Jul 22, 2011

Sự nguy hiểm của gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ được xác định khi lượng mỡ tích lũy vượt quá 5% trọng lượng gan và trong tế bào gan chứa nhiều không bào mỡ. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà lượng mỡ tích tụ trong gan cũng khác nhau, biểu hiện lâm sàng của gan nhiễm mỡ phụ thuộc không chỉ vào mức độ và loại chất béo tích tụ mà còn phụ thuộc vào các nguyên nhân bệnh lý.

Gan nhiễm mỡ là biểu hiện đầu tiên của bệnh gan do mỡ, nếu không được chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa kịp thời, bệnh có thể tiến triển đến viêm gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan.

1. Tại sao gan của chúng ta bị nhiễm mỡ?

Cho đến nay đã xác định có 4 cơ chế gây ra sự tích tụ mỡ trong tế bào gan:

- Do chế độ ăn quá nhiều dầu mỡ hoặc các acid béo, đặc biệt là mỡ động vật quá bão hoà; hoặc tăng sự phân phối mỡ đến tế bào gan.

- Do tăng tổng hợp acid béo ở bên trong ty lạp thể hoặc giảm quá trình oxid hoá beta các acid béo trong các tế bào gan. Cả 2 yếu tố này đều làm gia tăng sản xuất TG.

- Do giảm sự bài xuất mỡ ra khỏi tế bào gan.

- Do tăng vận chuyển carbohydrat (thức ăn nguồn gốc từ tinh bột) đến gan quá nhiều, sau đó do hiện tượng đường phân ở gan làm gia tăng acid béo ở gan .

2. Có những loại gan nhiễm mỡ nào?

Dựa vào kích thước các không bào mỡ và vị trí nhân tế bào gan khi quan sát dưới kính hiển vi quang học, người ta phân gan nhiễm mỡ (GNM) ra làm 2 loại: GNM hạt to và GNM hạt nhỏ, hai loại này có thể phối hợp với nhau:

GNM hạt to : GNM hạt to, lan toả là dạng thường gặp trên lâm sàng. Sự tích tụ mỡ trong tế bào gan thay đổi từ nhẹ đến nặng nhưng thường không gây tổn thương các tế bào gan . Bệnh nhân GNM hạt to thường không có triệu chứng lâm sàng, đôi khi có cảm giác nặng tức vùng hạ sườn phải, thường liên quan đến sự tích tụ mỡ nhiều và nhanh trên những bệnh nhân nghiện rượu hoặc đái tháo đường týp 2, thường kèm theo gan to. Các rối loạn xét nghiệm chức năng gan thường không đi theo với tổn thương mô học gan. Chẩn đoán GNM hạt to bằng siêu âm, chụp Xquang cắt lớp điện toán có độ chính xác cao. GNM hạt to có tiên lượng tốt, phục hồi hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị tốt các nguyên nhân bệnh lý kèm theo.

GNM hạt nhỏ : GNM hạt nhỏ có nhiều nguyên nhân bệnh lý và có chung bệnh cảnh lâm sàng. Các bệnh lý có GNM hạt nhỏ thường kèm theo tình trạng rối loạn chức năng chuyển hoá của gan, đặc biệt là tổn thương ty lạp thể làm các quá trình oxid hoá beta các acid béo bị ức chế, ngăn cản sự phóng thích chất béo ra khỏi gan làm tăng tích tụ mỡ trong gan. Triệu chứng khởi đầu trên bệnh nhân GNM hạt nhỏ thường là: mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa kèm vàng da và rối loạn tri giác hoặc hôn mê. Suy thận và đông máu rải rác nội mạch, hạ đường huyết là biến chứng thường gặp. Gan không phải là cơ quan tổn thương duy nhất. Suy gan là một trong nhiều yếu tố gây tử vong. Chẩn đoán GNM hạt nhỏ bằng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như Xquang cắt lớp điện toán, chụp cộng hưởng từ có độ chính xác cao. Tuy nhiên sinh thiết gan vẫn là phương pháp chẩn đoán đặc hiệu.

3. Nguyên nhân nào gây ra gan nhiễm mỡ?

Gan nhiễm mỡ do rượu: Đây là nguyên nhân hàng đầu và có tính chất quan trọng nhất trong việc gây nên tình trạng gan nhiễm mỡ. Mức độ nặng hay nhẹ của bệnh phụ thuộc vào thời gian mắc chứng gan nhiễm mỡ và nồng độ rượu trong máu cao.

Gan nhiễm mỡ không do rượu: Cũng giống như gan nhiễm mỡ do rượu, gan nhiễm mỡ không do rượu (GNMKDR) có thể gặp từ hình thức nhẹ nhàng là gan nhiễm mỡ (GNM) hay còn gọi là thoái hoá mỡ, đến một hình thức tiềm tàng sự nguy hiểm hơn đó là viêm gan mỡ không do rượu, trong một vài trường hợp có thể diễn tiến thành xơ gan hoặc ung thư gan.

Sinh bệnh học của bệnh GNMKDR vẫn chưa được hiểu rõ, nhất là trong giai đoạn sớm của bệnh. Tăng nồng độ acid béo trong gan dẫn đến gia tăng quá trình oxy hoá, đây là yếu tố chính về tiến triển của quá trình từ nhiễm mỡ đến viêm gan nhiễm mỡ và xơ gan.

Nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ không do rượu có thể chia làm mấy nhóm sau:

- Gan nhiễm mỡ do dinh dưỡng: bao gồm thành phần thức ăn không hợp lý, có nhiều chất béo, hấp thu quá nhiều đường, thói quen ăn uống không tốt (uống nhiều bia rượu), chế độ sinh hoạt không điều độ (ngồi nhiều, ít vận động, tinh thần suy nhược căng thẳng), di truyền (nếu trong gia đình có nhiều người bị béo phì).

- Gan nhiễm mỡ do nội tiết, do bệnh tiểu đường…

- Gan nhiễm mỡ do chất hoá học như nhiễm độc phosphor, arsenic, chì…

- Gan nhiễm mỡ do miễn dịch.

- Gan nhiễm mỡ do dùng một số loại thuốc có thể dẫn đến bệnh như các loại corticoide, tetracycline, các thuốc kháng ung thư, thuốc hormone sinh dục nữ…

4. Làm gì để chẩn đoán:

Siêu âm gan: Đây là biện pháp đầu tay, rẻ tiền, chẩn đoán tương đối chính xác. Trên siêu âm, thường chia gan nhiễm mỡ làm 3 độ:

Gan nhiễm mỡ độ 1: gia tăng nhẹ độ hồi âm lan tỏa của nhu mô, mức độ hút âm chưa đáng kể, vẫn còn xác định được cơ hoành và đường bờ các tĩnh mạch trong gan.

Gan nhiễm mỡ độ 2: gia tăng độ hồi âm lan tỏa của nhu mô, khả năng xác định được cơ hoành và đường bờ các tĩnh mạch trong gan bị giảm nhiều.

Gan nhiễm mỡ độ 3: gia tăng rõ rệt độ hồi âm lan tỏa của nhu mô, mức độ hút âm tăng mạnh đến mức khó xác định được cơ hoành và đường bờ các tĩnh mạch trong gan.

Chụp cắt lớp điện toán (CT Scanner): Chụp Xquang cắt lớp điện toán không cản quang là kỹ thuật chẩn đoán không xâm nhập đơn giản, hiệu quả để chẩn đoán GNM hạt to và hạt nhỏ vì có sự tương quan rất rõ giữa độ giảm quang của nhu mô gan và lượng tích tụ mỡ trong các tế bào gan. Tuy nhiên giá thành xét nghiệm còn đắt.

Chụp cộng hưởng từ hạt nhân: Hình ảnh cộng hưởng từ có thể dùng thăm dò gan rất tốt. Tuy nhiên hình ảnh gan thu nhận được từ các thời điểm khác nhau đều có độ nhạy cảm kém trong gan nhiễm mỡ hạt to vì không phụ thuộc vào mức độ nhiễm mỡ gan.

Xạ hình gan: Kỹ thuật này dựa trên nguyên tắc sử dụng các chất đồng vị phóng xạ được tiêm qua tĩnh mạch, đủ nhỏ để xuyên qua hệ mao mạch phổi và được thực bào, sau đó định vị trong hệ võng lưới nội mô của tế bào gan. Tuy nhiên kỹ thuật này đòi hỏi trang thiết bị đắt tiền và giá thành cao.

Soi ổ bụng: Đây là kỹ thuật đã được áp dụng lâu đời nhất trong nội soi tiêu hóa. Đây là một trong các biện pháp chẩn đoán chính xác khi kết hợp với sinh thiết trong các bệnh lý gan mạn tính. Nhưng kỹ thuật gây chảy máu nên cũng ít áp dụng trong chẩn đoán gan nhiễm mỡ.

5. Điều trị và dự phòng như thế nào?

Nói chung về điều trị gan nhiễm mỡ chủ yếu là dự phòng và làm giảm nguy cơ gây ra gan nhiễm mỡ, dựa vào yếu tố thường gặp ở Việt Nam là do rượu và do tăng lipid máu; vì vậy trước hết cần tránh uống rượu bia nhiều, hạn chế ăn nhiều đường và mỡ, tập thể dục thường xuyên, tránh các thuốc gây độc cho gan và điều trị theo nguyên nhân gây ra bệnh gan nhiễm mỡ.

Điều trị viêm gan vi rút nếu có.

Nếu có bệnh lý rối loạn lipid máu thì sử dụng các thuốc chống tăng mỡ máu như nhóm fibrat ( lypanthyl, lipavlon ), nhóm lovastatin hoặc simvastatin , Vitamin E liều cao, cũng có tác dụng góp phần làm giảm tình trạng gan nhiễm mỡ.

Nếu có bệnh lý đái tháo đường, cần tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn, chế độ sinh hoạt, làm việc và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sỹ.

Tùy theo tình trạng nhiễm mỡ, tùy theo điều kiện kinh tế của bệnh nhân, mà có thể cân nhắc sử dụng các loại thuốc chống thoái hóa mỡ ở gan như Livolin H, methionin, hay silimarin.

Và điều cuối cùng, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, nhất là các thuốc có khả năng gây độc cho gan nói chung và khả năng gây nên bệnh lý gan nhiễm mỡ nói riêng, như đã trình bày ở trên; người bệnh cần có ý kiến của bác sỹ, để tránh xảy ra các hậu quả đáng tiếc.

Theo www.benhhoctieuhoa.com

No comments:

Post a Comment