“Không ăn thì đói, ăn vào thì no, người mệt mỏi, nặng bụng, khó tiêu…”. Đây là lời than vãn của nhiều người cao tuổi về vấn đề ăn uống của mình. Người trẻ thường không bị cảm giác này, bởi hệ tiêu hóa của họ còn sung sức. Nhưng bước qua tuổi 30, cần chú ý ăn uống những món “trợ lực”, giúp hệ tiêu hóa dễ dàng “làm việc”.
Lương y Đinh Công Bảy - Hội Dược liệu TP.HCM cho biết: “Thứ đầu tiên cần chú ý là các gia vị đi kèm với món ăn. Các loại tiêu, hành, gừng, sả, ớt đều có công dụng làm ấm nóng hệ tiêu hóa. Nhờ sự “kích thích” này mà hệ tiêu hóa khởi động tốt”. Các món nên ăn gồm: cá chép kho riềng (món này kho rất cầu kỳ, đun nhỏ lửa đến khi xương cá mềm rục mới ngon), gà kho gừng, cá chẽm hấp hành gừng (trong nguyên liệu còn có đông cô, cải mầm là những món rất dễ tiêu và bổ dưỡng), cua xào hành gừng. Món ăn có thêm sả như ốc bươu xào sả ớt, bò xào sả ớt, đậu hủ chiên sả ớt, mì căn xào sả ớt… vừa ngon miệng, vừa dễ tiêu. Món giúp ấm nóng cơ thể còn có bắp bò nấu tiêu xanh.
Khi cơ thể thường xuyên cảm thấy khó tiêu, nên ăn những món như canh cải cá thát lát cho thêm vài lát gừng, vừa khử mùi tanh của cá, vừa kích thích vị giác; canh cải đắng nấu thịt nạc với gừng; nước luộc bắp cải dầm cà chua, gừng; canh đậu hủ trắng nấu với thịt nạc, hẹ vừa mát vừa bổ phổi. Riêng canh chua là món vừa dễ tiêu vừa giúp tỉnh táo sảng khoái, nhất là những lúc đi đường xa, mỏi mệt…
Món cháo thường được dùng khi cơ thể mệt nhọc là giải pháp các cụ dùng từ xa xưa và có giá trị đến ngày nay. Có rất nhiều loại cháo, vùng Củ Chi, TP.HCM có cháo dựng bê nấu với đậu xanh, khoai mì. Món này, tất cả đều nấu nhừ lại ít mỡ nên rất dễ tiêu. Món cháo bồ câu nấu với đậu xanh cũng rất tốt cho những ai luôn cảm thấy nặng… lòng. Cháo cá lóc, cháo hến, cháo bò, cháo gà… luôn kèm thêm các gia vị tốt cho hệ tiêu hóa như hành, gừng, răm… Ngoài ra, còn có cháo nấu với ngũ cốc như: cháo đậu xanh, cháo đậu đỏ…
Cũng là cháo, nhưng lại ẩn chứa nhiều nguy cơ là món cháo lòng, những người cao huyết áp, rối loạn mỡ máu nên thận trọng vì có thể làm bệnh nặng hơn. Bởi, các món đồ lòng như phèo non, gan, tim chấm nước mắm mặn là… thủ phạm làm tăng huyết áp, cholesterol. Tương tự, cháo gà và cháo vịt nên ăn vừa phải, tức là một bát cháo gà và khoảng hai - ba miếng gà, vịt đã bỏ da, mỡ, xương.
Theo lương y Đinh Công Bảy, các loại rau thơm cũng có khả năng trợ lực cho việc tiêu hóa đạm động vật. Cụ thể, tía tô giúp “xay nhừ” tôm, cua, ốc; lá lốt, ngò gai “làm mềm” thịt bò…
Cuối cùng là món tráng miệng, nên lưu ý dùng thơm (dứa). Thịt nấu với thơm sẽ bị nhũn đi nhờ công dụng phân hủy thịt của thơm. Điều này có thể khiến món ăn không ngon, nhưng lại có lợi cho hệ tiêu hóa vì giúp “thanh toán” nhanh món đạm vốn dễ gây khó tiêu, nặng bụng. Đu đủ cũng có khả năng tiêu thực nhưng chỉ nên dùng một ít, dùng nhiều, lượng đường trong đu đủ khiến gan phải tăng năng suất lao động. Một kinh nghiệm dân gian hữu ích và có thể xem như biện pháp dưỡng sinh là ăn một - hai lát gừng sống sau mỗi bữa ăn. Gừng sống vừa giúp kích thích tiêu hóa vừa làm thơm miệng. Các cụ xưa còn dùng cơm rượu làm món ăn trợ tiêu hóa, làm ấm lòng khi lạnh bụng. Do đó, cơm rượu dùng làm món tráng miệng rất tốt.
Điều cần lưu ý là món ăn dù “nhẹ” đến đâu cũng trở thành “nặng” nếu ngon miệng mà “chén tì tì”. Vì thế, bên cạnh việc sử dụng các món tốt cho cơ thể, cần lưu ý cách ăn: ăn chậm, nhai kỹ, nên buông đũa khi chưa thấy no.
Cát Tường
No comments:
Post a Comment