Feb 22, 2011

Cảnh giác với hoa quả bảo quản bằng bao nilon

Trước thực trạng hoa quả ngoài thị trường đang được dùng thuốc bảo quản dưới nhiều hình thức, trao đổi với PV VietNamNet, TS Vật lý Nguyễn Văn Khải, cho biết, những loại hoa quả có bọc túi nilon được bảo quản bằng thuốc bảo quản thực vật, dù túi nilon đó có nguồn gốc từ đâu thì cũng rất độc hại.

Các loại thuốc bảo quản thực vật, khi có nilon bao bọc sẽ có tác dụng làm ức chế hô hấp, gây rụng lá. Cũng do tác dụng ức chế hô hấp, thuốc làm chậm lại quá trình chín của hoa quả, giữ chúng tươi lâu hơn. Có những loại thuốc có tác dụng làm cho cam sành thêm xanh, sầu riêng, cam, quýt và nhiều loại hoa quả chậm thối hơn

Những loại thuốc bảo quản hoa quả có thể khử khuẩn nên làm hoa quả tươi bền hơn, nhưng khi các hóa chất này chui vào các tế bào lục lạp trong quả và đóng chặt ở đó khiến cho vỏ cứng lại. Ngoài ra, việc bọc bảo quản trong nilon khiến cho các chất đó không bay hơi, ngấm vào vỏ rồi khuyếch tán vào ruột quả.

Quả càng mọng nước, vỏ càng mỏng, quá trình khuyếch tán càng nhanh và thời gian để càng lâu, nồng độ trong ruột càng tăng cao. Đối với những loại hoa quả đã được bảo quản bằng hóa chất có bao bọc nilon thì biện pháp rửa bằng nước sạch, ngâm với nước muối… hầu như không có tác dụng, nhất là khi hóa chất đã ngấm sâu vào trong quả.
Theo TS Khải, cơ thể con người là một tập hợp nhiều chất, thậm chí có flo, lưu huỳnh, phốt pho, canxi, nhưng phải đảm bảo tỉ lệ nhất định. Khi đột biến cao lên nhiều do tác dụng của những thuốc này sẽ làm cơ thể mất bình thường có gây nên ung thư.

Là một người đã đi Trung Quốc và tham gia nghiên cứu bảo quản hoa quả ở Trung Quốc, TS Khải cho rằng, không nên ăn những hoa quả bọc trong túi nilon dù túi nilon đó có đẹp đi chăng nữa. Không nên ăn quả không có lá xanh, cuống xanh, mã xấu hay bị dập nát, giảm mùi. Ông Khải cũng khẳng định: "Các túi nilon được bao bọc bảo quản hoa quả chính là mầm mống của nhiều căn bệnh ung thư, nếu như hoa quả được phun hóa chất bảo quản".

Để chứng minh cho ý kiến của mình, ông Khải dẫn chứng bằng ví dụ cụ thể phân biệt ở quýt chum. Nếu lá đã héo mà quả mềm thì không độc, còn nếu quả cứng thì có nghĩa quả có chất bảo quản thực vật. "Hãy cảnh giác với những loại quả tươi, vỏ đẹp, người dân ăn nhiều những loại quả độc hại sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, héo hon vì bệnh tật" - TS Khải khuyên người tiêu dùng.

Theo Vũ Điệp - Trà My, Vietnamnet
Trích đăng trong bài: Quả tươi người "héo"

No comments: