Feb 23, 2011

Tự rước bệnh vào người vì đồ ăn nhanh

Giới trẻ ngày càng ưa dùng đồ ăn nhanh mà không biết chúng có thể chứa trans fat, chất béo nguy hiểm nhất trong nhóm chất béo gây hại. Trong khi đó chỉ ăn thêm khoảng 4 gam chất này mỗi ngày, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch đã tăng lên 23%.

Nhận định trong buổi hội thảo về hiểm họa của trans fat với sức khỏe, diễn ra chiều qua tại Hà Nội, ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, cho biết nếp sống công nghiệp hình thành, những loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh như: mì ăn liền, bim bim, snack, đậu phộng... thu hút được nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên có một thực tế là để tăng thời hạn sử dụng, tạo hình thức bắt mắt cho thực phẩm, một số cơ sở sản xuất đã sử dụng dầu chiên bị hydro hóa ở nhiệt độ cao làm sản sinh ra trans fat.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết các nhà sản xuất sử dụng dầu chiên bị hydro hóa nên giúp cho sản phẩm được bảo quản lâu hơn và tươi ráo hơn nhằm hấp dẫn người tiêu dùng. Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm này nên đôi khi đã tự rước bệnh vào người mà không biết. Chỉ cần tăng 1% axít béo trans trong tổng năng lượng sử dụng một ngày dẫn đến tăng 1% cholesterol xấu và giảm 1% cholesterol tốt.

Theo hội tim mạch và đột quỵ Canada, ước tính 3.000 bệnh nhân tim mạch bị chết hàng năm do chất béo dạng trans này. Ngoài ra, các nghiên cứu mới đây còn chỉ ra nó là tác nhân gây cản trở lưu thông máu, dẫn đến các bệnh nghiêm trọng như bệnh xơ vữa động mạch.

"Tại Việt Nam, trans fat vẫn còn là vấn đề mới đối với người tiêu dùng trong khi xu hướng lựa chọn các loại thực phẩm tiện lợi này lại ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn chưa có bất kỳ quy định nào liên quan đến việc quản lý chất béo được ban hành và mới chỉ có một số ít doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có ghi thông tin về trans fat trên bao bì", ông Phan nói.

Trong khi đó tại Mỹ từ đầu năm 2006, Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm nước này đã buộc các nhà sản xuất thực phẩm phải thông tin đầy đủ về trans fat trong “bảng yếu tố dinh dưỡng” trên bao bì các loại thực phẩm chế biến sẵn.

Vì thế, theo Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cơ quan chức năng cần yêu cầu các nhà sản xuất và nhập khẩu công bố cách thức chế biến dầu và bơ thực vật, ghi rõ hàm lượng trans fat trong các sản phẩm có dùng dầu mỡ trên bao bì sản phẩm. Đồng thời, cần có quy định thống nhất về tiêu chuẩn chất béo này cho phép trong sản phẩm.

Trong khi chờ sự vào cuộc của cơ quan chức năng, theo phó giáo sư Lâm, Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia, người tiêu dùng khi chọn mua các sản phẩm thực phẩm nên đọc kỹ thông tin trên bao bì và tốt nhất nên chọn những sản phẩm có ghi rõ thông tin Không có Trans fat để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình.

Ngoài ra, các bà nội trợ trong chế biến thực phẩm nên chọn loại dầu ăn tốt, nếu dùng món rán thì cho lượng dầu vừa và không nên dùng lại nhiều lần. Khi quấy bột, nấu cháo cho trẻ thì trước khi bắc ra nên cho một thìa dầu vào để giữ được các axít béo không no cần thiết.

Nam Phương

No comments: