May 25, 2011

Có nên cắt amidan?

(TNTS) Viêm amidan ở trẻ là bệnh tương đối phổ biến, tuy nhiên việc điều trị bằng phẫu thuật còn khiến nhiều phụ huynh hoang mang.

Cần hiểu đúng

Cách đây không lâu, một bé gái 4 tuổi đã gặp tai biến sau khi phẫu thuật amidan dẫn tới thần kinh bị tổn thương, chức năng vận động cũng bị ảnh hưởng khiến bé không còn lanh lợi như trước.

Giải thích về băn khoăn này, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thu Huyền, chuyên khoa tai mũi họng cho biết, việc tai biến trong phẫu thuật là điều hoàn toàn có thể xảy ra do yếu tố khách quan (bệnh nhân bị dị ứng thuốc mê, mạch máu bong mày sớm) và chủ quan (ăn uống không kiêng cữ, mổ khi đang còn viêm cấp, do sặc máu vào đường thở…), tuy nhiên những trường hợp biến chứng do phẫu thuật amidan không nhiều.

Phụ huynh cần hiểu đúng về chức năng và cơ chế gây viêm của amidan để có kế hoạch chăm sóc trẻ phù hợp. Amidan nằm ở hai bên họng, còn gọi là amidan khẩu cái, có vai trò tạo ra kháng thể để chống lại các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, do phải đối mặt với nhiều loại vi khuẩn trong thời gian dài nên amidan dễ bị quá phát và viêm nhiễm khi cơ thể giảm sức đề kháng. Amidan ở trẻ sơ sinh khá nhỏ, sau đó sẽ lớn dần khi trẻ trưởng thành và dễ viêm nhất đối với trẻ trong độ tuổi từ 1-6. Tuy nhiên, nếu điều trị đúng amidan sẽ teo nhỏ trở lại khi trẻ dậy thì.

Chỉ cắt theo chỉ định

Vào những năm 1980, việc cắt amidan diễn ra phổ biến do quan niệm sai lầm "cắt amidan giúp trẻ lớn nhanh hơn, đỡ bệnh". Hiện nay, khi y học phát triển, việc này không còn bị lạm dụng nữa, nhưng rất nhiều phụ huynh vẫn thắc mắc là có nên cắt amidan cho trẻ không và cắt vào lúc nào.

Bác sĩ Huyền nhấn mạnh, nếu thấy amidan của trẻ trơn láng, trắng hồng, không quá to và trẻ lên cân đều đặn thì không nên cắt.

Cắt amidan là loại phẫu thuật đơn giản nhưng đôi khi có thể xảy ra tai biến do amidan nằm trong khu vực liên quan trực tiếp đến đường thở. Do đó chỉ tiến hành cắt amidan theo chỉ định. Thông qua việc xét nghiệm hoặc khám lâm sàng (như quan sát amidan bằng đèn khám, tiền căn bệnh, qua mô tả của phụ huynh về triệu chứng ngáy lúc bé ngủ) bác sĩ sẽ quyết định có nên mổ hay không. Điều nguy hiểm nhất là nguy cơ trẻ ngưng thở khi ngủ (thậm chí là đột tử) khi amidan quá to, vì vậy cần phải cắt. Cắt amidan cũng được chỉ định khi bé từng bị áp-xe amidan, áp-xe quanh amidan, amidan bị viêm cấp trên 7 lần/năm, 5 lần trong 2 năm liên tiếp, 3 lần/3 năm liên tiếp hoặc amidan gây bệnh hậu thấp, hôi miệng.

Trước đây, có thể mổ bằng gây tê, nhưng hay để lại sang chấn tâm lý cho người bệnh, đặc biệt là trẻ em, nên hiện nay 100% ca phẫu thuật đều thực hiện bằng gây mê. Những trường hợp khác chỉ điều trị nội khoa bằng cách cho trẻ uống thuốc và theo dõi, bởi amidan lúc này vẫn còn có lợi cho cơ thể.

Phụ huynh có thể phòng viêm amidan cho trẻ bằng cách giữ ấm vùng mũi và họng, khi nằm phòng máy lạnh nên để nhiệt độ từ 26-30 độ C. Đánh răng đều đặn và súc miệng bằng nước muối pha loãng (pha không quá mặn làm hư niêm mạc họng), chủng ngừa đầy đủ. Phụ huynh cũng lưu ý, đối với những trẻ thường bị viêm amidan mà có kèm các dấu hiệu như ngáy to khi ngủ, hay mệt mỏi, biếng ăn, hôi miệng thì nên cho bé đi khám bệnh ngay.

Du Miên
Theo Thanh Niên – Thứ bảy, ngày 07 tháng năm năm 2011

No comments:

Post a Comment