May 20, 2011

Các thuốc cai rượu

Nghiện rượu là một tệ nạn xã hội, số người nghiện rượu ngày càng gia tăng. Hiện nay, ở nông thôn, tỷ lệ người nghiện rượu là 4% dân số, con số này ở thành thị là 6%. Nếu tính tỷ lệ trên cho 85 triệu người dân Việt Nam thì con số người nghiện rượu là rất lớn.

Người nghiện rượu gây ra nhiều vấn đề cho an ninh xã hội, hạnh phúc gia đình và sức khoẻ bản thân. Họ đã thực sự trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Số người nghiện rượu vào điều trị tại Khoa Tâm thần - Bệnh viện 103 ngày càng gia tăng, chiếm tỷ lệ 30% tổng số bệnh nhân nhập viện. Khoảng 15 năm trước đây, để tìm được một bệnh nhân loạn thần do rượu minh họa lâm sàng cho học sinh rất khó, nhưng hiện nay mỗi ngày có 2-3 bệnh nhân loại này nhập viện. Họ thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội như công nhân, nông dân, người buôn bán, bộ đội, trí thức...

Để cai rượu, người ta thường tiến hành trong bệnh khoa tâm thần. Sau khi nhập viện, bệnh nhân sẽ bị cấm uống rượu và cắt cơn cai bằng các thuốc sedexen, vitamin B1 và ringer lactat. Cai rượu là một quá trình rất vất vả và tốn kém, kéo dài chừng 1 tháng. Gia đình bệnh nhân sẽ phải chi nhiều tiền cho việc điều trị. Ngoài ra, họ còn phải tốn kém nhiều cho các chi phí gián tiếp như trông nom bệnh nhân, đi lại, ăn, ở... Sau cai nghiện rượu, bệnh nhân cần được điều trị củng cố trong thời gian dài để chống tái nghiện rượu. Thông thường, các bác sĩ hay dùng esperal (disulfiram) cho bệnh nhân để chống tái nghiện. Bệnh nhân thường được chỉ định dùng esperal hàng ngày, uống buổi sáng trong thời gian tối thiểu 2 năm để bệnh nhân thích nghi được cuộc sống không có rượu. Cần lưu ý rằng thuốc esperal phải do người nhà tận tay cho uống để đảm bảo thuốc đến bụng bệnh nhân. Nếu bệnh nhân không uống rượu thì không có chuyện gì xảy ra. Nhưng nếu bệnh nhân uống rượu (vô tình hay cố ý) sẽ lập tức có các phản ứng vô cùng khó chịu xảy ra như: đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, da đỏ như da gà chọi, hoảng hốt, đánh trống ngực, ra nhiều mồ hôi... Các phản ứng này kéo dài vài giờ khiến bệnh nhân sợ rượu và không dám uống nữa. Như vậy esperal có hiệu quả điều trị chống tái nghiện rượu rất cao, giá thành rất rẻ, dễ dùng, nhưng sẽ có một số nhược điểm sau:

- Phải ngừng rượu tối thiểu 48 giờ trước khi uống thuốc esperal.

- Phải điều trị hội chứng cai rượu, thậm chí là sảng rượu trong bệnh viện do hậu quả của ngừng rượu.

- Thuốc esperal tuy rẻ, nhưng tính cả tiền điều trị cai rượu thì không hề ít tiền.

- Chỉ áp dụng được với bệnh nhân hợp tác điều trị (hoặc gia đình bệnh nhân bắt buộc được bệnh nhân uống thuốc).

Vì những lí do trên, một phương pháp cai rượu mới đơn giản và dễ áp dụng, có thể dùng điều trị ngoại trú, áp dụng được cho cả các trường hợp bệnh nhân không hợp tác điều trị. Với phương pháp này đã cai rượu thành công cho rất nhiều trường hợp. Đó là sử dụng thuốc naltrexone để cai rượu.

Naltrexone là thuốc được chỉ định điều trị củng cố các trường hợp nghiện ma tuý nhóm opioid (morphin, heroin, dolacgan...). Qua các nghiên cứu người ta nhận thấy sau khi uống rượu, rượu sẽ được chuyển hoá trong cơ thể theo nhiều giai đoạn khác nhau. Một trong những sản phẩm chuyển hóa dở dang của rượu sẽ được gắn với một protein trong máu, tác dụng tới các thụ cảm thể morphin trên não bệnh nhân, gây ra khoái cảm tương tự khi người ta dùng morphin (một dạng morphin nội sinh). Chính các khoái cảm này khiến bệnh nhân thích thú và tiếp tục uống rượu. Khi dùng naltrexone, thuốc này sẽ ức chế tất cả các thụ cảm thể morphin trên não bệnh nhân. Vì thế morphin nội sinh có nguồn gốc từ rượu sẽ không còn gắn kết được với các thụ cảm thể morphin trên não được nữa, không tạo ra khoái cảm. Quá trình này nếu kéo dài (vài tháng trở lên) thì bệnh nhân sẽ dần mất hứng thú với việc uống rượu (chán rượu), do đó sẽ giảm dần lượng uống và bỏ rượu. Như vậy, điều trị bằng naltrexone sẽ có một số ưu điểm sau:

- Bệnh nhân không cần ngừng rượu đột ngột, do đó không có hội chứng cai rượu. Vì thế, bệnh nhân không cần phải vào viện điều trị, tránh được nhiều tốn kém.

- Hiệu quả gây chán uống rượu của naltrexone xuất hiện từ từ trong vòng 3 tháng, vì thế bệnh nhân sẽ thích nghi được với việc giảm dần lượng rượu uống hàng ngày.

- Thuốc không gây ra các tác dụng phụ kiểu "bão táp" như esperal, vì thế có thể dùng được cho cả các bệnh nhân không hợp tác điều trị.

Cách dùng như sau:

Naltrexone (natrex, reVia, no-dict...) uống sau bữa ăn sáng hàng ngày. Thời gian uống thuốc tối thiểu là 2 năm để bệnh nhân có thời gian thích nghi được với cuộc sống không có rượu một cách vững chắc.

Diễn biến điều trị:

- Tháng thứ nhất, lượng rượu uống còn khoảng 50%, bệnh nhân mất rõ rệt cảm giác thèm rượu.

- Tháng thứ hai, lượng rượu uống giảm được 70%, bệnh nhân có thể không uống rượu mà không có cảm giác thèm nhớ rượu.

- Tháng thứ ba, bệnh nhân không còn quan tâm gì đến rượu, có thể ngừng uống rượu hoàn toàn.

Nhược điểm của phương pháp cai rượu bằng naltrexone là:

- Thuốc đắt tiền, khó mua.

- Bệnh nhân vẫn có thể uống rượu được vì không có phản ứng khó chịu. Tuy nhiên quá trình này thường chỉ thoáng qua (khi buộc phải tiếp khách), sau đó bệnh nhân có thể ngừng uống rượu dễ dàng.

- Nhiều trường hợp phải dùng đến naltrexone liều gấp đôi bình thường thì mới có kết quả.

TS. Bùi Quang Huy
Theo http://suckhoedoisong.vn/20100105102850502p0c14/cac-thuoc-cai-ruou.htm, 5/1/2010

Bài 2. Các thuốc hỗ trợ cai nghiện rượu



Nghiện rượu là một vấn đề diễn ra rất phổ biến trong xã hội hiện nay, nó có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội cũng như sức khỏe và tâm sinh lý của người nghiện. Trong hơn 2 thập kỷ qua, mặc dù chúng ta đã có thêm được rất nhiều những hiểu biết mới về cơ chế thần kinh hóa học của hiện tượng này nhưng lại tìm được rất ít loại thuốc để có thể điều trị nó. Hiện nay, mới chỉ có một số loại thuốc là disulfiram, naltrexone, acamprosate, topiramate, nalmefene và ondansetron đã được cấp phép hoặc đang trong quá trình nghiên cứu hoặc được sử dụng theo kinh nghiệm để điều trị cai nghiện rượu. Hiệu quả của từng loại thuốc có thể khác nhau đáng kể giữa các bệnh nhân và một số người có thể không đáp ứng với bất kỳ thuốc nào. Cần lưu ý là tất cả các thuốc này đều không thể đem lại hiệu quả nếu không được đi kèm với các biện pháp điều trị về tâm lý và hành vi.

Disulfiram

Cách đây 60 năm, disulfiram đã được phát hiện một cách tình cờ có thể gây ra phản ứng sợ rượu. Cồn ethanol trong rượu khi vào cơ thể được chuyển hóa nhờ một hệ thống các enzym, trong đó có enzym aldehyde dehydrogenase. Disulfiram ức chế không đảo ngược enzym này dẫn đến ứ trệ các chất chuyển hóa trung gian gây độc gọi là acetaldehyde do không được chuyển hóa. Nếu disulfiram có ở trong cơ thể, bất cứ khi nào bệnh nhân uống rượu sẽ bị tích tụ acetaldehyde, chất này có thể gây ra một phức hợp các cảm giác khó chịu như buồn nôn, nôn, bốc hỏa, tụt huyết áp..., được gọi là phản ứng disulfiram-ethanol. Phản ứng này có thể khiến người nghiện cảm thấy sợ uống rượu, mức độ của phản ứng tỷ lệ thuận với liều dùng của disulfiram và số lượng rượu được uống. Disulfiram không được sử dụng rộng rãi trong thực tế do các nguy cơ về tác dụng phụ và tương tác của thuốc. Tác dụng phụ thường gặp nhất là gây cảm giác ngầy ngật buồn ngủ, có thể khắc phục bằng cách uống thuốc vào buổi tối. Nhiễm độc gan do thuốc cũng có thể xảy ra rất sớm, do đó, cần theo dõi định kỳ xét nghiệm chức năng gan trong quá trình dùng thuốc. Do tác dụng phụ cũng như nguy cơ gây tụt huyết áp trong phản ứng disulfiram-ethanol, nên tránh dùng ở những người mắc bệnh tim mạch, bệnh mạch máu não, tiểu đường, loạn thần hoặc rối loạn nhận thức. Ngoài ra, disulfiram còn có thể tương tác với một loạt các thuốc cùng chuyển hóa qua hệ thống enzym cytochrome P-450 như theophyllin, phenytoin, warfarin..., dẫn đến tăng độc tính. Do đó, cần giảm liều hoặc tránh dùng các thuốc này cùng với disulfiram. Liều tối đa của disulfiram trong điều trị cai nghiện rượu là 500mg/ngày. Hiệu quả cai nghiện rượu của disulfiram chỉ đạt được tối đa khi có sự tuân thủ dùng thuốc của người bệnh và sự theo dõi nghiêm ngặt quá trình điều trị.

Naltrexone

Là một chất cạnh tranh thụ thể opioid, thường được dùng trong cai nghiện thuốc phiện. Naltrexone có thể làm giảm ham muốn uống rượu do ngăn chặn con đường beta-endorphin, ngoài ra, thuốc cũng gây giảm cảm giác phấn khích sau uống rượu. Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy, thuốc có thể giúp giảm cường độ và tần suất uống rượu nếu được dùng đúng chỉ định. Những người có tiền sử nghiện rượu mang tính gia đình thường đáp ứng tốt với naltrexone. Ngoài ra, những người có ham muốn uống rượu càng mạnh mẽ trước điều trị thì càng có xu hướng đáp ứng tốt với thuốc. Tuân thủ dùng thuốc cũng là yếu tố quan trọng nhất quyết định hiệu quả điều trị của naltrexone, hiệu quả này chỉ được đảm bảo khi người bệnh phải sử dụng được ít nhất 70 - 90% số lượng thuốc được chỉ định. Dạng thuốc tiêm phóng thích chậm được tiêm bắp 4 tuần 1 lần của naltrexone có thể giúp cải thiện sự tuân thủ điều trị. Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc là gây buồn nôn, chóng mặt và mệt mỏi, nhiễm độc gan có thể xảy ra nhưng rất hiếm gặp ở liều 50mg/ngày. Thuốc nên tránh dùng ở những bệnh nhân có suy giảm chức năng gan hoặc phải lệ thuộc heroin và thuốc phiện.

Nalmefene

Cũng là một chất cạnh tranh thụ thể opioid, hiện đang được nghiên cứu trong điều trị cai nghiện rượu. Mặc dù không có bằng chứng cho thấy nalmefene hiệu quả hơn naltrexone, nhưng có thể là an toàn hơn vì thuốc này không gây nhiễm độc gan.

Acamprosate

Đây là tác nhân chứng minh được hiệu quả rõ rệt nhất trong điều trị cai nghiện rượu, cơ chế tác dụng chính xác còn chưa được biết nhưng có thể do ức chế hệ glutamatergic dẫn đến giảm ham muốn uống rượu. Để đảm bảo hiệu quả, acamprosate nên được dùng sớm ngay khi có thể và dùng kéo dài liên tục để giảm tần suất và mức độ uống rượu. Do thuốc được thải trừ qua thận nên cần giảm liều hoặc tránh dùng ở những bệnh nhân có suy thận nặng. Tác dụng phụ thường gặp nhất của acamprosate là gây tiêu chảy, nhưng thường nhẹ và thoáng qua. Hiệu quả điều trị của acamprosate có thể tăng lên khi thuốc được dùng phối hợp với naltrexone.

Topiramate

Là một thuốc chống động kinh nhưng topiramate lại có những chế tác dụng giúp cho việc điều trị cai nghiện rượu như ức chế GABA và ức chế dẫn truyền glutamate. Hiện nay, do còn có quá ít những nghiên cứu về tác dụng cai nghiện rượu của topiramate nên thuốc thường chỉ được dùng trong chỉ định này theo kinh nghiệm. Các tác dụng phụ thường gặp là gây chóng mặt, rối loạn vận động, giảm trí nhớ và độ tập trung, hầu hết đều nhẹ và tự hết không cần xử trí.

Ondansetron

Là một thuốc ức chế cạnh tranh thụ thể 5-HT3 của serotonin, thường được dùng trong điều trị chống nôn. Thuốc đang được thử nghiệm với những kết quả tương đối khả quan trong điều trị cai nghiện rượu với khả năng giúp giảm lượng rượu được uống do làm giảm ham muốn uống rượu và giảm sự phấn khích do rượu.

BS. Nguyễn Hữu Trường
Theo http://suckhoedoisong.vn/20110218100712156p0c14/cac-thuoc-ho-tro-cai-nghien-ruou.htm, 19/2/2011

No comments: