Feb 22, 2011

Tác hại của thiếu và thừa vitamin A, D

Hai loại vi chất trên rất cần thiết cho cơ thể, song nếu bổ sung không thích hợp có thể gây nguy hiểm. Thừa vitamin A sẽ sinh đau xương khớp, còn thiếu vitamin D dễ dẫn đến gây còi xương.

Vitamin A là thành phần thiết yếu của sắc tố võng mạc nên rất quan trọng đối với mắt. Ngoài ra, nó còn giúp giữ toàn vẹn lớp tế bào biểu mô bao phủ bề mặt và các khoang trong cơ thể

Thiếu vitamin A sẽ gây khô da ở màng tiếp hợp, giác mạc, nặng hơn sẽ làm thủng giác mạc và dẫn đến mù lòa. Nó còn gây sừng hóa nang lông, bề mặt da thường nổi gai, làm giảm tốc độ tăng trưởng và sức đề kháng của cơ thể với bệnh tật.

Thừa vitamin A sẽ gây đau bụng, buồn nôn, bơ phờ, chậm chạp, phù gai thị, bong da toàn thân. Ngộ độc có thể xảy ra khi uống trên 40.000 đơn vị mỗi ngày, gây đau xương khớp, rụng tóc, môi khô nứt nẻ, chán ăn, gan lách to. Đối với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, nếu dùng quá 10.000 đơn vị vitamin A mỗi ngày có thể khiến thai nhi dị dạng. Beta caroten - một tiền tố của vitamin A có hoạt tính cao nhất - có thể làm vàng da, nhất là ở gan bàn tay, chân. Nhu cầu hàng ngày về vitamin A ở trẻ em là 400mcg và người trưởng thành là 600mcg.

Vitamin D - Ergocan-xiferol D2, Cholecan-xiferol D3

Vitamin D giúp điều hòa sự chuyển hóa canxi và phospho trong cơ thể, làm tăng hấp thu và đồng hóa canxi tới 50-80% nhu cầu cần thiết cho quá trình cốt hóa. Vitamin D3 hoạt động mạnh hơn vitamin D2 với tỷ lệ 4:3.

Thiếu vitamin D dẫn đến còi xương. Đối với trẻ dưới 2 tuổi, thiếu vitamin D sinh rối loạn ban đầu không điển hình như dễ bị kích thích, ra mồ hôi, sau đó làm chậm mọc răng, mềm xương sọ, dễ bị co giật. Khi trẻ biết đứng sẽ dễ cong cột sống, chân vòng kiềng.

Thừa vitamin D, đặc biệt D2, D3 có liều cao gấp hàng nghìn lần liều chuẩn có thể gây ngộ độc. Các triệu chứng hay gặp là kém ăn, buồn nôn, tiểu nhiều, ngừng lớn, xanh xao, đôi khi gây co giật, khó thở.
Vitamin A - Gan gà: 6.960mcg - Cà rốt: 5.040mcg - Gan lợn: 6.000mcg - Đu đủ chín: 2.100mcg - Trứng vịt lộn: 875mcg - Rau ngót: 6.650mcg - Lươn: 1.800mcg - Rau dền: 5.300mcg

Lượng vitamin D trong một số thực phẩm- Sữa mẹ 2-4 đơn vị/100g (mùa hè) và 0,3-2 đơn vị/100g (mùa đông). - Sữa bò 4 đơn vị - Trứng 50-200 - Lòng đỏ trứng 300 - Gan bò 100 - Gan lợn 90 - Gan cá thu 500-1.500

Bác sĩ Phạm Thị Thục, Sức Khỏe & Đời Sống

Thừa vitamin A gây hại xương



Những người bổ sung trên 5.000 IU vitamin A mỗi ngày có mật độ chất khoáng xương thấp hơn 10% so với người dùng chất này vừa phải. Nguy cơ gãy cổ xương đùi ở họ cũng tăng gấp đôi so với người dùng vitamin A với liều chỉ bằng 1/3.

Lâu nay, người ta thường chú ý đến các tai biến do thừa vitamin A như chán ăn, nôn, sút cân, gây dị tật cho thai, còn tai biến cho xương được ghi nhận nhưng chưa được giải thích, chứng minh. Những năm gần đây, điều này đã được làm rõ trong các nghiên cứu lâm sàng và dịch tễ.

Acid retinoic (một chất chuyển hóa có hoạt tính của vitamin A) kích thích sự hình thành và hoạt động của tế bào hủy xương (hủy cốt bào) dẫn đến tăng sự tiêu xương và hình thành xương màng. Việc tăng tiêu xương dẫn đến giảm mật độ chất khoáng xương, làm cho xương giòn, kém dẻo dai, sức chịu lực kém nên dễ gãy. Việc hình thành xương màng gây nên phì đại xương. Hiện tượng này thường xảy ra ở xương đốt bàn tay, đốt bàn chân, các xương ống khác như xương trụ, xương chày, xương mác.

Các nghiên cứu cho thấy những người bổ sung quá nhiều vitamin A có mật độ chất khoáng xương thấp hơn, nguy cơ gãy cổ xương đùi cao hơn người bình thường. Thực tế cho thấy, người vùng Bắc Âu bổ sung vitamin A cao gấp 6 lần người Nam Âu và tỷ lệ gãy xương đùi cũng cao hơn.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nếu bổ sung vitamin A mỗi ngày khoảng 2.000-2.800 IU thì mật độ khoáng xương đạt đến mức lý tưởng. Bổ sung cao hơn hay thấp hơn mức này đều không có lợi cho xương.

Từ đó, có thể rút ra kết luận: Đối với người già hay người bị loãng xương, không nên bổ sung thường xuyên vitamin A, không nên ăn quá nhiều các loại thực phẩm giàu chất này. Ở trẻ em và thanh niên, việc thiếu vitamin A sẽ gây quáng gà, khô giác mạc, loét giác mạc, mù, tăng sừng hóa, khô da... nên có thể bổ sung nhưng không nên lạm dụng. Tốt nhất nên bổ sung dưới dạng tiền vitamin A (beta caroten) sẽ an toàn hơn.

Vitamin A (retinol) có nhiều trong gan, thận, sữa. Còn tiền vitamin A (beta caroten) có nhiều trong thực vật (củ cà rốt, màng hạt gấc...).

Nếu cần bổ sung vitamin A (bằng ăn uống hay dùng thuốc), nên theo liều khuyến cáo mỗi ngày với nam là 3.000 IU, nữ 2.300 IU. Nếu không có bệnh tật gì về đường tiêu hóa, mức ăn uống bình thường là đã đủ hoặc ít nhất cũng đảm bảo được 50% nhu cầu vitamin A. Chất này chỉ thiếu khi thức ăn quá nghèo hay hấp thu kém, hoặc khi nhu cầu tăng (bị bệnh về mắt, bị bỏng...).

Đối với trẻ đã uống vitamin A trong chương trình bổ sung vi chất dinh dưỡng (6 tháng một lần) thì không cần dùng thêm bất cứ loại thuốc chứa vitamin A nào nữa.

Theo DS. Hà Quảng, Sức Khỏe & Đời Sống

No comments:

Post a Comment