Jun 1, 2011

Phòng ngừa bệnh quên ở người cao tuổi

Nhiều loại mất trí nhớ thường là biểu hiện của các rối loạn thần kinh như alzheimer, tai biến mạch máu não, tâm thần, trầm cảm, stress, suy nhược thần kinh. Tuy nhiên, nhiều người lớn tuổi khỏe mạnh vẫn phàn nàn hay quên trong sinh hoạt hàng ngày.

Biểu hiện sớm của chứng quên là khó khăn trong sử dụng tiền hàng ngày, sử dụng phương tiện giao thông, kỹ năng mua sắm, trong việc làm theo lời hướng dẫn và tìm đường trong thành phố. Nhân cách người bệnh cũng thay đổi, biểu hiện ở sự ngơ ngác, thờ ơ với người khác, luôn than phiền quên, không nhớ.

Hai biểu hiện rối loạn trí nhớ thường gặp

Chứng loạn trí nhớ về không gian hay nơi chốn: bệnh nhân khó nhận biết nơi mình đang ở và những nơi khác mà họ đã được biết trước đó. Chứng loạn trí nhớ này là rối loạn kỳ lạ, trong đó bệnh nhân luôn tin rằng họ đang ở một nơi khác với nơi họ thật sự đang ở, dù cho có đối mặt với các bằng chứng không thể chối cãi như cầu thang, bàn ghế, giường nệm.

Chứng quên toàn bộ thoáng qua: là một rối loạn có tính chất chu kỳ của hệ thần kinh trung ương trong đó sự mất thình lình trí nhớ, đặc biệt là trí nhớ để tường thuật hay nói về những sự kiện mới xảy ra mà không kèm triệu chứng thần kinh. Người mắc chứng quên này thường có những biểu hiện như: hay hỏi lặp đi lặp lại một câu hỏi. Chứng quên thông thường gặp trong các nguyên nhân là quên theo tuổi gắn liền với mất dần tính khôi hài trong giao tiếp, tốc độ suy nghĩ chậm dần, tuy nhiên nhân cách ít biến đổi, cách phát âm không thay đổi. Ở chứng quên này, người bệnh thường quên sự việc mới xảy ra, nhưng lại nhớ rất lâu các sự việc đã xảy ra trong quá khứ. Quên do các nguyên nhân tâm thần thường kết hợp với các rối loạn thần kinh thực vật, mất ngủ, thiếu năng lực trong công việc, ăn không ngon, lo âu. Quên là triệu chứng sớm của suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ, đây là căn bệnh tiến triển chậm trong nhiều năm.

Phòng ngừa thế nào?

Trong nhiều cố gắng, y học đã khẳng định quên giai đoạn sớm có thể chữa được và ít ra cũng làm quá trình bệnh chậm lại, hoặc tạo cho người bệnh có cuộc sống tốt hơn. Vấn đề đặt ra là khi các bạn có biểu hiện quên thì nên đi khám bệnh để được xác định mức độ quên, tìm các yếu tố nguy cơ và kịp điều trị sớm. Hiện nay có rất nhiều thuốc điều trị đặc hiệu cho chứng quên do bệnh sa sút trí tuệ, quên sau tai biến mạch máu não, quên thông thường ở người lớn tuổi, quên do các bệnh trầm cảm, stress, Alzheimer... Alzheimer là bệnh đứng hàng đầu (chiếm 50-60%) trong các căn nguyên gây bệnh mất trí nhớ hiện nay. Một số thuốc có tác dụng duy trì trí nhớ và khả năng nhận thức dùng trong điều trị bệnh Alzheimer là các thuốc bổ thần kinh, các thuốc tăng cường chuyển hóa tuần hoàn não.

Tuy nhiên, chữa bệnh Alzheimer cần chú trọng đến vấn đề chăm sóc, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người già (giải quyết các yếu tố cô đơn tuổi già, mâu thuẫn giữa các thế hệ, rối loạn chức năng các giác quan, vấn đề nhà ở, thu nhập...). Ngoài ra, cần giáo dục để thay đổi nhận thức và thái độ của mọi người trong cộng đồng về các rối loạn tâm thần ở người già. Cần đào tạo các kỹ năng, kiến thức, phương pháp theo dõi, quản lý săn sóc người già bị rối loạn tâm thần trong bệnh viện, nhất là tại gia đình và cộng đồng... và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người già.

BS. BÙI LAN PHƯƠNG

No comments:

Post a Comment