Dec 2, 2011

Cho con bú (5 bài)

Bài 1. Bí quyết để có nhiều sữa sau sinh


Quan tâm tới chế độ ăn uống từ khi mang thai

Khi mang thai 6 tháng đầu, ngoài chế độ ăn như bình thường các mẹ cần ăn thêm một chén cơm và thức ăn mỗi ngày. Vào 3 tháng cuối của thai kỳ và nuôi con bằng sữa mẹ, mỗi ngày mẹ nên ăn thêm 2 chén cơm và đầy đủ thức ăn. Ngoài ra nên ăn bổ sung thêm chất đạm, vitamin, chất khoáng và yếu tố vi lượng.

Sau khi sinh điều quan trọng nhất là mẹ luôn phải ăn những đồ nóng sốt: cơm nóng, canh nóng… Chế độ ăn một ngày tốt nhất là sáng ăn xôi, trưa ăn cơm, tối ăn cơm. Ngoài ra mẹ ăn 3 bữa phụ bằng cháo đu đủ xanh nấu móng giò (hoặc chân dê, chân chó), thông thảo, ý dĩ. Uống thêm sữa hàng ngày. Mẹ cũng nên uống nhiều nước và nước phải ấm.

Điều quan trọng là tâm trạng các mẹ phải luôn thoải mái, vui vẻ, ngủ đủ và sâu giấc, nghỉ ngơi hoàn toàn trong thời gian đầu mới sinh. Nhiều mẹ thấy con quấy khóc, chưa có kinh nghiệm sinh con dễ stress sau khi sinh. Điều này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến lượng sữa ít hay nhiều. Lúc này hãy nghĩ con là trên hết và bỏ qua tất cả mọi chuyện khác để nghỉ ngơi.

Cho con bú thường xuyên

Ăn uống đầy đủ là quan trọng nhưng nếu các mẹ không cho con bú thường xuyên thì cũng không kích thích tạo sữa được.

Để có sữa cho trẻ bú, ngay từ lúc sinh, bà mẹ nên cho trẻ bú càng sớm càng tốt trong vòng vài giờ đầu sau khi sinh, có thể lúc này sữa mẹ rất ít, chỉ chừng vài ml, nhưng trong những ngày đầu chỉ chừng đó sữa đã đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Đồng thời tác động mút vú sớm của trẻ sơ sinh ngay sau khi sinh sẽ giúp cho sự tạo sữa bắt đầu.

Một điều quan trọng mà các mẹ cần nhớ là tất cả các mẹ đều có khả năng có đủ sữa cho con bú, ngay cả khi mẹ sinh đôi. Kích thước của bầu vú to nhỏ là do mô mỡ và các tổ chức khác tạo nên, dù thế nào thì số lượng mô tuyến sữa cũng như nhau nên đều có thể tạo ra nhiều sữa.

Trong trường hợp mẹ có cảm giác là mình không đủ sữa do trẻ quấy khóc hoặc không có cảm giác xuống sữa thì cũng đừng quá lo lắng. Mẹ hãy cho con bú theo nhu cầu của bé. Mẹ chỉ thực sự thiếu sữa khi trẻ có biểu hiện tăng cân ít, dưới 500mg/tháng hoặc trẻ đi tiểu ít, số lần đi tiểu ít hơn 6 lần/ngày.

Cách ngậm vú và tư thế bế cho con bú rất quan trọng

Cách ngậm vú mẹ của trẻ cũng là điều quan trọng quyết định trẻ có nhận đủ lượng sữa mẹ giúp để tăng trưởng hay không, bởi nếu trẻ ngậm vú không tốt thì dù mẹ có nhiều sữa thì trẻ vẫn không tăng cân được.

Khi bú mẹ, miệng trẻ cần há to, môi dưới cong ra ngoài và cằm trẻ chạm vào vú mẹ để ngậm được cả quầng vú chứ không phải chỉ ngậm núm vú, vì khi trẻ ngậm cả quầng vú thì miệng và lưỡi trẻ mới ép vào các xoang sữa để sữa chảy ra dễ dàng.

Bên cạnh đó, tư thế thân của trẻ cũng quan trong trọng trong việc bú mẹ một cách hiệu quả. Khi cho trẻ bú mẹ thì đầu của trẻ, thân mình và mông trẻ phải nằm trên cùng một đường thẳng và phải được nâng đỡ, đồng thời bụng bé phải áp sát với bụng mẹ, mặt trẻ phải đối diện với vú mẹ. Tất cả những điều kiện trên tạo nên một tư thế bú đúng và cách ngậm bắt vú tốt giúp trẻ bú có hiệu quả. Khi trẻ ngậm bắt vú đúng bà mẹ sẽ cảm thấy không đau ở đầu vú, cảm thấy “rần rần” khi sữa xuống, trẻ nuốt sữa nghe ừng ực và tự nhả vú khi bú xong với vẻ hài lòng, thỏa mãn.

Khi trẻ ngậm vú không đúng cách sẽ gây ra hàng loạt các hậu quả. Trước tiên là bà mẹ sẽ bị đau núm vú do trẻ chỉ bú núm mà không ngậm cả quầng vú, nếu đau núm vú kéo dài sẽ gây tổn thương núm vú, trẻ không bú sữa sẽ quấy nhiều hơn và sữa thì ứ lại gây cương tức vú. Sữa ứ đọng do không được bú sẽ có thế gây ra việc tạo sữa ít hơn, dần dần mất sữa. Do vậy, những bà mẹ nhiều sữa, sau khi trẻ bú nên vắt bớt sữa để làm trống bầu vú vì nếu vú mẹ còn đầy sữa thì cơ thể sẽ tiết ra chất ức chế sự tạo sữa.

Để đề phòng tránh đau núm vú, bà mẹ không nên cho trẻ ngậm núm vú giả hoặc dùng bình sữa. Bởi vì cách bú sữa từ bình rất khác với bú sữa từ vú mẹ, với bình sữa trẻ chỉ cần mút nhẹ là sữa đã ra rất nhiều khi đó trẻ dễ dàng từ chối bú mẹ.

Nếu núm vú quá to hoặc bị tụt vào trong

Khi núm vú phẳng hoặc bị tụt vào trong ở một số mẹ, trong trường hợp đó bà mẹ cần kiên trì cho con bú, động tác bú của trẻ sẽ giúp kéo dài núm vú. Mẹ cũng có thể vắt sữa, đút cho trẻ uống bằng thìa. Khi vắt sữa sẽ giúp cho bầu vú mềm hơn, trẻ sẽ dễ ngậm hơn. Tuyệt đối không cho trẻ bú bình vì sẽ làm cho trẻ khó ngậm bắt vú của mẹ hơn.

Nếu mẹ bị tắc tia sữa và biến chứng viêm vú, khi đó vú sẽ nổi cục cứng, sưng tấy từng mảng và rất đau. Trong trường hợp này bà mẹ vẫn tiếp tục cho con bú với các ngậm bắt vú đúng, dùng khăn ấm chườm vú và massage nhẹ nhàng bầu vú. Bà mẹ cũng cần uống nước nhiều và được nghỉ ngơi.

Nuôi con bằng sữa mẹ là quá trình tự nhiên nhưng cũng không ít khó khăn và trục trặc xảy ra, do vậy các bà mẹ rất cần sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của những người xung quanh để việc cho trẻ bú được thành công

Nguồn: http://mommy.vn/tre-bat-dau-hoc-bu/bi-quyet-de-co-nhieu-sua-sau-sinh.html

Bài 2. Nhiều nguyên nhân khiến sản phụ không có nhiều sữa



Bác sĩ Ngô Thị Phương Mai, Trưởng Khoa Sanh, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, cho biết có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng tắc sữa sau khi sinh. Vì vậy, các bác sĩ thường khuyên, trong thời kỳ mang thai, nên vệ sinh núm vú mỗi lần tắm để núm vú luôn trong tư thế sẵn sàng tiết sữa sau khi sinh.

Thông thường, sau khi sinh, sữa sẽ được tiết từ từ. Các bà mẹ không nên căng thẳng sẽ tạo làm sữa tắc lại, không lưu thông. Không ít bà mẹ rơi vào tình trạng, sữa càng ra ít thì càng lo lắng. Và chính sự lo lắng này đã khiến sản phụ rơi vào tình huống tệ hơn.

Sau khi sinh, hãy xoa nhẹ đầu vú để vú tiết sữa. Nếu vú bị cương và ứ sữa, bạn có thể dùng khăn ấm massage bầu vú để sữa tan ra. Sau đó, dùng chiếc lược chải đầu chải bầu vú theo hướng từ trên xuống để các tuyến sữa được thông.

Ngoài ra, để có nhiều sữa sau khi sinh, các bà mẹ cần có một chế độ ăn uống đầy đủ, nên uống nhiều nước và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý trong giai đoạn mang thai. Sau khi sanh xong, tiếp tục áp dụng quy tắc này, các bà mẹ sẽ có đủ sữa cho con bú.

Nguồn: http://mommy.vn/tre-bat-dau-hoc-bu/bi-quyet-tranh-tac-va-co-nhieu-sua-sau-sinh-2.html

Bài 3. Những điều cần biết khi cho con bú mẹ



Lợi ích của sữa mẹ

Đối với trẻ nhũ nhi, sữa mẹ là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng quý giá. Ngoài ra, trong sữa mẹ còn có nhiều kháng thể giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật. Trẻ được nuôi bằng sữa mẹ sẽ được bảo vệ khỏi một số bệnh như:

- Các bệnh nhiễm trùng thường gặp.
- Viêm tai giữa.
- Tiêu chảy.
- Nhiễm trùng hô hấp và hen suyễn.
- Đái tháo đường ở trẻ nhỏ.
- Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ.
- Béo phì.

Lợi ích của việc cho con bú mẹ

Khi cho trẻ bú, tử cung người mẹ sẽ được co hồi sớm giúp tránh mất máu hậu sản. Việc cho con bú cũng giúp kích thích tạo sữa, đồng thời tạo được sự gắn bó giữa mẹ và con. Ngoài ra, một số nghiên cứu còn cho thấy những người không cho con bú sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn ở những bà mẹ có cho con bú.

Bạn có cho con bú đúng cách chưa?

Khi trẻ sinh ra đời đều có bản năng bú mẹ và mẹ có thể cho con bú ngay khi bé vừa chào đời. Sau đây là một số lưu ý để mẹ cho bé bú đúng cách:

- Sau khi sinh nên cho trẻ bú càng sớm càng tốt, để tận dụng nguồn sữa non rất giàu dinh dưỡng và chất diệt khuẩn.
- Trước khi cho bé bú, nên lau đầu vú bằng nước sạch, vắt bỏ giọt đầu.
- Mỗi lần chỉ nên cho bú một bên vú.
- Nếu trẻ bú không hết sữa nên vắt bỏ lượng sữa thừa. Thời gian đầu nên cho trẻ bú cả trong đêm.
- Trẻ bú mẹ tốt khi cằm chạm vú mẹ, miệng mở rộng, môi dưới đưa ra ngoài quầng vú còn lại phía trên nhiều hơn phía dưới.
- Tư thế bú mẹ đúng: đầu và thân trẻ trên cùng một đường thẳng, mặt trẻ đối diện vú mẹ và miệng trẻ đối diện núm vú, thân trẻ nằm sát thân mẹ, mẹ đỡ toàn bộ thân trẻ.
- Nếu trẻ bị ọc sữa, có thể hạn chế bằng cách vác đứng trẻ vài phút và vỗ nhẹ vào lưng.

Cho trẻ bú bao nhiêu thì đủ?

Thường trẻ bú theo nhu cầu và nhu cầu này khác nhau ở từng trẻ. Trung bình mỗi trẻ bú khoảng 8 - 12 lần trong 24 giờ. Mẹ có thể nhận biết được trẻ bú đủ qua những biểu hiện sau:

- Tiểu ướt tã 6 - 8 lần trong 24 giờ.
- Tiêu phân sệt trung bình 6 - 8 lần trong 24 giờ và ít nhất 1 lần mỗi ngày trong 2 tháng đầu tiên.
- Tăng cân đều đặn và phù hợp với lứa tuổi.

Khi nào có thể cai sữa cho bé?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới thì thời gian bắt đầu việc cai sữa mẹ là từ 6 tháng tuổi. Trong 6 tháng tiếp theo, trẻ sẽ được tập quen dần với thức ăn đặc. Trẻ có thể cai sữa hoàn toàn khi được 2 tuổi hoặc hơn. Tuy nhiên, thời điểm cai sữa như thế nào sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào “sự thỏa thuận” giữa mẹ và bé.

Bài 4. Những điều cần biết khi trẻ bú mẹ



Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng cần thiết cho bé phát triển, là kháng thể để giúp trẻ chống lại nhiễm trùng trong giai đoạn đầu đời. Bạn muốn nuôi bé bằng nguồn sữa mẹ quí giá nhưng vẫn còn hàng "tá" những băn khoăn, thắc mắc quanh việc cho trẻ bú mẹ.

Cho trẻ ăn theo đúng "yêu cầu"

Đôí với trẻ nhỏ tuy chưa thể nói được rằng bé muốn ăn, nhưng nếu có biểu hiện quấy khóc thì chứng tỏ bé đang đói và cần được ăn.

Hầu hết với trẻ sơ sinh thì bé có nhu cầu ăn từ 8 - 12 lần/ngày và mỗi lần ăn cách nhau khoảng từ 2 - 3 tiếng.

Đối với trẻ từ 2 - 3 tháng tuổi thì nhu cầu ăn giảm xuống là từ khoảng 6 - 8 lần/ngày.

Nếu muốn cho trẻ ăn thêm sữa ngoài, bạn không nên cho trẻ ăn thường xuyên vì với trẻ nhỏ hệ tiêu hóa còn non nớt, trong khi đó sữa bột lại khó tiêu hóa và hấp thu hơn sữa mẹ.

Quan tâm tới hàm lượng vitamin D

Nếu bạn muốn cho trẻ ăn hoàn toàn bằng sữa mẹ mà không bổ sung thêm sữa bột bên ngoài thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc tăng cường hàm lượng vitamin D cho bé.

Lý do là bởi sữa mẹ không cung cấp đủ hàm lượng vitamin D cần thiết cho bé, trong khi đó vitamin D lại là một loại vi chất giúp bé hấp thu hàm lượng canxi và photpho - rất cần thiết cho quá trình phát triển của răng và xương.

Nếu cơ thể trẻ bị thiếu hụt hàm lượng vitamin D, sẽ khiến cho xương bị yếu, và dễ có nguy cơ bị gãy xương.

Biết dừng đúng lúc

Khi trẻ ngừng bú hay ngậm miệng lại hoặc quay mặt ra khỏi ti mẹ thì chứng tỏ bé đã bú no. Trung bình cứ bú khoảng từ 10 - 20 phút thì trẻ sẽ đủ no, bạn cần nhận biết được dấu hiệu trẻ đã bú no để tránh bắt ép trẻ bú tiếp khi trẻ không muốn.

Nếu bé bú chậm thì cũng chỉ ngừng cho bú khi bé muốn ngừng, không ngừng sớm vì bé sẽ không nhận đủ sữa. Mẹ nên thường xuyên cho bú và nên cho bú đêm, nếu bé đòi, vì sữa xuống nhiều và nhanh hơn. Không nên qui định khoảng cách giữa 2 lần bú. Nên cho bú hết vú này rồi hãy cho bú sang vú kia. Không nên cho bú một nửa vú này rồi một nửa vú kia vì như vậy bé sẽ không nhận được sữa cuối. Sữa cuối giàu chất béo giúp trẻ mau lớn. Ngoài ra, lượng sữa còn tồn đọng trong vú sẽ ức chế, ngăn cản sự tạo sữa. Nếu bé bú không hết bầu sữa thì mẹ phải vắt hết sữa để tiếp tục tạo sữa.

Dấu hiệu bất thường của trẻ

Nếu trẻ không tăng cân đều, không đi cầu đều đặn, ngủ li bì, có những biểu hiện chán ăn thì đó là những biểu hiện bất thường. Hãy nhanh chóng đưa trẻ tới gặp bác sĩ để có những kết luận kịp thời.

Cho bé bú đều đặn để tăng tiết sữa

Việc bạn cho bé bú đều đặn sẽ tạo ra một loại hormone kích thích tuyến sữa hoạt động mạnh (do cho bé bú cũng là sự giao lưu tình cảm giữa mẹ và con). Vì thế, bạn sẽ tiết ra nhiều sữa hơn và không sợ bị mất sữa.

Tuy nhiên, đôi khi bạn mệt mỏi hay bị stress thì sữa cũng sẽ giảm dù bé vẫn bú đều. Trong trường hợp ấy, cần nghỉ ngơi điều độ và ăn uống đầy đủ, sẽ nhanh hồi sữa.

Cách cho bú: Mẹ nằm hoặc ngồi tư thế thoải mái, bế trẻ vào lòng ôm sát trẻ vào người mẹ, miệng trẻ mở rộng ngậm sâu quầng thâm quanh núm vú, cằm tỳ sát vào vú mẹ.

Cách cho bé bú

Tư thế của mẹ khi cho trẻ bú tốt nhất là tư thế ngồi, nhất là trong những tháng đầu tiên khi trẻ còn rất nhỏ thì nên tránh cho trẻ bú trong tư thế nằm, tư thế nằm vừa có thể gây khó khăn cho trẻ trong việc mút và nuốt sữa lại vừa có thể gây nguy hiểm cho trẻ khi trẻ bị sặc sữa..

Một số bà mẹ có áp dụng cách cho trẻ bú trong tư thế nửa ngồi nửa nằm, tuy nhiên tư thế này cũng ít được các bác sĩ nhi khuyên vì như vậy mẹ có thể dẫn đến việc hai mẹ con không nhìn thấy mặt nhau, làm thiếu đi sự tương tác cần thiết trong quan hệ mẹ con.

Trước khi cho bé bú mẹ nên dùng nước ấm và một cái khăn bằng gạc mỏng và mềm để lau rửa đầu vú thật sạch.

Nguồn: http://mommy.vn/tre-bat-dau-hoc-bu/nhung-dieu-can-biet-khi-tre-bu-me.html

Bài 5. Học cho con bú



Cho con bú là bản năng của phụ nữ, tưởng chừng như điều đơn giản. Tuy nhiên, những người lần đầu làm mẹ vẫn có thể gặp không ít bỡ ngỡ. Để tránh điều này, chị em nên học cách cho bé bú thật kĩ trước khi sinh. Dưới đây là những chỉ dẫn sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn.

Cho bé bú sớm: Bạn nên cho bé bú lần đầu tiên khoảng 1 giờ trước khi sinh, vì lúc này, bé còn thức và bản năng bú rất mạnh. Khi đó, cơ thể người mẹ sản xuất ra sữa non - chất lỏng chứa kháng thể vô cùng tốt để bé chống lại các bệnh tật từ môi trường bên ngoài.

Tư thế đúng: Miệng của bé mở rộng, ngậm lấy toàn bộ đầu ti, còn đầu ti của bạn ở càng sâu trong miệng bé càng tốt. Như vậy, sẽ giúp giảm đau cho mẹ. Nếu thấy lúng túng, bạn có thể nhờ sự giúp đỡ của y tá, họ có kiến thức và sẽ giúp bạn tìm được tư thế đúng.

Cho bú thường xuyên: Bé mới sinh cần được bú thường xuyên, khoảng 2 tiếng/lần. Khoảng thời gian này vừa vặn để cơ thể mẹ sản xuất đủ sữa cho bé bú. Một điều nữa bạn cần chú ý là, sữa mẹ dễ tiêu hoá hơn sữa công thức, vì thế, trẻ bú sữa mẹ sẽ bú nhiều lần hơn trẻ ăn sữa ngoài.

Không cho bé uống thêm chất khác: Bé bú sữa mẹ không cần nước đường hoặc những chất bổ sung khác, vì chúng có thể làm ảnh hưởng đến sự thèm ăn của bé, làm nhu cầu bú sữa mẹ của bé giảm đi. Bạn nên nhớ, bé bú càng nhiều thì sữa mẹ cũng sẽ sản xuất ra nhiều để đáp ứng nhu cầu đó.

Hạn chế ti giả: Tốt nhất, bạn nên đợi đến khi bé được khoảng 2 tuần tuổi rồi mới cho bé ngậm ti giả để bé không bị lạ. Ti giả thường có những nét khác biệt với ti thật mà bé vẫn bú trước đó. Bú bình còn khiến bé lạ lẫm hơn rất nhiều so với ti mẹ.

Không khí khô ráo: Mỗi khi ngực bị căng cứng sữa, bạn nên để cho đầu ngực khô tự nhiên sau khi cho bé bú xong để tránh bị nứt, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng. Nếu đầu ti đã bị nứt, bạn hãy lấy một ít sữa bôi lên chỗ bị nứt để vết thương nhanh lành. Một biện pháp khác là bôi dầu vitamin E và mỡ cừu. Tuy nhiên, một số bé có thể bị dị ứng với hai loại chất này.

Đề phòng nhiễm trùng: Các triệu chứng nhiễm trùng ngực là sốt, sưng đau và đỏ ngực. Bạn cần đi khám ngay để điều trị nếu có những biểu hiện trên.

Giảm căng tức ngực: Không ít chị em mới sinh có rất nhiều sữa, khiến ngực trở nên to, nặng và đau trong nhiều ngày. Để giảm bớt tình trạng này, bạn cần cho bé bú thường xuyên đến khi cơ thể tự điều chỉnh được lượng sữa sản xuất ra cho đủ với bé. Trong thời gian này, bạn nên chườm nóng và tắm nước nóng để giảm bớt cảm giác đau.

Ăn ngủ hợp lí: Để sản xuất ra nguồn sữa tốt, bạn cần cung cấp thêm 500 calo và khoảng 2 lít nước cho cơ thể mỗi ngày. Bên cạnh đó, bạn cũng cần tranh thủ nghỉ ngơi hợp lí để tránh kiệt sức trong giai đoạn “bận rộn” này.

No comments:

Post a Comment