Jul 22, 2011

Kinh nghiệm chuẩn bị Tang lễ (đám ma)

 "Khi nào chúng ta nên nghĩ đến và lo chuẩn bị cho việc hậu sự cho chính mình và người thân".
  Kính thưa quí vị, việc sắp đặt hậu sự là một công việc dĩ nhiên là điều hoàn toàn ngoài ý muốn của chúng ta, những người con của cha mẹ đã già yếu, những người không may mang những chứng bệnh nan y. Nhưng đó là một việc làm rất thiết thực mà chúng ta không thể nào tránh khỏi.
  Đối với các vị đã cao tuổi, nếu những ý nguyện của quí vị đã được thảo luận,được chỉ định và được cẩn thận ghi xuống tờ di chúc thì khi nhắm mắt xuôi tay, chắc chắn là không có niềm vui nào hơn cho chúng ta nếu biết được rằng con cháu thân thuộc được có dịp đồng thuận gần gũi yêu thương nhau hơn.

1. Trong những giờ phút thân nhân hấp hối, người nhà cần làm gì?

- Dời người sắp mất sang phòng chính tẩm, đầu hướng về phía Đông.
- Hỏi xem có dặn dò trối trăng gì không
- Đặt thuỵ hiệu (tức tên hèm) rồi hỏi người đó có đồng ý không.
- Luôn luôn có người túc trực bên cạnh.
- Người có theo tôn giáo thì làm lễ cầu nguyện theo phép của từng tôn giáo.
- Chuẩn bị mọi thứ để tắm gội (làm lễ mộc dục) và khâm liệm (lễ nhập quan).
2.  Những việc phải làm trong lúc hấp hối :
2.1.Thụy hiệu :
Trước hết phải đặt tên cúng cơm cho người chết, tức là tên thụy hay tên hiệu. Trường hợp, người sắp xếp còn tỉnh táo, họ có thể tự đặt tên cho mình. Nếu đã hôn mê, thì người nhà căn cứ vào đức tính của người sắp chết lúc sinh thời để đặt tên hiệu. Dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn việc đặt thụy hiệu cho các quan chức có phẩm hàm được quy định sẵn.
2.2.Chúc khoáng :
Người nhà túc trực bên giường bệnh cần theo dõi chặt chẽ để biết lúc tắt thở bằng cách lấy một ít bông đặt ở lỗ mũi,khi thấy bông không đậy đậy nữa , đó chính là giây phút chết hẳn.
Khi người thân chết hẳn ,thân nhân phải vuốt mắt cho người chết để cặp mắt nhắm hẳn lại, và xếp chân tay, nằm ngửa ngay ngắn.
2.3.Khiết xỉ :
Lấy 1 chiếc đũa đặt ngang miệng người chết để "cài hàm" cho răng hé ra, không nghiến chặt lại để sau làm lễ phạn hàm.
2.4.Hạ tịch :
Còn gọi hạ thổ, rải chiếu xuống đất, đưa người chết nằm xuống chiếu 1 lát rồi lại đưa lên giường. Theo quan niệm xưa "chết trở về với cõi âm", tức là lấy đủ khí âm dương cho người chết.
2.5.Phục hồn :
Tục xưa lấy áo của người chết treo lên nóc nhà phía trước hướng về phía Bắc, rồi gọi tên tục người chết 3 lần. Sau đó trèo xuống theo hướng nóc nhà phía sau, đem tấm áo ấy đắp lên bụng người chết. Hy vọng hồn người chết trở về sống lại.
2.6.Thiết hồn :
Dùng bảy thước (thước ta) lụa trắng phủ lên ngực người chết trước khi tắt thở (ý đón hơi thở người chết vào đấy). Khi người bệnh chết hẳn, đem tấm lụa này kết thành hình dạng người thân có đầu, mình, chân tay. Kết xong đặt trên mình người chết.
Lúc nhập quan thì linh bạch được đặt trong linh sàng, linh tọa để tượng trưng cho người đã mất. Ngày nay để thay cho hồn bạch, người ta dùng bức ảnh chân dung người quá cố .
2.7.Mộc dục :
Người chết sau khi đã tắt thở phải được tắm rửa bằng bằng thứ nước thơm ngũ vị hương ở trong màn kín. Thông thường con trai tắm rửa cho cha và con gái tắm rửa cho mẹ.
Cách làm : dùng khăn sạch thắm nước thơm ngũ vị hương lau thân mình, mặt mũi, chân tay, chải đầu buộc tóc gọn gàng. Cắt móng chân móng tay. Gói các sợi tóc rụng và vụn móng tay chân vào một gói nhỏ, để cho vào áo quan cùng với người chết.
2.8.Thay quần áo :
Sau khi tắm rửa, làm vệ sinh sạch sẽ xong, thay áo quần mới cho người chết. Theo tục xưa gồm các thứ : khăn chít đầu, bông nhét lỗ tai, khăn phủ mặt bằng vải trắng tinh có dải buộc ra đằng sau gáy, bao tay bằng vải lụa, cùng với bộ áo quần mới, giày tất...
Sau khi thay xong quần áo, phải đặt người nằm ngay ngắn, tay chân duỗi thẳng. Người xưa thường lấy dây vải buộc hai ngón chân cái và hai ngón tay cái lại với nhau. Và tay được đặt lên bụng.
Những người thọ ngoài 70 tuổi trở lên thường được mặc quần điều áo lam chít khăn nhiễu tím - Những người thọ 80 tuổi trở lên được mặc cả quần áo vóc điều.
2.9.Phạn hàm :
Xưa kia mỗi lần trong gia đình có người chết, thân nhân lấy 1 ít gạo nếp vo kỹ và 3 đồng tiền lau chùi cho sáng loáng, bỏ chúng trong 1 chiếc đĩa. Đối với gia đình giàu có thường dùng 3 đồng tiền vàng và 9 hột ngọc trai. Tang chủ đứng bên phải thi hài người chết, lấy chiếc đũa cài răng ra, bỏ gạo nếp và tiền vàng vào miệng người chết, bỏ 3 lần mỗi lần 1 đồng tiền và 3 hạt gạo nếp : lần đầu bỏ vào mép bên trái, lần hai bỏ vào mép bên phải và lần cuối bỏ vào chính giữa miệng.
Có tục bỏ tiền và gạo nếp vào miệng người chết vì người xưa nghĩ rằng người chết sang thế giới bên kia mà không bỏ gạo và tiền vào miệng thì hông có gì để ăn, tiêu.
Sau khi bỏ đũa cài miệng và bỏ gạo nếp và tiên vào miệng, tang chủ phải buộc hàm dưới với hàm trên cho hàm dưới không bị trễ xuống. Đến đây con cháu mới được khóc to.
Xưa còn có tục lệ đơm 1 bát cơm, trên để 1 quả trứng luộc bỏ vỏ, có cắm đôi đũa tre, phía cuối được vót cho sợi vót quăn lại thành hình bông hoa. Bát cơm cùng bài vị đặt trên đầu người chết. Khi đã nhập quan, bát cơm đó được đặt trên áo quan. Tục lệ này ngày nay vẫn giữ.

3 Sau khi thân nhân mất, gia đình cần làm những gì?

Chúng tôi chỉ nêu lên những việc làm đối những trường hợp người già yếu, mất tại nhà, theo phong tục cổ truyền. Trường hợp mất tại bệnh viện hoặc mất dọc đường, quán trọ, chết vì tai nạn, gươm súng, xe cộ, rắn độc, thuỷ hoả tai, chưa đúng kỳ đáng chết... không đủ điều kiện để thực hiện toàn bộ thao tác và nghi lễ, vậy nên châm chước, tuỳ nghi vận dụng:

3.1.  Lễ mộc dục : (tắm gội)

Lúc tắm gội cho người vừa chết thường vừa để sẵn một con dao nhỏ, một vuông vải (khăn), một cái lược, một cái thìa, một ít đất ở ông đồ rau, một nối nước ngũ vị hương và một nồi nước nóng khác. lúc tắm, vây màn cho kiến, tang chủ quỳ xuống khóc, người hộ việc cũng quỳ rồi cáo từ rằng; "nay xin tắm gội để sạch bụi trần", xong phục xuống, đứng dậy. Cha thì con trai vào tắm, mẹ thì con gái vào tắm. Lấy vuông vải dấp vào ngũ vị, lau mặt, lau mình cho sạch rồi lấy lược chải tóc lấy sợi vải buộc tóc, lấy khăn khác lau hai tay hai chân, lại lấy dao cắt móng tay móng chân,mặc quần áo cho chỉnh. Móng tay móng chân gói lại trên để trên, dưới để dưới, để vào trong quan tài; dao, lược thìa và nước đem đi chôn; rước thi thể đặt lên giường.

3.2. Sau lễ mộc dục thời gian chưa nhập quan:

Đắp chăn hoặc chiếu, buông màn, đặt một chiêc ghế con phía trên đầu, trên đó đặt một bát cơm úp, một quả trứng, dựng một đôi đũa trên bát cơm và thắp hương. Có địa phương còn có tục để thêm một con dao trên bụng, (có lẽ để trừ tà ma hay quỷ nhập tràng).

3.3. Lễ phạn hàm:

Lễ này theo tục xưa, bỏ gạo và tiền vào miệng tránh tà ma ác quỷ đến cướp đoạt, để tiễn vong hồn đi đường xa được siêu thoát. Lễ này ngày nay nhiều nơi đã bỏ, có nơi thay thế bằng may một cái túi, trong túi đựng một ít tiền gạo và một vài đồ lặt vặt mà khi sống, người đó hay dùng đến.
Theo "Thọ mai gia lễ", lễ này được tiến hành như sau:
Lấy ít gạo nếp xát cho sạch, ba đồng tiền mài cho sáng (nhà giàu thì dùng vàng hoặc viên ngọc trai).
Tang chủ vào khóc quỳ, người chấp sự cũng quỳ, cáo từ rằng: " nay xin phạn hàn, phục duy hâm nạp". Người chấp sự lần lượt xướng "Sơ phạn hàm, tái phạn hàm, tam phạn hàm". Tang chủ ba lần, mỗi lần xúc một ít gạo và một đồng tiền tra vào mồm bên phải, rồi đến bên trái, cuối cùng vào giữa. Xong, bóp mồm lại, phủ mặt như cũ.

3.4. Lễ khâm liệm nhập quan:

Các con vào, con trai bên trái, con gái bên phải. Người chấp sự xướng. Tự lập (đứng gần vào), cử ai (khóc cả lên), quỳ. Chấp sự cũng quỳ mà cáo từ rằng "Nay được giờ lành, xin rước nhập quan". "Cẩn cáo" xong lại xướng: phủ phục (lễ xuống), hưng (dậy), bình thân (đứng thẳng).
Sau đó các con cháu tránh ra hai bên, người giúp việc quay và đều cầm tạ quan nâng lên để đưa người vào cho êm ái, đặt cho chính giữa quan tài, nếu có hở chỗ nào cần lấy áo cũ của người vừa mất bổ khuyết cho đầy đủ, rồi gấp dưới lên đầu trước, bên trái gấp trước, bên phải gấp sau, trên đầu gấp sau cùng, sơn nẹp đóng lại. Chú ý: Những quần áo của người đang sống, hoặc quần áo mà người đang sống có mặc chung thì kiêng không được bỏ vào áo quan.
Đồ khâm niệm: nhà giàu dùng vóc nhiễu, tơ, lụa; nhà thường dùng vải trắng may làm đại liệm (1 mảnh dọc, 5 mảnh ngang) hoặc tiểu liệm (1 mảnh dọc 3 mảnh ngang). Ngày trước, quy định đại liệm hay tiểu liệm vì khổ vải nhỏ. Ngày nay, dùng vải khổ rộng, miễn kín chân, tay, đầu, gót là được.
"Tục ta nhiều người tin theo thầy phù thuỷ, trong quan tài thường có mảnh ván đục sao Bắc Đẩu thất tinh. Trước khi nhập quan thường chọn giờ, tránh tuổi rồi dùng bùa nọ bùa kia dán ở trong, ngoài quan tài. Có người cho là chết phải giờ sấu thì bỏ cỗ bài tổ tôm hoặc quyển lịch hoặc tàu lá gồi để trấn át ma quỷ"
 (Trích "Việt Nam phong tục"- Phan Kế Bính - tr.31)
Mọi việc xong thì sơn gắn quan tài cho kỹ càng, đặt chính giữa gian giữa, hoặc nhà còn người tôn hơn thì đặt sang gian cạnh.

3.5. Lễ thiết linh: (Sau khi nhập quan)

Là lễ thiết lập linh vị, đặt bàn thờ tang.
Khi chưa chôn cất thì lấy lễ thờ người sống mà lễ, nên mỗi lần lạy chỉ lạy hai lạy, trong linh vị và khăn vấn dùng chữ "Cố phụ", "Cố mẫu" thay cho "Hiền thảo", "Hiền tỷ".

3.6. Lễ thành phục:

Tức là con cháu mặc đồ tang để cúng tế và đáp lễ khi khách đến viếng. Trước khi thành phục, nếu có khách đến thì người chủ tang chưa ra tiếp mà người hộ tang thay mặt tiếp khách và thông cảm với khách.
Sau lễ thành phục mới chính thức phát tang. Sau đó thân bằng cố hữu, làng xã mới đến phúng viếng.

4. Chuẩn bị tang lễ :
4.1. Tang chủ và phụ tang chủ :
Tang chủ thường là con trai trưởng, nếu con trưởng đã chết thì lấy cháu đích tôn, hoặc người đàn ông chính thức thừa kế gia tài người chết, cha còn mà mẹ chết, tang chủ là người cha. Phụ tang chủ là vợ người chết hoặc vợ tang chủ, nếu vợ người chết không còn.
Tang chủ làm chủ nghi lễ trong lễ tang, phụ tang chủ giúp công việc chi phí.
4.2. Tướng lễ, hộ tang, tư thư, tư hóa :
Tướng lễ là người chỉ huy, sắp đặt và quyết định mọi nghi lễ. Có thể coi là trưởng ban tổ chức tang lễ. Vì vậy tướng lễ là người có uy tín, thạo công việc nghi lễ.
Hộ tang phụ tá cho tướng lễ như lo công việc tiếp tân. Giống như phó ban tổ chức nghi lễ. Hộ tang được lựa chọn trong số nhân thân của người chết, đứng đắn,có tuổi, lịch thiệp, hiểu biết nghi lễ.
Tư thư, người lo công việc cáo phó, ghi chép đồ phúng của quan khách.
Tư hóa, người ghi chép việc chi tiêu trong đám tang.
4.3. Cáo phó :
Trước khi đưa tang, người tư thư phải lo đầy đủ công việc cáo phó. Xưa kia chưa có các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, phát thanh truyền hình, nên cáo phó sau khi viết tay được chuyển đến cho các gia đình thân nhân người chết. Đối với những tôn trưởng, hoặc những người ở xa, phải gửi cáo phó riêng và cho người mang đến tận nơi.
Cáo phó phải ghi rõ sự việc : Tên tuổi người qua đơì, ngày giờ chết. Tang lễ cử hành vào thời gian, địa điểm nào. Có khi còn ghi cả địa điểm an táng.
Ngày xưa việc xưng danh của thân nhân người chết, tục cũng được quy định rõ : Nếu cha mất con xưng là cô tử, mẹ chết thì xưng ni tử nếu cả cha lẫn mẹ đều chết thì xưng là cô ai tử !
4.4. Áo quan :
Chuẩn bị áo quan gọi là trị quan. Áo quan còn gọi quan tài, có nơi gọi là cỗ thọ đường, cỗ hậu sự, hay săng , hòm.
Xưa kia áo quan là hình hộp chữ nhật, vuông thành sắc cạnh, ván càng dày càng tốt, đối với gia đình khá giả, áo quan thường dùng loại gỗ tốt, có thể chịu lâu không bị mục dưới đất. Chiều dai thì "giường bốn thước hai, quan tài bốn thước bảy" (theo thước ta). Như vậy chiều dài áo quan vừa đủ người nằm, còn chiều ngang hẹp sát vai người chết nằm, với dụng ý không cho thi hài người chết trương to, chảy nước bốc mùi ra. Trường hợp người chết có đôi vai rộng quá khổ, thì ngay sau khi chết phải buộc gọn lại.Quan tài thường được sơn gắn rất kỹ, dưới lót bỏng, giấy bản, trà búp khô, để nước có chảy ra được thấm khô. Người ta gắn nắp quan tài bằng sơn sống, nhào với đất sét khô tán nhỏ, với bột nếp quấy nhựa xoan, rất kín, chắc, để năm bảy ngày, thậm chí có gia đình quàn trong đống cát, vào vườn vài ba tháng mới đem mai táng nước vẫn không thấm ra ngoài.
Loại gỗ tốt thường dùng làm quan tài là vàng tâm, giổi là hai thứ gỗ thích hợp với sơn, vì hai loại gỗ này bền lại có chất dầu giữ cho sơn bền lâu không tróc, bong sơn - Quan tài thường sơn son, hai đầu có chữ thọ và nẹp viền được thếp vàng, thếp bạc.
Ngày nay quan tài phần lớn làm theo kiểu có tiết diện ngang hình lục giác không đều nhau. Trên nắp về phần mặt có 1 khung hở lồng tấm kính để người viếng có thể nhìn thấy mặt người chết lần cuối cùng trước khi người đó vĩnh biệt cõi trần.
4.5. Các phụ gia :
Các thứ phụ gia là các thứ dùng để chèn hòm. Ngày xưa những thứ này có bán sẵn, đó là những xấp giấy nhỏ dày khoảng 5 - 10 cm, được khâu bện lại bằng dây gai, cắt thành cục to cục nhỏ, dài ngắn khác nhau, tùy theo vị trí chèn.
Vải dùng để liệm thi hài gồm có : Tiểu liệm, đại liệm, tạ quan (vải lót quan tài), thường dùng vải mộc, các nhà giàu có, quan lại dùng nhiễu lụa.



Tài liệu tham khảo: Tổng hợp các kinh nghiệm, trình tự chuẩn bị cho tang lễ truyền thống của người Việt Nam và một số câu hỏi thường gặp. file dạng PDF gồm 41 trang. 

Kinh nghiệm chuẩn bị Tang lễ:    http://www.box.net/shared/aln6sm9xrcjm1dem5ipb

No comments: