Oct 23, 2011

Cẩn thận, thuốc gây... loãng xương

Bệnh loãng xương là hiện tượng tăng phần xốp của xương do giảm số lượng tổ chức xương, giảm trọng lượng trong một đơn vị thể tích mà hậu quả là gãy xương một cách tự nhiên hoặc sau một chấn thương rất nhẹ, đặc biệt là sự lún một hay nhiều đốt sống gây biến dạng cột sống. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng loãng xương, trong đó có nguyên nhân do thuốc nhưng lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân.

Glucocorticoid (GC)

Sử dụng GC liều cao trong thời gian dài sẽ ức chế chiều cao của trẻ em do GC ức chế tác dụng làm phát triển xương và sụn của somatomadin C. Để giảm hậu quả của tác dụng này nên hạn chế việc kê đơn GC cho trẻ em. Nếu phải dùng thì dùng liều thấp có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất.

Đối với người trưởng thành, Ở liều sinh lý GC có tác dụng tích cực trên chuyển hóa calci và xương, nhưng ở liều điều trị và dùng kéo dài sẽ gây mất xương. Có đến 30-50% bệnh nhân bị gãy xương không có chấn thương khi sử dụng GC liều cao và kéo dài. Đó là do GC làm tăng tiêu xương (tăng chức năng hủy cốt bào) là tác dụng phức tạp và có liên quan đến liều dùng. Người cao tuổi và phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ gãy xương cao. Có sự hoại tử xương không do nhiễm khuẩn và teo cơ là tác dụng phụ nguy hiểm nhất do GC, thường xảy ra ở đầu xương cánh tay hay đầu xương đùi, gây đau dữ dội và giảm cử động. Để giảm thiểu tai biến gãy xương do GC nên giảm liều đến mức thấp nhất nếu có thể và giảm thời gian sử dụng thuốc. Sử dụng thuốc cách ngày dường như không làm giảm sự mất xương. Bổ sung canxi, vitamin D trong thời gian dùng thuốc. Điều trị thay thế estrogen cho phụ nữ sau mãn kinh nếu không có chống chỉ định. Trong trường hợp loãng xương có thể điều trị bằng calcitonin và bisphosphat. Nên theo dõi tỉ trọng xương cho tất cả các bệnh nhân sau 6 tháng sử dụng GC.

Thuốc ức chế bơm proton trị bệnh dạ dày tá tràng

Gần đây, Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa kỳ (FDA: Food and Drug Administration) đưa ra cảnh báo với các bác sỹ và bệnh nhân khi sử dụng thuốc ức chế bơm proton liều cao hoặc kéo dài trên một năm, sẽ làm gia tăng nguy cơ gãy xương chậu, xương cổ tay và xương cột sống. Chính vì vậy, FDA khuyến cáo các bác sỹ cũng như bệnh nhân cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi sử dụng thuốc này, từ đó đưa ra thời gian điều trị và liều điều trị thích hợp.

Các thuốc chống động kinh

Thuốc chống động kinh làm tăng enzym hydroxylase, oxylase ở gan, khiến cho vitamin D không chuyển thành dạng hoạt tính giúp cho việc hấp thu chuyển hóa canxi, nên gây hạ canxi máu. Khi canxi máu hạ, sẽ xảy ra quá trình tiêu hủy xương. Riêng phenobarbital còn ức chế quá trình lắng đọng canxi vào khung xương gây trở ngại cho việc tạo xương. Khi cần dùng thuốc chống động kinh lâu dài, phải chủ động bổ sung canxi, vitamin D dạng hoạt tính; định kỳ kiểm tra mức canxi phospho, enzym phophatase kiềm trong máu.

Các thuốc chống trầm cảm

Theo dõi thấy mức độ giảm mật độ xương (sau 3 năm dùng) ở nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng là 0, 47%, ở nhóm ức chế thu hồi chọn lọc serotonin (SSRI) là 0,82% (gấp đôi). Do đó khi phải dùng nhóm SSRI cần theo dõi cẩn thận, lúc bệnh ổn định có thể tạm ngừng thuốc.

Một số thuốc chống đông máu

Heparin ức chế enzym, giảm sự hợp thành collagen-xương; giảm vitamin D trong máu, gây trở ngại việc hấp thu canxi dẫn tới hạ canxi máu, tăng quá trình hủy xương; đồng thời gây trở ngại cho quá trình tạo xương.

Nhóm coumarin (đặc biệt warfarin) đi qua hàng rào nhau thai gây loạn dưỡng sụn xương, hại cho sự phát triển xương thai nhi; người cho con bú dùng heparin thì có thể bị loãng xương chi sau 2 - 4 tuần.

Vì vậy khi bắt buộc phải dùng heparin, warfarin cần theo dõi cẩn thận, nếu có bất lợi về xương thì ngừng thuốc.

Các dạng vitamin A

Các dạng vitamin A kích thích hoạt động các tế bào hủy xương, tăng sự tiêu xương, hình thành xương màng. Từ đó, giảm mật độ xương, làm cho xương thiếu độ chắc, kém sức chịu lực, dễ gãy. Vì vậy tránh dùng kéo dài thuốc có hàm lượng cao vitamin A cho trẻ, cho người già.

Thuốc chữa loãng xương

Trong các thuốc chữa loãng xương cần chú ý đến biphosphonat. Đây là thuốc hay dùng, tuy nhiên, theo các nghiên cứu ở Thụy Điển, Canada và sau này là khuyến cáo của FDA cho thấy khi sử dụng biphosphonat có nguy cơ gây gẫy xương đùi không điển hình và gây hủy xương hàm. Vì vậy cần hạn chế việc dùng biphosphonat uống kéo dài; nếu cần thì dùng từng đợt cách quãng, mỗi đợt 5 - 6 tháng. Khi dùng biphosphonat tiêm hay uống, nếu thấy có các biểu hiện ban đầu như ê răng tại chỗ, đau hàm mặt, nhức răng, đau ở hàm răng, nhiễm khuẩn lặp lại ở mô mềm, hôi miệng... thì cần ngừng thuốc; không được nhổ răng khi đang dùng thuốc vì nhổ răng làm tăng nguy cơ hủy xương hàm.

ThS.Nguyễn Vân Anh

No comments:

Post a Comment