Feb 23, 2011

Chữa dị ứng bằng đông y

Theo y học hiện đại, dị ứng là một phản ứng không bình thường của cơ thể khi có sự xâm nhập của một chất lạ, thường gọi là “dị nguyên”. Dị nguyên có thể là bụi, phấn hoa, những lông nhỏ trên cành, lá của một vài loại thực vật, các protein, dịch tiết các loại côn trùng, hóa chất... Khi bị xâm nhập, lập tức trong cơ thể xuất hiện phản ứng kháng nguyên - kháng thể và một chất trung gian sinh học histamin được phóng thích khỏi các tế bào dưới dạng tự do. Chính chất này đã gây nên hiện tượng dị ứng làm mẩn ngứa, nổi mề đay, ban đỏ, phù nề, hắt hơi, sổ mũi, co thắt phế quản, khó thở, đôi khi làm giãn mạch, tụt huyết áp...

Sự xâm nhập của các dị nguyên có thể theo nhiều đường khác nhau như đường hô hấp (do hít phải), đường tiêu hóa (do ăn uống), đường máu (do tiêm chích, côn trùng đốt) và phần nhiều qua đường da do tiếp xúc.

Trong đông y, dị ứng thuộc phạm vi chứng phong sang. Phong ngứa là từ dân gian quen gọi chỉ hiện tượng dị ứng. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh ngoài sự xâm nhập của các chất lạ vào trong cơ thể còn do cảm nhiễm ngoại tà hoặc cảm phải thời khí ôn dịch làm cho cơ thể bị phong nhiệt, phong hàn, phong thấp, phong thấp nhiệt... mà gây ra uất kết ở bì phu, bắp thịt. Mặt khác, do quá trình chuyển hóa, hoạt động của các tạng phủ thiếu điều độ, chẳng hạn can, phế, vị nhiệt, tỳ thấp quá thịnh, âm huyết bất túc, huyết hư, huyết trệ mà sinh phong ngứa.
Để điều trị dị ứng, điều quan trọng là xác định được nguyên nhân và loại trừ “dị nguyên” gây ra. Có rất nhiều bài thuốc chữa dị ứng. Trong phạm vi bài viết này xin giới thiệu những bài thuốc đơn giản, dễ dùng mà hiệu quả để chữa trị dị ứng ngoài da.

Bài 1: Trường hợp bệnh nhân gặp mưa, lạnh, người nổi ban đỏ, ngứa ngáy khó chịu, dân gian thường gọi bị “lất”. Cần vào chỗ ấm tránh mưa lạnh. Dùng một miếng vải vó cũ cho vào chảo rang lên cho nóng chừng 40o- 45oC rồi chườm vào vùng bị lất. Có thể lấy 3 lát gừng tươi, giã nát thêm ít nước sôi và một chút đường cho uống để tăng tác dụng ôn trung.

Bài 2: Chữa dị ứng mẩn ngứa dùng độc vị, chọn một trong những vị sau sắc uống: Cây đơn kim 15g, lá đơn tía (đơn lá đỏ) 15g, cây đơn nem 10g hoặc lá đơn tướng quân 15g.

Bài 3: Có thể dùng phối hợp: Rễ chàm mèo 12g, kim ngân hoa 10g, đại hoàng 9g, hoàng bá 8g, cam thảo 5g, hoặc phù bình 6g, thuyền thoái 3g; phòng phong, kim ngân hoa mỗi thứ 5g. Sắc uống.

Bài 4: Trường hợp dị ứng mẩn ngứa do ăn phải các chất lạ, đặc biệt các protein lạ như các loại hải sản, nhộng tằm...

Dùng kinh giới 25g, sao vàng sắc uống, kết hợp lấy một ít lá kinh giới sao với cám rồi xát nhẹ lên vùng da bị ngứa, ngày 2-3 lần cho đến khi khỏi. Nếu mẩn ngứa do tuần hoàn huyết dịch trì trệ thêm chỉ xác 12g sắc với kinh giới hoặc có thể dùng lá đơn tướng quân 15g, sài đất, kim ngân hoa mỗi vị 12g; cỏ nhọ nồi 10g; núc nác 8g; thổ phục linh 15g. Sắc uống. Trường hợp lở ngứa nổi sần do huyết trệ thêm đan bì, xích thược, quy vĩ mỗi thứ 10g sắc.

Bài 5: Trường hợp ngứa phát ban do phong nhiệt dùng thương nhĩ tử, địa phu tử mỗi thứ 6g; hoặc dùng bồ công anh 15g; cúc hoa, kim ngân hoa mỗi vị 9g, cam thảo 5g. Sắc uống ngày một thang.

Có thể dùng lá đơn tướng quân 20g hoặc nhẫn đông đằng, thổ phục linh, thương nhĩ tử mỗi vị 20g. Sắc uống.

Bài 6: Nếu huyết nhiệt gây ra mụn nhọt, mẩn ngứa dùng bài Ngũ vị tiêu độc ẩm: Kim ngân hoa 20g, bồ công anh, cúc hoa, sinh địa, cam thảo đất mỗi thứ 10g. Sắc uống. DSCKI. Phạm Hinh (Trung ương Hội đông y Việt Nam)

No comments:

Post a Comment