Feb 23, 2011

Viêm đường hô hấp trên ở trẻ em

1. Hàng năm cứ đến cuối thu, đầu đông là bệnh viêm đường hô hấp trên (VĐHHT) ở trẻ em lại có nguy cơ bùng phát.

VĐHHT tuy là một bệnh không gây nguy hiểm tức thì nhưng đôi khi hậu quả của nó gây nhiều phiền toái cho người bệnh.

Ví dụ như vi khuẩn có thể đi vào máu gây nhiễm trùng huyết, viêm não - màng não là những căn bệnh rất nguy hiểm.

VĐHHT bao gồm: viêm họng, hầu, mũi, viêm thanh quản, VA (Végetation Adenoide), viêm các xoang...

VĐHHT được chia thành 2 loại: cấp tính và mạn tính.

2. Biểu hiện VĐHHT cấp tính

Bệnh thường xảy ra khi có một số yếu tố tác động như: thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh; gió mưa, áp thấp nhiệt đới, uống nước quá lạnh hoặc nước đá, ăn kem; nằm, ngồi trước luồng gió lạnh của quạt hoặc điều hòa nhiệt độ...

Triệu chứng gặp đầu tiên là sốt (có thể sốt nhẹ, đôi khi sốt cao kèm theo rét run), kèm theo sốt là ho, hắt xì hơi và chảy nước mũi.

Cơn ho có khi chỉ thúng thắng, co khi ho liên tục. Nếu bệnh nhân là người lớn hoặc trẻ em lớn còn có triệu chứng bị đau họng khi nuốt, khi ăn.

Chảy mũi nước là triệu chứng hay gặp, đặc biệt là trẻ nhỏ.

3. Biểu hiện VĐHHT mạn tính

Khi bị VĐHHT cấp tính mà không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm thì rất dễ dàng chuyển thành mạn tính. Triệu chứng của VĐHHT mạn tính là ho thúng thắng, rát họng, nuốt thấy hơi vướng như có vật gì nằm trong họng, đặc biệt ở trẻ em là chảy mũi nước thường xuyên (một hoặc cả hai bên mũi).

Một số trẻ em bị VA mạn tính kéo dài mà căn nguyên do vi khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) thì chất nhầy chảy ra ở mũi thường có màu xanh mà người ta hay gọi là “thò lò mũi xanh”.

Ngoài chảy mũi, trẻ ngủ thường thở bằng miệng. Ở người lớn, ngoài triệu chứng điển hình là rát họng, nuốt vướng còn có nghẹt mũi (một bên hoặc cả hai) do hiện tượng phì đại cuống mũi...
Trong những trường hợp viêm xoang thường có kèm theo triệu chứng đau đầu...

4. Nguyên nhân gây bệnh

Có nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do dị ứng với thời tiết, với các loại dị nguyên khác nhau (kháng nguyên) có trong không khí, trong bụi, dị ứng hoặc tác động của hóa chất, khói thuốc lá (hoặc hút hoặc hít phải khói thuốc lá, thuốc lào do người khác nhả ra) hoặc do vi sinh vật gây bệnh (vi nấm, vi khuẩn, virus).

Vi khuẩn bao gồm nhiều loài khác nhau, nhưng có một số vi khuẩn thường ký sinh ở đường hô hấp trên, bình thường chúng không gây bệnh nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi, đặc biệt là khi sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút, vì một lý do nào đó thì các vi khuẩn ký sinh ở đường hô hấp trở nên gây bệnh.

Một số vi khuẩn thường gặp ký sinh ở đường hô hấp trên là họ cầu khuẩn, trong đó đặc biệt lưu ý là loại vi khuẩn phế cầu (streptococcus pneumoniae); liên cầu, nhất là liên cầu nhóm A (streptococus pyogenes); Haemophilus influenzae, B.catarrhalis, xoắn khuẩn Vincent, một số vi khuẩn đường ruột như E.coli, enterobacter, citrobacter, thậm chí còn có cả trực khuẩn mủ xanh (P.aeruginosa), tụ cầu vàng (S. aureus).

Ngoài vi khuẩn, còn có loại vi nấm như candida albicans cũng hay gặp gây bệnh ở đường hô hấp trên, điển hình nhất là bệnh tưa lưỡi.

VĐHHT do vi khuẩn, vi nấm gặp khá phổ biến trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là các nước đang phát triển, các nước ở vùng nhiệt đới có khí hậu nóng, ẩm rất thuận lợi cho các vi khuẩn, vi nấm phát triển.

Mỗi khi chẩn đoán là VĐHHT được xác định là do vi khuẩn, nếu có điều kiện nên tiến hành cho thử nghiệm với kháng sinh thông dụng (người ta gọi là kháng sinh đồ), để lựa chọn kháng sinh điều trị thích hợp làm cho bệnh chóng khỏi, không nên điều trị bao vây làm cho vi khuẩn có nguy cơ kháng thuốc kháng sinh (nhờn thuốc).

Ở nước ta, hầu hết các phòng xét nghiệm vi sinh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện được kháng sinh đồ, đó là điều rất thuận lợi cho việc điều trị các bệnh VĐHHT do vi khuẩn.

5. Phòng bệnh trong mùa lạnh

Điều này có liên quan mật thiết đến vệ sinh môi trường, đây là một công tác của mọi người, mọi nhà, mọi ngành, mọi cấp.

Đối với cá nhân, nhất là trẻ em và người cao tuổi cần mặc áo ấm, giữ ấm cổ vào những ngày gió lạnh.

Cần tắm trong buồng kín gió, tốt nhất là có nước ấm để tắm, không nên tắm thời gian lâu, tắm xong nên lau ngay cho đầu tóc, mình mẩy thật khô và mặc quần áo ngay. Cần vệ sinh răng miệng hàng ngày, nên tập cho trẻ có một thói quen tốt là đánh răng trước và sau khi ngủ dậy.

Khi ra đường nên đeo khẩu trang để hạn chế hít phải nhiều bụi, trong đó có những loại bụi có mang cả các dị nguyên và vi sinh vật.

Tuyệt đối không hút thuốc lá, thuốc lào. Những gia đình dùng bếp than cần có biện pháp hạn chế đến mức tối đa hít phải khí độc do than khi đốt cháy thải ra. Những gia đình dùng bếp củi, rơm, rạ nên dùng loại bếp ít khói.

Những đối tượng thường hay bị mắc bệnh VĐHHT nên được khám bệnh để được điều trị và tư vấn những vấn đề có liên quan đến bệnh.

Theo SK&ĐS

No comments:

Post a Comment