Sep 22, 2011

Kinh nghiệm chữa viêm họng không dùng kháng sinh (2 bài)

Bài 1. Chữa viêm họng không dùng kháng sinh


Giadinh.net - Thời tiết thất thường như hiện nay khiến bệnh nhân viêm đường hô hấp tăng cao. Theo các chuyên gia y tế, không nhất thiết phải dùng ngay kháng sinh khi chớm viêm họng mà có thể dùng cây nhà, lá vườn trị bệnh.

Nhiều nguyên nhân gây bệnh

Bác sĩ Lê Thanh Mai (Phòng khám 466 Trần Khát Chân, Hà Nội) cho biết, đau họng do nhiều nguyên nhân: Có người cứ cảm là ho, đau họng. Có người do nói, la hét quá độ, hoặc không khí quá khô... mà viêm. Có người đêm ngạt mũi vô tình thở bằng miệng là sáng ra đã đau họng. Có khi đau họng là giọng khản đặc, thậm chí mất tiếng, luôn phải hắng giọng, khạc đờm hàng tháng dù không ho, không sốt...

Viêm họng gia tăng còn do ô nhiễm môi trường, khói xăng, bụi đường, rác thải công nghiệp... làm đau rát vùng họng, nuốt đau, vướng, chảy nước mũi, ngạt tắc mũi (một bên hoặc cả hai bên), đau đầu, ù tai, ho... có khi kèm viêm họng hạt, gây sốt. Người hay bị cảm lạnh, cổ họng rất hay bị viêm và có đờm khi trở trời, đổi mùa, nóng lạnh bất thường. Khi bệnh mới mắc mà không kịp thời chữa trị sẽ biến chứng thành viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa cấp...

Tuy nhiên, theo BS Lê Thanh Mai, không phải trong trường hợp nào cũng uống kháng sinh. Thực tế, kháng sinh chỉ cần khi tiêu diệt các vi trùng đã xâm nhập sâu vào cơ thể, còn vi khuẩn gây đau họng chỉ khu trú ở thành cổ họng, chỉ cần điều trị một số loại thuốc ngậm thông dụng hoặc một số bài thuốc đông y cũng có thể dứt bệnh.

Tự chữa viêm họng

Theo dược sĩ Nguyễn Hoàng Yến (Tổng Công ty Dược Việt Nam), buổi sáng, hoặc tối nhiều người - nhất là trẻ em, người già hay bị lạnh, bật ho. Những lúc ấy chỉ cần ngậm một viên kẹo thuốc như: Bổ phế, Viên ngậm trị viêm họng, Adsine – new, Zecuf... là thuốc thảo dược do Việt Nam sản xuất là hết ho và sát khuẩn họng rất tốt. Một số viên kẹo ngậm ho của nước ngoài như Mekotricin, Zecuf... cũng thích hợp. Còn nếu bị khô mũi, khó thở, đau họng, hoặc ngủ dậy thấy đau họng chỉ cần hít nhiều hơi nước nóng ấm, hoặc cho thêm 1 giọt dầu xanh vào chậu nước sôi bốc hơi rồi hít thở bằng cả miệng, mũi hơi nóng đó khoảng 5 phút sẽ sát trùng vùng họng, xoa dịu cơn đau cổ họng.

Bác sĩ Lê Thanh (Phòng khám - Bệnh viện Xanh Pôn) khuyến cáo phòng bệnh là tốt nhất. Cách đơn giản, dễ thực hiện là pha một muỗng cà phê muối ăn vào nửa lít nước ấm, dùng súc họng, rửa mũi buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ để cổ họng luôn sạch, không bị viêm nhiễm. Nước biển (nước muối nồng độ nhẹ chứa trong chai có áp suất bán ở các hiệu thuốc) xịt vào cổ họng cũng làm dịu cơn đau họng. Hoặc có thể dùng các dung dịch kiềm nhẹ nước muối sinh lý 0,9% súc họng hàng ngày.

Nếu đau họng khàn tiếng là do vi trùng khu trú sâu dưới cổ họng, nước muối không vào tới. Kẹo thuốc lúc này phát huy tác dụng diệt khuẩn, tiêu đờm rất công hiệu. Nếu bị cảm gây ho, viêm họng thì dùng loại kẹo có chứa chất kẽm (zinc) để xoa dịu chứng đau cổ họng và trị cả triệu chứng khác của bệnh cảm.

Theo bác sĩ đông y Nguyễn Ngọc Phái, phố Giảng Võ, Hà Nội: Kha tử là vị thuốc đông y trị viêm họng, họng có đờm, tiêu đờm, ho rất hữu hiệu, hoặc cho 1 nắm hạt tam tử với 1 bát nước, đun sôi còn nửa bát uống sẽ rất tốt cho các chứng bệnh viêm nhiễm đường hô hấp. Ngoài ra, có thể ngâm lá xạ can tươi hoặc chè mạn ủ nóng 15 phút rồi ngậm họng cũng có tác dụng tương tự.

Cũng theo BS Phái, nếu không quan tâm trị viêm họng ngay từ lúc mới khởi phát, ho nhiều sẽ làm cổ họng thêm viêm tấy, phù nề nặng. Viêm mũi họng cấp hay gây sốt, rất dễ nhầm với cảm cúm và lây lan thành dịch. Tốt nhất là đừng để bị cảm lạnh vì làm viêm họng tái phát, dai dẳng. Nếu làm nghề nói nhiều, ở môi trường bụi... nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe. Năng tập thể dục thể thao, ăn nhiều rau, hoa quả tươi, giàu sinh tố C, B1, B6, B12, E và các khoáng chất để nâng cao sức đề kháng.

Thời điểm giao mùa cần giữ ấm mũi họng, đeo khẩu trang khi đi đường để tránh khói bụi, ô nhiễm... Ngoài ra, nên uống nhiều nước lọc, tránh rượu bia, thuốc lá, tránh nơi bụi bậm, gió lớn, không tắm đêm, không uống nước đá, ăn đồ lạnh vì sẽ làm nhiệt độ ở họng thay đổi, vi khuẩn sẽ phát triển gây đau họng. Những người có thói quen hắng giọng, khạc nhổ cần phải từ bỏ vì hành vi này dễ làm vỡ mạch máu nhỏ ở cổ họng, gây ra máu, sưng và nhiễm trùng rất khó chữa.

Cây nhà lá vườn phòng viêm họng

- Cắt chanh thành lát, trộn với muối hạt ngậm khi mới viêm họng.

- Những ngày lạnh nên ăn cháo nóng nhiều hành, tía tô, hạt tiêu sẽ tiêu diệt được vi khuẩn vùng họng.

- Để trị ho, viêm họng, nên lấy lá tía tô tươi nghiền lấy nước uống. Hoặc nấu lá tía tô với rễ cây cát cánh. Ngoài ra có thể dùng lá tía tô xanh, rễ tía tô phơi khô trong bóng râm nấu cháo với gạo nếp rang, vỏ quít để trị ho, viêm họng.

- Nếu khản tiếng, mất tiếng dùng nước củ cải tươi giã hoặc ép lấy nước uống (cho thêm nước giá đậu xanh càng tốt). Nếu không sợ mùi tỏi thì phối hợp với tỏi cũng tốt. Ngoài ra ăn nho ta cả vỏ, uống nước quả lê sẽ hết khản giọng.

BS Nguyễn Ngọc Phái - Hà Dương

Bài 2. Các bài thuốc chữa ho đơn giản hiệu quả



Hẹ, Đu đủ, Quất, Gừng, Cải cúc, Rẻ quạt, Củ cải, Vỏ rễ dâu, Mơ, Chanh ta, Hoa mướp, Bạc hà, Cam thảo, Húng chanh, Lá chanh.

1. Chữa ho trẻ em, hen suyễn, họng sưng đau bằng lá hẹ.
Hẹ: Lá Hẹ hấp với đường đặt trong nồi cơm hoặc đun cách thuỷ lấy nước cho uống.

2. Cổ họng khó nuốt bằng lá hẹ.
Hẹ: Dùng 12-24g lá Hẹ giã tươi lấy nước uống.

3. Chữa ho gà bằng hoa đu đủ đực.
Hoa đu đủ đực 20g đem hấp với đường phèn lượng vừa đủ, chia uống vài lần trong ngày. Cũng có thể hấp kết hợp với há hẹ 10g, hạt chanh 10g.

4. Chữa ho, mất ngủ bằng quất
Quất 2 quả (bỏ vỏ, hạt, vách múi), bột ngó sen một ít, đường 100g, một ít hoa quế, nấu chè ăn.

5. Chữa ho gió, ho khan bằng quất.
Quả quất: Quả quất chín 10g, hoa hồng bạch 10g, hạt chanh 10g, rửa sạch, cho vào bát cùng với một ít mật ong hay đường phèn, đem hấp cơm 20 phút, lấy ra nghiền nát, chắt lấy nước để uống.

6. Chữa ho gà bằng quất.
Quất 10 quả, gừng tươi 6g, thiên trúc hoàng 6g. Sắc lấy nước uống ngày một lần

7. Chữa ho do phế nhiệt bằng quất.
Dùng quả quất với củ cải ép lấy nước uống.

8. Chữa ho, viêm phế quản bằng gừng.
Gừng: Có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, chống co thắt cơ trơn, giảm đau, giảm ho, hạ sốt, kháng histamin. Được dùng chữa ho, viêm phế quản. Ngày dùng 4-12g dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.

9. Chữa ho trẻ em bằng cải cúc
Dùng lá Cải cúc thái nhỏ 6g, thêm ít mật ong, hấp vào nồi cho tiết nước ra, chia nhiều lần uống trong ngày.

10. Chữa ho, viêm họng bằng cây rẻ quạt
Cây rẻ quạt: Ðể chữa ho, viêm họng, có thể phối hợp với rễ Mạch môn, Húng chanh, hoa Ðu đủ đực, đem giã nhỏ, hấp cơm, hoặc với rễ Cam thảo đất, rễ Đậu săng, giã ngậm.

11. Chữa ho có đờm, hen, ho ra máu, trẻ em ho gà bằng rễ dâu.
Vỏ rễ dâu(tang bạch bì): Ngày dùng 4-12g, sắc nước uống.

12. Chữa ho, viêm họng, khản tiếng bằng lá húng chanh
Lá Húng chanh non 5-10g giã nát vắt lấy nước cốt nóng. Hoặc đem giã nhỏ một nắm lá (15-20g), thêm nước, vắt lấy nước uống làm hai lần trong ngày. Đối với trẻ em, thêm ít đường, đem hấp cơm cho uống làm 2-3 lần.

13. Chữa ho mất tiếng bằng vỏ quýt
Trần bì(Vỏ quả Quýt chín) 12g sắc với 200ml nước, còn 100ml; thêm đường để vừa ngọt, uống dần trong ngày (Dược liệu Việt Nam).

14. Chữa ho có đờm bằng lá bạc hà.
Lá bạc hà tươi 50g vắt nước uống hàng ngày.

15. Chữa ho, có sốt, khó thở, tức ngực, khạc đờm vàng bằng hoa mướp.
Hoa mướp 12g rửa sạch hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 phút thì dùng được, pha thêm 20g mật ong, uống thay trà trong ngày, mỗi ngày dùng 2 thang.

16. Chữa ho lao, ho lâu ngày bằng cam thảo
Dùng Cam thảo nướng 120g tán bột, uống mỗi lần 4g, ngày uống 3-4 lần (Nam dược thần hiệu).

17. Chữa ho khó thở, viêm họng, khản tiếng bằng hạt mơ
Hạt Mơ: dùng trị ho khó thở, tức ngực đờm nhiều, Ngày dùng 4,5-9g, dạng thuốc sắc.
Quả Mơ: thường dùng làm thuốc thay vị Ô mai là quả của cây Mai - Prunus mume. Quả Mơ muối dùng chữa ho khó thở, viêm họng, khản tiếng.

18. Chữa ho nhiều đờm, khản tiếng bằng củ cải

- Chữa ho nhiều đờm: Củ cải trắng 1kg, lê 1kg, gừng tươi 250g, sữa, mật ong mỗi vị 250g. Lê gọt vỏ bỏ hạt, củ cải, gừng tươi rửa sạch thái nhỏ. Cho từng thứ vào vải xô vắt nước để riêng. Đổ nước củ cải, lê đun to lửa cho sôi, bớt lửa cho đến khi đặc dính thì cho nước gừng, sữa, mật ong vào quấy đều đun sôi lại. Khi nguội cho vào lọ đậy kín dùng dần, mỗi lần một thìa canh pha vào nước nóng để uống. Uống ngày hai lần.

- Trị khản tiếng: Lấy 3 củ cải trắng và 1 nhánh gừng tươi, rửa sạch, giã nhỏ gạn lấy nước để uống, uống trong 2 ngày.

19. Chữa ho gà bằng chanh
Lá Chanh tươi sắc với vài lát Gừng thêm đường đủ ngọt, uống dần.

20. Chữa cảm mạo, sốt ho và sốt rét bằng quất hồng bì
Hồng bì, Hoàng bì, Quất hồng bì: Dùng lá Hồng bì 15-30g sắc uống.

21. Chữa ho cảm bằng quất hồng bì
Hồng bì, Hoàng bì, Quất hồng bì:Dùng quả Hồng bì bổ đôi hấp với đường hoặc dùng 40g rễ sắc nước uống.

22. Chữa ho, ho ra máu, hen, viêm họng bằng cỏ nhọ nồi.
Cỏ nhọ nồi: Có tác dụng kháng khuẩn, kháng histamin, chống viêm, cầm máu. Được dùng điều trị ho, ho ra máu, hen, viêm họng. Ngày dùng 20g cây khô, dạng thuốc sắc, hoặc 30-50g cây tươi, giã vắt lấy nước uống.

23. Chữa ho, hen suyễn, khò khè bằng tía tô.
Tía tô: Có tác dụng kháng khuẩn, chống co thắt cơ trơn, chống dị ứng. Được dùng chữa ho, hen suyễn; ngày dùng 5-12g lá, sắc nước uống.
Hạt tía tô: dùng trị ho, thở khò khè. Thường dùng 5-10g, dạng thuốc sắc.

24. Ho có đờm, viêm khí quản mạn tính băng quả phật thủ
Phật thủ: Nhai cùi cả vỏ với nước; hoặc phối hợp với Bán hạ (đã xử lý với gừng), mỗi vị 6g, sắc uống, pha thêm đường kính uống.

25. Chữa cảm mạo, ho, sốt nóng bằng đại bi
Đại bi: Dùng 5-12g lá Ðại bi nấu nước uống. Có thể nấu nước xông, dùng riêng hay phối hợp với các loại lá khác có tinh dầu.

26. Chữa ho, viêm họng bằng hạt mướp đắng
Mướp đắng: Nhai hạt Mướp đắng nuốt nước

27. Chữa ho, ho ra máu bằng lá nhót

- Chữa các chứng ho nói chung:Lá Nhót tươi 30g, sắc với nước, thêm chút đường và uống.

- Lao phổi ho ra máu: Lá Nhót tươi 24g, đường 15g; dùng nước sôi hãm như nước trà; ngày uống 2 lần sau bữa ăn.

28. Chữa ho hen, đờm suyễn ở người già bằng hạt cải xanh
Hạt Cải xanh, hạt Củ cải, hạt Tía tô, mỗi vị 8-12g, sắc uống hay tán bột uống mỗi lần 4-5g, ngày uống 2-3 lần.

29. Chữa ho lâu ngày núc nác
Núc nác: Hạt có tác dụng thanh phế nhiệt, lợi hầu họng, chống ho, giảm đau5-10g hạt, sắc nước hoặc tán bột uống.

30. Chữa ho, ho lao, ho ra máu bằng mạch môn
Mạch môn là cây thuốc thông dụng trong nhân dân làm thuốc bổ phổi, trị ho, ho lao, về chiều nóng âm ỉ, sốt cao, tâm phiền khát nước. Ngày dùng 6-12g, dạng thuốc sắc. Dùng riêng hay phối hợp với Rẻ quạt, lá hẹ, hoa Ðu đủ đực, Húng chanh để trị ho.

DS. Nguyễn Văn Sinh

No comments: