Feb 23, 2011

Rượu thuốc và thuốc rượu

Trong Đông y, rượu thuốc là loại rượu dùng để chiết xuất và dẫn thuốc trong cơ thể. Còn thuốc rượu là rượu để chiết xuất thuốc dùng ngoài, không uống, có nhiều nơi gọi là “cồn xoa bóp”.

Thuốc của y học cổ truyền được khai thác từ 3 nguồn: thực vật (cây, hoa, lá, rễ, củ), động vật: (thịt, xương, da, sừng, vẩy….) và khoáng vật (chu sa, thần sa, thạch cao, hoạt thạch, thủy ngân, thạch tín…). Chúng được bào chế nhằm làm tăng tác dụng tốt và giảm tác dụng không có lợi cho người dùng, giúp đưa thuốc vào những bộ phận nhất định. Thuốc y học cổ truyền có nhiều dạng bào chế như: cao, đan, hoàn, tán, thuốc thang sắc uống, thuốc rượu, rượu thuốc.

1. Rượu thuốc

Ngày xưa, việc làm rượu thuốc rất đơn giản, cứ một nắm xương bồ rửa sạch ngâm rượu thì thành rượu xương bồ. Một nắm hoa kim cúc ngâm rượu thành rượu kim cúc. Dăm con tắc kè làm thịt phơi khô, ngâm rượu thành rượu tắc kè... Sau dần, các vị thuốc để ngâm rượu ngày càng đa dạng với nhiều loại quý. Các triều vua đều có những công thức riêng và gọi là vương tửu. Thời Minh Mạng có rượu Minh Mạng..., và đến nay thì đã có vô số loại rượu thuốc, không thể kể hết được.

Rượu ngâm thuốc phải là rượu mạnh, tối thiểu là 45 độ. Rượu quá nhạt không có khả năng chiết xuất thuốc. Có thể thử độ mạnh của rượu bằng cách nhúng que có quấn bông vào rượu, nếu đốt cháy được là rượu mạnh. Rượu vừa mua về hay mới nấu không nên dùng ngay bởi hàm lượng chất aldehid còn cao, có thể gây độc.

Về thuốc ngâm rượu, cần chọn theo mục đích chữa bệnh:

- Chữa nhức mỏi xương khớp: Thiên niên kiện, xuyên khung, ngưu tất, bạch chỉ, độc hoạt, khúc khắc, khương hoạt, rắn...
- Bổ máu: Đương qui, hà thủ ô, kỷ tử, thục địa, quả dâu...
- Bổ thận: Đỗ trọng, ba kích, ích trí nhân, thỏ ty tử, kim anh, khiếm thực, tắc kè, nhung hươu, tục đoạn, dâm dương hoắc, rễ cau.
- An thần dễ ngủ: Long nhãn, táo tàu, hạt sen, viễn chí, hà thủ ô.
- Bổ khí: Mạch môn, hoàng kỳ, nhân sâm.
- Kiện tỳ, ăn ngon miệng: Bạch truật, hoài sơn, hạt sen.

Có vị thuốc làm cho rượu có vị chua như: sơn tra, sơn thù, kim anh, bạch thược... Có thứ làm rượu tăng vị ngọt như long nhãn, thục địa, đại táo, cam thảo, la hán, cỏ ngọt. Đa số động vật ngâm rượu đều có vị tanh như bìm bịp, rắn, trăn, tắc kè, mật gấu...

2. Thuốc rượu

Thường dùng loại rượu mạnh hơn 60-70 độ. Thuốc để ngâm thường là những vị có nhiều tinh dầu, vị nóng ấm như: hồi, quế, phụ tử, gừng, ô đầu, tinh dầu bạc hà, màng tang, long não... Cũng có khi dùng các vị thuốc hạ huyết phá ứ như hồng hoa, địa liền, xuyên khung, huyết giác, kê huyết đằng, nhũ hương, mộc dược...

Để rửa và bôi các vết thương phần mềm, chấn thương sưng đau, có thể dùng các thuốc sau: hoàng liên, hoàng bá, hoàng cầm, xuyên khung, bạch chỉ, nghệ, mật gấu.

Để chữa sưng đau răng lợi, có thể dùng các vị đại hồi, tế tân, bạch chỉ, rễ tranh, hoàng liên...

Theo Sức Khỏe & Đời Sống

No comments: