May 10, 2011

Ăn mít (4 bài)

Bài 1. Ăn mít giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ngừa thiếu máu



Hầu hết chúng ta đều biết đến hương vị ngọt ngào, thơm ngon của mít mà ít biết đến lợi ích thiết thực của nó đối với sức khỏe.

Bạn nên ăn mít thường xuyên để bổ sung cho cơ thể nguồn dinh dưỡng dồi dào và thu lại những lợi ích sau:


1. Tăng cường hệ thống miễn dịch

Vitamin C là nguồn dinh dưỡng bổ sung được sử dụng rộng rãi nhất vì nó nổi tiếng là chất dinh dưỡng có thể giúp cơ thể ngăn ngừa bệnh cảm lạnh và các bệnh lây nhiễm. Một chén múi mít có thể cung cấp cho cơ thể chúng ta một lượng lớn chất chống ôxy hóa.

2. Điều hòa lượng đường trong máu

Lượng đường trong máu cao là một trong những biểu hiện của sự thiếu khoáng chất mangan trong cơ thể. Mít chứa một lượng rất lớn các chất dinh dưỡng thiết yếu này giúp cơ thể điều hòa lượng đường trong máu.

3. Phòng ngừa bệnh loãng xương

Mít chứa dồi dào khoáng chất magiê sẽ hỗ trợ cho hoạt động của canxi để xây dựng và củng cố xương luôn chắc khỏe. Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, những ai tiêu thụ thực phẩm giàu potassium và magiê sẽ có mật độ xương cao hơn và chắc khỏe hơn.

4. Giữ tuyến giáp luôn khỏe mạnh

Đồng là khoáng chất giữ vai trò quan trọng cho sự trao đổi chất trong cơ thể, đặc biệt là sự sản sinh và hấp thụ hormone. Ngoài ra, nó còn giúp cho tuyến giáp luôn khỏe mạnh. Mít là nguồn thực phẩm tập hợp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, trong đó có khoáng chất đồng.

5. Điều hòa huyết áp

Một chén múi mít chứa một nửa lượng chất potassium được tìm thấy trong trái chuối. Potassium có thể giúp chúng ta phòng ngừa bệnh loãng xương và nó được biết đến bởi vai trò làm giảm huyết áp hiệu quả.

6. Phòng ngừa các bệnh đường ruột

Vì chứa lượng chất xơ cao, mít là loại trái cây tuyệt vời có thể giúp bạn giảm thiểu và phòng ngừa bệnh táo bón.

7. Phòng ngừa chứng quáng gà

Mít chứa lượng vitamin A bằng lượng vitamin A của khoảng ¼ ly cà rốt nên loại trái cây này có khả năng phòng ngừa các bệnh về mắt như chứng quáng gà.

8. Giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim

Cũng giống như hầu hết các loại trái cây và rau củ khác, mít cũng là loại trái cây thân thiện đối với tim mạch vì lượng vitamin B6 cao trong mít có thể làm giảm homocystein trong máu(yếu tố gây nên bệnh xơ cứng động mạch).

9. Hỗ trợ điều trị các chứng tắc nghẽn mạch máu

Mít chứa nhiều canxi, một loại khoáng chất không những có lợi cho xương mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và chống lại các chứng tắc nghẽn mạch máu.

10. Phòng ngừa bệnh thiếu máu

Ăn mít cũng là cách tốt để bổ sung hàm lượng sắt cho cơ thể. Chất sắt giúp cơ thể chúng ta phòng ngừa các bệnh rối loạn máu thông thường như bệnh thiếu máu.

Nguồn: Phụ nữ Online

Bài 2. Bồi bổ và chữa bệnh bằng mít



Sản phụ ít sữa có thể dùng lá mít tươi (30-40 g/ngày) nấu nước uống. Cũng có thể dùng cụm hoa đực (dân gian thường gọi là dái mít) hay quả non sắc uống để tăng tiết sữa.

Khi bị mụn nhọt, lấy lá mít tươi giã nát, đắp lên nhọt đang sưng, sẽ làm giảm sưng đau. Có thể dùng nhựa mít trộn với giấm, bôi lên chỗ mụn nhọt sưng tấy.

Theo tạp chí "Science et vie", các nhà nghiên cứu ở Montpellier (Pháp) đã tìm thấy trong quả mít nhiệt đới có một chất tự nhiên mà họ đặt tên là Jacaline, giúp bảo vệ tế bào bạch cầu (có chức năng chống lại virus). Công trình này đã công bố và vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm

Một số món bổ dưỡng từ mít

Mít lên men rượu:

Múi mít chín 1 kg, đường trắng 300 g, men rượu (bánh men thuốc Bắc) 2 bánh. Cách làm: Lựa múi mít vừa chín tới, gỡ bỏ hạt, phần múi đem trộn với 150 g đường. Men rượu đem tán nhỏ, rây mịn. Cho mít vào bình thủy tinh rộng miệng, cứ một lượt mít rắc một lượt men cho đến hết mít. Số men còn lại rắc trên cùng, đậy kín nắp. Khoảng 4-5 ngày sau, mít lên men rượu bốc mùi thơm. Lấy 2 lít nước lọc hòa với 150 g đường còn lại đổ vào, đậy kín nắp để lên men tiếp. Khoảng 9-10 ngày sau, thấy nước lên men rượu trong bình lắng trong là được. Chắt nước ra, lọc qua phễu có lót bông cho trong, đóng vào chai, nút thật chặt (vì lượng đường trong rượu còn lại vẫn tiếp tục lên men, dễ làm bật nút). Rượu mít lên men có màu vàng nhạt, có gas và dậy mùi thơm của hương mít. Rượu mít khá bổ, uống lâu say vì mít có tính giải rượu, dùng khai vị trong bữa ăn như bia hay rượu vang.

Mít nấu đường:

Mít chín 30 múi to, đường trắng 300 g, chanh tươi 1 quả. Chọn mít dai vừa chín, múi to thịt dày, loại bỏ hạt, thái miếng vuông. Cho đường vào soong cùng với 300 ml nước, đun sôi, cho mít vào đảo đều. Rút bớt lửa chỉ để sôi lăn tăn, khi mít chín trong, nước đường hơi sánh lại là được. Khi mít nguội, đem ướp lạnh. Lúc ăn, lấy mít vào cốc, vắt chanh vào nước đường còn lại, quấy đều, tưới lên mít, ăn mát lạnh, dùng tráng miệng sau bữa ăn. Ngoài ra, mít còn giúp giải rượu bia.

Mít non xào thịt:

Quả mít non gọt vỏ gai, thái lát, đem xào với thịt lợn nạc, nêm thêm gia vị, dùng ăn với cơm. Món này, theo Đông y có tác dụng bổ tỳ, hòa can, tăng và thông sữa, thích hợp cho phụ nữ sau sinh bị ốm yếu, ăn kém, ít sữa.

Nguồn: Sức khỏe và đời sống

Bài 3. Ăn mít – da đẹp hơn



Ngoài giá trị ăn uống, quả mít và nhiều bộ phận của cây mít còn được nhân dân ta dùng làm thuốc chữa bệnh từ lâu đời. Nhiều sách thuốc cổ nói đến tác dụng bồi bổ của mít.

Theo Tuệ Tĩnh thì ăn mít đỡ khát, chữa được ngộ độc rượu, nhẹ mình và giúp da mặt thêm tươi đẹp.

Lá mít là một vị thuốc lợi sữa dân gian thông dụng. Phụ nữ sau khi đẻ thiếu sữa nuôi con, dùng lá mít tươi mỗi ngày 40g nấu nước uống sẽ tăng thêm sữa.

Bà con ta cũng thường lấy lá mít tươi giã nát đắp lên những mụn nhọt đang sưng đau để chữa bệnh hoặc dùng lá mít khô nấu thành cao, bôi lên những vết lở loét có kết quả tốt.

Mít có hai loại chính: mít mật và mít dai. Nhiều người thích ăn mít dai hơn vì múi dày, thơm, giòn, ngọt. Nhưng cũng có người thích ăn mít mật, mềm và ngọt đậm hơn.

Cả hai loại mít đều có nhiều muối khoáng và vitamin (kali, natri, canxi, phôtpho, sắt, caroten, vitamin B2, vitamin C…). Vì chứa nhiều gluxit, bao gồm nhiều loại đường đơn cơ thể dễ hấp thu như glucoza, fructoza… nên quả mít có tác dụng bồi dưỡng tốt.

Từ quả và xơ mít bà con ta chế biến ra một món ăn dân dã độc đáo, đó là nhút mít. Có những địa phương làm nhút mít ngon nổi tiếng như huyện Thanh Chương (Nghệ An). Nhút thường được làm từ xơ mít chín hoặc quả mít xanh còn non chưa chắc hạt, đem gọt vỏ, thái ra, muối như muối dưa.

Nhút muối khéo có màu trắng muốt, vị chua ngon, vừa dai vừa giòn, chấm với tương ngọt ăn rất ngon. Nhút mít còn được dùng để xào nấu, làm nộm nhút, nấu canh chua với thịt, với cá…

Hạt mít cũng là một thức ăn giàu tinh bột và protit, có giá trị dinh dưỡng tốt không kém các loại lương thực (trong 100g hạt mít khô có 70% tinh bột, 5,2g protid, 0,62g lipit) nên được nhân dân ta luộc, hấp cơm hoặc nướng ăn rất phổ biến.

Theo BS Hương Liên

Bài 4. Mít non kho nước dừa



Nguyên liệu:

200g mít non, 200g mít chín, 200g thịt ba rọi, 300g dừa nạo, 1 quả ớt sừng, 1 nhánh hành lá, ít lá húng lủi, 1 thìa cà-phê tỏi xay, dầu ăn, hạt nêm, đường, nước mắm.

Thực hiện:

Mít non luộc, thái miếng. Mít chín bỏ hạt, thái miếng. Thịt ba rọi thái miếng. Dừa nạo vắt lấy 1/2 chén nước cốt, 1 chén nước dảo. Ớt thái sợi, hành lá tước sợi. Đun nóng 1 thìa súp dầu, phi thơm tỏi, cho thịt ba rọi vào xào săn. Cho 1 thìa súp đường, 1 thìa súp nước mắm, 1 thìa cà-phê hạt nêm, cho nước dảo dừa và mít vào. Để lửa sôi riu riu cho cạn nước. Cho nước cốt dừa vào, nếm lại cho vừa ăn, cho hành, ớt vào tắt bếp.

No comments:

Post a Comment