Aug 9, 2011

Kinh nghiệm vắt và bảo quản sữa mẹ


Tại sao phải vắt sữa?

Vắt sữa là cách tối ưu khi bạn không thể cho con bú. Cách này giúp bạn nghỉ ngơi,ăn dặm hoặc khi bạn không ở gần bé nhưng vẫn muốn bé có đủ các chất dinh dưỡng quý giá từ sữa mẹ. Hơn nữa khi bạn vắt sữa, chồng bạn có thể giúp cho bé bú và điều này càng làm tình cảm cha con thêm gắn bó.

Vắt sữa bằng tay

Trước khi vắt sữa, bạn hãy làm mềm bầu vú bằng cách lau khăn ấm, tắm nước ấm và mát-xa hai bầu vú. Sau khi bạn rửa tay sạch sẽ, chuẩn bị một cái chén rộng vành đã được tiệt trùng để hứng sữa, bạn có thể bắt đầu vắt sữa.
• Nâng bầu vú bằng một tay, mát-xa từ trên bầu vú xuống núm vú. Xoa xung quanh vú kể cả phía dưới vú.

• Ấn nhẹ vào vùng quầng vú (vùng da sẫm màu xung quanh núm vú) bằng ngón cái và ngón trỏ.

• Hai ngón tay bóp vào nhau và ấn ngược lại để sữa chảy ra. Bạn hãy cẩn thận vì sữa có thể phun theo nhiều hướng.

Vắt sữa bằng bơm hút

Dùng bơm hút vắt sữa nhanh hơn và dễ hơn là vắt bằng tay. Bạn hãy nhớ là phải làm mềm bầu vú và phải tiệt trùng dụng cụ bơm hút trước khi hút sữa. Tùy vào từng loại bơm bạn dùng, thường mất khoảng 15-45 phút để hút sữa và hoàn toàn không gây đau đớn gì.

Cách bảo quản sữa mẹ


1. Thời gian bảo quản

Sữa mẹ sau khi đã được vắt ra có thể dự trữ ở nhiệt độ mát trong phòng (khoảng 26-28ºC) là 6h; nhiệt độ thấp hơn là 8-10h. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng, việc bảo quản sữa mẹ ở nhiệt độ trong phòng không nên kéo dài quá 4h; trời nóng là dưới 1h;dưới 20ºC không nên quá 2h.
Nguyên nhân là vì sữa mẹ khác nhau từ người mẹ này với người mẹ khác, nhiệt độ phòng cũng khác nhau tùy lúc vắt sữa nên việc xác định thời gian bảo quản cũng phải linh hoạt.

2. Số lượng sữa vắt trong một lần

Với bé dưới 6 tháng tuổi, bạn nên vắt sữa với số lượng nhỏ mỗi lần (khoảng 100-150ml) là đủ cho bé dùng. Với bé lớn hơn (hoặc do mẹ phải đi làm cả ngày), số lượng sữa vắt phụ thuộc vào nhu cầu của bé nhưng cũng không nên lạm dụng (khi đi làm về, mẹ có thể cho con bú).

3
. Bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh

Nếu bạn không có dự định cho bé dùng sữa ngay sau khi vắt thì nên dự trữ sữa mẹ trong tủ lạnh càng sớm càng tốt. Nếu để trong ngăn mát tủ lạnh, sữa mẹ có thể giữ được trong 1-3 ngày.
Dự trữ sữa mẹ trong ngăn đá: Thời gian tối đa có thể lên tới 3 tháng (phụ thuộc vào nhiệt độ trong ngăn đá và tần suất đóng – mở cửa tủ) và 6 tháng nếu ở trong máy ướp lạnh. Không nên bảo quản sữa mẹ ở cánh cửa ngăn đá vì nhiệt độ ở đó thường không chính xác.

Khi muốn đưa sữa lên ngăn đá, bạn nên đặt sữa trong ngăn mát trước rồi chuyển lên ngăn đá. Tương tự, khi muốn rã đông, nên chuyển sữa từ ngăn đá xuống ngăn mát khoảng ½-1 ngày trước khi mang sữa ra bên ngoài. Tuy nhiên, bạn không nên bảo quản sữa mẹ quá lâu mà nên cho bé dùng sớm nhất có thể.
4. Sử dụng bình trữ sữa

Thủy tinh được xem như chất liệu tốt nhất để trữ sữa mẹ bởi vì, các thành phần có trong sữa mẹ được bảo quản tốt nhất trong thủy tinh. Thứ hai là bình nhựa cứng, chất lượng tốt. Nên chọn loại bình dành riêng để trữ sữa.
Nếu muốn sử dụng túi đựng sữa, cha mẹ nên lưu ý:

- Thứ nhất, sữa có khả năng dính vào hai bên mép túi, làm giảm khối lượng sữa.

- Thứ hai, sữa được đựng trong túi thường có nguy cơ bị rò rỉ nhiều hơn. Một số hãng sản xuất ra những chiếc túi đựng sữa chất lượng tốt nhưng giá thành lại khá đắt. Để tiết kiệm, bạn có thể mua 2 loại túi: một loại dùng trữ sữa trong ngăn mát tủ lạnh; loại đắt hơn dùng đựng sữa trong ngăn đá. Điều này sẽ giảm thiểu những vết rách nhỏ xuất hiện trên bề mặt túi.
Sữa bảo quản trong tủ lạnh thường có lớp váng nổi trên bề mặt nhưng bên dưới, sữa nhìn trong như nước. Để sử dụng, bạn nên lắc đều bình sữa, hấp cách thủy rồi chờ sữa ấm là cho bé ăn được. Nếu sữa mẹ được bảo quản ở nhiệt độ trong phòng thì trước khi cho bé bú, bạn có thể ngâm bình sữa vào một bát nước ấm (không cần hấp cách thủy).

Nếu sữa trong bình (túi) có màu trắng đục như đám mây sau khi rã đông thì có khả năng sữa đã bị rò. Không nên cho bé ăn sữa này vì nó không đảm bảo chất lượng.
 
Tổng hợp ( theo Xuân Lan và Ivillages)

No comments: