Những thói quen xấu trong ăn uống, sinh hoạt, hoặc học nhiều, tâm lý căng thẳng... là nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng loét dạ dày, tá tràng ở trẻ nhỏ - một căn bệnh lẽ thường chỉ xảy ra ở người lớn.
Điều đặc biệt nguy hiểm là bệnh thường không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng nên thường phát hiện ở giai đoạn muộn, nếu không được điều trị triệt để dễ biến chứng ung thư.
10 tuổi bị thủng dạ dày
Em Nguyễn Thị M. 11 tuổi, thường xuyên đau bụng. Do người nhà M nghĩ em đau bụng giun hoặc do rối loạn tiêu hóa nên tự mua thuốc cho em uống. Gần đây, tình trạng đau bụng của em ngày càng trầm trọng hơn. Giữa đêm, em bị đau quằn quại, nôn ra máu người nhà mới vội đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ cho biết em bị xuất huyết tiêu hóa dạ dày mà nguyên nhân do viêm loét dẫn đến.
Tương tự, bé Nguyễn Thành N. 10 tuổi được đưa vào cấp cứu tại BV Việt Đức trong tình trạng đau đột ngột, vật vã, nôn ra máu...Thăm khám, bác sĩ kết luận bé bị thủng dạ dày do viêm loét. Rất may N. được mổ cấp cứu kịp thời tránh nguy hiểm tới tính mạng, song từ đó, bé ăn uống được ít nên cơ thể chậm phát triển hơn bạn bè cùng trang lứa.
ThS Lương Nhất Việt, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật trẻ em, Bệnh viện Việt - Đức cho biết, loét dạ dày - tá tràng là bệnh có khởi đầu lành tính.
Bệnh có triệu chứng không điển hình, hình ảnh phim khó khẳng định, cả gia đình và thầy thuốc ít nhậy bén nghĩ đến bệnh, trẻ điều trị muộn là tất yếu.
Thực tế, bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng trước thường chỉ xảy ra ở người lớn (thường ngoài 30 tuổi) do đã có quá trình ăn uống, sinh hoạt bừa bãi không điều độ tích tụ lâu ngày, hoặc do những nguyên nhân khác gây nên nhưng hiện nay gặp nhiều ở trẻ từ 10 – 12 tuổi, thậm chí dưới 6 tuổi cũng nhiều cháu mắc.
Trung bình mỗi năm, viện tiếp nhận vài chục trường hợp. Bệnh không phải do vi khuẩn H.pylori mà H.pylori chỉ là yếu tố thuận lợi giúp bệnh phát sinh còn chủ yếu là do yếu tố tinh thần. Hiện nay, trẻ bị căng thẳng trong học tập quá nhiều, xem ti vi, chơi vi tính, thức khuya, chế độ ăn uống vô độ không có quy luật, ăn nhiều thức ăn nhanh, ăn thức ăn nóng quá, lạnh quá, khó tiêu, ăn không nhai kỹ, ăn vội...là nguyên nhân khiến bệnh bùng phát, nhất là ở những trẻ có bố mẹ bị bệnh.
Hậu quả nặng nề
ThS Việt cho biết, đa phần trẻ nhập viện trong tình trạng muộn, khi có biến chứng như chảy máu, hẹp và thủng dạ dày vì khi thấy bé kêu đau bụng, cha mẹ thường tưởng là ăn uống, do giun...nên mua thuốc cho dùng làm giảm mất triệu chứng.
Đặc biệt, triệu chứng lâm sàng ở trẻ thường không giống người lớn. Trẻ ít khi đau âm ỉ, mà thường đau dữ dội, lăn lộn như giun lên ống mật, chính vì vậy, nhiều trẻ được chẩn đoán và điều trị như giun chui ống mật hoặc đau bụng do giun.
Trẻ thường thấy, đau bụng vùng trên rốn nhất là vào ban đêm, sau khi ngủ một lúc, chừng 12 giờ đêm đến 1 giờ sáng, cơn đau xuất hiện làm mất ngủ, đau trước khi ăn hoặc sau khi ăn. trẻ xanh xao, thiếu máu, giảm cân.
Ngoài ra, trẻ cũng không gặp ợ hơi, ở chua như người lớn mà thường nôn ói, thậm chí nôn ra máu, bụng bị đầy hơi, ăn vào khó tiêu, chán ăn...
Theo ThS Việt, điều nguy hiểm là viêm loét dạ dày – tá tràng ở trẻ tiến triển rất nhanh. Thông thường ở người lớn phải 10 năm mới dẫn tới loét sơ trai thì ở trẻ nhỏ 1 năm đã bị.
Bệnh nếu không được điều trị sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng (do trẻ bị đau bụng thường xuyên, nên ăn uống kém dẫn đến thiếu máu, suy dinh dưỡng); xuất huyết tiêu hóa, có khi gây thủng dạ dày; đặc biệt là biến chứng gây hẹp môn vị (cuống bao tử), trẻ ăn vào, thức ăn không xuống ruột được, gây triệu chứng thường xuyên bị nôn ói; biến chứng xa hơn có thể gặp là đưa đến ung thư dạ dày về sau.
Vì vậy, theo ThS Việt, nếu thấy trẻ bị đau bụng thường xuyên, hoặc cơn đau bụng cấp tính dữ dội cần phải đi khám ngay, tránh để tình trạng phải cắt dạ dày để lại di chứng nặng nề, kém phát triển thể chất về sau. Phát hiện sớm, việc điều trị rất đơn giản và thường không để lại di chứng.
Sau quá trình điều trị, nên tập cho trẻ thói quen ăn hợp hợp lý: không ăn các thức ăn chua cay, uống quá lạnh, ăn quá nóng, nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu. Không để đói quá và cũng tránh đừng ăn no quá.
Nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, và có giờ ăn nhất định, ăn chậm, nhai kỹ sẽ tốt cho tiêu hoá. Kiêng ăn các thực phẩm xào rán, nướng, các thực phẩm mặn... và đặc biệt, không nên ép trẻ học căng thẳng, luôn để trẻ lạc quan, vui tươi, thoải mái, tránh thức khuya...
Theo Linh Hà
Tiền Phong
No comments:
Post a Comment