Feb 3, 2011

Bí quyết thọ của lão võ sư trăm tuổi

- Có thể dễ dàng thấy rằng những vị đam mê nghiệp võ thường khoẻ mạnh và sống lâu. Trong số đó, lão võ sư được xem là cao tuổi nhất hiện còn sống tại TPHCM là Trần Tiến - chưởng môn phái Nội gia Võ đạo Việt Nam.

Đã ngót trăm tuổi, sống độc thân, nhưng lão võ sư Trần Tiến còn khoẻ mạnh, khí lực dồi dào, hằng ngày vẫn luyện Thái dương công, dạy võ, viết sách. Ông cho biết, Nội gia Võ đạo Việt Nam là môn võ chuyên luyện "nội - ngoại ngạnh kình" cùng với những đòn thế hiểm hóc, cận chiến đã được tinh lọc qua thực tế chiến đấu. 

Đặc điểm ưu việt của Nội gia Võ đạo là sự kết hợp đồng bộ "Thân, Tâm, Trí, Đức, Y, Đao" thông qua luyện Thân (võ thuật) song hành với Trí dục (võ trí), Đức dục (võ đức), Y khoa (võ Y - Y học cổ truyền và Y học hiện đại) nhằm nâng cao sức khoẻ, tăng sức đề kháng cơ thể, kéo dài tuổi thọ. Khi thân thể đạt được sự cường tráng, dẻo dai, từ đó phát huy được cái Tâm chính nghĩa, thấm nhuần cái Đạo của võ thuật.

Nói về thuật trường thọ, lão võ sư cho rằng, sở dĩ các võ sư thường sống thọ là ở sự kiên trì rèn luyện thể chất, một lòng theo đuổi chí hướng, điều độ trong sinh hoạt, sống vị tha và bao dung. Để có sức khoẻ tốt là cả một quá trình tích lũy lâu dài, phải hội đủ 3 yếu tố cơ bản là dinh dưỡng, rèn luyện thân thể và đời sống tinh thần.

Ăn để sống

Theo lão võ sư, việc ăn uống vô tội vạ có khi còn tai hại hơn thiếu ăn. Ngày nay, chuyện bia rượu đã trở thành thứ "văn hóa giao tiếp" phổ biến rất tai hại. Việc ăn uống đúng phép dưỡng sinh tùy thuộc vào nhu cầu dinh dưỡng theo độ tuổi, hoạt động nghề nghiệp, tình trạng thể chất của mỗi cá nhân. Ví dụ, trẻ em nếu không béo phì, ăn được nhiều chất béo càng tốt, nhưng đến tuổi trưởng thành phải hạn chế. Việc ăn uống phải đủ chất nhưng không được thừa, vì thừa dinh dưỡng còn hại hơn cả thiếu.

Từ 40 trở lên phải giảm mặn, ngọt, béo, để ngừa bệnh tim mạch, tiểu đường. Sau tuổi 50 nên giảm thức ăn có nguồn gốc động vật. Các bệnh nan y như gan, thận, tim, ung thư thường xuất hiện vào tuổi này. Tùy tình trạng thể chất và hoạt động nghề nghiệp mà nhu cầu dinh dưỡng có thể khác nhau. Ví dụ, anh 50 tuổi, to béo chỉ ngồi phòng giấy thì không được ăn nhiều, còn người kia cũng độ tuổi ấy nhưng lao động chân tay vất vả, đương nhiên phải cần chế độ dinh dưỡng cao hơn.

Với người cao tuổi, lão võ sư khuyên nên ăn thanh đạm, dùng mật ong, quả vải, nhãn, dâu tây, chuối, táo, hạt sen. Những thứ này có tính năng bồi bổ thần kinh, ngừa chứng giảm trí nhớ, lú lẫn. Mỗi ngày nên ăn một ít thịt nạc, trứng, cá. Mỗi bữa không nên ăn quá no.

Phiền não là kẻ thù của sức khoẻ và tuổi thọ

Lịch sử cho thấy, vua chúa ngày xưa dù sống trên nhung lụa, ăn toàn cao lương mỹ vị, lại hiếm khi sống thọ. Nguyên nhân là vì rượu thịt ê hề, lại hay dâm dục quá độ. Trong khi tinh thần không bao giờ yên ổn, ngổn ngang trăm mối lo thù trong giặc ngoài. Người xưa đã bảo "nóng giận, tức tối hại tâm, can; lo rầu, buồn tủi hại phế, thận". Ngày nay, khoa học đã chứng minh: sự căng thẳng quá độ (stress) là nguyên nhân của những chứng bệnh nan y.

Lòng tham là kẻ thù của tuổi thọ. Chớ ham danh lợi, vứt bỏ các điều phiền muộn làm cho thân thể và đầu óc luôn được thảnh thơi, vui vẻ và hạnh phúc. Cô đơn là kẻ thù lớn của sức khoẻ. Cô độc lâu dài não sẽ bị thoái hóa, làm người chóng già, thậm chí còn có thể gây bệnh ngớ ngẩn cho người già. Tăng cường giao lưu với bạn bè tốt sẽ gia tăng hứng thú cho cuộc đời.

Về khí công, lão võ sư Trần Tiến cho hay, đó là năng lượng tự nhiên có sẵn trong vũ trụ cũng như trong mỗi con người. Để có thể vận dụng được khí này trong dưỡng sinh và trị bệnh, ngoài việc tập luyện kỹ thuật đúng bài bản, người ta còn phải "biết" ăn ở đúng Đạo, nghĩa là đúng theo trật tự vũ trụ, hòa đồng với thiên nhiên. Những bậc danh sư võ lâm đều sống đơn giản, ăn uống đạm bạc, tinh thần thanh thoát, giúp người mà không mưu cầu lợi lộc.

* * *
Con người có thứ vốn quý, gốc của trường thọ, đó là "Tam bửu" (tinh, khí, thần). Giữa tinh, khí, thần có mối quan hệ hữu cơ. Tinh là nguồn gốc của sự sống, chịu ảnh hưởng chân khí và nguyên khí. Ngược lại, tinh cường tráng thì khí mới dồi dào, hình thành thần thái. Người khí lực mạnh mẽ thì thần sắc tươi nhuận, biểu hiện ở sắc diện và ánh mắt. Luyện công là kết nối, thúc đẩy mối tương quan giữa tinh, khí, thần để tinh hóa khí, khí hóa thần. Để bảo vệ chân khí cần sinh hoạt lành mạnh, xa lánh rượu chè, sắc dục, ăn uống, dâm dục vô độ hại tinh, khí, thất tình, nóng giận, căm hờn, lo lắng, buồn tủi hại khí, thần.

Lão võ sư Trần Tiến

* * *
Chỉ tính trong hàng các lão võ sư, chưởng môn các võ phái, có những người sống trên trăm tuổi như Đoàn Tâm Ảnh, chưởng môn phái Côn Luân và Võ Lâm chánh tông, thọ 110 tuổi (1900 - 2009); Bà Phạm Cô Gia, chưởng môn Phạm gia võ đạo, thọ 105 tuổi (1901 - 2005). Những lão võ sư thọ trên 80, 90 tuổi thì rất nhiều, như Triệu Trúc Khê, chưởng môn Thái cực Đường lang tại Việt Nam: 97 tuổi; Trương Thanh Đăng, chưởng môn Sa Long Cương: 91 tuổi; Lê Sáng, chưởng môn Vovinam Việt Võ Đạo: 91 tuổi; Từ Thiện Hồ Văn Lành, chưởng môn phái Tân Khánh - Bà Trà: 92 tuổi...

* * *

Sinh năm 1911 tại Yên Thế, Bắc Giang, võ sư Trần Tiến vốn họ Hoàng, có cha và ông là bộ tướng nghĩa binh kháng Pháp của tướng quân Hoàng Hoa Thám. Từ nhỏ ông đã tập võ gia truyền, rồi theo Lý Giang Nam luyện Thiếu Lâm Nội gia quyền, học Nhu thuật (Jujitsu) với VS Tanabe, học Nhu đạo (Judo) với VS Karachi, học quyền Anh với Lafleur (vô địch Đông Dương năm 1936)... Từ năm 1935, Trần Tiến tự kiếm sống bằng nghề võ, thường xuyên thượng đài khắp Đông Nam Á và luôn giành chiến thắng. Ông nổi danh với ngọn "Đảo sơn cước" kinh hồn, có thể đá cong thanh sắt dày 5cm. Năm 1936, ông đoạt giải vô địch Kiếm thuật Bắc Kỳ. Năm 1945, ông tham gia Cách mạng Tháng Tám và vào quân đội, huấn luyện võ thuật cho lực lượng "Bộ đội đặc biệt tinh nhuệ" (tức Binh chủng đặc công). Sau năm 1975, ông là chuyên gia huấn luyện võ thuật cho các đơn vị an ninh Campuchia. Những năm 1980, về hưu với quân hàm đại tá QĐNDVN, ông sáng lập võ phái Nội gia Võ đạo Việt Nam và dạy võ tại TPHCM. Ông đã viết 24 cuốn sách giá trị về võ thuật, khí công, dưỡng sinh.



Theo bee.net.vn, 3/2/2011

No comments: