Dec 15, 2011

Nuôi con đầu lòng (3 bài)

Bài 1. Kinh nghiệm ‘xương máu’ khi nuôi con đầu lòng


(Lam me) - Nhóc đầu lòng nhà mình giờ được hơn 1 tháng tuổi, thế nên, dạo này mình chịu khó ‘lướt’ mấy diễn đàn làm mẹ học chăm con lắm! Tối qua lang thang trên mạng, mình tìm được mấy kinh nghiệm hay lắm, viết ra đây để chia sẻ với chị em đã và đang chăm con nhỏ!

1. Để bé dễ nuôi

Khi đón bé từ bệnh viện về, đưa vào phòng, các mẹ nên cho bé nằm xuống 1 tấm chăn trải dưới nền nhà (nhớ là nền đã lau sạch sẽ, tinh tươm, chăn gấp lại đủ dầy để không làm bé lạnh). Khoảng 1 – 2 phút sau mới cho bé lên giường hoặc nôi. Việc làm này dụng ý là cho bé nếm trải sự thiếu thốn, khó khăn khi nằm đất trước khi được đủ đầy, sung sướng khi nằm giường để bé dễ nuôi và không khóc đêm.

Lưu ý: Với các bé, mẹ cũng không cần ga trải giường hoa hòe, hoa sói quá đâu. Vì sau mấy ngày, bé ‘xì xoẹt’ suốt thì mẹ tha hồ giặt giũ, phơi phóng.

PS: Kinh nghiệm này mình biết từ trước khi sinh con. Thế là hôm đầu tiên về nhà, chồng mình chải chăn gối rõ đẹp dưới đất để con 'tọa', vừa đặt nhóc nằm xuống cu cậu đã làm ngay 1 màn chào hỏi chăn gối rõ 'xôm'... ôi chao ơi, lần đầu tiên con tôi đi ị.

Bố được phen vừa bịt mũi dọn dẹp, vừa xua tay đuổi 2 mẹ con lên giường.

2. Con ăn có đủ no không?

Đây là câu hỏi bất kỳ bà mẹ trẻ nào cũng thắc mắc. Theo kinh nghiệm của các mẹ trên diễn đàn thì khi no bé sẽ tự động nhả vú mẹ ra và con càng bú vú mẹ thì càng kích thích sữa lên nhiều.

Nghe thấy tiếng bé nuốt ừng ực từng hồi khi bú, miệng bé có sữa tràn ra thì là do sữa mẹ chảy quá nhanh.

3. Để mẹ nhiều sữa

Nhiều mẹ ti sưng như quả bóng mà con thì vẫn không đủ sữa mút. Quả thật cũng đau đầu đây!

Nếu mẹ nào ít sữa nên ăn cháo gạo nếp ninh cùng chân giò lợn, thêm một ít cam thảo hoặc chân giò lợn hầm hạt sen.

Nếu sau sinh chậm ra sữa, mẹ có thể dùng vỏ mướp và thông thảo mỗi thứ một nắm nhỏ. Dùng nồi đất sắc lấy nước uống. Uống liên tục vài ngày sẽ ra sữa nhiều và rất tốt!

PS: Mình thì bây giờ chỉ cần ngửi mùi cháo chân giò là đã thấy sợ. Nhưng vì con và không thể phụ công chồng, vẫn ăn đều tuần 3 lần đấy. Nhiều sữa lắm ạ!

4. Con chậm ‘ị’

Có một mẹ trên một diễn đàn kêu trời vì 3 – 4 ngày con không ị. Mẹ thì sốt ruột, lo lắng khi thấy mặt con nhăn nhó, ngố tàu mà xi thì con không chịu ị. Thế là ngày nào 2 vợ chồng cũng ‘trực’ con, còn bé thì cứ nhởn nhơ cười toe toét.

Đến ngày thứ 5, thấy con có ‘dấu hiệu lạ’, mẹ nhanh chóng cởi quần, chưa kịp xi thì con đã ị một lèo. Cả 2 vợ chồng hớn hở như bắt được vàng.

Thực tế, nếu bé được bú mẹ hoàn toàn có thể đi ị ít hơn so với những bé bú ngoài và chậm 1 – 2 ngày thì mẹ cũng không nên quá lo lắng. Với eva nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu thì mẹ nên ăn nhiều rau, chất xơ… để cải thiện dần nhưng cũng phải 2 ngày bé mới ị.

5. Pha sữa cho con

Nước để pha sữa cho con nên lựa chọn nước đã đun sôi. Không dùng nước đun sôi nhiều lần và để trong ấm lâu ngày. Không dùng nước giếng vì có thể chứa nhiều nitrat rất độc hại cho thận của trẻ sơ sinh.

Nước dùng để pha sữa nên được đun sôi trong 5 phút, sau đó để nguội bớt 37 độ C.

PS: Lần đầu pha sữa cho con chồng mình đã huấn luyện con làm ‘bợm nhậu’.

Chuyện là, 2 ngày sau khi ra viện, đến chập tối con khóc ngằn ngặt, ti mẹ đau rát mà sữa lại chưa về nhiều nên vợ chồng quyết định pha sữa công thức cho con ăn thêm. Bố trổ tài thúc bình pha sữa cho con ‘lành nghề’ lắm. Khi mẹ cầm bình sữa từ tay bố đưa, sờ thấy nóng ran mẹ thắc mắc: “sao nóng thế này anh?’ – “anh pha đúng hướng dẫn mà!” – “không được, anh thêm chút nước đun sôi để nguội vào đi!’ – “tuân lệnh vợ”. Nói rồi bố quáng quàng chạy đi, 20 giây sau đã thấy tay cầm bình sữa cho con, mặt hớn hở chờ mẹ ‘tâng công’. Mẹ hài lòng cầm bình đút vào miệng con, con mút mạnh một cái… rồi ọc sữa ho sặc sụa, mặt mày tím tái khóc ré lên. Bố mẹ tím mặt người vuốt ngực người vuốt lưng… ’Ơ rê ca’, bố dùng rượu pha sữa cho con! Thật không hiểu nổi???

6. Bé hăm tã

Khi trẻ bị hăm tã, những dấu hiệu sau thường xuất hiện và có thể thấy bằng mắt thường, đó là: đỏ da ở vùng quấn tã; đỏ da ở xung quang bộ phận sinh dục, kèm theo mùi nồng khó chịu. Quan sát da vùng quanh hậu môn có màu đỏ tươi, sau thành loét đỏ, chảy nước, chảy máu…

Chính vì vậy, để phòng tránh hăm tã cho bé sơ sinh mẹ nên lưu ý vệ sinh cho bé. Đừng chần chừ khi thay tã cho bé. Nên lau chùi kỹ cho bé khi thay tã. Chú ý lau xung quanh bộ phận sinh dục ngoài trước, rồi lau quanh hậu môn. Đặc biệt, khi tắm cho bé xong, mẹ cần lau khô người cho bé rồi mới quấn tã.

PS: Mỗi khi thay tã cho con, mình thường lau rửa cho bé bằng nước trà xanh ấm. Sau đó lấy khăn thấm thật khô, rồi dùng phấn rôm hay kem chống hăm bôi lên một lớp mỏng cho con.

7. Nước tắm cho bé

Sau sinh, mẹ vật vã với cơn đau hậu sản nên không biết y tá dặn dò bố thế nào về việc tắm cho con.

Bà ngoại gọi lên dặn đi dặn lại: “vợ chồng nhớ tắm cho con bằng nước ấm, tắm nhanh không quá 4 phút và kỳ cọ nhẹ nhàng thôi không trầy hết da cháu bà’.

Rồi chẳng biết bố nghe ngóng thế nào nhất nhất pha nước tắm cho con đúng 38 độ và nằng nặc rằng thân nhiệt con thấp, tắm thế mới đảm bảo sức khỏe. Mẹ nhúng khửu tay xuống chậu nước tắm thấy ran rát. Mẹ giãy nảy đòi bố pha thêm nước, bố phụng phịu phân bua: ‘em sờ thấy nóng nhưng với trẻ thế là vừa. Anh tìm hiểu kỹ rồi’. Bố mẹ khẩu chiến, mẹ kiên quyết cho thêm hơn 1 ca nước nguội nữa vào nước tắm của con. Có gần 4 phút tắm mà người con đỏ hỏn. Thật hú hồn!

PS: Nhiệt độ nước tắm của các bé thông thường là 35 - 36 độ C. Mẹ có thể sắm riêng cho bé một nhiệt kế đo nhiệt độ nước tắm cho chuẩn. Nếu không mẹ chỉ cần nhúng khuỷu tay của mẹ xuống chậu nước tắm. Nếu mẹ thấy nước không nóng hay không lạnh quá, vừa phải là được. Tuyệt đối không nên thử nước bằng ngón tay mẹ. Vì thông thường, nước ấm vừa tay mẹ sẽ là quá nóng so với da bé. Bao giờ mẹ cũng thử nước trước khi cho bé vào chậu/bồn tắm.

Theo Minhha77 trên lamme

Bài 2. Bốn sai lầm khi nuôi con đầu lòng



(Lam me) - Bên cạnh niềm vui được làm cha mẹ khi đứa con đầu lòng chào đời, bạn cũng cần chuẩn bị tinh thần cho những sự thay đổi lớn mà thành viên mới mang lại. Sẽ khó tránh khỏi những vấp váp và sai lầm khi lần đầu nuôi nấng và chăm sóc một đứa trẻ.

1. Cho bé uống sữa bò

Trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ tăng sức đề kháng và giảm được một số bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, hen suyễn… Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng và bác sỹ nhi khoa luôn khuyên và khích lệ bạn nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, vì một số lý do hoặc bạn không đủ sữa cho bé bú, tốt nhất bạn nên chọn cho bé một loại sữa công thức phù hợp, nhưng không phải là sữa bò. Nghèo chất sắt nhưng lại giàu chất đạm, sữa bò khiến quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng từ các sản phầm khác giảm, lượng đạm quá mức cần thiết khiến trẻ dưới 1 tuổi khó tiêu và nguy cơ béo phì cao.

Hơn nữa, nhiều bậc cha mẹ con nhầm lẫn rằng cho bé uống nhiều sữa sẽ giúp bé tăng trưởng tốt. Bạn nên biết, quá dư thừa canxi sẽ gây lắng đọng và sinh ra các bệnh lý về thận. Vì vậy, cần phải căn cứ theo tháng tuổi và cân nặng để cho trẻ uống lượng sữa thích hợp. Trẻ từ 5 – 6 tháng tuổi, mỗi ngày uống 2 – 3 bình sữa cho đến khi 6 tuổi.

2. Cho trẻ ăn dặm quá sớm

Trẻ dưới 6 tháng tuổi hệ thống tiêu hoá còn yếu, chưa thể ‘xử lý’ được thức ăn mà mẹ cho ăn bổ sung nên dễ suy dinh dưỡng khi ăn dặm quá sớm. Vì vậy, tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo các bà mẹ không nên cho bé dưới 6 tháng tuổi ăn dặm. Việc tập cho bé ăn dặm phải được tiến hành một cách từ từ, thoạt đầu bạn chỉ cần vài muỗng bột để cho bé làm quen. Khi hệ tiêu hoá của bé đã thích ứng, bạn nên tăng dần thành bữa chính.

3. Cho bé ăn quá thanh đạm

Một số bà mẹ trẻ cho rằng đồ ăn dầu mỡ khiến trẻ khó tiêu hoá và dễ gây béo phì cho trẻ. Việc không thêm dầu mỡ vào bát bột của bé dễ gây thiếu hụt dinh dưỡng. Một số khác còn kiêng cá, tôm, trứng cho bé vì sợ dị ứng hay chỉ dùng nước rau quấy bột… Điều này dễ gây chán ăn, suy dinh dưỡng ở trẻ và tạo thói quen ăn uống lệch lạc, khó thay đổi về sau.

Bạn cần lưu ý, bữa ăn của trẻ cần bao gồm đủ 4 nhóm dinh dưỡng chính:

- Tinh bột: gạo, khoai, bánh mỳ…

- Chất đạm: Cá, thịt, trứng, tôm, cua…

- Rau xanh và trái cây

- Dầu thực vật: Tốt nhất nên dùng dầu mè, dầu ô-liu, dầu hướng dương

Hãy linh động trong mỗi thực đơn nấu ăn cho trẻ. Việc lặp đi lặp lại một món ăn dễ gây thừa chất này, thiếu chất kia và sẽ làm trẻ chán ngán. Bạn cũng không nên nêm quá nhiều muối vào món ăn của bé. Lượng muối cao gây yếu thận và gia tăng nguy cơ cao huyết áp.

4. Nỗi lo lắng thường trực

Với những cặp đôi lần đầu làm cha mẹ, sự lo lắng cho con cao gấp bội. Một số bà mẹ trẻ còn cảm thấy thần kinh căng thẳng tột độ mỗi khi con quấy khóc hay vì lo lắng con ăn không đủ lo, ngủ không đủ giấc và nỗi ám ảnh thân hình mập mạp sau khi sinh… Việc quá lo lắng sẽ khiến bạn rơi vào stress, dễ dẫn tới trầm cảm. Vì vậy, các bà mẹ trẻ nên chia sẻ việc chăm con với chồng và tham khảo ý kiến của các bác sỹ nhi khoa.

Nguồn: http://www.eva.vn/lam-me/4-sai-lam-khi-nuoi-con-dau-long-c10a62958.html

Bài 3. Nuôi dạy con đầu lòng như thế nào?



(Lam me) - Cha mẹ nào cũng đặt rất nhiều kì vọng vào đứa con đầu lòng của mình, Để nuôi dạy con đầu lòng thành công mỗi bậc cha mẹ phải thật sự tinh tế và khéo léo để có thể dạy con nên người.

Mỗi đứa trẻ đều có những khác biệt về tính cách và hành vi khác nhau. Những tính cách và hành vi này bị ảnh hưởng rất nhiều bởi vị trí của trẻ trong gia đình (là anh/chị hay em út trong nhà). Và đối với mỗi đứa trẻ thì phương pháp nuôi dạy con của bố mẹ cũng phải khác nhau. Trong đó nuôi dạy con đầu lòng là một nhiệm vụ khá khó khăn. Dưới đây chúng tôi xin cung cấp cho bạn một cái nhìn sâu hơn về cách nuôi dạy con đầu lòng như thế nào.

Thường thì hầu như ông bố bà mẹ nào rất quan tâm đến con đầu lòng. Bố mẹ nào cũng đặt nhiều hi vọng vào con, dành nhiều thời gian để chăm sóc bảo vệ con và bởi thế những đứa con đầu lòng thường phát triển hơn nhưng trẻ sinh sau đẻ muộn. Những đứa trẻ làm anh chị cả trong gia đình là những người có khả năng lãnh đạo và có chí hướng. Chúng thích làm những việc theo cách riêng của mình, quyết đoán và khá cầu toàn. Là một người biết cách chăm sóc đến người khác, tham vọng, tư duy logic, biết cách chi tiêu.

Một khi đã hiểu được đặc điểm của con đầu lòng thì bạn sẽ biết cách nuôi dạy con hiệu quả hơn.

1. Để con tự quyết định

Có thể bạn sẽ không cảm thấy yên tâm khi để con tự ý quyết định một số việc nhưng đó là điều bạn cần phải làm,miễn là quyết định đó không gây nguy hiểm gì. Con thích làm gì, học gì hay mặc gì…bạn hãy cứ để con tự do quyết định. Gợi ý cho con một điều gì đó mới mẻ sẽ là rất tốt nhưng bạn cũng không nên ép con phải thích hoặc phải học nó. Hãy để con có sự lựa chọn cho riêng mình.

2. Không chỉ trích con quá nhiều

Như đã nói những đứa trẻ đầu lòng thường rất cầu toàn vì thế bạn nên hạn chế la mắng hay chỉ trích con. Phê phán con quá nhiều sẽ khiến cho trẻ thấy rất căng thẳng, điều này sẽ không tốt một chút nào. Bạn phải thật sự thoải mái và cho con biết rằng phạm phải sai sót là chuyện bình thường, chỉ cần con biết cách rút kinh nghiệm cho lần sau là được.

3. Giúp trẻ phát triển tính kiên nhẫn

Bạn cần phải phát triển tiên kiên nhẫn của trẻ khi trẻ dần lớn lên. Những trẻ đầu lòng thường rất thiếu tính kiên nhẫn. Chúng muốn được tự mình kiểm soát và muốn những thứ theo như ý mình. Bởi thế bạn nên rèn luyện tính kiên nhẫn cho bé ngay từ khi còn bé.

4. Tự hào về con

Đôi khi bạn cảm thấy tự hào về những kĩ năng của con. Bạn tự hào khi thấy con chơi đàn rất giỏi, tự hào khi thấy con đạt điểm cao ở trường. Tuy nhiên, bạn cũng không nên đi quá xa và khiến trẻ nghĩ rằng bạn yêu con chỉ vì thấy được những việc con có thể làm. Hãy cho con biết rằng bạn tự hào về con không phải về những kĩ năng mà con có mà vì con là con của bố mẹ.

5. Dành thời gian cho con

Một điều quan trọng khác khi bạn nuôi con đầu lòng là dành thời gian cho con, chia sẻ thời gian cho những đứa con của mình, không nên vì quá quan tâm đến bé út mà quên đi bé lớn. Đôi khi chỉ vì bố mẹ quá quan tâm đến em út nhỏ bé trong nhà khiến trẻ cảm thấy mình bị bỏ rơi, bị quên lãng. Bạn phải để trẻ thấy được rằng mình cũng là người rất quan trọng với bố mẹ. Đưa con ra ngoài ăn tối, đi dạo cùng nhau, đi xem phim…

6. Dạy con tính thỏa hiệp

Cuối cùng bạn phải dạy con biết cách thỏa hiệp. Vì những đứa con đầu lòng là những người thích lãnh đạo và chỉ huy người khác nên khá hung hăng. Những đứa trẻ hống hách rất dễ bị bạn bè tẩy chay. Bởi thế bạn nên dạy trẻ biết cách thỏa hiệp với người khác.

Nguồn: http://www.eva.vn/lam-me/nuoi-day-con-dau-long-nhu-the-nao-c10a41214.html

No comments:

Post a Comment