SGTT - Giấm táo pha mật ong là thức uống – vị thuốc có giá trị dinh dưỡng cao, giúp phòng và chữa được nhiều bệnh.
Lợi ích của giấm táo pha mật ong đã được ghi nhận từ thời La Mã cổ đại. Quân lính của Julius Caesar, một lãnh tụ quân sự và chính trị kiệt xuất của La Mã cổ xưa, đã từng dùng dược liệu này để có sức khoẻ dẻo dai và phòng bệnh khi tham gia vào cuộc chiến với các nước. Người Ai Cập hiện nay cũng xem phương thuốc này là một thành tựu nổi bật của y học dân gian.
Cách làm giấm táo
Ngoài axít acetic như những loại giấm khác, thành phần axít malic được coi là một tác dụng đặc biệt của giấm táo (có ích cho quá trình tiêu hoá thức ăn). Nồng độ enzyme cao trong giấm cũng giúp loại bỏ các tế bào chết, phân giải các phân tử béo. Trong giấm táo còn chứa nhiều muối khoáng quan trọng với cơ thể. Hàm lượng potassium giúp điều hoà huyết áp và giữ cho nhịp đập tim ở mức ổn định, giảm căng thẳng thần kinh. Các chất chống oxy hoá có trong giấm táo ngăn chặn quá trình lão hoá, giúp khử độc cơ thể hiệu quả. Còn mật ong là vị thuốc có khả năng diệt khuẩn, chứa nhiều chất khoáng như sắt, đồng, mangan, manhê… và các loại vitamin tối cần thiết.
Để làm giấm táo, cần có một ký táo không quá chín (táo tây hay táo ta đều được, nếu được táo mèo càng tốt). Rửa sạch bằng nước muối hơi mặn để diệt khuẩn, chờ ráo nước rồi bổ nhỏ ra. Để cả hạt, ngâm với ba lít nước sôi, đợi nguội còn hơi ấm. Sau đó, cho vào hai quả chuối sứ (chuối tây) có tác dụng giúp cho táo nhanh lên men. Đựng giấm trong lọ thuỷ tinh, bịt kín bằng vải màn. Sau một tháng lọc lấy nước giấm táo, dùng dần. Giấm có màng là tốt còn như thấy có muỗi bay lên là bị hư, phải làm lại.
Một số công dụng chữa bệnh
Tuỳ từng loại bệnh mà có thể dùng kết hợp thêm giấm táo pha mật ong với một số chất hỗ trợ khác:
Suy nhược mạn tính, khó ngủ: dùng ba muỗng nhỏ giấm táo và ba muỗng nhỏ mật ong, đổ tất cả vào chai cổ rộng, để ở đầu giường. Trước khi ngủ, khoảng lúc 20 giờ, uống hai muỗng nhỏ. Nếu chưa ngủ được, uống hai muỗng nữa. Cứ mỗi lần thức dậy, uống tiếp hai muỗng.
Cao huyết áp: cho giấm táo với mật ong (mỗi thứ hai muỗng nhỏ) vào ly nước đun sôi để nguội. Uống hết sau bữa ăn.
Viêm xoang chảy nước mũi, nước mắt: dùng hai muỗng nhỏ giấm táo, hai muỗng nhỏ mật ong, một giọt dung dịch iốt lugol, hoà chung trong ly nước, uống trong bữa ăn. Uống đều từ 1 – 3 tuần. Cách khác, mỗi ngày uống một ly nước có pha ba muỗng nhỏ giấm táo với ba muỗng mật ong, nếu có thì nhai thêm một miếng sáp ong (nhả bã). Bài thuốc này rất hiệu nghiệm với viêm mũi dị ứng.
Ho dai dẳng: lấy giấm táo, mật ong, glycerin mỗi thứ hai muỗng nhỏ. Ho ban ngày thì uống ngày hai lần vào sáng và chiều, mỗi lần 1 – 2 muỗng. Ho ban đêm thì uống trước khi đi ngủ và một lần nữa vào lúc nửa đêm. Nếu ho nhiều, uống sáu lần một ngày, chia đều từ sáng đến tối.
Đau họng, viêm amidan: pha một muỗng nhỏ giấm táo, nửa muỗng mật ong vào một cốc nước ấm, súc miệng. Còn một ít ngậm nuốt từ từ. Mỗi giờ súc và ngậm nuốt một lần. Bắt đầu đỡ thì hai giờ làm một lần.
Viêm khớp: sau mỗi bữa ăn, uống một ly nước pha 10 muỗng nhỏ giấm táo, năm muỗng mật ong, uống ấm.
Đau bàng quang, viêm thận: uống thường xuyên hàng ngày một ly nước có pha hai muỗng nhỏ giấm táo, hai muỗng mật ong. Trường hợp bị nước tiểu có mủ, sau bữa ăn uống một ly nước có pha hai muỗng giấm táo, một muỗng mật ong.
Những người không có bệnh, dùng giấm táo pha mật ong vào nước uống hàng ngày cũng sẽ giúp khoẻ mạnh, giảm nguy cơ mắc bệnh và cung cấp nhiều chất dinh dưỡng bổ ích cho cơ thể. Tuy nhiên cần lưu ý, do vị chua và nồng độ axít của giấm, nên những người có tiền sử đau dạ dày, bị viêm loét dạ dày tá tràng hoặc đang dùng một số loại kháng sinh kỵ môi trường axít… không nên dùng giấm táo.
PGS.TS Lê Văn Định - chuyên viên cao cấp về y học cổ truyền
No comments:
Post a Comment