Dec 29, 2011

Chè kê - cháo kê (6 bài)

Bài 1. Cháo kê


Thông tin dinh dưỡng:

Kê ( Millet) là thực phẩm bổ dưỡng tốt nhất cho cơ thể. Kê từ trước đến nay đều được xứng danh là “món đầu đàn của ngũ cốc”. Người có thể chất ốm yếu, bệnh tật thường dùng kê để bồi bổ sức khoẻ.

Kê chứa 15% giá trị protein, một lượng cao chất xơ, vitamin B-phức tạp bao gồm niacin, Thiamin, và riboflavin, các axit amin thiết yếu methionine lecithin,, và một số vitamin E. Kê rất giàu khoáng chất sắt, magie.

Y học Trung Quốc cho rằng, hạt kê có ích cho ngũ tạng, đặc biệt là dạ dày (làm dày đường ruột, dạ dày).

Có một danh sư nổi tiếng thời nhà Thanh đã nói: “Hạt kê là dinh dưỡng tốt nhất cho sức khoẻ con người. Khi dùng hạt kê nấu cháo, dầu kê trong cháo có tác dụng tốt hơn cả canh nhân sâm”.

Đó là một số thông tin về hạt kê được tổng hợp từ nhiềuu nguồn trên Internet. Một thực phẩm rẻ, bổ, sẵn có, các bạn có thể bổ sung vào thực đơn ăn chay của mình.

Món cháo kê

Nguyên liệu (2 khẩu phần)
100 gram gạo, rửa sạch và để ráo
50 gram hạt kê, rửa sạch và để ráo
1,2 lít nước
Muối và tiêu, để nêm
Dầu mè (tùy thích), để nêm
Ngò (rau mùi)

Thực hiện

Cho gạo, hạt kê và nước vào trong một nồi tay cầm hoặc nồi thường. Để yên khoảng 1 giờ hoặc lâu hơn, nếu thích.
Nấu cháo sôi lên 15 phút. Vặn tắt lửa, đậy nắp và để yên khoảng 30 phút hoặc lâu hơn.
Nấu sôi cháo trở lại khoảng 10 phút trước khi dùng. Nêm với muối, tiêu và dầu mè.
Múc cháo vào từng tô, trình bày với ngò và dùng nóng.

Cháo/súp kê nấu với bí đỏ

Các bạn có thể dùng kê và bí đỏ nấu cháo/ súp. Kê nấu với bí đỏ - một món ăn làm vừa nhanh vừa bổ và ngon lành, tốt cho người bệnh tiểu đường. Có thể đãi kê sạch và rang lên để dành nấu bất cứ khi nào cần.

Bỏ hai thứ: bí đỏ, kê lẫn với nhau, nấu sôi độ 15 - 20 phút là có món xúp ngon lành, chỉ bỏ thêm duy nhất là muối.
Muốn có vị ngon ngọt hơn thì bỏ thêm vài lát hành tây!

Nguồn: http://hieuvathuong.net/showthread.php?463-Ch%C3%A1o-k%C3%AA

Bài 2. Giá trị dinh dưỡng của kê



Theo tây y thì kê là một cốc loại rất bổ dưỡng mà ăn vào lại không làm phì nộn con người. Chỉ một mình nó có thể cung cấp đầy đủ tất cả vitamin cần thiết cho con người, nhiều nhất là vitamin B1, B2, A,E, Protein, nó tốt không kém thịt cá. Các khoáng chất như vôi, phốt pho, mangan, sắt, đồng,… có rất nhiều so với các thức ăn khác. Nó còn chứa chất lecithine và choline tự do là thứ rất quí để bồi bổ óc não cho những người làm việc lao tâm, dùng nhiều về tinh thần, lý trí. Chất Choline trong kê còn có đặc tính ngăn ngừa cả bệnh cứng động mạch và điều tiết lại quân bình âm dương của thần kinh dinh dưỡng. Kê lại còn chứa axit glutamic là một chất làm tăng thêm trí nhớ cho con người.
Kê là một cốc loại dễ trồng mà giá trị dinh dưỡng lại rất cao. Phân chất, kê gồm có: 73% chất bột, 11,0 % chất đạm, 2% chất béo, 11% chất nước và rất nhiều sinh chất, khoáng chất cùng các vitamin bổ dưỡng cần thiết cho cơ thể con người.

Theo đông y, kê bổ trung ích khí, trừ được những chứng phiền khát. Cháo kê thông được tiểu tiện, chữa được chứng phiền khát vì dạ dày nóng quá.

Theo sự nghiên cứu của người Đức thì kê chữa được cả các bệnh đau ngực, bệnh đi tả và bệnh sốt.

Ở Trung hoa người ta rang hột kê để nấu nước làm thuốc giải nhiệt và trị bệnh kiết lỵ. Người ta cũng ủ men nấu thành rượu và dùng bột để làm bánh.

Cháo kê thường được dùng để nuôi các bệnh nhân đau yếu dạ dày. Hạt kê rang xay thành bột dùng làm bánh cho trẻ con trừ ghẻ, chốc, rôm, xảy…Trẻ con lưỡi sưng to nhai kê mớm cho nó ăn thì khỏi. Chảy máu cam (mũi) mãi không hết dùng bột kê nấu cháo ăn lành bệnh..

Theo giáo sư Ohsawa thì kê là một cốc loại rất dương có thể dùng hàng ngày dưới mọi hình thức: cà phê, bánh, cháo hoặc thay thế cơm rất tốt.

Không người Việt Nam nào không biết tới món bánh đa kê, có lẽ đây có thể gọi là món ăn cổ truyền đặc thù của người Việt cổ, và nó cũng là món ăn độc đáo và hấp dẫn từ người thường dân tới những người sang trọng khó tính cầu kỳ...

Bánh đa kê làm mát ruột gan và bồi bổ sức khoẻ nếu nó được làm từ bánh đa làm từ gạo lứt và khi nấu kê họ nấu nguyên toàn bộ 100 % kê, nhưng ngày nay kê đã được pha trộn nhiều thứ bột để cho thu nhiều lợi nhuận... và khi phết bánh đa kê họ còn rắc đường trắng "cho dễ ăn" mà không biết rằng ăn như thế làm giảm tính chất dưỡng sinh của bánh đa kê đi rất nhiều.

Ngày nay chúng ta chỉ còn được ăn loại bánh đa kê thứ thiệt tại vùng chùa Hương... ở đó họ không bỏ đường và bánh đa thì làm từ gạo. Tại Hà Nội chỉ còn lại "bóng dáng" của loại bánh đa kê thứ thiệt, rất dưỡng sinh đó mà thôi; bánh đa họ nướng loại bánh đa từ bột sắn...

Bài 3. Cháo kê thịt gà



Vật liệu:

- 200gr kê
- 1 con gà
- 1 củ hành tây
- hành lá, ngò lá, rau răm
- muối, bột niêm (tùy ý), tiêu

Phân lượng để nấu một nồi cháo cho 4 khẩu phần.

Cách làm:

1. 200gr kê, vo sạch, ngâm nước qua một giờ, trước khi nấu đổ ra rổ rá cho ráo.

2. 1 con gà sau khi làm sạch còn khoảng 1,3kg. Chặt gà làm bốn cho dễ nấu, luộc chín gà với khoảng hai lít nước + 100gr hành tây lột vỏ, chẻ bốn + 1 muỗng cà phê muối. Gà chín vớt ra để nguội, lóc lấy nạc và da gà, xé nạc gà tơi ra thành dạng sợi vừa, da gà tùy thích cắt sợi hay miếng nhỏ, để riêng. Cho xương vào lại nồi nước luộc, thêm khoảng một lít nước sôi, hầm nhỏ lửalấy khoảng 2, 5 lít nước dùng gà. Lược bỏ xương, xác hành qua một cái rây rồi lược lại nước luộc gà một lần nữa qua một túi vải thưa cho có nước trong đẹp nếu thích. (Tùy ý luộc gà bằng nước dừa tươi ngọt. Nếu có mỡ gà, để riêng, thắng lấy chút mỡ gà (tùy ý)). Lòng gà làm sạch, gan mề xắt mỏng, ruột non xắt khúc, ướp vào góc muỗng cà phê muối, ½ muỗng nhỏ tiêu. Xào chín lòng với chút dầu ăn hoặc mỡ gà.

3. Ít hành lá, ngò lá, lá rau răm cắt nhuyễn. Gia vị.

4. Cho kê vào nồi nước dùng gà, nấu như cách nấu chè nhưng cháo kê luôn nấu loãng chứ không sệt đặc như chè, khi nấu luôn nhớ canh nhỏ lửa và cách năm bảy phút lại khuấy đều tay mươi lăm giây, độ loãng của cháo thông thường là thấy kê nở và nổi bằng mặt nước là được, nếu cần thì châm thêm ít nước sôi. Tùy khẩu vị riêng nêm lại cháo với chút muối hay bột nêm nếu thích.

5. Trình bày món ăn: Cho lòng xào, nạc gà xé miếng, da gà cắt nhỏ ít nhiều vào cháo, khuấy đều. Hoặc dọn cháo riêng, nạc da riêng... để tùy thực khách sử dụng ít nhiều khi ăn. Khi múc cháo ra tô, rắc thêm hành ngò xắt nhỏ. Dọn kèm tiêu muối hoặc nước mắm nguyên chất, chanh ớt.

Cháo kê nên ăn khi còn nóng ấm vì cháo nguội thường đặc quánh lại. Nên dự trù trong trường hợp dùng món cháo kê cho tiệc tự phục vụ thì nên nấu loãng. Trong một thực đơn nặng nề mỡ thịt nếu có món cháo kê thịt gà xé nhỏ sau cùng thường được thực khách tán thưởng.

Theo Nội Trợ

Bài 4. Chè Kê 1



Nguyên liệu:
- 200gr kê
- 100gr đậu xanh
- 250gr đường
- Bánh đa nướng

Cách làm:

Đậu xanh ngâm trước 10 phút, nấu mềm, tán nhuyễn. Kê đãi sạch, cho một lượng nước vừa phải vào nấu đến khi kê nở, thấy khuấy nặng tay là được. Cho đậu xanh vào trộn chung với kê. Thêm đường vào nấu đến khi sôi đều và nổi hạt kê là được. Ăn kèm với bánh đa nướng.

Bài 5. Chè Kê 2



Nguyên liệu:

- 100gr kê
- 250gr đường
- Bánh đa

Cách làm:

1. 100gr kê vo sạch, cho vào nồi cỡ vừa, đổ vào khoảng một lít nước ngâm kê chừng một giờ. (chọn cỡ nồi sao cho mực nước cao hơn kê khoảng 4 -5 phân,tương đương ba lóng tay người lớn).

2. Cho nồi kê lên bếp mở lửa, canh chừng vừa chớm sôi thì hạ lửa tối đa chỉ để cho nước sôi váng hơi lăn tăn rất nhẹ, dùng đũa gỗ hoặc vá muỗng kim loại khuấy nhẹ trong mươi giây (đừng dùng dụng cụ muỗng đũa bằng nhựa mélanin để khuấy, món ăn sẽ bị dây mùi nhựa). Để sôi nhẹ qua năm ba phút rồi lại khuấy tiếp mươi lăm giây nữa, cứ như vậy cho đến khi xong. Thăm chừng thấy hột kê nở ra và mềm, thử bằng cách múc vài hột, thổi nguội rồi cho vào giữa hai đầu ngón tay vo nhẹ thấy nát mịn là được. Cho vào khoảng 250gr đường hoặc tùy thích gia giảm đôi chút, khuấy đều tay cho đến khi thấy tan đường hoàn toàn. Thăm chừng cho kê cạn nước dần và đặc lại từ từ, tùy thích để chè đặc ít nhiều nhưng thông thường là thử độ đặc của chè bằng cách dùng cái muỗng nhỏ múc ít chè rồi đổ ra lại thấy chè quánh hẳn và nhểu chậm ra như hồ đặc là được.

3. Tùy thích dùng ít vani, nước hoa bưởi... cho vào nồi kê để tạo mùi nhưng nếu có kê mới thì không ai dùng hương liệu cho vào chè cả vì kê mới, nấu chè rất thơm.

4. Thực phẩm phụ ăn kèm chè kê:- Bánh tráng mè nướng dòn.- Đậu xanh tán: Dùng chừng 200gr đậu xanh cà đã đãi vỏ, vo sạch, nấu chín như nấu cơm cho thật ráo hột, bới ra để nguội dùng máy xay cắt có dao hình chữ S làm cho mịn nhuyễn rồi tải mỏng ra để cho ráo ở dạng hơi khô để có thể rắc được. Bếp VN hay làm đậu tán theo cách cổ truyền là sau khi đậu chín, cho vào cối giã cho mịn nhuyễn rồi dùng tay vo thành viên tròn thật chắc, để nguội và khô, cần dùng bao nhiêu thì lấy dao mỏng bén cắt gọt vào viên đậu để lấy đậu tơi nhuyễn ra bấy nhiêu.- Cơm dừa khô nạo sợi mỏng trụng qua nước sôi để ráo.

5. Trình bày món ăn: Đa số người vùng Bình Trị Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) hay múc chè kê ra chén nhưng khi ăn lại dùng bánh tráng mè nướng bẻ nhỏ và cầm miếng bánh tráng xúc chè thay cho cái muỗng. Trong khi nhiều người Bắc lại thích nấu chè kê thật đặc, khi ăn, bẻ bánh tráng nướng ra thành miếng nhỏ, phết chè lên, rắc thêm ít đậu xanh tán hay cơm dừa nạo rồi đặt một miếng bánh tráng khác lên kẹp lại. Đây là cách ăn mà trẻ em rất thích.

Note: Phân lượng sử dụng chỉ tượng trưng cho lượng kê và nước trung bình, tùy ý nấu ít nhiều để gia giảm. Dù nấu ít nhiều cũng đừng dùng nồi qua lớn; nếu nấu nhiều, nồi rộng, khó khuấy cho đều tay, kê dễ bị sít nồi. Luôn canh nhỏ lửa khi nấu kê và nói chung, nấu kê như kho cá - không gấp được mà phải chậm, lâu.

Theo Nội Trợ

Bài 6. Cháo kê hầm ức gà



Nguyên liệu:

200g ức gà
50g hạt kê
Vài cọng hành ngò
2 bát cháo trắng
1 thìa cà phê hạt nêm
1/2 thìa cà phê dầu gấc

Thực hiện:

Ức gà rửa sạch, để nguyên miếng
Hạt kê vo sạch, để ráo. Hành ngò thái nhỏ
Đun sôi cháo trắng, cho ức gà vào nấu khoảng 15 phút. Vớt gà ra tô, xé nạc. Cho hạt kê và thịt gà vừa xé vào nồi cháo, nêm hạt nêm vừa ăn, đun tiếp khoảng 10 phút là được
Tắt bếp, cho dầu gấc vào, khuấy đều. Múc cháo ra tô, rắc thêm hành ngò lên trên.

Theo Monngonvietnam

No comments: