù có hoặc không triệu chứng xuất huyết thì bệnh vẫn có thể dẫn tới một biến chứng vô cùng nguy hiểm, có thể khiến trẻ tử vong, đó là sốc (một hội chứng gồm ba tình trạng suy giảm: giảm tri giác, giảm nhiệt độ, giảm huyết áp).

Hạ sốt đúng cách

Trẻ bệnh cần nghỉ ngơi, chơi, ngủ ở nơi thoáng mát, không chạy nhảy nhiều. Tránh dùng quần áo quá dày, hoặc ủ kín. Trẻ đang sốt cần theo dõi nhiệt độ thường xuyên mỗi ngày hai lần vào sáng, chiều và mỗi khi sốt đột ngột. Sau khi uống thuốc hạ sốt một giờ, cần đo lại nhiệt độ. Quan sát các dấu hiệu chảy máu, lượng nước tiểu, các biểu hiện bất thường, tình trạng ăn uống, chơi của trẻ. Khi hạ sốt từ ngày thứ ba trở đi phải theo dõi kỹ hơn. Nếu trẻ vẫn chơi bình thường, ăn uống được là đang hồi phục. Ngược lại, trẻ chơi kém, lừ đừ, than đau bụng nhiều hay có bất kỳ dấu hiệu trở nặng nào khác cũng cần đưa đi khám ngay.

Việc dùng thuốc phải đúng chỉ định bác sĩ. Thường các bác sĩ sẽ cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol (10 – 15mg/kg). Đặc biệt, tránh cho trẻ dùng các thuốc nhóm Aspirine vì các loại thuốc Aspirine có thể làm tăng nguy cơ chảy máu và gây một số tai biến khác. Đã có trẻ tử vong do người nhà thiếu hiểu biết, tự ý cho dùng Aspirine. Khi trẻ sốt cao trên 40oC dùng thêm những phương pháp hạ nhiệt vật lý như lau mát, nằm phòng lạnh, để quạt, uống nước lạnh. Lau mát bằng nước ấm hoặc nước thường trong vòng 20 phút lên đầu, lên trán trẻ; đắp khăn ướt ở những vùng có mạch máu lớn nằm sát da như nách, bẹn…

Đảm bảo trẻ ăn đủ chất

Sự chịu đựng nhiệt độ trên 39oC trong thời gian dài sẽ dẫn đến trẻ bị mất nước và các chất điện giải kèm theo, dẫn đến rối loạn thần kinh, thậm chí co giật. Vì vậy cho trẻ uống nước đầy đủ là điều rất cần thiết. Có thể cho trẻ uống Oresol (chất thường dùng để bù nước trong bệnh tiêu chảy) hoặc uống nước cam, chanh, nước khoáng, nước lọc đun sôi…

Khi mắc bệnh, trẻ thường có triệu chứng ói mửa, miệng lạt không chịu ăn, dẫn đến không ăn đủ lượng thức ăn cần thiết nên dễ bị hạ đường huyết. Để đảm bảo cho trẻ ăn đủ chất, cần tiếp tục cho trẻ ăn các thức ăn hàng ngày, dễ tiêu, đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cơ thể. Nếu trẻ bị nôn ói, giảm số lượng thức ăn mỗi bữa, phải cho ăn thành nhiều bữa, ăn từ từ, tránh đầy bụng gây nôn ói. Tránh thức ăn nhiều mỡ. Ăn nhiều hơn vào buổi sáng cũng giúp trẻ dễ chịu. Nếu trẻ chán ăn nên chọn thức ăn lỏng như cháo, hủ tiếu, bánh canh…; thức ăn trẻ ưa thích, hợp khẩu vị để ăn được nhiều. Dùng thêm sữa để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.

Những ứng xử sai lầm

Cắt lể theo kinh nghiệm dân gian: cách này không những không hạ được sốt mà còn gây chảy máu khó cầm, dẫn đến mất máu.

Cho trẻ cữ nước, tránh gió: làm tình trạng mất nước của trẻ nặng hơn.
Tự ý tăng liều thuốc hạ sốt, số lần uống: gây hại thêm cho gan, ngộ độc.

Kiêng ăn, cữ uống: khiến trẻ càng suy nhược, mất nước.

Khi trẻ hạ sốt cho rằng trẻ đã khỏi bệnh nên không theo dõi nữa: điều này dễ dẫn đến nguy cơ bỏ qua, không phát hiện kịp thời dấu hiệu trở nặng của bệnh.

ThS.BS Trần Thị Ngọc Vân – Giảng viên đại học y dược TP.HCM

Bài 4. Thuốc và bệnh sốt xuất huyết



Khi bị bệnh nói chung và bệnh sốt xuất huyết (SXH) nói riêng, nhất là thời điểm hiện tại, đang là giai đoạn cao điểm của bệnh SXH; nhiều người dân thường có thói quen tự mua thuốc uống, và cho rằng cứ uống thuốc là khỏi. Chính tư duy này đã dẫn đến tình trạng tự ý sử dụng thuốc và sử dụng thuốc không đúng cách, do vậy nhiều ca bị tai biến nặng.

Tránh thói quen tự ý dùng thuốc.

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng Dengue gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn Aedes Aegypti hút máu truyền siêu vi trùng từ người bị bệnh sang người lành. Người bị bệnh SXH thường bắt đầu sốt với 3 đặc điểm: sốt đột ngột, sốt cao và sốt liên tục từ 39 đến 40oC trong 3-4 ngày. Khi có dấu hiệu bị bệnh SXH, bệnh nhân đều phải nhập viện điều trị theo phác đồ riêng, bởi nếu điều trị không đúng thì bệnh cũng có thể dẫn đến một biến chứng vô cùng nguy hiểm mà các thầy thuốc luôn cảnh giác, đó là sốc (shock). Đây là biến chứng nguy kịch nhất của bệnh SXH, dễ dẫn tới tử vong.Vì vậy khi có các dấu hiệu trên cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Đối với thuốc càng phải thận trọng và không được tự ý dùng. Nếu sốt cao trên 39oC có thể dùng thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm, không hạ sốt bằng nước đá lạnh vì sẽ gây co mạch và rét run.Thuốc hạ nhiệt chỉ được dùng là paracetamol (pa-ra-cê-ta-môn) đơn chất. Tuyệt đối không dùng thuốc aspirin (át - pi - rin), ibuprofen (i-bu-prô-phen) để hạ nhiệt vì có thể gây xuất huyết, toan máu. Không dùng kháng sinh để điều trị vì kháng sinh không có tác dụng với virut. Cần bù dịch sớm bằng đường uống như nước oresol, nước trái cây (nước dừa, nước cam, nước chanh), hoặc nước cháo loãng với muối.

Không lạm dụng thuốc diệt muỗi

Hiện trên thị trường có rất nhiều sản phẩm diệt côn trùng, nhất là thuốc diệt muỗi, phổ biến là hương muỗi và bình xịt. Ngoài ra còn có loại dạng bột, dạng kem và dạng viên. Đối với các loại thuốc được phép lưu hành như bình xịt Mosfly, Raid, nếu sử dụng không đúng quy cách vẫn có thể gây hại, gây ngộ độc, dị ứng, đau đầu, chóng mặt, suy hô hấp, gây tổn thương gan, phổi...

Bên cạnh một số sản phẩm trên, có rất nhiều sản phẩm của Trung Quốc, trôi nổi trên thị trường, không có chỉ dẫn bằng tiếng Việt (cách phun, nồng độ). Do vậy, người dân cần phải cảnh giác vì đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu do hít phải hơi độc.

Theo các nhà chuyên môn thì: các loại thuốc diệt muỗi dạng lỏng nguy hiểm hơn dạng rắn có cùng nồng độ vì dạng lỏng xâm nhập qua da dễ dàng hơn. Các sản phẩm chứa hóa chất càng mạnh diệt côn trùng càng mau chết thì gây độc cho người càng cao. Nếu sử dụng vô tội vạ các loại thuốc diệt muỗi, rất dễ gây ngộ độc trường diễn, làm tổn thương gan, phổi, nhất là khi sử dụng các sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng.

Những sản phẩm thuốc diệt côn trùng được phép lưu hành đều ít mùi, không gây dị ứng, hắt hơi, nhức đầu có thể diệt côn trùng trên diện rộng, hiệu lực cao chỉ độc với côn trùng, không động với người và động vật máu nóng. Khi phun các loại thuốc này hóa chất sẽ bám trên bề mặt tường, côn trùng đậu vào sẽ bị hóa chất làm tê liệt hệ thần kinh và chết. Thông thường thuốc có tác dụng từ 3 đến 6 tháng. Tuy nhiên, khi phun thuốc phải đúng quy trình (Phải do đơn vị có chuyên môn thực hiện). Nên để trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và người già ra khỏi khu vực phun từ 30 - 60 phút để tránh tác dụng phụ của thuốc.

Người dân cần thận trọng, kẻo lại phòng được bệnh sốt xuất huyết do muỗi truyền nhưng lại bị ngộ độc do chính loại thuốc diệt muỗi.

Hồng Loan

Bài 5. Sốt xuất huyết – Triệu chứng và cách điều trị



Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng tên là Dengue (Đăn-gơ) gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành. Muỗi vằn có nhiều khoang trắng ở lưng và chân, thường sống ở trong nhà, đậu trong những chỗ tối như gầm bàn, gầm giường, hốc tủ. Quần áo treo trên vách…, chích hút máu người cả ngày lẫn đêm.

Dịch sốt xuất huyết các năm trước đây chủ yếu diễn biến ở trẻ em, nhưng năm nay số ngưới lớn mắc sốt xuất huyết và sốt virus nhập viện lớn hơn gấp nhiều lần các năm trước.

Vì sao sốt xuất huyết nguy hiểm?

Xuất huyết xảy ra quanh năm, đặc biệt vào mùa mưa, có thể bộc phát thành dịch đe doạ sinh mạng trẻ em và sức khỏe cộng đồng.

- Bệnh có thể trở nặng bất ngờ, gây tử vong cao.

- Bệnh chưa có thuốc trị đặc hiệu và thuốc phòng ngừa.

- Theo các bác sĩ đầu ngành, ở người lớn có hai dạng sốt xuất huyết: dạng biểu hiện ra bên ngoài và dạng không biểu hiện ra bên ngoài (thường gặp nhất là xuất huyết tiêu hóa và xuất huyết não).

Sốt xuất huyết tiêu hóa (trong ruột) ở người lớn có biểu hiện ban đầu rất bình thường, chỉ sốt, ít ho, không sổ mũi, không nổi ban. Sau 1 hoặc 2 ngày, bệnh nhân sẽ đi tiêu ra máu nhưng không nhiều và bắt đầu có những hạt lấm tấm trên da, người xanh xao.

Sốt xuất huyết não cũng rất khó nhận biết vì biểu hiện ban đầu không rõ ràng, nhưng rất dễ gây tử vong. Ban đầu, người bệnh sốt, bị nhức đầu, ngay sau đó tay bị tê liệt, không thể cử động. Cuối cùng, người bệnh sẽ bị hôn mê rồi dẫn đến tử vong. “Đối với các trường hợp này, bác sĩ không thể cứu chữa kịp vì tiến triển bệnh quá nhanh”, bác sĩ Hiền nhận định.

Dạng sốt xuất huyết có biểu hiện bên ngoài ở người lớn cũng diễn biến bất thường và triệu chứng ồ ạt hơn ở trẻ em. Thời gian bị sốt cũng kéo dài hơn, khoảng 11-12 ngày thậm chí dài hơn (ở trẻ em chỉ 7 ngày). Sốt xuất huyết ở người lớn nguy hiểm nhất chính là lúc mạch huyết áp bị kẹt (bị tụt), từ đó bắt đầu sinh ra các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, suy gan, đông máu. Tỷ lệ biến chứng ở sốt xuất huyết người lớn là khoảng 5%.

Làm sao biết trẻ em bị sốt xuất huyết?

Khi thấy những dấu hiệu sau:

* Sốt (nóng) cao 39-400 , đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày liền.

* Xuất huyết (chảy máu) thường ở nhiều dạng:

- Xuất huyết dưới da: Làm lộ trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm. Phân biệt với vết muỗi cắn bằng cách căng da chung quanh chấm đỏ, nếu chúng vẫn còn là do xuất huyết, ngược lại nếu biến mất thì đó là vết muỗi cắn.

- Chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng.

- Ói hoặc đi cầu ra máu (nước ói màu nâu, phân lợn cợn như bã cà phê hoặc đỏ tươi).

* Đau bụng.

* Sốc là dấu hiệu nặng, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt lúc trẻ đang sốt cao chuyển sang hết sốt và có thể xảy ra kể cả khi không thấy rõ dấu hiệu xuất huyết. Dấu hiệu sốc gồm:

- Trẻ mệt, li bì hoặc vật vã
- Chân tay lạnh
- Tiểu ít
- Có thể kèm theo ói hoặc đi cầu ra máu.

Thực tế điều trị bệnh cho thấy, nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở bệnh sốt xuất huyết người lớn là tràn dịch màng phổi. Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM đã phải cấp cứu nhiều trường hợp sốt xuất huyết bị tràn dịch màng phổi mà nguyên nhân là sự thiếu hiểu biết về nguyên tắc trị bệnh. Khi mới sốt, những bệnh nhân này đã yêu cầu cơ sở y tế tuyến dưới hoặc bác sĩ tư nhân truyền dịch, gây ứ nước trong cơ thể và dẫn đến tràn dịch màng phổi.

Đối với sốt xuất huyết biểu hiện ra bên ngoài thì việc điều trị phải được thực hiện theo đúng phác đồ. Hiện nay đã có phác đồ điều trị sốt xuất huyết cho người lớn. Đây là phác đồ chuẩn được áp dụng cho tất cả các nước có sốt xuất huyết trên toàn thế giới. Theo đó, nếu mới có dấu hiệu sốt xuất huyết, người bệnh chỉ cần đến các cơ sở tuyến đầu để được hướng dẫn cách điều trị tại nhà mà chưa cần đến bệnh viện. Tất cả các cơ sở tuyến đầu đều đã được tập huấn đủ khả năng để xử lý những trường hợp ở cấp độ nhẹ.

Khi điều trị tại nhà (sốt xuất huyết cấp độ 1 và 2), người bệnh chỉ uống paracetamol để hạ sốt, ngoài ra không được dùng bất kỳ loại thuốc nào khác. Nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước mát hoặc nước trái cây để giải nhiệt, tránh ăn những thức ăn khó tiêu. Sau 11 hoặc 12 ngày, nếu không có dấu hiệu biến chứng là bệnh đã khỏi. Để đề phòng xuất huyết não và xuất huyết tiêu hóa, khi có dấu hiệu nghi ngờ, nên đến cơ sở y tế ngay.

Làm gì khi trẻ bị sốt xuất huyết?

* Đưa trẻ đi khám bệnh ngay. Nếu trường hợp nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà như sau:

- Cho trẻ nghỉ ngơi, tránh chạy nhảy.

- Cho ăn nhẹ: cháo, súp, sữa…

- Cho uống nhiều nước hơn bình thường, có thể dùng nước chín để nguội, nước Oresol (nước biển khô, cách pha: 1 gói pha vào 1 lít nước, uống 100-150ml nước/kg cân nặng/ngày), nước cam vắt, nước chanh đường…

- Hạ sốt với thuốc Paracetamol, lau nước ấm khi sốt cao.

- Không cho trẻ uống Aspirin (vì gây thêm xuất huyết), không cắt lễ hay cạo gió, không quấn kín hoặc mặc áo nhiều khi trẻ đang sốt, không cữ ăn, không nhịn uống.

* Theo dõi bệnh và mang ngay đến bệnh viện khi thấy có các dấu hiệu trở nặng bất ngờ:

- Trẻ mệt nhiều hơn, vẻ âu lo bứt rứt, li bì hoặc vật vã
- Tay chân lạnh, đau bụng nhiều hơn
- Ói nhiều, da đổi màu bầm, môi tím lại.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ em:

Cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày. Không để trẻ nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi chích (đốt).
Thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ mọi lúc, cả ngày lẫn đêm.

Đậy kín lu, vại, hồ, bể chứa nước, không tạo nơi cho muỗi đẻ và hàng tuần nên cọ rửa với bàn chải để trứng muỗi rơi ra; thả cá 7 màu diệt lăng quăng (bọ gậy).

Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muối trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng (gáo dừa, lon, đồ hộp, ly, chén, chai lọ bể, vỏ xe…), thay nước bình bông mỗi ngày, đổ dầu hôi hoặc pha nhiều muối vào chén nước chống kiến chân tủ thức ăn để triệt nơi sinh sản của muỗi. Có thể dùng thuốc diệt muỗi hoặc nhang trừ muỗi.

Theo meyeucon.org

No comments:

Post a Comment