May 24, 2011

Sự phát triển của bé 1 - 5 tuần tuổi (6 bài)

Bài 1. Bé mới chào đời



Sau bao tháng ngày mong chờ, giờ đây bé yêu của bạn đã chào đời. Bạn đã thực sự trở thành cha (mẹ)!

Tư thế “bào thai”

Bởi vì bé bị cuộn tròn trong tử cung mẹ đến tận lúc sinh ra, cho nên trông bé có vẻ hơi co quắp trong một thời gian ngắn, với tay và chân không được dang rộng thoải mái. Bé thậm chí trông có vẻ bị vòng kiềng.

Đừng lo lắng: Bé sẽ duỗi ra dần dần và đến khi được 6 tháng tuổi, bé hoàn toàn không còn co quắp nữa. Đồng thời, khi bé thích nghi với cuộc sống bên ngoài tử cung người mẹ, bé có thể thích được quấn trong một chiếc chăn mỏng.

Các phản xạ nguyên thủy

Từ lúc sinh ra bé đã có một số phản xạ: Phản xạ giật mình - phản xạ làm cho bé tự động ưỡn cong lưng, dang tay, dang chân và thỉnh thoảng khóc toáng lên khi thấy to tiếng hoặc một sự di chuyển đột ngột nào đấy. Trẻ sơ sinh có thể có phản ứng lại ngay cả khi ngủ, nhưng nó sẽ mất dần sau một vài tháng.

Những phản xạ khác của trẻ sơ sinh bao gồm: phản xạ Babinski (cong ngón cái và xoè 4 ngón còn lại khi lòng bàn chân bị va đập mạnh), phản xạ bước (bé như bước hoặc nhảy khi chân chạm vào bề mặt cứng), và phản xạ đẩy lưỡi (bé đẩy lưỡi mình ra khi bị nhét cái gì vào miệng).

Cố định cơn đói và giấc ngủ

Thức ăn là phần quan trọng nhất trong cuộc sống của trẻ sơ sinh, giấc ngủ là thứ hai. Hầu hết trẻ sơ sinh sẽ ăn hai hoặc ba tiếng một lần.

Giờ ngủ được chia thành các giấc một cách cân bằng và đa dạng giữa các trẻ khác nhau. Bé sẽ ngủ tổng cộng 16 đến 17 tiếng một ngày- thường chia thành 8 giấc ngủ ngắn. Để giảm nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, bạn phải chắc chắn cho bé nằm ngửa khi ngủ.

Cho đến cuối tháng đầu tiên, bé có thể phát triển về việc ăn và kiểu ngủ, nhưng không kiểm soát được nó. Ở thời kỳ này, bé cần được ăn bất cứ khi nào đói, trước khi bé khóc.

Mùi và vị

Bé đã phát triển về vị giác. Trên thực tế, trẻ sơ sinh có vẻ như có nhiều chồi vị giác hơn người lớn. Bé nhạy cảm với đồ ngọt và những vị chua cay khi mới sinh, nhưng sự phản ứng lại với vị mặn thì phải đợi đến khi bé được 5 tháng.

Bé dùng khứu giác ngay từ đầu và có thể đánh mùi được: chú ý đến cách bé quay đầu khi bé gửi thấy mùi khó chịu (giống như là mùi bỉm bẩn của bé).

Những nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ sơ sinh 5 ngày tuổi sẽ quay về hướng miếng gạc có tẩm sữa mẹ, chúng có thể ngửi được mùi đó và vài ngày sau chúng tỏ ra thích thú với mùi của sữa mẹ. Nhờ sử dụng khứu giác, bé có thể ngọ nguậy về phía vú của bạn.

Những cử động bản năng

Phản xạ gốc (rooting reflex) - một phản xạ khác mà bé có khi mới sinh ra - giúp cho bé tìm được vú mẹ và biết cách bú. Khi bạn chạm vào má, môi, hay miệng của bé với ngón tay hoặc núm vú, bé sẽ quay mặt lại và há miệng ra tìm vú, khi tay bạn di động, miệng bé sẽ di động theo.

Bạn sẽ thấy bé tự động bắt đầu những cử động bú bằng miệng. Bé đang cho thấy bé biết cách ăn đấy chứ! Bây giờ bạn thử đặt ngón tay vào vòm miệng của bé và xem bé sẽ bắt đầu bú như thế nào?

Bài 2. Bé một tuần tuổi


Một tuần tuổi, bé yêu của bạn chỉ nhìn được ở khoảng cách 20 đến 25 cm và mắt bé dường như bị lé. Tuy còn rất nhỏ, song bé đã có khả năng bắt chước và tỏ ra khá thân thiện với bạn. Bé tiêu hóa sữa mẹ rất nhanh, vì thế bạn cần cho bé bú theo nhu cầu để tránh bỏ đói bé.

Bé chỉ yêu thích mỗi mình bạn

Tầm nhìn của trẻ vẫn còn khá mờ. Những đứa trẻ mới sinh bị cận thị và có thể nhìn được những vật tốt nhất khi chúng ở cách xa trẻ khoảng 20 đến 25 cm, vì vậy bé có thể nhìn thấy khuôn mặt bạn khi bạn giữ bé ở khoảng cách gần.

Đừng lo lắng, nếu bé không nhìn thẳng vào mắt bạn ngay từ đầu. Trẻ sơ sinh có xu hướng nhìn vào lông mày, viền giữa tóc với trán hoặc cử động miệng của bạn. Khi bé đã nhận biết được bạn, bé sẽ thích thú hơn với những trao đổi mắt - mắt. Những nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trẻ sơ sinh thích khuôn mặt con người hơn tất cả những mô hình hay sắc màu khác. Lúc này bé có thể nhận ra các vật có độ sáng, chuyển động, có độ tương phản cao hay có màu đen trắng.

Hãy cho bé nhiều cơ hội để tìm hiểu về những đặc điểm của bạn bằng cách, nhìn vào bé thật gần. Khi bạn hoặc chồng bạn cho bé ăn, hãy di chuyển đầu mình qua lại một cách từ từ và xem liệu mắt bé có dõi theo mình không.

Hoạt động này có thể giúp tăng cường cơ mắt. Đừng giật mình, nếu bé nhìn vào bạn với đôi mắt bị lác (lé). Điều này hoàn toàn bình thường đối với mắt của trẻ sơ sinh vào lúc này, khi mà bé không nhìn vào hướng nào cụ thể hoặc nhìn sang ngang. Điều này sẽ kéo dài suốt trong tháng đầu tiên. Bé còn khá nhạy cảm với ánh sáng. Điều này thể hiện ở việc bé nháy mắt khi bạn mang một vật gì đó đến gần bé.

Vấn đề cân nặng

Nếu bạn đang cho con bú, bạn có thể băn khoăn liệu bé có ăn đủ không bởi vì dường như lúc nào bé cũng đói. Bé sẽ rất nhanh đói, vì sữa mẹ thường được tiêu hoá trong 2 giờ sau khi bé ăn.

Một số dấu hiệu cho thấy bé ăn đủ sữa là:

- Ngực bạn đang trống rỗng và cảm thấy mềm hơn sau khi cho bú

- Bé có làn da hồng hào và cứng cáp mà khi bị véo da sẽ trở lại trạng thái ban đầu ngay (nếu bạn véo má một em bé thiếu nước, da sẽ bị nhăn nheo).

- Bé đang phát triển cả về cân nặng và chiều dài, bạn có thể nghe thấy tiếng bé thở trong khi bú (nếu phòng yên tĩnh).

- Phân đang chuyển sang màu vàng hoặc màu tối, và bé thay ít nhất 5 đến 6 bỉm một ngày (hoặc 7 đến 8 chiếc tã).

Bạn nên cân bé thường xuyên, ít nhất là mỗi tháng một lần để nắm được tốc độ phát triển của bé và kiểm tra xem bé có bị suy dinh dưỡng hay không. Nếu bé không đạt được số cân bạn mong muốn, không chắc đó là suy dinh dưỡng mà đơn giản chỉ là vì mỗi bé có một tốc độ phát triển riêng. Điều quan trọng là bé vẫn khỏe mạnh và lên cân đều.

Tuy nhiên nếu bạn thấy bé không đạt được các mốc phát triển quan trọng, cần xem lại chế độ dinh dưỡng và việc nuôi dưỡng bé có vấn đề gì không.

Phân su

Trong những ngày gần đây, phân của bé trở nên dày và xám xanh bởi do phân su - một loại chất được tạo thành trong ruột khi bé còn nằm trong tử cung. Khi bé bắt đầu ăn thì phân su được thải ra, phân của bé bắt đầu chuyển sang màu vàng vàng, nhưng chúng có màu sắc khá đa dạng trong cùng một ngày tuỳ thuộc vào chế độ ăn của bạn (nếu bạn đang cho con bú) hoặc số lượng và loại sữa ngoài mà bạn cho bé bú, cũng như lượng nước trong người bé.

Trẻ sơ sinh có thể có đi ị nhiều từ 8 đến 12 lần một ngày, nhưng nếu bé đi ít hơn 1 lần, thì bé cũng vẫn không sao. Nếu bạn cho bé bú mẹ, phân của bé có thể mềm hơn, giống như bị tiêu chảy.

Bắt chước

Ngay từ đầu, bé có thể nhận ra khuôn mặt và cử chỉ theo trực giác và thỉnh thoảng mô phỏng lại. Hãy thử để sát mặt với bé và lè lưỡi hoặc rướn lông mày lên một lúc, sau đó cho bé thời gian để bé bắt chước cử chỉ của bạn. Mặc dù lúc này bé không bắt chước y hệt biểu hiện của bạn, nhưng bé chú ý đến chúng và tìm hiểu. Nếu bạn giao tiếp với bé và bé có vẻ như không tiếp thu được tí nào thì cũng đừng lo lắng. Bé có thể đang buồn ngủ hoặc bé hơi bị quá tải một chút và cần được nghỉ ngơi.

Thời gian lẫy

Trẻ nhỏ thường ngủ rất nhiều và để giảm nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, vị trí an toàn nhất là nằm ngửa. Nhưng khi bạn thức dậy và trong những tuần tiếp theo bé sẽ càng ngày càng thức nhiều hơn - hãy chắc rằng bạn cho bé nằm úp (lẫy). Trẻ cần có thời gian nằm úp mỗi ngày để tăng cường cơ cổ. Vậy hãy bắt đầu để bé sử dụng vị trí ngủ đó ngay bây giờ nếu không bé có thể sẽ phản kháng lại khi bé lớn hơn.

Hãy nhớ rằng, con bạn là một cá thể duy nhất

Tất cả trẻ con đều là duy nhất và đạt những mốc phát triển ở tốc độ riêng. Những hướng dẫn về tăng trưởng đơn giản chỉ ra những việc bé cần thực hiện - nếu không phải lúc này thì cũng sẽ diễn ra sớm thôi. Nếu bé sinh thiếu tháng, hãy yên tâm rằng trẻ sinh ra sớm thường cần nhiều thời gian hơn một chút để đạt đến mốc phát triển của chúng. Nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào về sự phát triển của bé, hãy hỏi các trung tâm y tế.

Bài 3. Bé hai tuần tuổi


Đây chính là thời điểm bé bắt đầu có những cảm nhận rõ ràng hơn về thế giới: những âm thanh, giọng nói, khuôn mặt… tất cả đều thật mới mẻ và lạ lẫm.

Một thế giới lạ lẫm

Tử cung của bạn là một môi trường ấm áp và thoải mái, nên phải mất một thời gian để con bạn thích nghi với những hình ảnh, âm thanh và những cảm giác đa dạng của cuộc sống bên ngoài cơ thể mẹ. Bạn có lẽ không thể biết được hầu hết tính cách của bé vì bé bắt đầu và chuyển sang một vài trạng thái ngủ khác nhau, tỉnh táo tĩnh và tỉnh táo động.

Cách duy nhất con bạn biết giao tiếp là khóc, nhưng bạn có thể giao tiếp với bé bằng giọng nói của bạn và sự vuốt ve. Bây giờ bé đã có thể nhận ra giọng nói của bạn và phân biệt nó với các giọng khác.

Bé có thể thích được, vuốt ve, âu yếm, massage và bế rong. Bé thậm chí sẽ phát ra âm thanh “ah” khi bé nghe thấy giọng bạn hoặc nhìn thấy khuôn mặt bạn và bé hào hứng tìm bạn trong đám đông.

Quấy khóc bất thường

Nếu bé khóc nhiều hơn 3 tiếng liên tục từ ba ngày trở lên trong một tuần và kéo dài ít nhất 3 tuần, mà không có sự giải thích về mặt y học cho tình trạng của bé, có khả năng bé đã mắc hội chứng trẻ quấy khóc bất thường - một thuật ngữ dùng để mô tả cơn quấy khóc một cách mất kiểm soát của một đứa trẻ khoẻ mạnh.

Em bé bị mắc hội chứng này có thể hoạt động một cách không thoải mái - liên tục duỗi hoặc co chân và đánh hơi (đánh rắm). Cơn quấy khóc và sự không thoải mái của bé có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, nhưng thường dữ dội nhất vào khoảng từ 6h tối đến nửa đêm.

Rất may, hội chứng này không kéo dài mãi. 60% trẻ sẽ tránh được tình trạng xấu nhất khi ba tháng tuổi, 90% sẽ đỡ khi được bốn tháng tuổi.

Rốn lõm hay lồi?

Sau khi trẻ ra đời, bác sĩ (hoặc chồng bạn) sẽ cắt dây rốn của bé một cách không đau đớn, để lại gốc rốn. Bạn sẽ thấy trong suốt hai tuần đầu phần còn lại của dây rốn sẽ bắt đầu rụng.

Hãy học cách tắm bé để giữ cho vùng rốn được khô ráo. Khi dây rốn đã hoàn toàn đứt và rụng ra, phần còn lại chính là chiếc rốn đáng yêu của bé.

Hãy thong thả

Bạn có thể nhận thấy bé đang trở nên cáu kỉnh hoặc kén chọn vào cuối buổi trong ngày. Điều này là bình thường. Có thể là bé chỉ bị choáng ngợp bởi những hình ảnh và âm thanh mới. Có nhiều thứ có thể dẫn đến điều này mặc dù nhà bạn khá là yên tĩnh.

Nhịp tim và kiểu bú mẹ của bé thực sự thay đổi khi bé nghe thấy một âm thanh mới. Khi bạn thấy bé bị kích động, hãy sắp xếp cho bé một khoảng thời gian yên tĩnh, mát xa, ôm ấp hoặc đu đưa để giúp xoa dịu bé.

Trạng thái khóc lóc ủ rũ

Là một người mẹ trẻ, thật bình thường khi cảm thấy hơi bị tổn thương tình cảm. Ít nhất 60 đến 80% các bà mẹ trẻ đều trải qua trạng thái khóc lóc ủ rũ, một dạng nhẹ của bệnh trầm cảm mà có thể gây ra khóc lóc, lo lắng, khó ngủ, cáu gắt và buồn bã.

Nếu tình trạng này kéo dài hơn 2 hoặc 3 tuần, có thể bạn đã bị mắc hội chứng trầm cảm sau sinh, một tình trạng nghiêm trọng mà có đến 20% các bà mẹ trẻ bị mắc. Nếu bạn cảm thấy bất kỳ triệu chứng nào như mất ngủ, dễ xúc động hoặc buồn rầu mà vẫn dai dẳng suốt ngày, giảm sự hứng thú với mọi hoạt động, khó tập trung, thay đổi khẩu vị, lo lắng, cảm thấy rất có lỗi, lên cơn hoảng loạn (những triệu chứng bao gồm tim đập loạn xạ, chóng mặt, bối rối, cảm giác những điều chẳng lành sắp xảy ra), hoặc có ý nghĩ tự tử - hãy liên hệ ngay với trung tâm y tế. Không chỉ bạn sẽ được giúp đỡ thoát khỏi tình trạng này mà bé cũng sẽ có lợi hơn khi bạn suy nghĩ lành mạnh hơn.

Bài 4. Bé ba tuần tuổi


Đến cuối tuần này, bé có thể nâng được đầu dậy và quay từ bên này sang bên kia khi nằm úp bụng. Hãy nằm xuống đối diện với bé để cổ vũ bé nâng đầu lên nhìn bạn.

Bụng của trẻ

Hãy chắc chắn rằng bạn vẫn tiếp tục đặt bé nằm úp để tập lẫy khi bé thức. Trẻ nên ngủ với tư thế nằm ngửa, nhưng chúng cũng cần được nằm úp mỗi ngày để tăng cường cơ cổ, giúp chúng ngẩng đầu, quay sang ngang, nâng đầu lên và cúi xuống. Thời gian tập lẫy sẽ giúp bé tránh được việc bị bẹp đầu khi nằm ngửa.

Đến cuối tuần này, bé có thể nâng được đầu dậy và quay từ bên này sang bên kia khi nằm úp bụng. Hãy nằm xuống đối diện với bé để cổ vũ bé nâng đầu lên nhìn bạn. Bạn cũng có thể gấp một chiếc khăn tắm hoặc chiếc chăn mỏng và đặt dưới ngực của bé để giúp bé ngẩng lên. Tiếp đó, hệ thống thần kinh và điều khiển cơ của bé sẽ trưởng thành và những cử động giật giật của bé sẽ trở nên linh động hơn.

Tự xoa dịu

Trẻ thích và cần được mút, vì vậy đừng ngăn cản bé. Trên thực tế có lẽ bạn không biết rằng núm vú giả có hiệu quả rất tốt trong việc giúp bé bình tĩnh.

Hội nhi khoa Hoa Kỳ khuyên nên sử dụng núm vú giả vào giờ đi ngủ, dựa trên minh chứng là việc sử dụng núm vú giả có thể giảm nguy cơ đột tử ở trẻ em (SIDS). Khi không có sẵn núm vú giả hoặc ngón tay bạn ở đó, bé thậm chí có thể lấy ngón tay cái hoặc những ngón tay khác để tự dỗ dành bản thân.

Hãy ngừng hút thuốc

Nếu bạn hoặc chồng mình hút thuốc, bạn cần phải ngừng việc hút thuốc lại. Khói thuốc mà bé hít phải có thể cực kỳ nguy hiểm đối với bé – làm suy phổi, khiến bé dễ bị viêm tai hơn, tăng việc ngáy ngủ và rối loạn hô hấp khi ngủ. Đây chính là nguyên nhân gây ra những vấn đề về sức khoẻ, hành vi và khả năng nhận thức, và tăng gấp đôi nguy cơ bị đột tử.

Mặc dù bạn không hút thuốc khi bé ở trong phòng nhưng chất hoá học gây hại này vẫn lưu thông trong nhà bạn một khoảng thời gian.

Bài 5. Bé bốn tuần tuổi


Bé yêu của bạn đã được 1 tháng tuổi - một mốc phát triển vô cùng quan trọng đây! Lúc này việc chơi với bé là một cách tuyệt vời nhất để hướng dẫn bé bước vào một thế giới mới lạ một cách nhẹ nhàng.

Giờ chơi

Việc chơi với trẻ sơ sinh là một cách tuyệt vời nhất để hướng dẫn bé bước vào một thế giới mới lạ một cách nhẹ nhàng. Điện thoại di động kiểu có độ tương phản cao và những trang sách có hình khuôn mặt trẻ con sẽ lôi cuốn bé.

Một phòng tập chứa đầy đồ chơi hấp dẫn để bé nhìn, cầm nắm, đập phá và lắng nghe, sẵn sàng giúp bé thực hành những kỹ năng phối hợp cánh tay, bàn tay và ngón tay, khiến bé nằm chơi một cách thích thú hơn. Bạn rất nên nằm cạnh và chơi cùng bé.

Mặc dù lúc này bé có thể cảm thấy thích thú nhưng bé vẫn chưa có sự phối hợp tay và mắt để với lấy vật mà bạn để trước mặt bé. Kỹ năng này sẽ phát triển khi bé được 4 tháng tuổi. Còn bây giờ bạn sẽ vẫn phải đưa đồ chơi tận tay cho bé. Bạn biết không ngón tay út của bạn có thể là một trò rất thú vị với bé đấy.

Khám phá các giới hạn

Lúc mới sinh bé không có ý niệm rằng tay và chân được dính liền với người bé. Bây giờ thì tất cả đã thay đổi khi bé bắt đầu khám phá cơ thể mình, những phần bé tìm hiểu trước tiên chính là tay chân bé.

Hãy khuyến khích niềm đam mê của bé bằng cách giữ cánh tay bé giơ lên trên đầu và hỏi “Bé lớn như thế nào nhỉ?” và đếm ngón chân của bé. Hãy đưa bàn tay của bé ra trước mặt để bé có thể nhìn thấy và cảm thấy chúng tồn tại cùng một lúc.

Trẻ thường khó khăn khi điều tiết nhiệt độ cơ thể, và sự lưu thông cũng không tốt. Yên tâm rằng bé có thể thoát nhiệt qua tay và chân. Hãy đảm bảo rằng các ngón chân và tay được đi tất và bao tay khi trời lạnh, đặc biệt khi đem trẻ ra ngoài.

Nói chuyện với bé

Con bạn có thể ríu rít, thủ thỉ, lẩm bẩm và ầm ừ để biểu lộ cảm xúc của mình. Một số ít trẻ cũng bắt đầu kêu ré lên và cười. Hãy chắc rằng bạn cũng sẽ thủ thỉ và ríu rít lại và nói chuyện đối mặt với trẻ. Bây giờ bé sẽ rất thích thú khi bạn nhìn chằm chằm vào bé.

Nếu bạn bận làm gì, con bạn sẽ vẫn muốn được nghe thấy giọng nói của bạn. Hãy nói chuyện với bé bằng giọng trẻ con, bé rất thích điều này, vì hầu hết trẻ nào cũng thích nghe giọng the thé – giọng rất đặc trưng của trẻ nhỏ. Khi nói chuyện với bé thực chất bạn đang dạy cho bé những cấu trúc cũng như chức năng của ngôn ngữ.

Hãy kể lại một ngày của bạn cho bé yêu nghe. Bé sẽ thích cuộc hội thoại của bạn và thậm chí bắt đầu kêu lên theo những ý kiến của riêng mình.

Bài 6. Bé năm tuần tuổi


Lúc này các cơ cổ của bé đang chắc khoẻ hơn, cho phép bé nâng đầu lên trong một thời gian ngắn. Đồng thời giấc ngủ của bé cũng đã dài hơn vào ban đêm. Hãy rèn cho bé một thói quen đi ngủ lành mạnh.

Phản xạ nâng đầu

Các cơ cổ của bé đang chắc khoẻ hơn, cho phép bé nâng đầu lên trong một thời gian ngắn. Bé có thể chống đỡ được một lúc trong khi nằm lật úp bụng, chẳng hạn bé có thể quay sang hai bên. Bé có thể nâng đầu lên khi đang nằm trong ghế xe ô tô hoặc được địu.

Những nụ cười đầu tiên

Cười là phản xạ phổ biến lúc này. Nụ cười đầu tiên của bé bắt đầu vào cùng thời điểm các cuộc trò chuyện, vì thế hãy sẵn sàng để con yêu đáp lại tất cả tình yêu thương, sự chăm sóc của bạn bằng vẻ tươi cười rạng rỡ bằng nụ cười móm mém, nụ cười toe toét chỉ dành riêng cho bạn. Điều này sẽ khiến bạn rất cảm động và thêm yêu bé hơn.

Những thay đổi về giấc ngủ

Bé có thể bắt đầu ngủ dài hơn vào ban đêm (khoảng 4 đến 6 tiếng), ở khoảng giữa tuần thứ 6 đến tháng thứ 6. Đó là một phạm vi chung chung và phụ thuộc chủ yếu vào sự phát triển và hành vi của bé.

Hầu hết các chuyên gia về giấc ngủ gợi ý rằng hãy cho bé đi ngủ khi bé vẫn còn thức nhưng đã lơ mơ. Điều đó sẽ giúp bé học cách tự buồn ngủ, một kỹ năng hữu ích cho cả bạn và bé khi mà bé thức dậy vào giờ đi tiểu ban đêm.

Bạn có thể giúp bé đạt tới mốc tăng trưởng quan trọng sớm bằng cách thiết lập một thói quen đi ngủ lành mạnh ngay từ đầu, như một lịch trình đi ngủ với việc bôi kem dưỡng, mát xa cho trẻ hoặc kể một câu chuyện.

Theo mangthai.vn, 13/5/2011

No comments:

Post a Comment