Nov 30, 2011

Cách để trẻ không bị trớ sau khi bú và ăn

Bao nhiêu công sức cho con bú, con ăn, chỉ cần sơ ý một chút là phun ra hết, vừa mất của, mất công, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, thử hỏi bố mẹ nào chẳng xót xa?
Nôn trớ sinh lý và nôn trớ bệnh lý

Trào ngược dạ dạy, nôn trớ ngay sau khi bé vừa bú mẹ là hiện tượng thường hay gặp ở các bé mới sinh. Điều này khiến các bố mẹ và những người lớn trong gia đình rất đau đầu. Bao nhiêu công sức cho con bú con ăn… Thế mà chỉ một cái rướn mình, con phun ra hết mọi thứ như “vòi rồng”.

Nôn trớ vốn là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khiến thức ăn trào ngược từ dạ dày lên miệng. Tuy nhiên, mẹ đừng coi thường hiện tượng nay mà bỏ qua những lần nôn trớ của con, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của con. Nhiều mẹ đã phải thực hiện điệp khúc “ăn là trớ, trớ lại ăn” đến phát ngán mà không biết giải quyết triệt để bằng cách nào.

Trên thực tế, nếu thỉnh thoảng bé mới bị trớ một lần thì mẹ cũng không cần lo lắng quá. Nhưng nếu bé bị nôn trớ cứ lặp đi lặp lại thì mẹ cũng cần đó như một bệnh lý. Nếu không được trị bệnh kịp thời, khiến bé sẽ phát triển không tốt.

Vài giờ sau khi sinh, các bé có thể nôn trớ ra một chút chất nhầy hay lẫn chút máu. Điều này được coi là bình thường bởi niêm mạc dạ dày bị kích thích do nuốt phải một số chất như nước ối, dịch âm đạo. Trong những tháng đầu đời, nếu bé có bị nôn trớ nhưng sức khỏe bình thường, ăn ngủ tốt, tăng cân đều, bố mẹ cũng không cần lo lắng quá.

Theo lý thuyết được đưa ra, nếu từ 7 tháng tuổi trở lên, nôn trớ sinh lý ở bé sẽ không còn nữa. Nếu bé vẫn bị nôn sau khi ăn, mẹ cần chú ý tới tư thế cho con bú. Bởi nếu mẹ cho con bú không đúng tư thế sẽ làm cho không khí trong dạ dày dâng lên cùng với sữa, trào ngược lên thực quản ra ngoài. Mẹ cũng cần lưu ý xem bé có bị dị ứng với thực phẩm nào mẹ cho bé ăn không nhé!

Trong trường hợp bé tự nhiên nôn trở, kèm theo sốt, mẹ cũng nên tìm tới bác sỹ để được tư vấn. Vì đó là biểu hiện bé có thể bị nhiễm trùng dạ dày, ngộ độc thức ăn, hoặc các bệnh viêm màng não, viêm ruột thừa, nhiễm khuẩn, nhiễm virut.
Một số trường hợp bé không sốt, nhưng nôn trớ thường xuyên, dai dẳng, bé có thể bị hẹp môn vị, lồng ruột, rối loạn vận động dạ dày, thực quản. Cơ thể không dung nạp được một số chất. Giải pháp tốt nhất là mẹ nên đưa bé đi khám bác sỹ càng sớm càng tốt.

Để con bớt nôn trớ

Giúp con giảm nôn trớ, trào ngược thực quản dạ dày, mẹ chỉ cần lưu ý một số điều sau nhé. Không nên mặc quần áo quá chật cho con, nhất là khu vực xung quanh bụng trẻ. Quần áo của bé càng rộng càng tốt, giúp bé thoải mái. Khi cho con bú, mẹ nên nới lỏng bớt phần lưng quần của bé.

Tư thế cho con bú cũng rất quan trọng. Cho con bú đúng tư thế cũng giúp giảm bớt việc nôn trớ cho con sau ăn. Mẹ không nên cho bé bú vội vàng, cấp tập. Cần thong thả dành thời gian cho con bú. Có thể cho con bú một lát rồi dừng lại nghi trong suốt cữ bú. Mẹ cũng không cần cho con bú quá nhiều. Sau khi bé bú xong, cần cố gắng giữ cho bé thẳng người trong khoảng 20 phút mới có thể đảm bảo bé không bị trào ngược thực quản.

Mẹ cũng chú ý các món thức ăn mẹ ăn hàng ngày. Nếu mẹ ăn thực phẩm mà bé dị ứng, sau khi bé bú sữa mẹ cũng dễ dẫn tới trào ngược dạ dày gây nên hiện tượng nôn trớ. Nếu bé ăn thêm sữa bột công thức, mẹ cũng có thể đổi loại sữa khác cho phù hợp hơn với con. Vì mỗi bé lại hợp một loại sữa khác nhau. Không phải cứ sữa đắt tiền, được quảng cáo nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng mới tốt cho con.
Tuyệt đối mẹ không được sử dụng bất kỳ một loại thuốc chống nôn trớ cho bé nếu không có sự chỉ định của bác sỹ. Chỉ trong trường hợp đặc biệt, khi đã được khám và xét nghiệm xác định bệnh lý, các bác sỹ mới yêu cầu sử dụng thuốc và chỉ dùng đúng liều lượng cho phép với sự theo dõi chặt chẽ của bác sỹ mà thôi.

Các biện pháp hạn chế hiện tượng nôn trớ sinh lý:

Không cho bé bú dồn, bú quá no một lần. Nên cho bé bú nhiều lần trong ngày, mỗi lần một ít.

Nên cho bé bú bên ngực trái trước, ngực phải sau. Trình tự này giúp tư thế bé nằm sẽ đỡ trớ hơn.
Không nên để bé khóc trog quá trình bú. Vì bé khóc trong khí bú khiến bé sẽ nuốt nhiều hơi gây căng dạ dày. Điều này khiến bé bị nôn trớ nhiều hơn. Nếu bé bú bình, cần điều khiển cho núm vú luôn đầy sữa, tránh tình trạng bé bị nuốt hơi nhiều.

Khi bé bú xong, luôn bế bé ngẩng cao đầu trong khoảng 20 phút, vỗ lưng cho bé ợ hơi, sau đó đặt nằm nghiêng sang bên trái và kê gối hơi cao.

Tuyệt đối không đùa giỡn, đu đưa, tâng bé lên xuống khi bé mới ăn xong. 

Theo PLXH



=========================================================================
  Tôi sinh cháu đầu lòng mới đuợc 3 tháng tuổi, đầu cháu hay ra nhiều mồ hôi, mỗi lần bú xong cháu hay trớ nhiều.
Tôi sợ cháu bị còi xương nhưng thời tiết lại đang nóng gay gắt nên không thể mang con ra tắm nắng. Mong bác sĩ tư vấn tôi phải cho cháu ăn gì để tránh còi xương và việc cháu bị trớ nhiều như vậy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?

Trả lời
Khác với nôn, trớ sữa là một hiện tượng sinh lý do các nguyên nhân:
- Bé sơ sinh có dạ dày nằm ngang, đáy dạ dày phẳng, hệ thống thần kinh chi phối hoặc do cơ thắt môn vị chưa phát triển hoàn thiện nên dễ gây trớ.
- Phương pháp cho bú chưa thỏa đáng: cho trẻ bú quá nhiều, đầu vú mẹ không nhô ra, cho trẻ bú bình không hoặc khi bú bình nhưng đầu vú không đầy sữa dẫn đến bé nuốt vào quá nhiều không khí.
Để khắc phục việc bé trớ sữa, cần thực hiện những việc sau:
- Nếu cho trẻ bú bình sữa thì lỗ vú bình sữa phải vừa phải, khi cho bú thì trong đầu vú phải đầy sữa để tránh cho bé nuốt phải không khí.
- Nếu đầu vú người mẹ lõm vào thì phải uốn nắn kéo đầu vú ra, cho trẻ ngậm đủ trong khuôn miệng.
Chú ý: sau mỗi lần cho bé bú nên bế trẻ, để đầu bé tựa lên vai người bế, vỗ nhẹ vào lưng cho không khí thoát ra.
Trong trường hợp con của bạn không thể tắm nắng được sẽ dễ dẫn đến thiếu vitamin D. Nên một mặt bạn phải ăn uống đầy đủ để tạo nguồn sữa tốt cho con, mặt khác ngoài việc cho bé bú đủ sữa mẹ cho đến 6 tháng, có thể cân nhắc sử dụng vitamin D bổ sung. Tuy nhiên dùng bao nhiêu và dùng như thế nào, bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ khám để có sự tư vấn, không nên sử dụng vitamin D tùy tiện.
Theo BS Nguyễn Bạch Đằng


===================================================================

Nôn là triệu chứng hay gặp ở trẻ nhỏ do đặc điểm của bộ tiêu hóa chưa hoàn thiện, cơ tâm vị yếu, dạ dày còn ở tư thế nằm ngang. Nôn trớ có thể tự khỏi khi trẻ lớn dần lên. 

Nôn trớ cũng là triệu chứng trong nhiều bệnh khác nhau, nhưng nôn nhiều kéo dài thường ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng, rối loạn nước và điện giải... 

Nôn trớ là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản rồi trào ra miệng. Nôn là do sự co bóp phối hợp của cơ hoành, cơ thành bụng và cơn trơn dạ dày thực quản. Trớ là sự co bóp của cơ trơn dạ dạy thực quản, không có sự tham gia của cơ hoành và thường là thức ăn chưa tiêu hóa. 

Nguyên nhân và cách xử trí nôn trớ ở trẻ em: 

Nôn trớ liên quan đến ăn uống. Hay gặp ở trẻ nhỏ do ép trẻ ăn quá nhiều, bú quá no, bú chai, ngậm vú giả, pha sữa không đúng cách, không dung nạp sữa bò hoặc bắt đầu ăn bổ sung với thức ăn mới lạ... Nôn thường xuất hiện sớm, số lượng chất nôn ít, chủ yếu là thức ăn. Trẻ vẫn chơi bình thường, không ảnh hưởng đến tình trạng cơ thể. Do vậy, chỉ cần điều chỉnh cách cho ăn. 

- Không ép trẻ ăn nhiều làm cho trẻ sợ hãi khi nhìn thấy thức ăn. 

- Chia thức ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày để bảo đảm đủ số lượng thức ăn cần thiết. 

- Ở những trẻ bú mẹ thì sau khi bú xong nên bế trẻ 10-15 phút rồi mới đặt trẻ nằm. 

- Pha sữa đúng công thức và nên cho ăn bằng thìa hoặc uống bằng cốc. 

- Khi cho trẻ bú bình với đầu vú cao su thì cần nghiêng bình sao cho sữa ngập cổ bình để tránh nuốt không khí vào dạ dày. 

- Một số trẻ tạm thời cơ thể không dung nạp sữa bò tươi thì thay thế bằng sữa đậu nành hoặc sữa bò dưới dạng sữa chua. 

Nôn do bệnh tật: Hay gặp trong các bệnh nhiễm khuẩn tiêu chảy, viêm mũi họng, viêm phổi, viêm màng não... một số bệnh ngoại khoa như lồng ruột, tắc ruột, viêm ruột non hoại tử... Trẻ nôn đột ngột và kèm theo các triệu chứng đặc hiệu của từng bệnh. Bạn cần đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế để xử trí kịp thời. 

Để giảm bớt nôn trớ và phòng thiếu dinh dưỡng thì cần lưu ý cách cho trẻ ăn. 

- Chia thức ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày, tăng số lần cho bú. 

- Sau khi ăn nên bế vác trẻ 10-15 phút. 

- Chế độ ăn đặc dần lên. 

- Sử dụng thuốc chống nôn motilium, primperan (lưu ý bạn chỉ sử dụng thuốc cho bé theo sự hướng dẫn của thầy thuốc). 

Nếu chẩn đoán nôn do các dị tật bẩm sinh thường phải xử trí ngoại khoa. 

Chúc cho bé yêu của bạn hay ăn chóng lớn.

Theo HuyenLan

No comments:

Post a Comment