May 18, 2011

Chống buồn nôn khi đi tàu xe đường dài

Đối với người dễ bị say tàu xe, trước khi bước lên tàu xe nên chuẩn bị mang theo củ gừng đã xắt lát, để khi yên vị thỉnh thoảng ngậm một lát gừng.

Trong ngàn lẻ một nỗi lo của những ngày cuối năm, có không ít người phải gánh thêm nỗi lo tàu xe. Ngoài chuyện chật vật mua vé, chật vật chọn chỗ ngồi còn có cả ám ảnh của những cơn say xe. Một hành trình dài về quê ăn tết hay một chặng đường du lịch chơi xuân có thể làm nhiều người ói ra đến mật xanh. Nặng hơn, có người phải nhập viện cấp cứu vì những cơn nôn làm họ kiệt sức, bắt đầu cho nhiều thứ bệnh khác xuất hiện.

Nôn là do các cơ thành bụng đột nhiên co bóp mạnh, hoành cách mô đẩy lên, tiền vị của dạ dày mở ra, các cơ dạ dày co thắt mạnh tống dịch, thức ăn từ dạ dày lên miệng và ra ngoài. Có nhiều nguyên nhân gây ra nôn trong đó say tàu xe, máy bay là thường gặp nhất.

Chúng ta nên biết tai là cơ quan không chỉ đảm nhận chức năng nghe mà còn giúp điều chỉnh thăng bằng, định hướng cho cơ thể. Khi đi tàu xe, máy bay do có sự chuyển động, bộ phận tai trong (gồm ốc tai, tiền đình) ở một số người nhạy cảm bị kích thích không tương hợp với mắt nhìn sự chuyển động sẽ làm cho buồn nôn. Say tàu xe, máy bay còn gây chóng mặt, nôn nao, toát mồ hôi. Đấy không chỉ do sự chuyển động mà còn kết hợp với yếu tố tâm lý. Có người vốn có chứng say tàu xe nên chỉ cần nhìn thấy tàu xe chứ chưa bước lên đã xây xẩm, muốn nôn oẹ.

Trên đây là nguyên nhân gây nôn của đa số chứng nôn thuộc loại nhẹ hoặc tự giới hạn. Nếu nguyên nhân được loại trừ sẽ hết nôn. Nhưng ta cần phải đặc biệt lưu ý, chứng nôn có thể do nhiều nguyên nhân bệnh lý phức tạp ở hệ thần kinh trung ương, hệ tiêu hoá; các trường hợp này cần được bác sĩ khám để điều trị nguyên nhân. Dùng thuốc chống nôn bừa bãi ở những trường hợp này sẽ nguy hiểm do che mất triệu chứng mà bác sĩ cần biết để chẩn đoán bệnh. Thêm nữa, nơi điều khiển phản xạ nôn nằm ở hành tuỷ trên não và trên não cũng có vùng gọi là vùng nhạy cảm mà nếu bị kích thích sẽ gây hiện tượng buồn nôn và nôn. Không những thế, dọc theo đường tiêu hoá trên như vùng hầu, thực quản, dạ dày hay như bộ phận tai trong… có những nơi gọi là thụ thể, nếu bị kích thích sẽ theo dây thần kinh truyền lên não, tác động vô vùng nhạy cảm trên đó để gây nôn. Vì vậy, các thuốc chống nôn nói chung đều nhằm tác động đến các thụ thể để gây sự ức chế; tác động lên hệ thần kinh để làm giảm sự kích thích, gây an thần hoặc làm giảm sự co thắt ở đường tiêu hoá, từ đó làm giảm cảm giác buồn nôn. Cảm giác buồn nôn không còn sẽ hạn chế được nôn ói.

sayxe.jpg

Cẩn thận khi dùng thuốc chống nôn


Để chống lại những cơn say tàu xe, nếu dùng thuốc chống nôn dạng uống, nên lưu ý uống đúng liều lượng theo sự chỉ dẫn và nên uống 30 phút trước khi lên tàu xe. Trường hợp dùng dạng thuốc dán vào da sau tai, nên dán sáu tiếng đồng hồ trước khi lên tàu xe, máy bay khởi hành để có đủ thời gian cho thuốc tác dụng. Các thuốc chống nôn có thể chia làm năm loại sau:

Thuốc trị loạn thần: như clorpromazine (Aminazin, Largactil), haloperidol (Haldol)… Xin lưu ý, chỉ có bác sĩ quyết định khi nào dùng thuốc trị loạn thần để chống nôn, vì vậy chỉ dùng thuốc loại này khi có sự chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý dùng.

Thuốc kháng histamin ở thụ thể H1: như promethazine (Phenergan), diphenhydramine (Nautamine), dimenhydrinate (Dramamine), cinnarizine (Stugeron)… Đây là các thuốc chống dị ứng nhưng đồng thời chống nôn, thường được dùng để chống say tàu xe, máy bay.

Thuốc chống tiết cholin: như scopolamine TTS, có dạng là miếng băng dán, dán vào sau tai để chống say tàu xe. Thuốc này chống co thắt, làm giảm sự co thắt ở đường tiêu hoá nên làm giảm buồn nôn.

Thuốc chống tiết dopamine: như metoclopramide (Primpéran), domderidone (Motilium–M)… ngoài chống nôn còn trị khó tiêu, đầy bụng.

Thuốc kháng thụ thể serotonin 5-HT3: như ondansetron, granisetron… dùng để trị nôn mửa nặng do xạ trị hay do dùng thuốc trị ung thư.

Dùng các loại thuốc trên có thể sẽ bị tác dụng phụ như dùng nhóm thuốc chống tiết cholin dù là dạng băng dán vào da sau tai vẫn có thể bị khô miệng, khó tiểu, nhìn mờ…Hoặc dùng kháng histamin, ngoài tác dụng phụ giống như thuốc tiết cholin chống co thắt, còn bị ngầy ngật buồn ngủ rất khó chịu. Ngoài dùng thuốc, có thể thực hiện thêm một số biện pháp nhằm giảm bớt sự kích thích đưa đến say tàu xe, máy bay như ngồi ở chỗ thoáng mát, đầu tựa nơi cố định, không đọc sách báo hoặc nhìn các vật di chuyển bên ngoài (nhắm mắt là tốt nhất), đắp khăn mát lên trán, không ăn uống quá no…

Thủ sẵn bên mình gừng xắt lát

Thay vì dùng thuốc tân dược là hoá dược, có thể dùng thảo dược là gừng để phòng chống say tàu xe. Từ lâu, gừng đã được sử dụng phòng chống nôn theo kinh nghiệm dân gian. Đặc biệt, từ đầu những năm 1980 đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu chứng thực gừng có thể trị nôn mữa mà không gây tác dụng phụ như các thuốc hoá dược. Đối với người dễ bị say tàu xe, trước khi bước lên tàu xe nên chuẩn bị mang theo củ gừng đã xắt lát, để khi yên vị thỉnh thoảng ngậm một lát gừng. Hiện trên thị trường cũng đã có các chế phẩm gừng dùng như thuốc, đặc biệt có thuốc là bột gừng được sản xuất dạng viên nén, dùng rất thuận tiện.

Ngoài gừng đã được khoa học chứng minh tác dụng, trong thực tế còn có một số biện pháp dân gian chống nôn khác như: ăn khoai lang, bỏ hành vào túi, ăn hay ngậm vỏ cam quýt hoặc dán một miếng nhỏ salonpas lên vùng da nào đó trên người… Một số người áp dụng các biện pháp này nếu có cải thiện được tình trạng buồn nôn do say tàu xe, có thể là do yếu tố tâm lý tác động đến, chứ hiện chưa có bằng chứng khoa học nào công nhận.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức

No comments:

Post a Comment