Aug 13, 2011

Các thuốc làm giảm thị lực

Trong sử dụng thuốc, có một số thuốc có tác dụng không mong muốn gây tổn thương thần kinh thị giác (thị thần kinh). Đây là một trong những nguyên nhân làm cho mắt giảm thị lực...

Các thuốc gây giảm thị lực

BS. Hoàng Thị Hạnh (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết: Ethambutol có trong phác đồ điều trị lao là thuốc hay gây nhiễm độc thị thần kinh. Tổn thương thị thần kinh tùy thuộc vào liều dùng và thời gian dùng thuốc. Giảm thị lực sẽ xuất hiện khi dùng ethambutol tối thiểu 2 tháng và thường xảy ra sau dùng thuốc trên 4 tháng. Nhiễm độc thị thần kinh sẽ xảy ra sớm hơn nếu bệnh nhân có suy thận (do giảm đào thải thuốc). Và, với liều dùng ethambutol 25mg/kg/ngày hoặc liều cao hơn rất dễ gây nhiễm độc thị thần kinh. Ngoài ethambutol thì các thuốc như isoniazid (điều trị lao), amiodarone (điều trị loạn nhịp tim), chloramphenicol (thuốc kháng sinh) và rượu (thường có hàm lượng methanol cao), thuốc lá... cũng là những chất hay gây ra tổn thương này.
Ngoài ra, thiếu dinh dưỡng như thiếu vitamin nhóm B (đặc biệt là vitamin B1, vitamin B12..), axit folic cũng gây tổn thương thị thần kinh. Những người nghiện rượu và thuốc lá có nguy cơ cao tổn thương thị thần kinh do thiếu dinh dưỡng vì kém hấp thu vitamin B12.

BS. Hạnh cho biết thêm, ty lạp thể (mitochondria) đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì chu kỳ sống của các tế bào hạch ở võng mạc. Thiếu vitamin, nghiện rượu và thuốc lá, sử dụng một số thuốc và hóa chất có thể ảnh hưởng đến sự photphoryl oxy hóa ty lạp thể sẽ gây tổn thương thị thần kinh.

Nhận biết thế nào?

BS. Hạnh cho biết, thường thị lực giảm dần ở cả hai mắt và mức độ giảm thị lực ở hai mắt tương đương nhau (nếu mức độ giảm thị lực hai mắt có sự khác biệt nhiều cần lưu ý đến bệnh lý khác). Rối loạn sắc giác như người bệnh không phân biệt được các màu đỏ - lục hay xanh - vàng thường là triệu chứng sớm nhất. Thị lực của hai mắt có thể sẽ giảm nhẹ hoặc giảm nhiều (bệnh nhân chỉ còn nhận thức ánh sáng) và không đau nhức mắt.

Cách xử lý

Trước hết, cần ngừng sử dụng và loại bỏ tác nhân gây nhiễm độc (như đã nói ở trên). Để điều trị bệnh thị thần kinh do thiếu dinh dưỡng, bệnh nhân cần có chế độ ăn cân đối, giàu protein và nhiều rau xanh. Bổ sung vitamin B (vitamin B1, vitamin B12, axit folic, polyvitamin) không hút thuốc lá và không uống rượu.

Đối với những trường hợp bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, thị lực sẽ phục hồi sau một vài tuần đến vài tháng. Nếu phát hiện muộn, có teo gai thị, thị lực có thể giảm vĩnh viễn.

Theo BS. Hạnh, bệnh thị thần kinh do nhiễm độc thuốc, hóa chất và thiếu dinh dưỡng có thể phòng ngừa bằng chế độ ăn cân đối, đủ dinh dưỡng, hạn chế uống rượu và hút thuốc lá. Khi sử dụng những thuốc có nguy cơ gây nhiễm độc thần kinh thị giác cần theo dõi định kỳ hàng tháng bằng việc khám thị lực, thị trường, sắc giác, soi đáy mắt để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Theo Phương Hà
Sức khỏe & đời sống

Nhược thị chữa trị thế nào?


TP - Con tôi mới đi khám mắt. Bác sĩ kết luận cháu bị nhược thị. Tôi muốn hỏi: Thế nào là nhược thị? Cách phòng và điều trị nhược thị? (thanhhavan78@yahoo.com)

Bác sĩ - Tiến sĩ Phạm Văn Tần - Trưởng khoa Khám bệnh và Điều trị ngoại trú Bệnh viện Mắt Trung ương trả lời:

Nhược thị là mắt có thị lực từ 7/10 trở xuống, không có tổn thương thực thể tại mắt hoặc tổn thương không tương xứng mức độ giảm thị lực. Lác cơ năng ở trẻ em là nguyên nhân hàng đầu gây nhược thị và tỷ lệ nhược thị. Lác cơ năng thường gây nhược thị ở mắt bị lác, còn mắt bình thường không bị nhược thị. Đứa trẻ mới sinh ra, cơ quan thị giác chưa phát triển, thị lực chưa đạt mức tối đa. Khi đó trẻ bị lác mắt thì mắt bị lác thường được sử dụng do lệch trục nhãn cầu và gây ra nhược thị.

Nguyên nhân thứ hai hay gây nhược thị là viễn thị. Mắt trẻ càng viễn thị nặng càng dễ mắc nhược thị. Nhược thị do viễn thị có thể gặp ở cả hai mắt hoặc chỉ một mắt.

Nguyên nhân khác cũng có thể gây nhược thị như: sụp mi bẩm sinh, đục thể thủy tinh bẩm sinh. Đục thể thủy tinh bẩm sinh cần được phẫu thuật sớm để tránh nhược thị. Khi trẻ bị lác hoặc nghi ngờ trẻ mắc tật khúc xạ, mắt nhìn xa không rõ, cần cho trẻ đi khám sớm để phát hiện nhược thị.

Khi trẻ bị nhược thị cần điều trị theo y lệnh của bác sỹ nhãn khoa. Lứa tuổi tốt nhất điều trị là trước 7 tuổi; từ 7 đến 10 tuổi thì gặp khó khăn trong điều trị, kết quả hạn chế; từ 10 đến 15 tuổi thì kết quả sẽ không đáng kể hoặc không có kết quả.

Nhược thị có thể điều trị tại các trung tâm nhãn khoa với kết hợp tại nhà theo hướng dẫn của thầy thuốc. Việc tập luyện mắt tại nhà để điều trị nhược thị phải được thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn và kiểm tra, khám lại của thầy thuốc định kỳ sẽ mang lại hiệu quả tốt.

BBĐ
Theo tienphong.vn

No comments:

Post a Comment