May 26, 2011

Ghẻ và cách điều trị trong cộng đồng

(Dân trí) - Ghẻ là một bệnh do côn trùng gây nên. Bệnh thường được ghi nhận ở những nơi có quần thể dân cư sống đông đúc, chật chội, điều kiện vệ sinh thấp kém, ăn ở không sạch sẽ... Trẻ con là đối tượng có nhiều nguy cơ bị mắc bệnh ghẻ nhất.



Cái ghẻ và các biểu hiện đặc trưng của bệnh ghẻ (Ảnh:CIMSI)

Đặc điểm của loài ghẻ

Ghẻ có tên khoa học Sarcaptes scabiei gây triệu chứng ngứa trên da người và thường được gọi là bệnh ghẻ. Nhiễm bệnh ghẻ được phát hiện phổ biến và lưu hành khá rộng rãi ở khắp nơi trên toàn cầu.

Ghẻ có kích thước nhỏ khoảng 0,2 - 0,4mm và gần như không thể thấy bằng mắt thường. Trên thực tế, hầu như toàn bộ đời sống của ghẻ ký sinh ở trên da và trong da của con người. Để sinh trưởng, phát triển và đẻ trứng; ghẻ đào những đường ngầm quanh co trong mặt da. Những đường ngầm này mỗi ngày dài thêm khoảng từ 1 - 5mm và có thể nhìn thấy ở trên da những đường xoắn mỏng dài chừng một vài milimét (mm) đến một vài centimét (cm). Thời gian phát triển từ trứng đến ghẻ trưởng thành ít nhất có thể mất khoảng 2 tuần lễ.

Những ghẻ cái có thể sống ký sinh trên cơ thể người từ 1 đến 2 tháng. Nếu rời khỏi cơ thể vật chủ ký sinh, ghẻ chỉ có khả năng sống được vài ngày. Ghẻ có đặc điểm thường ký sinh ở những chỗ da mỏng và có nếp gấp như các kẽ ngón tay, cạnh bàn tay, bàn chân, khuỷu tay, nếp gấp đầu gối, dương vật, vú và bả vai. Ở trẻ con, ghẻ cũng có thể thấy ở mặt và các nơi khác.

Sự lây truyền bệnh và triệu chứng

Ghẻ thường lây truyền trực tiếp do việc tiếp xúc gần gũi giữa con người với con người như những người cùng ngủ chung một giường.

Hầu hết sự lây truyền bệnh ghẻ xảy ra mang tính chất gia đình vì nếu một thành viên trong nhà bị bệnh ghẻ thì khả năng những người khác trong gia đình sẽ bị mắc bệnh ghẻ theo.

Khi bị mắc bệnh ghẻ, triệu chứng ban đầu xuất hiện chỉ là một vết đỏ, hơi nhô lên và ngứa dữ dội. Tiếp theo là sự hình thành các nốt, bọng nước nhỏ, rồi các nốt và bọng nước nhỏ này bị vỡ ra ở trên bề mặt của da. Do ngứa nên người bị mắc bệnh ghẻ thường phải gãi ngứa dẫn đến chảy máu và dịch trong các bọng ghẻ, làm ghẻ có điều kiện phát tán.

Việc gãi ghẻ nhiều, thường xuyên và triền miên gây ra sự bội nhiễm hay nhiễm trùng thứ phát như nhọt đầu đinh, nhọt mủ, eczema. Một đợt ghẻ xâm nhập ào ạt điển hình gây nên dị ứng có thể phát triển ở trên những vùng của cơ thể mà thông thường không bị nhiễm ghẻ như vùng mông, xung quanh thắt lưng, bả vai.

Khi mới bị nhiễm ghẻ, triệu chứng ngứa và lan rộng chưa rõ ràng, sau khoảng từ 4 - 6 tuần thì triệu chứng lâm sàng mới xuất hiện rõ. Đối với những người mới bị nhiễm ghẻ lần đầu tiên thì sự phát triển lan rộng có thể chỉ vài ngày.

Phương pháp thông thường xác định sự nhiễm ghẻ là dùng mũi dao nhọn, nhỏ để cạy phá vài chỗ da bị nhiễm bệnh, lấy bệnh phẩm chuyển sang một phiến lam kính và soi trên kính hiển vi để phát hiện. Có thể dùng dầu mỏ để thu thập và kiểm tra sự nhiễm ghẻ. Một phương pháp khác là dùng mực viết bôi vào vùng da bị nhiễm bệnh và sau đó rửa sạch đi, kiểm tra sẽ phát hiện ra các hang ghẻ ký sinh.

Cách điều trị bệnh ghẻ

Gần đây, thuốc Ivermectin, một loại thuốc dùng để điều trị nang sán và giun chỉ bạch huyết được phát hiện cũng có tác dụng điều trị đối với bệnh ghẻ. Thuốc được điều trị bằng liều độc nhất 100 đến 200µg cho 1 kg trọng lượng cơ thể.

Phương pháp điều trị quy ước là sử dụng các loại hóa chất diệt côn trùng thông thường như Benzyl benzoat 10% dạng nước xức, Lindane 10% dạng nước xức, Crotamiton 10% dạng kem và Permethrin 5% dạng kem. Permethrin là loại hóa chất hiện tại được khuyến cáo sử dụng để điều trị bệnh ghẻ vì nó có tác dụng tốt và ít tác dụng phụ.

Sau khi điều trị thành công, đôi khi triệu chứng ngứa vẫn còn tiếp tục xảy ra nhưng rồi cuối cùng sẽ hết hoàn toàn. Các loại hóa chất có thể sử dụng để xức trên da ở tất cả các phần của cơ thể từ cổ trở xuống, không chỉ ở những chỗ bị ngứa.

Nguyên tắc sử dụng để có hiệu quả là sau khi xức hóa chất, ngày hôm sau mới được rửa đi. Người được điều trị có thể mặc áo quần khoảng sau 15 phút để hóa chất có thời gian khô đi. Hầu hết những phương pháp điều trị đều cho đáp ứng tốt, bệnh có thể khỏi hoàn toàn nhưng đôi khi cũng cần điều trị đợt hai cách một thời gian sau đó khoảng từ 2 - 7 ngày.

Một điều cần thận trọng là không nên điều trị bằng thuốc hóa chất diệt côn trùng quá nhiều vì sẽ bị ảnh hưởng bởi độ độc của một số hợp chất. Vì ghẻ là một bệnh lây lan có tính chất gia đình nên việc điều trị cho cả nhà là vấn đề cần thiết để ngăn ngừa sự tái nhiễm bệnh ghẻ.

BS. Nguyễn Võ Hinh
GĐ TT Phòng chống Sốt rét-KST-CT Thừa Thiên Huế

Bệnh ghẻ và thuốc chữa



Bệnh ghẻ do ký sinh trùng Sarcoptes Scabiei gây nên, hay gặp vào mùa xuân hè. Ở những nước kém phát triển, điều kiện dinh dưỡng và vệ sinh kém, bệnh có thể lây thành dịch địa phương. Ở nước ta, bệnh vẫn còn lưu hành khắp các vùng trong cả nước. Ngay cả những thành phố lớn, bệnh ghẻ vẫn tồn tại.

Con cái ghẻ có kích thước từ 0.3 - 0.5 mm. Cái ghẻ xâm nhập vào đường biểu bì da, đào hầm và đẻ trứng. Chúng đẻ từ 2 - 3 trứng/ngày và đẻ liên tục trong 4 - 6 tuần liền. Ghẻ đực chết ngay sau khi hoàn thành nghĩa vụ phối giống và ghẻ cái cũng chết sau khi đã đẻ hết số trứng của mình. Trứng nở thành ấu trùng và phát triển thành con trưởng thành chỉ trong vòng 3 - 4 ngày.

Bệnh ghẻ lây qua tiếp xúc trực tiếp với người bị ghẻ, nằm chung giường, mặc chung quần áo, dùng chung khăn tắm, tổn thương ghẻ thường ở vùng da mỏng có nhiều nếp nhăn. Chính vì vậy mà bệnh ghẻ được xếp vào nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục. Cái ghẻ có thể sống ngoài cơ thể được 2 - 3 ngày.

Khi bị ghẻ, người bệnh có các triệu chứng: ngứa nhiều về đêm, ngứa tăng khi trời nóng, lao động, thể thao. Mụn nước ở vị trí đặc hiệu, kẽ ngón tay, lằn chỉ cổ tay, nếp gấp bàn tay, vùng thắt lưng, cạp quần, bẹn đùi, sinh dục, nách, núm vú ở phụ nữ. Điều đặc biệt là ghẻ không thấy ở mặt, đầu và 1/3 trên lưng. Đối với trẻ em dưới 2 tuổi, ghẻ có thể bị toàn thân. Có thể dùng kính lúp soi bắt được cái ghẻ nằm ở cuối đường hầm trong da.

Thuốc chữa ghẻ có nhiều loại:

- Đông y thường dùng lá cây ba gạc, lá đào đun nước tắm, nhựa cây máu chó bôi tại chỗ, tắm nước muối, tắm biển...

- Tây y có thể dùng một trong những loại thuốc sau:

D.E.P. (dietyl phtalat) là thuốc chống muỗi vắt đốt nhưng có tác dụng diệt cái ghẻ nhanh và rẻ tiền, ít độc tính. Bôi ngày 2 - 3 lần. Thuốc không nên dùng cho trẻ nhũ nhi và không bôi vào bộ phận sinh dục.

Benzyl benzoat (Ascabiol, scabitox, zylate) là thuốc rất tốt, độ an toàn cao. Bôi, xịt ngày 2 lần cách nhau 15 phút. 24 giờ sau, tắm gội giặt quần áo.

Eurax (crotamintan) 10%, thuốc bôi có tác dụng chống ngứa và diệt cái ghẻ. Cứ 6 - 10 giờ bôi 1 lần thuốc an toàn có thể bôi vào sinh dục và trẻ nhũ nhi.

Permethrin cream 5% (Elimite) là thuốc chữa ghẻ ít độc tính nhất có thể dùng cho trẻ em và phụ nữ có thai.

Lindane (gamma – benzen hexachlorid, kwell) xịt thuốc vào toàn bộ da từ cổ xuống chân. Sau 8 - 12 giờ, tắm rửa thay quần áo, xịt thuốc 2 lần/1 tuần thuốc chứa ghẻ nhanh nhưng độc với thần kinh nên không dùng cho trẻ nhỏ và phụ nữ có thai.

Đối với ghẻ vảy, ngoài thuốc bôi tại chỗ còn phải dùng thêm thuốc uống như ivermactin (đây là thuốc được dùng để điều trị giun chỉ từ năm 1987 nhưng lại rất hiệu quả và an toàn trong điều trị ghẻ, đặc biệt là ghẻ vảy).

Lưu ý khi điều trị ghẻ, phải điều trị cho cả những người sống chung trong gia đình hoặc trong cùng đơn vị, ký túc xá sinh viên, tẩy uế quần áo, ga gối. Trong mùa hè phơi quần áo, ga, gối 3 - 4 nắng. Quần áo giặt để 1 tuần sau mặc lại.

ThS. Đỗ Xuân Khoát

No comments: