Feb 15, 2011

Những thực phẩm “nguy hiểm” nhất

(Dân trí) - Dưới đây là những loại thực phẩm ẩn chứa nhiều vi khuẩn nhất. Vậy chế biến thế nào để có lợi cho sức khoẻ?

1. Mầm cây
"Các loại rau mầm đứng đầu danh sách thực phẩm nhiều nguy cơ tiềm ẩn", Oông Michael Doyle, Giám đốc TT Thực phẩm an toàn, trường ĐH Georgia Mỹ, cho biết.
Những điều kiện để mầm cây có thể phát triển lại cũng rất phù hợp với "yêu cầu" của vi khuẩn gây bệnh. Dù mức độ tăng trưởng của mầm cây thế nào, để hạt có thể nảy mầm, hạt giống cần được tưới ướt đẫm và giữ ẩm thường xuyên và đây cũng là môi trường thuận lợi để vi khuẩn gây hại sinh sôi và phát triển. Chính loại vi khuẩn này gây ra hầu hết các bệnh tật có liên quan đến mầm cây và chúng tồn tại ở bất kỳ đâu, ngay cả khi tự tay bạn gieo trồng.
Vậy giải pháp an toàn khi dùng các loại thực phẩm cây mầm là gì? Đơn giản là hãy nấu chín chứ đừng ăn sống.

2. Trứng
Trứng là thực phẩm chứa vi khuẩn gây bệnh ở mức thấp nhất nhưng mức độ gây hại của thực phẩm này (đặc biệt là lòng đỏ) lại phụ thuộc rất nhiều vào môi trường nuôi dưỡng.
Vì thế bạn không nên ăn trứng khi chưa được nấu chín kỹ hoặc luộc kỹ. Hãy thận trọng!

3. Thịt nướng tái (dùng trong thức ăn nhanh như hambuger)
Các loại thịt viên nướng tái như thịt bò viên luôn luôn có hại cho sức khoẻ. Vì thịt bò tái tiềm ẩn vi khuẩn tả E.coli và các vi khuẩn gây hại khác. Ngay cả trong điều kiện giết mổ tốt nhất, các loại thịt gia súc, gia cầm vẫn ẩn chứa nhiều vi khuẩn.
Vậy điều kiện an toàn thực phẩm là gì? Bình thường bạn nướng thịt băm viên chỉ đạt đến 140 độ C hoặc thấp hơn trong khi thịt gia súc cần được nấu chín ở nhiệt độ 160 độ C mới đảm bảo vô khuẩn và an toàn. Nếu cẩn thận hơn thì bạn dùng nhiệt kế để đo thức ăn khi trong khi nấu.

4. Rau xanh đóng gói sẵn
Những loại rau lá xanh như rau chân vịt, rau xà lách cũng có liên quan đến bệnh tật. Một trong những sự kiện đáng sợ là bệnh tiêu chảy cấp (nhiễm khuẩn E.Coli) lan rộng tại Mỹ vào năm 2006 mà nguyên nhân là từ rau chân vịt đóng gói. 199 người bị mắc bệnh, trong đó có 3 trường hợp đã tử vong.
Với rau đóng gói, việc rửa rau không thể rửa hết được vi khuẩn có trong rau. Lời khuyên đưa ra là với nên mua rau củ khi chưa đóng gói, chỉ lấy phần lá rau, dùng thớt để thái rau.

5. Món Sushi
Trong món sushi luôn tiềm ẩn sự có mặt rất nhiều loại động thực vật ký sinh như sán sơ mít, sán dẹp, sán tròn. Thủ phạm chính là các loại cá sống (dạng gỏi).
Hãy nấu chín cá tối thiểu là 145 độ C trong vòng 1 phút hoặc hơn để tiêu diệt các loài động thực vật ký sinh trên cá.
Nếu muốn ăn gỏi cá thì thịt cá cần được ướp lạnh tối thiểu trong vòng 15 giờ liên tục ở nhiệt độ âm 31 độ C - khuyến nghị của FDA.

6. Sốt Mayonnaise
Trong tâm trí của các bà nội trợ thì sốt Mayonaise hoàn toàn không có vi khuẩn. Bằng chứng cho thấy là trong những bữa ăn gia đình, sốt mayonaise rất được ưa chuộng, có thể dễ dàng tìm thấy trong các món ăn như là salat, rau cải thái trộn, bánh sandwich v...v....
Tuy nhiên, với loại sốt tự làm sốt mayonaise, nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. FDA Hoa Kỳ khuyến nghị: Nếu tự làm sốt mayonaise ở nhà thì nên giữ lạnh thành phẩm. Với sản phẩm sốt mayonaise bán trên thị trường thì đã có tiêu chuẩn chung về độ pH và độ axit, ngoài ra thành phẩm cũng đã được tiệt trùng hoàn toàn.

7. Trái cây thuộc họ Dưa( ví dụ như dưa ruột vàng, dưa hấu.....)
Khi trái cây được đóng gói trong màng PE thì cũng là lúc môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây hại hình thành. Mỗi khi bổ dưa và cắt lát mỏng, vi khuẩn đã theo lưỡi dao xâm nhập vào thịt quả theo từng lát cắt.
Hãy rửa sạch vỏ dưa, dao cắt dưa và không được cho dưa đã được thái lát nhỏ vào tủ lạnh.

8. Thịt gà
Thịt gà sống hiển nhiên có các loại vi khuẩn salmonella và camplylobacter. Thật không dễ để xác định xem liệu miếng thịt gà bạn mua có bị nhiễm khuẩn, vậy nên cách tốt nhất là nấu chín kỹ, không ăn thịt gà có màu hồng đào (thường thấy hiện tượng này khi bạn chặt thịt gà).
Cách tốt nhất là hãy cẩn thận ngay từ khâu làm sạch gà. Sau khi pha thịt, hãy rửa sạch dao, thớt và cả tay bạn ngay lập tức. Điều này sẽ giúp giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm loại vi khuẩn này sang các loại thực phẩm khác cũng như các dụng cụ nhà bếp khác. Bạn có thể nướng qua thịt gà trước khi nấu để đảm bảo giảm thiểu lượng vi khuẩn tồn tại trong thịt gà.

9. Pho mát chưa được tiệt trùng
Có nhiều loại pho mát mềm có thời hạn sử dụng 60 ngày thường chưa được tiệt trùng.
Phụ nữ mang thai, người già và trẻ nhỏ không nên ăn loại pho mát này vì chúng làm ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.

10. Tự chọn salad trộn
Nghĩa là trên một bàn dài để nhiều nguyên liệu làm salad, người ăn tự chọn những nguyên liệu phù hợp với khẩu vị và tự trộn salad để dùng kèm trong bữa ăn. Chính đặc thù này đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều vi khuẩn gây hại phát triển. Nguyên nhân là do phải chuẩn bị nhiều nguyên liệu một lúc nên bản thân người chuẩn bị cũng không chú ý đến vệ sinh, hoặc nguyên liệu làm salad không được giữ lạnh nên dễ bị nhiễm khuẩn nhanh, nhất là khi nhiệt độ phòng tăng cao.

Vân Anh - Thu Phương

No comments: