Apr 9, 2011

Tính tốt của tỏi và 1 số bài thuốc về cây tỏi

TT - Nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh vai trò và tính hiệu quả của tỏi trong việc làm giảm hàm lượng cholesterol trong máu. Họ cho rằng tỏi là tác nhân làm giảm hàm lượng chất béo trong cơ thể và đóng vai trò quan trọng trong tiến trình xử lý các trường hợp cholesterol cao.

Thông thường hàm lượng cholesterol giảm khoảng 12% và mức độ giảm này thường hiệu quả sau bốn tuần xử lý. Ngoài ra các nghiên cứu được tiến hành trên 261 bệnh nhân ở Đức được cho sử dụng dạng viên bột tỏi. Kết quả sau 12 tuần xử lý, mức độ cholesterol trong huyết thanh giảm 12% và triglycerides giảm 17%.


Những nghiên cứu mới về việc sử dụng tỏi cho nhóm phụ nữ mang thai cho thấy có thể giảm được chứng tiền sản giật. Các nghiên cứu đã thể hiện vai trò của tỏi trong việc kích thích sự tăng trọng lượng của thai nhi (theo Sooranna, Hirani, Das ở London, Anh). Họ kết luận mặc dù chứng tiền sản giật và sự chậm tăng trưởng bào thai thường do các điều kiện ảnh hưởng phức tạp, tuy nhiên khi sử dụng viên tỏi theo tiêu chuẩn trong quá trình mang thai có thể làm giảm nguy cơ của các biến chứng trong thời kỳ mang thai.

Các thí nghiệm còn cho thấy bổ sung tỏi dạng trích ly trong lúc phụ nữ mang thai có khả năng kích thích sự tăng trưởng của bào thai và còn cho thấy sự bất bình thường trong thời kỳ thai nghén có thể giảm một cách đáng kể.

Các thông tin gần đây đã khẳng định lần nữa ảnh hưởng tốt của tỏi trong hóa học trị liệu và cho biết allicin trong chất mùi của tỏi (hợp chất chứa sulfur) là thành phần có hoạt tính sinh học chủ yếu. Allicin được tạo ra khi chất alliin tiếp xúc với enzyme allinase khi tỏi được nhai, bằm nhỏ hay được nghiền nát và là thành phần tạo mùi đặc trưng của tỏi. Allicin còn được xem là chất kháng sinh tự nhiên.

Tỏi còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, có khả năng trung hòa các gốc tự do là những chất làm tổn hại đến các tế bào. Do đó tỏi có vai trò ngăn cản sự hình thành và phát triển khối u ác tính, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, làm chậm quá trình lão hóa và các tiến trình khác...

Một vài nghiên cứu đã giải thích tác động chống nhiễm trùng của allicin. Nghiên cứu này lần nữa khẳng định vai trò xuất sắc của tỏi là một loại dược phẩm chống các loại vi sinh vật gây nhiễm trùng. Nghiên cứu khác (của Biochimica Biophysica Acta) đã giúp làm sáng tỏ vai trò của allicin trong phòng chống bệnh tim mạch và các rối loạn khác. Hơn nữa, vai trò của allicin trong việc chống nhiễm trùng đặc biệt có giá trị đối với các loại vi khuẩn có khả năng kháng lại chất kháng sinh.

TS. NGUYỄN MINH THỦY (ĐH Cần Thơ)
Theo tuổi trẻ

Chữa bệnh bằng củ tỏi



Sau đây là một số bài thuốc dễ áp dụng từ tỏi:

Nếu bị chảy máu cam, chỉ cần lấy 1-2 tép tỏi đập giập, bỏ vào lòng bàn tay thì máu sẽ cầm ngay. Nếu chảy máu lỗ mũi bên trái thì bỏ tỏi vào lòng bàn tay phải và ngược lại, còn nếu chảy máu cả 2 mũi thì làm cả hai bàn tay.

Trên đây là một trong những cách chữa bệnh bằng củ tỏi, một vị thuốc đã được cả y học cổ truyền và y học hiện đại khẳng định về công dụng thần kỳ trong chữa bệnh. Theo Đông y, tỏi có tác dụng sát trùng, giải độc, chữa huyết lỵ, tẩy uế, thông khiếu, tiêu nhọt, hạch ở phổi, tiêu đờm, đầy chướng, đại tiểu tiện khó khăn, tả lỵ…

Y học hiện đại cho rằng tỏi có thể làm tăng cường hệ miễn dịch, là kháng sinh đa năng, điều hòa huyết áp và đường huyết, chống sinh huyết khối. Tỏi có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm (đặc biệt là nấm candida), giảm huyết áp, giảm cholesterol máu và lipit máu, đề phòng xơ vữa động mạch.

- Phòng bệnh cúm: 20 g-30 g tỏi, giã nát ngâm vào lọ đựng 200 ml dầu vừng hoặc dầu lạc. Mỗi buổi sáng tẩm bông và hít vào mũi 1-2 lần.

- Chữa lỵ amip, lỵ trực khuẩn: Dùng 4-6 g tỏi sắc uống hoặc ăn trong bữa cơm. Lấy 10 g tỏi giã nát ngâm với 100 ml nước sôi để nguội, khoảng 1-2 giờ sau lọc qua gạc (không cần tiệt trùng) rồi thụt vào hậu môn, giữ lâu 10-15 phút. Mỗi ngày làm 1 lần, liên tục 5-7 ngày sẽ rất có kết quả.

- Chữa ung nhọt, áp xe: Tỏi giã giập, đắp vào 15-20 phút, ngày làm 2 lần. Nếu trộn với dầu vừng đắp thì càng tốt.

- Trị giun kim, giun móc: Thường xuyên ăn tỏi sống, mỗi ngày 1-3 tép tỏi. Dùng nước tỏi 5%-10% thụt vào hậu môn mỗi buổi chiều hoặc tối, làm liên tục 2-3 tối.

- Ổn định huyết áp, giảm cholesterol, đề phòng xơ vữa động mạch: Rượu 45 độ, tỏi giã nhỏ ngâm với tỷ lệ 1/5, mỗi ngày uống 20-50 giọt chia 2-3 lần. Không dùng quá liều (vì huyết áp sẽ tăng).

Lưu ý:

- Phụ nữ có thai, người âm hư nội nhiệt (thể trạng gầy, tiểu vàng, khô, khát, nóng bên trong), đau mắt, mũi, răng, cổ, lưỡi... không nên dùng những bài thuốc trên.

- Tỏi dễ gây bỏng, kích ứng niêm mạc miệng, lưỡi, đường tiêu hóa, phân tán mùi qua hơi thở và mồ hôi. Vì vậy không nên dùng liều cao và lâu dài. Sau khi dùng một thời gian, hãy nghỉ ít lâu mới dùng lại.

- Theo kinh nghiệm nhân dân, loại tỏi trồng tại Việt Nam, củ nhỏ có tác dụng chữa bệnh tốt hơn so với loại tỏi củ to nhập từ Trung Quốc.

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, SGGP
Theo http://www.ykhoanet.com

No comments: