May 26, 2011

Kinh nghiệm xoá tan mảng chai cứng nơi tay chân

Có nhiều tên gọi: chai chân, mắt cá, dày sừng, mảng cứng... Tây y gọi Durillon-Cor. Mảng cứng có thể nổi rõ trên mặt da.

Dưới lớp trung, hạ bì, di chuyển, to, dài ra. Người nhiều tuổi, lao động nặng, đơn điệu... dễ bị xơ cứng. Tây y thường cắt bỏ. Ta có thể phòng trị đơn giản, không tái phát, chữa trị tốn kém.

Nguyên nhân

Có nhiều. Ở chân: do đi chân không, đi giầy dép chật, ngồi thiền, giẫm phải gai, sạn lặn sâu trong da thành cục u, tăng sinh lớp sừng có nhân "mắt cá"... Ở tay: do tì, ép, cọ xát, cầm nắm, va đập nhiều... thành chai da. Song, cũng còn tại cơ địa ở người có phản ứng đặc biệt với lớp sừng thượng bì, hoặc cả lớp sâu trung bì, hạ bì.

Vậy là cần kiến thức về "chai" để tự xử lí.

Tác hại

Nhiều mức độ. Nhẹ nhất: trông "vướng mắt" mất thẩm mĩ. Các quý ông, quý bà ngồi thiền nhiều, ở mắt cá nhân, mu bàn chân... nổi cục. Thâm đen từng đám da, coi chừng lâu ngày da... chết, hoại tử... Thật khó chịu với các mảng chai ở lòng bàn tay, bàn chân, ở các đốt các ngón, cạnh móng... Người bệnh gan mật thì trong phần thịt ở đốt đầu ngón tay vô danh (đeo nhẫn) nổi cộm một cục cứng.

Ở chân, nặng thì đi lại khó khăn, không đi được xa, mang vác nặng... nhỡ dẫm phải sỏi, mô đất cục đá thì đau nhói tận óc. Bị biến chứng như mưng mủ thì đau phát sốt, nổi hạch trên bẹn... Có khi không biết bệnh gì.

Đi đứng chậm chạp, kém tự tin, mất phong độ và chất lượng cuộc sống giảm sút.

Cách chữa nguy hiểm

Đừng để "nước đến chân mới nhảy". Nhiều bà con đi rừng bàn chân rỗ như tổ ong. Có người ngồi... buồn lấy gai ở cây có gai, với con dao, cái nhíp-lể, khoét, cậy, bẩy như đánh gốc cây, lấy ra một mắt cá to tròn như hạt ngô, để lại dưới gót chân một lỗ sâu có chỗ rơm rớm máu. Cực kì nguy hiểm bởi dễ bị nhiễm trùng máu, phải cưa cắt chân.

Lại có người lớp chai... lộ thiên, trông "ngứa mắt", lấy dao sắc lạng gọt dần lớp sừng. Đâu là giới hạn chai sừng và thịt mềm khó biết. Chẳng may chạm vào mao mạch, mạng thần kinh bao quanh mảng cứng thì thật nguy hiểm. Nhẹ là nhiễm trùng mưng mủ... Rồi, có người lấy vôi tôi, xà phòng trộn thành một thứ kem hỗn hợp, dùng kim băng trích, trọc tí chút để bôi lên cho nhanh tác dụng thế cũng nguy hiểm lắm!

Kinh nghiệm phòng trừ

Từ kinh nghiệm bản thân, chúng tôi khẳng định trái với một số văn y rằng chai chân không thể giải quyết dứt điểm mà chỉ làm giảm độ dày sừng... Bằng cớ là chừng hơn năm nay tôi bị một mảng cứng cỡ đốt ngón tay, hình dẹt, nổi chính giữa rìa ngoài bàn chân phải, ban đầu ở 1/3 gần ngón chân út, sau chữa, lùi dần xuống gót chân rồi tan. Mảng thứ hai đáng ngại, phát hiện ra khi đi bộ trên máy, thấy gợn gợn, tức tức, sờ tay thấy nó dài gấp rưỡi đốt ngón tay, cộm lên dưới lớp hạ bì, ở giữa - cạnh phần thịt nhô cao dưới gót bàn chân. Nay cả hai đã biến mất sau nửa năm xử lí.

Trị nhiều cách có lẽ mỗi cách đều ít nhiều có tác dụng. Đi trên mặt máy độ ráp nhám cao, cố ý chà xát mạnh bàn chân. Dùng con lăn-dụng cụ mát-xa có gai nhọn lăn sát nhiều lần, ngày ngày, dăm mười phút, kết hợp dùng ngón tay cái, vật tù đầu, day ấn vào mảng cứng. Có sách nói ngâm chân có mảng cứng vào nước ấm pha xà phòng, bồ kết cho mềm chỗ chai, bỏ bớt lớp sừng. Tôi nghiệm: xát nước quả chanh tươi nhiều lần tốt hơn.

Thuốc dạng kem bôi "bạt sừng" nhiều loại, rẻ như Ben-zo-sa-ti của Công ty Dược Tra-pha-co chẳng hạn, tốt. Dân gian có ba bài vị: hạt gấc 10 hạt, xà phòng đóng bánh 100g, vôi bột 50g. Gấc bóc vỏ, sao vàng tán nhỏ. Vôi cho ít nước. Xà phòng giã nhuyễn. Ba thứ luyện đều, nhuyễn thành khối thuốc dẻo, đưa vào nhiệt độ chừng 60 độ C cho mềm. Rửa sạch cả vùng chai, bôi dung dịch thuốc lên mảng chai, tránh vùng da thịt chung quanh kẻo rát bỏng. Mảng cứng nhẹ chỉ 2-3 lần, thuốc ngấm, chai biến mất.

Nhiều dân tộc trên thế giới thường dùng lớp bẹ củ hành tươi lấy băng sạch rịt mảng chai một ngày đêm, phần cứng mềm ra, quanh gốc cứng trắng nhợt, chai tự rụng. Hoặc, trứng gà luộc, bỏ lòng trắng, lòng đỏ bỏ vào muối kim loại đun nóng chảy thành dầu lỏng, nhỏ giọt lên mảng chai vài ngày. Chai tự tiêu. Lại có cách đơn giản, hoà nước muối đặc 15-20%, ngâm chỗ chai 30 phút, 20 lần ngâm sẽ hết chai.

Nhất cử lưỡng tiện

Con người-một "vũ trụ nhỏ", mọi cơ quan bộ phận đều quan hệ đến nhau. Day, bấm, lăn... mảng chai chỗ này lại chữa bệnh chỗ khác. Như nốt chai ở ngón tay vô danh (nói trên phần tác hại), mà da thịt mềm nhẵn trở lại thì gan, mật, trụy, lách cũng giảm hết các triệu chứng đau, có thể khỏi bệnh-như sách của Mỹ đã công bố.

Cái thứ u chai này-một thứ bệnh "chưa chết ai", nên xã hội còn ít quan tâm, vậy mà lại nhiều người bị, thật khó chịu, giảm đi chất lượng cuộc sống vốn có. Quý vị thử "tự làm bác sĩ". Chúng tôi quan niệm phòng trị một bệnh phải chữa toàn thân bằng tập luyện kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt, lao động, nghỉ ngơi hợp lí, lối sống lành mạnh, khoa học.

Trịnh Tố Long
Theo nguoicaotuoi.org.vn

No comments:

Post a Comment