Bài 1. Lang ben: Nguy cơ lây lan và cách điều trị
Lang ben là một bệnh nhiễm nấm, không có triệu chứng và kéo dài dai dẳng. Bệnh có khắp nơi trên thế giới, nhiều nhất ở miền nhiệt đới. Bệnh thường gặp ở độ tuổi từ 20 đến 35 tuổi.
Yếu tố để gây bệnh: phụ nữ mang thai, yếu tố di truyền, đổ mồ hôi nhiều, bệnh nhân có một bệnh nặng ở nội tạng, bệnh nhân có lượng cortisone trong người nhiều hơn người bình thường, bệnh nhân được điều trị corticoides lâu ngày.
Bệnh gây trở ngại trong giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày. Bệnh lây trực tiếp từ người này qua người khác hay lây qua đồ dùng cá nhân như khăn, quần áo, mùng, mền, chiếu, gối...
Bệnh lang ben thường biểu hiện như sau:
Vùng phơi ra ánh sáng: là một đốm hay một mảng có màu trắng.
Vùng không phơi ra ánh sáng: đốm hay mảng có màu cà phê sữa, màu hồng, màu nâu, màu đất. Vì thế bệnh lang ben còn có tên bệnh nấm nhiều màu (TINEA versicolor). Trên bề mặt của sang thương có vảy mịn, cạo ra như phấn.
- Bệnh lang ben không ngứa hay ngứa ít, nhưng khi ra nắng, đổ mồ hôi thì ngứa nhiều.
- Bệnh dễ nhầm lẫn với bệnh phong, bệnh bạch biến vì thế bệnh nhân cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán đúng.
Điều trị:
Nếu những đốm nhỏ và ít, ta có thể dùng thuốc thoa tại chỗ như Antimycose, BSI, ASA có hiệu quả nhưng đôi khi bệnh nhân khó chịu vì đau rát và tróc da. Để tránh khó chịu và đau rát, bệnh nhân có thể thoa kem Nizoral trong 3 tuần thì đạt được kết quả khả quan.
Trường hợp có nhiều đốm lang ben xa nhau dùng thuốc thoa dễ bỏ sót vì vậy chúng ta nên dùng thuốc uống:
- Nizoral (Ketoconazol) viên 200mg, ngày uống 1 viên trong 10 ngày.
- Sporal (Itraconazole) viên 100mg, ngày uống 2 viên trong 7 ngày.
Hai thuốc trên uống sau khi ăn. Khi dùng thuốc uống cần có sự hướng dẫn của bác sĩ da liễu.
Điều trị bệnh lang ben phải điều trị mọi người trong gia đình. Quần, áo, mùng, mền nên thay đổi thường xuyên. Giặt giũ đồ dùng cá nhân nên giặt bằng nước nóng. Không nên mặc quần áo ẩm ướt.
Đề phòng bệnh phát trở lại, sau khi điều trị bệnh nhân nên tắm ngày một lần với dầu gội Nizoral (Nizoral sampoo) trong năm ngày liên tiếp.
Theo Ykhoa.net
Bài 2. Củ riềng ngâm rượu chữa lang ben?
TT - Tôi năm nay 19 tuổi, bị lang ben và lác (hắc lào). Xin hỏi củ riềng giã nát ngâm với rượu có chữa được hai bệnh này không? Có loại thuốc nào chữa được mong tư vấn giùm. (Nguyễn Hải Triều, - Thiên Kim DK)
- Lang ben và hắc lào là hai bệnh thường gặp và đều do nấm gây ra. Kinh nghiệm dân gian trị liệu hết sức phong phú, trong đó có cách dùng củ riềng ngâm rượu để chữa. Cụ thể: lấy 100g riềng già, rửa sạch, giã nát rồi ngâm với 200ml rượu trắng hoặc cồn 90O để càng lâu càng tốt. Khi dùng lấy bông y tế thấm dịch thuốc bôi đều lên vùng tổn thương, mỗi ngày vài lần.
Ngoài ra, tùy theo điều kiện cụ thể có thể dùng một số bài thuốc sau đây:
- Quả chuối tiêu non, cắt đôi, xát vào vị trí tổn thương.
- Mảnh gáo dừa đốt cháy ra nhựa, lấy nhựa đó bôi hằng ngày.
- Lá muồng trâu 100g, muối ăn một thìa cà phê, giã nát, bọc vào gạc xát vào nơi bị bệnh.
- Lá và củ chút chít 100g, củ riềng 100g, chanh một quả, hai thứ giã nát rồi vắt nước chanh đun nóng, bôi vào tổn thương.
- Lá và củ chút chít 100g, muối ăn một thìa, củ riềng 100g, chanh một quả. Hai thứ trên giã nát, vắt nước chanh vào đun nóng rồi bôi vào tổn thương.
- Hạt muồng 100g, khế chua 40g, lá trầu không mười lá. Tất cả giã nát, vắt nước chanh vào rồi đun nóng, bôi vào tổn thương.
- Muối ăn tán nhỏ, gừng tươi lượng vừa đủ. Gừng tươi thái lát đắp vào nơi tổn thương, sau đó dùng gừng tươi tẩm một chút muối ăn tiếp tục xát vào vị trí bị bệnh.
- Dùng tỏi vỏ tím giã nát, xát vào vị trí tổn thương.
- Gừng núi 20g, giấm chua 100ml, gừng giã nát ngâm với giấm chua trong 12 giờ rồi dùng bông thấm dịch thuốc bôi vào vị trí bị bệnh.
-Tỏi vỏ tím lượng vừa đủ, giã nát, đắp lên vùng tổn thương.
- Lá cây mướp đắng lượng vừa đủ giã nát, cho thêm một chút muối rồi đắp lên vùng tổn thương.
- Hoạt thạch và tang phiêu tiêu lượng vừa đủ, hai thứ sấy khô tán bột rồi xoa lên vùng tổn thương.
ThS HOÀNG KHÁNH TOÀN
Bài 3. Dùng thuốc chữa lang ben
[suckhoedoisong.vn, 20/3/2009]- .... Dùng các loại dung dịch chống nấm đơn giản như dung dịch cồn BSI ( có acid benzoic, acid salicylic, iod) hoặc dung dịch cồn ASA (có cồn, aspirin, acid salicylic), hoặc thuốc mỡ chứa chất chống nấm ketoconazol bôi lên vùng da bị bệnh và vùng da chung quanh. Cần rửa sạch và làm khô da trước khi bôi. Sau khi thương tổn đã hết cần bôi tiếp một tuần nửa để cũng cố.
Nếu lang ben lan rộng nhiều chỗ, nên uống thêm thuốc viên ketoconazol, mỗi ngày uống 200 mg, uống trong 10 ngày liền.
Kinh nghiệm nhân dân: Có thể dùng 20 gam riềng tươi, giã nát, ngâm trong 200ml giấm thanh bôi lên da. Sau khi thương tổn đã hết, cần tiếp tục bôi thêm hai tuần nữa.
Cần lưu ý: tuy cũng là thuốc chống nấm nhưng nystatin hay gryseofulvin dùng dạng uống hay bôi đều không chữa được bệnh lang ben vì thế không nên dùng nhầm.
Cùng với việc dùng thuốc, cần chú ý: quần áo, khăn mặt phải giặt bằng nước đã đun sôi, là hay sau khi giặt “là nóng” hoặc hong trên lửa nóng, luôn luôn giữ cho da không bị ẩm ướt. Người bị bệnh, mặc loại quần áo bằng vải tốt hơn bằng loại sợi tổng hợp vì loại bằng vải dễ hút mồ hôi làm cho da khô.
DS. Bùi Văn Uy
No comments:
Post a Comment