Aug 24, 2011

Vẩy tay và đi bộ - Bài thuốc quý giúp tôi bình thường sau tai biến mạch máu não

[Nguoicaotuoi, 11/8/2011] - Tôi là Vĩnh Liên, sinh ngày 5-4-1945, nghề nghiệp viết báo, nghỉ hưu tháng 4- 2005, thường trú tại nhà số 3, ngõ 62 phố Tây Sơn, quận Kiến An, Hải Phòng. Tôi bị bệnh đái tháo đường típ 2, gluco trong máu 9,9, máu nhiễm mỡ và huyết áp cao 160 - 180/90 - 100, phát hiện từ năm 2003.

Với phương châm "hưu nhưng không nghỉ", sau khi rời nhiệm sở, nhận sổ hưu, tôi vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội từ thiện nhân đạo, sinh hoạt các Hội CCB, NCT, đồng môn, đồng ngũ... và làm CTV với một số báo, tạp chí phát thanh, truyền hình của Trung ương và địa phương. Quên bệnh tật, quên tuổi tác, tôi vẫn miệt mài với những chuyến đi thực tế, quay phim, chụp ảnh, viết phóng sự... Thế rồi, trưa ngày 2-9-2009, cả nhà đang chuẩn bị ăn cơm thì tôi bị huyết áp tăng cao 200/120, lên cơn co giật, liệt toàn thân và bị cấm khẩu. May là ngày nghỉ lễ, mọi người ở nhà đông đủ và nhà lại gần bệnh viện nên chỉ sau 10 phút bị cấm khẩu, tôi đã có mặt tại khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Kiến An. Tôi được các thầy thuốc cứu chữa kịp thời, qua cơn nguy kịch. Sau hơn 3 tuần nằm tại khoa hồi sức cấp cứu và khoa tim mạch, tôi đã tỉnh táo, nhúc nhắc đi lại được, tự sinh hoạt cá nhân và được ra viện. Tuy được sống lại làm người sau đột qụy do tai biến mạch máu não, nhưng tôi vẫn đau đầu, trí nhớ giảm, chân tay thường bị tê cứng, đi lại khó khăn, nói thường bị dính lưỡi. Đầu năm 2010, có một bà bạn đồng môn cấp 3 Vĩnh Bảo là dược sĩ đến thăm, hướng dẫn tôi luyện tập "Vẩy tay Đạt Ma dịch cân kinh" và khuyên tôi nên tập đi bộ để chữa bệnh. Tôi tập vẩy tay Đạt Ma dịch cân kinh trong nhà vào buổi sáng và chiều tối. Mỗi lần tập 30 phút với tư thế: Đứng thẳng, ngực ưỡn, hai bàn chân doạng ra song song rộng bằng vai. Co các đầu ngón chân lại bấm vào mặt sàn nhà. Lưỡi co lại, đầu lưỡi chạm nhẹ vào nướu và chân răng cửa hàm trên. Miệng ngậm, răng cửa hàm trên chạm nhẹ vào răng cửa hàm dưới. Mắt nhắm, hướng về phía trước hơi thở bình thường. Tư tưởng tập trung trên đỉnh đầu, đầu lơ lửng, bụng mềm, lưng thẳng, thắt lưng mềm dẻo, hai cánh tay đưa song song ra phía trước, tay duỗi thẳng, cổ tay cong ngoắt lên trên, ngón tay hướng về phía trước. Đưa 2 cánh tay song song về phía sau hết mức và cụp bàn tay lên, lòng bàn tay ngửa hướng lên trên. Khi vẩy tay, hậu môn thót lại, bụng dưới thót, gót chân lỏng, bàn chân cứng, các ngón chân bấm chặt xuống sàn nhà như đang đứng trên đất trơn. Khi vẩy tay cần nhớ "lên không - xuống có" nghĩa là lấy sức vẩy tay về phía sau, còn tay trở lại phía trước là do quán tính. Sau hai tháng tập vẩy tay, sức khoẻ của tôi chuyển biến tích cực, đi lại dễ dàng hơn. Sáng ngủ dậy tôi thường tập vẩy tay từ 5 giờ 30 phút đến 6 giờ l0 phút (40 phút vẩy 2.000 lần). Buổi chiều tập đi bộ lúc đầu tập đi trong nhà, sau vài tuần đi lại bình thường, tôi liền tham gia CLB đi bộ leo núi từ nhà đến đỉnh Thiên Văn ở độ cao 116m với đoạn đường gần 3.000 m, cả đi lẫn về 6.000m. Tôi đi bộ, leo núi vào các buổi chiều. Mùa đông đi từ lúc 16 giờ chiều. Mùa hè đi từ lúc 17 giờ. Đi lên đỉnh núi Thiên Văn - nơi đặt quả cầu ra- đa của đài khí tượng thủy văn Đông Bắc, tôi cùng mọi người tập 10 - 15 phút dưỡng sinh, rồi quay về. Những ngày mưa to, gió lớn hay những ngày rét đậm, rét hại thì tôi đi bộ trong nhà, đi lên đi xuống cầu thang trong nhà chừng 30 phút và 30 phút vẩy tay.

Sau 6 tháng tập vẩy tay và đi bộ, kết hợp với uống thuốc đái tháo đường Nilga, thuốc hạ huyết áp AMTIM và hộ tạng đường, hoạt huyết dưỡng não đều đặn vào buổi sáng hằng ngày, nhờ vậy từ tháng 8-2010, tôi trở lại làm việc, sinh hoạt bình thường. Thi thoảng có những chuyến đi thực tế phải xa nhà vài ba ngày, tôi mang theo thuốc và tiếp tục tập vẩy tay và tập đi bộ. Kiên trì rèn luyện, uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ điều trị, sinh hoạt lành mạnh, không ham hố, không bê tha rượu chè, không hút thuốc lá, thuốc lào, làm việc điều độ tùy theo khả năng sở trường của bản thân, quên hận thù, quên bệnh tật, quên tuổi tác, để sống vui, sống khỏe, sống có ích đã giúp tôi trở lại bình thường sau đột qụy do tai biến mạch máu nãon

Vĩnh Liên
(3/62 Tây Sơn, Kiến An, Hải Phòng)

No comments:

Post a Comment