Sep 5, 2011

Giảo cổ lam (3 bài)

Bài 1. Giảo cổ lam



Giảo cổ lam hay còn gọi là dây lõa hùng, trường sinh thảo hoặc thất diệp đảm, ngũ diệp sâm với danh pháp khoa học là Gynostemma pentaphyllum thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae).

Nó là một loài cây thảo có thân mảnh, leo nhờ tua cuốn đơn ở nách lá. Cây đực và cây cái riêng biệt. Lá kép hình chân vịt. Cụm hoa hình chuỳ mang nhiều hoa nhỏ màu trắng, các cánh hoa rời nhau xoè hình sao, bao phấn dính thành đĩa, bầu có 3 vòi nhuỵ. Quả khô hình cầu, đường kính 5 - 9 mm, khi chín màu đen. Cây mọc ở độ cao 200 - 2.000 m, trong các rừng thưa và ẩm ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Triều Tiên và một số nước châu Á khác.

Thành phần hóa học chính của thất diệp đảm là flavonoit và saponin. Số sapoin của thất diệp đảm nhiều gấp 3 - 4 lần so với nhân sâm. Trong đó, một số có cấu trúc hoá học giống như cấu trúc có trong nhân sâm (ginsenozit). Ngoài ra thất diệp đảm còn chứa các vitamin và các chất khoáng như selen, kẽm, sắt, mangan, phốtpho...

Thất diệp đảm là cây thuốc đã được dùng theo y học cổ truyền Trung Quốc. Người Trung Quốc từ lâu xem cây này như thuốc trường sinh, bởi lẽ người dân ở tỉnh Quý Châu uống trà thất diệp đảm thường xuyên thì sống rất thọ[cần dẫn nguồn]. Cây này còn được gọi là nhân sâm phương Nam hay nhân sâm 5 lá, mặc dù thực tế loài này không có họ hàng gì với nhân sâm đích thực. Cây này cũng được dùng ở Nhật Bản với tên amachazuru, ở Hàn Quốc với tên gọi dungkulcha và nhiều nước khác.

Ở Việt Nam, vào năm 1997 giáo sư Phạm Thanh Kỳ (Đại học Dược Hà nội) đã phát hiện cây thất diệp đảm trên núi Phan Xi Păng và được giáo sư Vũ Văn Chuyên (Đại học Dược Hà nội) xác định đúng là loại Gynostemma pentaphyllum. Ngoài ra, thất diệp đảm còn được tìm thấy ở một số địa phương thuộc vùng đồi núi phía Bắc.



Theo Wikipedia

Bài 2. Phép mầu Giảo cổ lam



Kể từ khi xuất hiện trên thị trường Việt Nam, nhiều câu hỏi bán tín bán nghi đã được đặt ra: Giảo cổ lam có chữa được bách bệnh như quảng cáo trên hộp trà? Công dụng của nó sẽ được phát huy bao nhiêu lâu sau khi uống?...

Để trả lời các câu hỏi trên, Trí Tri đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thanh Kỳ, nguyên trưởng bộ môn Dược liệu trường ĐH Dược Hà Nội, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về dược liệu Giảo cổ lam (GCL).

Giảo cổ lam Việt Nam - Cùng họ với Giảo cổ lam Trung Quốc, Nhật Bản

Thưa GS, nguồn gốc nghiên cứu GCL có phải xuất phát từ Trung Quốc và Nhật Bản?

Đúng như vậy. GCL là một dược liệu rất quý hiếm và mới chỉ phát hiện thấy tại Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan. Cây này được nghiên cứu đầu tiên tại Nhật Bản với tên gọi Phúc âm thảo còn ở Trung Quốc gọi tên là Jaogulan.

Trong một lần đi công tác ở Trung Quốc, chúng tôi tình cờ được biết đến sản phẩm của thảo dược quý này và ngay sau khi về VN, nhóm nghiên cứu đã quyết tâm đi tìm.

Vậy nơi đầu tiên GS phát hiện ra cây GCL?

Nơi đầu tiên mà chúng tôi tìm thấy cây GCL là trên rừng nguyên thủy núi Phanxipăng thuộc tỉnh Lào Cai, ở độ cao 2.000m.

Sau khi phát hiện ra GCL thì quá trình nghiên cứu dược liệu này diễn ra như thế nào, thưa GS?

Chúng tôi phải theo dõi để chờ cây ra hoa và đơm trái chứ không phải là xác định được ngay.

Chỉ khi cây có hoa, có quả thì mới xác định được tên khoa học của nó, lúc này thì mới có cơ sở để đối chiếu với các tài liệu của Trung Quốc xem nó có phù hợp hay không. Thời gian để làm được điều này mất cả năm trời.

Sau khi thực hiện được những bước trên thì mới bắt tay vào nghiên cứu sâu.

Việc đầu tiên trong quá trình nghiên cứu là xem cây GCL có thể sống được ở những vùng sinh thái nào để đi tìm tiếp. Kết quả nghiên cứu cho thấy cây GCL thường xuất hiện ở những vùng có khí hậu mát.

Qua quá trình tìm kiếm, chúng tôi tiếp tục phát hiện ra ở Hoà Bình, Cao Bằng cũng tồn tại loại cây này.

Nghiên cứu tiếp theo là về thành phần hóa học của dược liệu. Việc nghiên cứu này nhằm mục đích đối chiếu với các thành phần hóa học của các nước công bố coi nó có tương ứng hay không.

Cuối cùng mới nghiên cứu độc tính cấp xem nó có độc hay không, nghiên cứu độc tính bán trường diễn coi có ảnh hưởng đến tính năng của máu, chức năng của gan hay không…

Thưa GS, vậy thành phần hóa học chủ yếu của cây GCL là gì?

GCL có hai thành phần chủ yếu là Saponin và Flavonoid. Saponin ở đây có cấu trúc triterpen kiểu dammaran, trong đó có nhiều loại giống với Nhân sâm và Tam thất. Flavonoid có tác dụng sinh học cao và chống lão hóa mạnh. Ngoài ra còn chứa nhiều acid amin tan trong nước, nhiều vitamin và các nguyên tố vi lượng như Zn, Fe, Se.

Vậy cây GCL có thành phần gây độc?

Qua kết quả nghiên cứu thì xác định cây không có độc tính.

Tốt hơn Trung Quốc!

Những tác dụng đã được khẳng định của GCL là gì, thưa GS?

Kết quả nhiên cứu cho thấy, hiện nay thành phần GCL ở VN tốt hơn ở Trung Quốc vì chúng ta vẫn đang khai thác ở dạng tự nhiên.

Qua thực nghiệm thì có một số tác dụng của GCL thể hiện rất rõ đó là:

- Làm hạ mỡ máu, nhất là giảm cholesterol toàn phần, ngăn ngừa xơ vữa mạch máu, chống huyết khối và bình ổn huyết áp, phòng ngừa các biến chứng tim mạch, não. Chống lão hóa, giảm căng thẳng mệt mỏi, giúp tăng lực mạnh, tăng khả năng làm việc.

- Tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của khối u.

- Tác dụng chống ôxy hóa, stress…

- Rất tốt cho tế bào gan, tăng cường chức năng giải độc gan; điều chỉnh rối loạn chuyển hóa mỡ nên làm giảm béo tốt, nhất là béo bụng, béo đùi.

Hiện nay GCL được chế biến như thế nào, thưa GS?

Sau khi nghiên cứu thấy công dụng tốt của GCL thì mới tính đến dạng bào chế. Dạng đầu tiên và dễ dàng nhất là dạng chè. Sau đó mới tính đến chuyện chế biến thành thuốc.

Hiện nay thì mới có dạng chè và dạng viên do cơ sở Tuệ Linh sản xuất. Còn dạng thuốc thì chúng tôi còn phải tiếp tục nghiên cứu sau đó sẽ xin phép Cục quản lý dược để đưa vào sản xuất. Dự kiến trong năm 2008 sẽ sản xuất GCL dạng thuốc.

Vậy GCL mà cơ sở Tuệ Linh sản xuất dưới dạng chè và dạng viên có có được gọi là “thuốc” không thưa GS?

Chúng ta cần phải quan niệm như thế này, chè GCL không phải là thuốc. Dạng viên hiện nay cũng có tác dụng như chè mà thôi, đây chỉ là cách chế biến để người dùng dễ sử dụng vì không phải ai cũng thích uống chè.

Công dụng của dạng này là khi uống vào sẽ có tác dụng hỗ trợ giúp cho ổn định trong quá trình điều trị bệnh bằng thuốc tây y, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch nâng cao sức khỏe.

Ví dụ như: Một người bị cao huyết áp, khi dùng thuốc tây sẽ giảm xuống thì chè GCL có tác dụng giúp cho ổn định còn thuốc huyết áp kia vẫn phải uống.

Giảo cổ lam - loài cây đỏng đảnh

Hiện nay rất nhiều người sử dụng chè GCL hàng ngày. Vậy nếu dùng liên tục thì có ảnh hưởng gì không thưa GS?

Như tôi nói ở trên là cây GCL không có thành phần độc tính nên dùng bao nhiêu cũng không sao.

Nó có thể dùng thường xuyên liên tục trong ngày. Nhưng khi sử dụng đến dạng viên hay dạng thuốc thì cần phải sử dụng theo chỉ định.

Ở đây người dùng cũng cần lưu ý một số điểm khi dùng dạng chè hay dạng viên của Giảo Cổ Lam:

- Nên uống GCL vào buổi sáng hoặc đầu giờ chiều, không uống lúc tối hoặc trước khi đi ngủ vì sẽ làm tỉnh táo, khó ngủ giống như uống nhân sâm.

- Người hay bị đường huyết, huyết áp quá thấp phải uống lúc ăn no hoặc thêm một vài lát gừng tươi.

- GCL làm tăng chuyển hóa cơ thể, do vậy khi uống xong có cảm giác nóng người, có khả năng sẽ tăng huyết áp nhẹ, khát nước, khô miệng vì vậy cần phải uống thêm nước lọc để cơ thể điều chỉnh về trạng thái ổn định…

GCL rõ ràng là một loại “thần dược” nhưng lại không quá hiếm vì như GS có kể là nó xuất hiện ở nhiều vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Hòa Bình, Cao Bằng…Vậy, chúng ta đã có một nguồn nguyên liệu rất dồi dào?

Thực ra, tuy xuất hiện ở nhiều tỉnh vùng núi phía Bắc nhưng GCL lại khó ươm trồng. Hiện tại thì chỉ có Hòa Bình mới đáp ứng được điều kiện phát triển của cây và cho kết quả thành phần hóa học tương đối ổn định. Chúng tôi đã mang cây GCL đem trồng thử nghiệm ở một số tỉnh có khí hậu mát ở khu vực miền Bắc để duy trì nguồn thảo dược này nhưng thấy cây phát triển chậm, bên cạnh đó thành phần hóa học lại không ổn định.

Xin hỏi GS một câu hơi riêng tư một chút, điều GS trăn trở nhất trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình là gì?

(Cười). Đối với tôi thì có nhiều điều để trăn trở nhưng có lẽ điều tôi quan tâm nhất hiện nay là cần phải sớm phát hiện và duy trì sự tồn tại của các nguồn dược liệu quý mà thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam.

Tôi có đi công tác một số nơi ở vùng biên giới thường và hay quan tâm đến những cây mà người dân địa phương bán cho Trung Quốc. Trung Quốc đã thu mua thì chắc chắn họ đang làm một cái gì đó. Do vậy tôi thường hỏi và xin mẫu đem về nghiên cứu để từ đó chế biến phục vụ cho nhân dân mình. Nếu không phát hiện sớm thì chắc chắn người dân sẽ khai thác, bán hết và chúng ta đã vô tình đánh mất nguồn dược liệu quý.

Một điều tôi cũng băn khoăn, là hiện nay người dân chưa có ý thức bảo vệ các loại cây thuốc. Họ chỉ biết tìm kiếm rồi đem bán để lấy tiền chứ không nghĩ đến chuyện duy trì sự tồn tại của nguồn thảo dược.

Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện!

Trên thực tế sử dụng GCL ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc sau khoảng vài tháng, người dùng sẽ thấy được những công dụng sau:
- 3 giúp: giúp ngủ ngon, giúp mạnh khỏe, giúp tiêu hóa.
- 3 chống: chống viêm nhiễm (nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể), chống ung thư, chống lão hóa.
- 3 giảm: giảm mệt, giảm béo, giảm căng thẳng.
- 6 tốt: ăn cơm ngon, nhuận tràng, ngủ được, tăng khả năng làm việc, giúp cơ thể trẻ lâu, mau lại sức.

Trong khi đó, GCL ở Việt Nam được các nhà khoa học nhận định là tốt hơn GCL của Trung Quốc và Nhật Bản.

Ngay cả khi nó chưa được chế biến thành chè hay thuốc thì theo kinh nghiệm dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam ở nơi có dược liệu này: Cây GCL có khả năng thanh nhiệt mạnh. Các trường hợp sốt cao, cảm nắng, người nóng bức, người bị ngộ độc rượu dùng rất tốt.

Hiện, có nhiều cây rất giống GCL nhưng thuộc họ Vitaceae nên không có tác dụng, thậm chí gây tiêu chảy khi sử dụng.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, chỉ có duy nhất cơ sở Tuệ Linh là được phép sản xuất và cung cấp loại chè này ra thị trường và nguồn nhiên liệu thu mua tươi GCL đều được GS Phạm Thanh Kỳ trực tiếp kiểm định trước khi đưa vào sản xuất


Theo Trí Tri

Bài 3. Giảo cổ lam - Một dược liệu quý hiếm ở Việt Nam



Từ xa xưa Giảo cổ lam đã được sử dụng cho vua chúa để tăng sức khoẻ , kéo dài tuổi thọ va làm đẹp.

Giảo cổ lam(Jiaogulan), là một loại dược liệu có tên khoa học là Gynostemma pentaphyllum(Thunb). Makino Cucurbitaceae. Còn có tên là Cam Trà vạn, Thất diệp đởm, cây trường sinh, cây cỏ Thần kỳ, Sâm phương nam, Ngũ diệp sâm. Người Nhật gọi là Phúc âm thảo, hay Amachazuzu. Đây là một dược liệu đầu vị quý được ghi trong sách cổ “Nông chính toàn thư hạch chú” quyển hạ năm 1639. Từ xa xưa được sử dụng cho vua chúa để tăng sức khoẻ , kéo dài tuổi thọ va làm đẹp.

Giảo cổ lam bắt đầu được nghiên cứu từ năm 1976 ở Nhật Bản ,việc phát hiện ra cây là do tình cờ khi nghiên cứu một bộ lạc sống trên núi cao có tuổi thọ bình quân 98 tuổi mà nguyên nhân là do người dân nơi đó thường xuyên uống cây này.

Giảo cổ lam bắt đầu được nghiên cứu từ năm 1976 ở Nhật Bản ,việc phát hiện ra cây là do tình cờ khi nghiên cứu một bộ lạc sống trên núi cao có tuổi thọ bình quân 98 tuổi mà nguyên nhân là do người dân nơi đó thường xuyên uống cây này. Các nghiên cứu về Giảo cổ Lam hiện nay được thực hiện nhiều ở Trung Quốc,Mỹ, Đức, Italia. Có thể liệt kê một số nghiên cứu điển hình như:

- GS. Tan H., Liu Z.L.,Liu MJ. Chứng minh GCL có tác dụng kìm hãm sự tích tụ tiểu cầu, làm tan cục máu đông, chống huyết khối, tăng cường lưu thông máu lên não.

- Lin,J.M.,và cộng sự chứng minh GCL có tác dụng chống viêm gan, chứng cao huyết áp và chống ung thư. Có tác dụng chống viêm mạnh hơn Indomethacin

- Wang C. Và cộng sự chứng minh GCL kìm hãm sự phát triển của khối u mạnh.

Năm 1997 GS. TS. NGND Phạm Thanh Kỳ (nguyên Hiệu trưởng trường đại học Dược Hà Nội, chủ nhiệm bộ môn dược liệu) trong một lần đi công tác tại Lào Cai đã phát hiện thấy cây Giảo Cổ Lam trên núi PhanXipang. Sau khi được GS. NGND Vũ Văn Chuyên xác định tên khoa học chính xác là Gynostemma Pentaphyllum, GS Kỳ đã tra cứu tài liệu và biết rằng đây là một loại dược liệu quí đã đăng ký đề tài nghiên cứu cấp nhà nước và được cấp ngân sách 120 triệu đồng (đề tài có mã số: KC.10.07.03.03).

Kết quả nghiên cứu cho thấy Giảo Cổ Lam có chứa hơn 100 loại Saponin cấu trúc triterpen kiểu damaran, trong đó có nhiều loại có cấu trúc rất giống với Saponin có trong Nhân sâm và Tam thất (vì vậy có tên Ngũ diệp sâm, Sâm nam). Giảo cổ lam còn chứa nhiều Flavonoid, chất có tác dụng sinh học cao và có tác dụng chống lão hóa mạnh. Ngoài ra còn có các Axit amin tan trong nước, nhiều vitamin và các nguyên tố vi lượng như Zn, Fe, Se. Đã thử độc tính cấp, trường diễn, bán trường diễn và xác định cây không có độc.

Các thử nghiệm Giảo Cổ Lam trên chuột và thỏ cho kết quả như sau:

+ Tác dụng giảm mỡ máu (Triglycerid và Cholesterorl): GCL ức chế tăng Cholesterorl 71% theo phương pháp ngoại sinh và 82,08% theo phương pháp nội sinh.

+ Tác dụng tăng lực (nghiệm pháp chuột bơi): GCL làm tăng lực 214,2%.

+ Tác dụng bảo vệ tế bào gan: đã chứng minh GCL bảo vệ tế bào gan mạnh trước sự tấn công của các chất gây độc (CCL4) và làm tăng tiết mật.

+ Tác dụng tăng đáp ứng miễn dịch: GCL làm tăng đáp ứng miễn dịch tế bào khi chiếu xạ hoặc gây độc tế bào bằng hóa chất Cyclophosphamid.

+ Tác dụng hạ đường máu: GCL có tác dụng hạ đường huyết trên chuột nhắt trắng. Trên chuột đái tháo đường di truyền, liều uống 500 mg/kg làm hạ đường huyết 22%, liều 1000mg/kg làm hạ tối đa tới 36%. Trong nghiệm pháp dung nạp glucose ở chuột nhắt trắng, liều uống 1000mg/kg đã ức chế sự tăng đường huyết tới 55% (sau 30 phút) và 63% (sau 60 phút) so với nhóm chứng. GCL gây hạ đường huyết yếu trên chuột bình thường nhưng lại có tác dụng khá mạnh trên chuột có đường huyết cao. Như vậy, ngoài cơ chế làm tăng tiết insulin GCL có thể cũng làm tăng nhạy cảm của mô đích với insulin.

+ Phòng ung thư: tỷ lệ ức chế khối u từ 20-80%, phòng ngừa u hóa tế bào bình thường.

+ Chống suy thoái tế bào: cho dịch chiết GCL vào môi trường vào nuôi cấy tế bào da người, số lần tái sinh tăng từ 20 lên 27 lần, kéo dài tuổi thọ tế bào 22,7%.

Đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng tại các bệnh viện TƯ cho thấy:

- Giảo Cổ Lam làm hạ mỡ máu, nhất là đối với cholesterol toàn phần điều trị cho kết quả tốt, ngăn ngừa sơ vữa mạch máu, chống huyết khối vờ bình ổn huyết áp, phòng ngừa các biến chứng tim mạch, não.

- Giảo Cổ Lam làm giảm căng thẳng mệt mỏi, giúp tăng lực mạnh, tăng khả năng làm việc, tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Cải thiện các triệu chứng cơ năng cho bệnh nhân như giúp ăn ngủ tốt, hạn chế số lần tiểu đêm, nhuận gan, lợi mật, giúp tiêu hóa tốt, hết hoa mắt, chóng mặt, đau đầu do thiếu máu não.

Chính vì tác dụng kỳ diệu cho sức khỏe như vậy nên Giảo cổ lam còn được gọi là cây trường thọ, cây cỏ thần kỳ và được bán ở Trung Quốc và Nhật Bản với giá rất đắt (khoảng một đến bốn triệu đồng 1kg). Việc tìm thấy Giảo Cổ Lam ở Phanxipang Việt Nam minh chứng cho tiềm năng phong phú và đa dạng của dược liệu nước nhà và mở ra một triển vọng to lớn về xuất khẩu dược liệu ( cây Giảo Cổ Lam mỗi năm đem về ngoại tệ lớn cho Trung Quốc và rất được thị trường Mỹ và Châu Âu ưa chuộng).

Giảo cổ lam hiện nay đã có mặt trên thị trường Việt Nam dưới dạng trà túi lọc và dạng viên do tập đoàn Tuệ Linh sản xuất dưới sự cho phép và giám sát của GS.TS Phạm Thanh Kỳ, chủ nhiệm để tài cấp nhà nước về cây GCL. Hy vọng dược kiệu này sẽ đem lại nhiều sức khỏe cho mọi người.

Việt Báo (Theo_DanTri)

No comments: