Jul 12, 2011

Quả quất - cách chế biến (3 bài)

Bài 1. Phòng bệnh mùa đông xuân bằng quả quất



Quả quất (miền Nam gọi là quả tắc) có tác dụng kiện tỳ, thông phổi, trừ đờm, trị ho cảm, giải uất, giải rượu, có thể chế biến thành nước giải khát.

Bạn có thể hấp cánh thủy quất với mật o­ng, ngâm quất với đường,hay với muối để giải rượu, chữa cảm, chống ho và viêm họng.

Quả quất (miền Nam gọi là quả tắc) có tác dụng kiện tỳ, thông phổi, trừ đờm, trị ho cảm, giải uất, giải rượu, có thể chế biến thành nước giải khát. Nó chứa nhiều vitamin A, C, B1, B11, và canxi, phốt pho, kali, kẽm…

Một số nghiên cứu của Nhật Bản cho biết, quả quất có tác dụng làm giảm cholesterol, bền thành mạch, có lợi cho người cao huyết áp. Các nhà khoa học tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho hay, trong quả quất có nhiều chất chống ôxy hóa chứa proanthocyanidins, giúp ngăn ngừa vi khuẩn, giảm nhiễm trùng đường tiết niệu, có lợi cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt.

Theo kinh nghiệm dân gian, có thể dùng loại quả này để điều trị các chứng bệnh thông thường như viêm họng, ho, tắc tiếng, cảm. Có thể dùng nó chế biến nước giải khát như nước quất đường, nước quất ép, hoặc chỉ ngậm quất với muối, hay dùng vỏ quất sao với gừng sắc uống…

Một số cách sử dụng quả quất:

- Quả quất 10 gr, cho vào chén với đường phèn hoặc mật o­ng, chưng cách thủy, hoặc cho vào nồi cơm chưng khoảng 20 phút, để nguội, cho trẻ uống ngày 3 lần để chữa ho, cảm.

- Quả quất rửa sạch, xăm lỗ, ngâm với đường theo tỷ lệ 1 kg quất 2 kg đường, sau một tuần dùng được. Mỗi lần lấy một thìa canh pha với một ly nước ấm. Trong những ngày lễ tết, trẻ nhỏ thường ham chơi, nô đùa la hét nhiều, thức khuya, hay ra đường chơi hít phải khói bụi... nên dễ bị cảm lạnh gây khàn tiếng, tắt tiếng, đau họng. Lúc này, nên cho trẻ dùng một ly nước quất để phòng ngừa viêm họng, ho.

Theo Đất Việt

Bài 2. Quất - cây cảnh ngày Tết, thuốc quý cho cả năm



Cây quất còn gọi kim quất hoặc quất vàng. Theo Đông y, quả quất vị ngọt chua, tính ấm, vào các kinh phế, vị, can. Có công năng hóa đàm, trị ho, lý khí, giải uất, tiêu thực, giải rượu. Vỏ tác dụng mạnh hơn. Quất để càng lâu càng tốt.

Tết đến, nhiều nhà dùng cây quất để trang trí. Cây quất Tết ngày càng có nhiều kiểu dáng cầu kỳ nhưng vẫn phải bảo đảm sự xum xuê, lá xanh tốt, quả vàng chi chít thể hiện sự trù phú, hứa hẹn năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống.

Chơi Tết xong, cây quất cần có cách giải quyết hợp tình hợp lý thể hiện sâu sắc văn hóa quất của người phương Đông. Nếu có vườn thì để nguyên cây quất trong chậu hoặc cho xuống đất (sẽ phát triển tốt hơn), để cây tiếp tục ra hoa thơm, kết trái đẹp vào các năm sau. Hoàn cảnh chật hẹp ta mới đành lòng bỏ nó đi.

Nhưng trước đó phải hái hết quả để làm thức uống giàu dinh dưỡng, có tác dụng phòng chữa bệnh cho gia đình và cộng đồng. Riêng đối với một số bệnh thông thường của trẻ em và người già thì cây quất rất được trọng dụng vì nó vừa là thức ăn, vừa làm thuốc chữa ho tiêu đờm. Vậy mỗi nhà nên trồng cây quất và có bình ngâm quất để dùng dần trong năm (cả cái và nước) mỗi khi cần thiết.

Cây quất còn gọi kim quất hoặc quất vàng. Theo Đông y, quả quất vị ngọt chua, tính ấm, vào các kinh phế, vị, can. Có công năng hóa đàm, trị ho, lý khí, giải uất, tiêu thực, giải rượu. Vỏ tác dụng mạnh hơn. Quất để càng lâu càng tốt.

Về thành phần hóa học của các quả quất, quýt, cam nói chung gần giống nhau về vitamin C, tinh dầu, chất đường, chất xơ pectin, một số muối khoáng có tác dụng dinh dưỡng và phòng chữa bệnh.

Quả quất chín được dùng thay chanh, lá quất được dùng khi không có lá chanh. Chúng đều có tác dụng chữa bệnh hô hấp và tiêu hóa.

- Giải khát mùa hè: Nước quất ngâm đường hoặc muối pha loãng, có đá hoặc không.

- Chữa ho: Quả quất chín 10g, hoa hồng bạch 10g, hạt chanh 10g, rửa sạch cho vào bát cùng với một ít mật ong hay đường phèn đem hấp cơm 20 phút, lấy ra nghiền nát chắt lấy nước để uống.

- Chữa ho gà: Quất 10 quả, gừng tươi 6g, thiên trúc hoàng 6g. Sắc lấy nước uống ngày một lần.

- Ho do phế nhiệt: Dùng quả quất với củ cải ép lấy nước uống.

- An thần giảm ho: Quất hai quả (bỏ vỏ, hạt, vách múi), bột ngó sen một ít, đường 100g, một ít hoa quế, nấu chè ăn.

- Đau chướng bụng: Quất tươi chín ăn liền khoảng 5-10 quả lúc đói.

- Nghẹn hoặc thỉnh thoảng bị nghẹn: Vỏ quất 20g sấy khô tán bột, sắc lấy nước uống.

- Nôn mửa: Vỏ quất sao 9g, gừng tươi nướng, sắc uống.

- Cảm mạo: Lá quất 30g, sắc với 3 bát nước còn một bát, hòa với ít đường cho dễ uống, uống nóng.

Ngoài ra, trong vỏ của quất, quýt, cam có chất tinh dầu có khả năng ngăn ngừa phát sinh ung thư gan, thực quản, đại tràng, da... Các nhà khoa học Nhật cho biết, ăn quất cả vỏ sẽ cho vitamin C, chất xơ rất có lợi cho tiêu hóa và hạ được cholesterol, làm vững chắc thành mạch, chữa bệnh tăng huyết áp.

Theo Sức khỏe & đời sống

Bài 3. Làm quất ngâm đường ăn Tết



Với cách làm quất ngâm này bạn vừa có món mứt quất thơm ngon lại có nước uống tốt cho sức khỏe, màu vàng óng ánh của quất còn mang lại vận may cho năm mới sắp đến nữa

Nguyên liệu:

Quả quất 400g

Đường kính 80g

Đường phèn 80g

Muối 1 nhúm

Nước

Cách làm:

Quất rửa sạch, ngâm vào chậu nước có pha muối. Ngâm trong 15 phút

Sau đó vớt quất ra rổ để thật khô nước.

Dùng mũi dao sắc nhọn khía nhiều đường trên từng quả quất, khía dọc từ cuống quả thành 6 – 8 múi tùy kích cỡ quả quất.

Sau khi khía thì dùng ngón tay hơi ấn cho quả quất dẹt xuống.

Khi đã cắt tất cả các quả quất thì dùng tăm nhọn khêu hạt bên trong ra. Bạn có thể bỏ qua bước này nhưng vì thông thường quất rất nhiều hạt nên tốt nhất là loại bỏ chúng đi để thành phẩm được ngon hơn.

Loại bỏ hết hạt xong, bạn xếp các quả quất vào một cái lọ sạch, cứ một lớp quất lại rắc một lớp đường trắng. Lần lượt như vậy đến khi hết quất và đầy lọ.

Sau đó đậy nắp kín, để trong 3 ngày. Trong thời gian này đường sẽ tan ra, ngấm vào quất và tiết ra nước.

Đặt một cái nồi lên bếp, cho 1 chén nước vào, lấy một phần quất và nước cốt trong lọ ngâm ra đổ vào nồi đun. Thêm đường phèn. Đun sôi rồi nhỏ lửa xuống âm ỉ.

Đun sôi như vậy trong 15 phút đến khi nước trong nồi hơi sánh lại, các quả quất trở nên trong suốt hơn là được.

Quả quất sau khi đun, vớt ra sẽ dẻo, ngọt và trở thành món mứt quất, có thể làm món ăn tráng miệng, nhâm nhi trong lúc uống trà cũng khá hợp.

Phần nước đun quất giàu vitamin C pha thành nước uống rất thơm ngon. Mùa lạnh có thể pha với nước sôi, uống nóng vừa làm ấm cơ thể, ngăn ngừa cảm lạnh, thơm miệng lại trị ho, viêm họng rất tốt.

Vào ngày nắng nóng thì một ly nước quất thêm đá man mát sẽ giúp bạn nhanh chóng xua tan mệt mỏi.

Quất làm xong có thể để ăn trong 1 tuần, nên để tủ lạnh bảo quản tốt hơn

Xem them :

Hai bài thuốc trị ho đơn giản

No comments: