May 8, 2011

Hạt tiêu - gia vị làm thuốc

Hạt tiêu hay còn gọi là hồ tiêu, tiêu là cây dây leo. Các nhánh của thân có những rễ móc để đính thân cây vào giá tựa. Lá đơn, mọc so le, có cuống; phiến hình trái xoan nhọn, dài. Cụm hoa là những bông thõng xuống mang nhiều hoa. Quả mọng không cuống, đường kính cỡ 4-8mm, lúc non màu lục rồi vàng và khi chín có màu đỏ. Hạt tròn, cứng, có mùi thơm và vị cay. Cây ra hoa và quả vào tháng 5-8.

Hạt tiêu là loại gia vị phổ biến và quen thuộc ở khắp nơi trên thế giới. Ở nước ta, cây được trồng nhiều ở các vùng đất bazan từ Quảng Trị vào đến các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ. Có 2 loại hạt tiêu: tiêu đen và tiêu trắng (tiêu sọ). Hạt tiêu đen là quả hái lúc chưa chín, đem phơi khô, vỏ nhăn nheo, có màu đen. Tiêu trắng là quả hái lúc quả thật chín, loại bỏ vỏ ngoài, chỉ giữ phần hạt, đem phơi nắng sẽ có hạt trắng ngà, xám. Tiêu sọ ít thơm hơn tiêu đen do lớp vỏ chứa tinh dầu đã bị loại bỏ nhưng cay hơn.


Theo y học cổ truyền, hạt tiêu có vị cay, tính nóng, có mùi thơm; có tác dụng trừ hàn, làm ấm bụng, giảm đau, tiêu thực, kích thích sự tiết dịch vị kháng khuẩn, diệt trùng,... Thường dùng làm thuốc kích thích tiêu hoá, giảm đau, trị đau bụng lạnh, tiêu chảy, nôn mửa, sâu răng,...

Một số bài thuốc thường dùng

Chữa đi lỏng, nôn: Hạt tiêu sọ, bán hạ chế, hai vị lượng bằng nhau, tán nhỏ, làm viên bằng hạt đậu. Ngày dùng 15-20 viên, khi uống dùng nước gừng chiêu thuốc. Hoặc: Tiêu sọ 20g giã nát, củ riềng già 50g tán bột, vỏ quýt khô 30g cắt nhỏ, tất cả ngâm với nửa lít rượu trắng trong 15 - 20 ngày. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 15ml. Dùng 3 ngày.

Lạnh bụng, nôn mửa: Hạt tiêu 12g ngâm với 1lít rượu 40 độ 15 - 20 ngày, uống 2 lần 1 ngày trước bữa ăn, mỗi lần một chén nhỏ. Dùng 3 ngày.

Đau bụng kinh: Bột hạt tiêu sọ 1g, hòa với chén rượu trắng nhỏ hâm nóng để uống có tác dụng làm giảm đau bụng khi hành kinh ở phụ nữ.

Giảm đau nhức răng: Tiêu sọ, gừng khô, 2 thứ lượng bằng nhau, sao khô, tán mịn, xỉa vào răng. Hoặc dùng hạt tiêu đen nghiền thành bột mịn xát vào chân răng.

Lưu ý: Hạt tiêu có vị cay, tính nóng nên những người âm hư hỏa vượng, viêm nhiễm do nhiệt, bệnh dạ dày không nên dùng nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nga

No comments:

Post a Comment