Bisphosphonate là thuốc làm giảm loãng xương, gia tăng sức khoẻ cho hệ xương nhưng lại gây ra gãy xương. Trong các tác dụng phụ do thuốc bisphosphonate gây ra thì gãy xương đùi là tác hại đáng ngại nhất. Ðây cũng là một tác dụng phụ mới được thông báo gần đây…
Bisphosphonate chống loãng xương như thế nào?
Bisphosphonate là thuốc chống loãng xương. Đây là một thuốc khá công hiệu và được dùng rộng rãi trong lâm sàng để khống chế căn bệnh của hầu như mọi phụ nữ sau mãn kinh và những người không đủ canxi trong khẩu phần ăn.
Trong xương có hai loại tế bào chính: tạo cốt bào (tế bào tạo ra xương) và hủy cốt bào (tế bào tiêu xương). Có nhiều yếu tố gây ra loãng xương nhưng một trong những yếu tố đó là sự hoạt động quá mạnh của tế bào tiêu xương và giảm chức năng tế bào tạo xương. Bisphosphonate là thuốc khắc phục được nhược điểm này bằng cách gắn chặt với canxi trên bề mặt xương (“thức ăn” của tế bào huỷ xương), nên ức chế sự phát triển của tế bào hủy xương, làm giảm hoạt động chức năng và đồng thời làm tế bào này nhanh chóng đi vào con đường “chết theo chu trình sinh học”. Một cách gián tiếp, nó lại kích thích tế bào tạo xương và do đó, loãng xương được cải thiện.
Do có sự điều chỉnh nhỏ trong nhóm chức hoá học nên bisphosphonate có nhiều loại như alendronate, clodronate, etidronate, pamidronate, risedronate, tiludronate và zoledronate… Những thuốc này đặc biệt được chỉ định ở những phụ nữ mãn kinh. Chỉ có điều, ở liều cao, các thuốc này lại gắn chặt với tinh thể Ca3PO4 (canxi phosphat), đây là trở ngại sẽ gây ra những tác hại không mong muốn của thuốc.
* Gãy xương đùi là biến chứng đáng lưu ý khi sử dụng bisphosphonate.
Tốt nhiều nhưng hại cũng nhiều
Nằm trong danh mục là một thuốc hỗ trợ tốt trong chứng bệnh loãng xương và các bệnh tương tự, nhưng thuốc cũng gây ra nhiều tác dụng phụ không tốt, thậm chí nhiều bệnh nhân phải từ chối điều trị tiếp. Các tác dụng phụ thường gặp là sốt, đau đầu, giảm canxi huyết, giảm phốt pho huyết, giảm magiê huyết.
Trên hệ tiêu hóa, thuốc đã được ghi nhận là gây ra những tổn thương ở thực quản với nhiều dạng tổn thương khác nhau với nhiều cấp độ. Nhẹ thì người bệnh bị viêm thực quản, nặng thì bị loét thực quản. Đây là những bệnh lý tiền đề gây ra ung thư hóa hay thủng thực quản. Với các tác hại này, người bệnh thấy bỏng rát ở sau xương ức, đau tức ngực, hay ợ hơi, buồn nôn, rối loạn tiêu hoá thất thường. Tác dụng phụ này đã được thông báo là gặp ở clodronate nhiều nhất, khi dùng với liều 800mg/ngày.
Trên xương khớp, nhóm thuốc này gây ra đau xương khớp với tỷ lệ cao, 75% những người dùng thuốc có triệu chứng. Hiện tượng đau khởi phát ngay sau 12 giờ dùng thuốc và có thể kéo dài nhiều ngày sau đó. Đau thường ở trong xương cột sống đầu tiên, sau đó đến đau xương sườn và rồi đến xương chân tay. Mức độ đau nghiêm trọng đến nỗi người bệnh không thể đi lại được và phải nằm ở trên giường. Trong trường hợp này, các thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc paracetamol không hoặc ít có tác dụng điều trị hoặc giảm đau.
Song trong các tác dụng phụ đáng để nói thì tác dụng phụ gây ra gãy xương đùi là tác dụng đáng chú ý nhất và lại là nghịch lý nhất. Nghịch lý là vì đây là thuốc làm giảm loãng xương, tức là gia tăng sức khoẻ cho hệ xương, vậy mà lại gây ra gãy xương. Thực ra, xét về mặt bản chất thì điều này đã được các nhà nghiên cứu cảnh báo trước khi dùng thuốc liều cao hoặc kéo dài. Vì khi đó thuốc lại gắn kết với canxi trong máu làm giảm sự canxi hóa trong xương, xương không thể chắc được.
Kiểm định điều này, một nhóm các nhà khoa học tại Canada đã theo dõi 716 phụ nữ bị gãy xương đùi tuổi trên 68, ở Ontario. Các nhà khoa học thấy rằng đồng loạt những bệnh nhân này đều sử dụng bisphosphonates trên 5 năm. So sánh với những bệnh nhân có dùng bisphosphonates nhưng chỉ trong thời gian ngắn và không liên tục, các nhà khoa học thấy nhóm dùng liều cao bisphosphonates có tỷ lệ gãy xương khác biệt. Tuy nhiên, không thể tự nhiên xương gãy hoặc sự gãy xương cũng có nhiều yếu tố khác tham gia như lực chấn thương, ngã chẳng hạn. Nhưng trên cơ sở đánh giá yếu tố nguy cơ tổng hợp, các nhà khoa học kết luận bước đầu, so với những phụ nữ mãn kinh chỉ uống thuốc tối đa 3 tháng liên tục thì nguy cơ gãy xương ở những phụ nữ uống liên tục trên 5 năm cao hơn những 2,74 lần. Tai biến này là tai biến cần chú ý nhất với cả người bệnh và bác sĩ.
Những điều nên làm
Đứng trước những rủi ro có thể xảy ra, nên hạn chế sử dụng thuốc tiêm cho bệnh nhân vì thuốc tiêm có nguy cơ cao các biến chứng về thần kinh như đau đầu, biến chứng về tiêu hoá như loét thực quản, biến chứng trên xương khớp như đau dữ dội trong xương. Để giảm nồng độ thuốc trong cơ thể, nên sử dụng liệu trình ngắn, kết hợp nhắc lại không liên tục. Thời gian tối đa có thể sử dụng chỉ nên dừng lại từ 3-5 tháng. Không nên sử dụng kéo dài hàng năm vì có thể gây ra gãy xương.
Vì nhóm thuốc này có nhiều loại thuốc, vì thế hãy lựa chọn những thuốc an toàn hơn. Ví dụ, etidronate gây giảm tỷ trọng xương nhiều hơn alendronate. Song với những người bị tiền sử viêm loét dạ dày - tá tràng thì nên chọn etidronate vì đây lại là thuốc ít gây tác dụng phụ trên hệ tiêu hoá nhất.
BS. Nguyễn Phúc Anh
No comments:
Post a Comment