Jun 10, 2011

10 phương trà cho mùa nóng

“Nhân thời thi thiện”, “thuận thời nhiếp thực” là một trong những nguyên tắc trọng yếu của phép dưỡng sinh ẩm thực theo quan niệm của Đông y, nói cho đơn giản người ta gọi là ăn uống theo mùa. Nước trà là một trong những đồ uống rất quen thuộc trong đời sống người Việt Nam chúng ta, nhưng không phải ai cũng biết cách dùng trà cho hợp lẽ với thời tiết khí hậu bốn mùa, nhất là khi chúng ta đang trải qua một mùa hè nóng nực và có nhiều biến động của năm nay.

Theo quan niệm của Đông y, mùa hè đa hỏa đa thấp, thời tiết viêm nhiệt bậc nhất, là mùa tương ứng với tạng tâm, dương khí trong cơ thể cực thịnh nhưng công năng của tỳ và vị lại rất dễ bị thương tổn. Vì thế, dùng trà vào mùa hè phải lấy việc thanh nhiệt trừ thấp, thanh tâm bổ tỳ làm trọng. Dưới đây xin được giới thiệu một số cách chế biến trà có lợi cho sức khỏe để bạn đọc có thể tham khảo và vận dụng.

Phương 1: Trà 3g, cúc hoa 9g, hãm uống. Công dụng: thanh lợi đầu mục, thanh nhiệt lợi niệu, dùng rất tốt cho những người hay bị đau đầu hoa mắt, tinh thần mỏi mệt, phiền nhiệt, tiểu tiện sẻn đỏ vào mùa hè.

Phương 2: Trà 3g, hoa sen 6g (lấy cánh hoặc nụ hoa sen vào tháng 7 phơi khô trong bóng râm), tán vụn, hãm uống.Công dụng: thanh tâm lương huyết, hoạt huyết chỉ huyết, dùng cho người hay bị phiền nhiệt, môi miệng dễ viêm loét, tiểu tiện sẻn đỏ, mắc các bệnh dễ bị xuất huyết vào mùa hè như chảy máu cam, xuất huyết dưới da, kinh nguyệt kéo dài do huyết nhiệt...

Phương 3: Trà 3g, bạc hà tươi 3g, thái tử sâm 6g (có thể thay bằng đẳng sâm 8g hoặc nhân sâm 3g), gừng tươi 1 lát, hãm uống. Công dụng: tiêu thử giải nhiệt, thanh lương tỉnh mục, điều lý tỳ vị, dùng để làm đồ uống bảo vệ sức khoẻ về mùa hè rất tốt.

Phương 4: Trà 2g, trám xanh 2 quả lấy cùi bỏ hột, tâm sen 3g, hãm uống. Công dụng: sinh tân chỉ khát, thanh tâm tiêu thử, dùng để giải nhiệt, kiện thân vào mùa hè rất tốt.

Phương 5: Trà 3g hãm với 500 ml nước sôi trong 5 phút, dưa hấu 1 quả vừa phải, bổ ra ép lấy nước rồi hòa lẫn với nước trà, chia uống vài lần trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt giải độc, sinh tân chỉ khát, dùng làm đồ giải khát trong những ngày nắng nóng.

Phương 6: Trà 5g, đại táo 10 quả đốt cháy vỏ, mật ong 20g, hãm uống. Công dụng:bổ khí dưỡng huyết, nhuận phế ích tỳ, dùng cho những người bị bệnh lý đường tiêu hoá trong mùa hè.

Phương 7: Trà 3g, nhân sâm 3g, hoa nhài 3g, hoàng kỳ 6g, hãm uống. Công dụng: bổ khí, sinh tân, liễm hãn, dùng cho người ăn uống kém, dễ đổ mồ hôi, hay hồi hộp trống ngực vào mùa hè. Người bị cao huyết áp không nên dùng.

Phương 8: Trà 3g, lá sen tươi nửa cái, hoạt thạch 6g, bạch truật 6g, hoắc hương 4g, cam thảo 3g, đường trắng lượng vừa đủ, sắc uống. Công dụng: trừ thử thấp, hòa tỳ vị, dùng để giải khát và phòng chống say nắng, say nóng về mùa hè.

Phương 9:Trà 10g, gừng tươi 3g, muối ăn 4,5g, sắc uống với 500ml nước. Công dụng: thanh nhiệt sinh tân giải thử, dùng để giải khát vào mùa hè khi bị mất nhiều mồ hôi, môi khô miệng khát, phiền nhiệt rất tốt.

Phương 10: Trà 3g, gạo tẻ 30 - 50g sao vàng tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 30 phút thì dùng được, uống trong ngày. Công dụng: sinh tân chỉ khát, kiện tỳ lợi niệu, tiêu nhiệt giải độc, dùng rất tốt cho những người bị rối loạn tiêu hóa, đi lỏng gây mất nước trong những ngày hè nóng bức.

BS. Xuân Mai

Ba loại trà chống rét



Không nói thì ai cũng biết giá rét bất lợi đối với cơ thể như thế nào. Để phòng chống giá rét và bảo vệ sức khỏe, ngoài các biện pháp thông thường như mặc ấm, ăn nóng, tránh bị gió lùa..., chúng ta có thể sử dụng một số biện pháp đơn giản của y học cổ truyền. Bài viết này xin được giới thiệu 3 loại trà dược đơn giản để bạn đọc tham khảo và vận dụng.

Khương táo trà

Gừng tươi 20g, hồng táo 10 quả, đường đỏ lượng vừa đủ. Gừng tươi rửa sạch, thái vụn; hồng táo bỏ hạt, thái vụn. Hai thứ đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, khi uống chế thêm đường đỏ với lượng phù hợp, uống thay trà trong ngày. Công dụng: tán phong hàn, ấm tỳ vị, ích khí bổ hư, thường dùng trong những ngày giá rét, đặc biệt tốt với những người tỳ vị hư yếu, dễ bị cảm lạnh, đau bụng, rối loạn tiêu hoá, dễ mắc các chứng bệnh đường hô hấp...

Trong công thức Khương táo trà, với sinh khương làm chủ vị phối hợp cùng hồng táo và đường đỏ vừa có công năng trừ phong hàn, làm ấm tỳ vị khá tốt lại vừa có tác dụng ích khí bổ hư, thực sự là một trong những loại trà dược thích hợp trong những ngày đông tháng giá. Nếu không có hồng táo có thể dùng đại táo thay thế. Cũng có thể chế biến loại trà này bằng cách: gừng tươi rửa sạch, giã nát; hồng táo bỏ hạt, thái vụn; hai thứ đem chưng với đường đỏ thành dạng cao đặc, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi lần lấy chừng nửa thìa cà phê chế với nước ấm, uống thay trà.

Hồi hương đường đỏ trà

Tiểu hồi hương 10g, đường đỏ lượng vừa đủ. Tiểu hồi hương rửa sạch, tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, khi dùng chế thêm đường đỏ với lượng thích hợp, uống thay trà trong ngày. Công dụng: ôn trung trừ hàn, hành khí chỉ thống, dùng làm đồ uống thích hợp trong những ngày giá rét.

Tô diệp khương đường trà

Tô diệp (lá tía tô) 3g, gừng tươi 3g, đường đỏ lượng vừa đủ. Tô diệp và gừng tươi rửa sạch, thái vụn, đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày, khi dùng chế thêm đường đỏ với lượng phù hợp. Công dụng: giải biểu tán hàn, hoà vị khoan trung, thường dùng làm đồ uống trong những ngày giá rét, đặc biệt tốt với những người dễ bị cảm lạnh, đau đầu hoa mắt chóng mặt, sợ lạnh, bụng trướng đau, đại tiện lỏng nát... Nếu có thể, khi hãm cho thêm một vài lát quế chi thì hiệu lực tán hàn của loại trà dược này lại càng được nâng cao.

ThS. Hoàng Khánh Toàn
Theo suckhoedoisong.vn

No comments:

Post a Comment